Họa sĩ Uyên Huy:

Cần thận trọng mới lưu giữ được hình bóng mỹ thuật Sài Gòn xưa

Thứ Năm, 06/11/2014, 08:00
Tháng 9 vừa qua, họa sĩ, nhà giáo nhân dân Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười) - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM liên tục đón tin vui. Cuốn sách "Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975" mà ông dày công biên soạn vừa ra mắt độc giả chưa lâu đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam năm 2014. Công trình đồ sộ này không chỉ bao gồm nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh quý mà còn là cái nhìn đa chiều về nền mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định trước 1975 vốn bị nhìn nhận chưa đầy đủ và khách quan.

- Thưa họa sĩ, "Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975" đề cập đến nền mỹ thuật có chiều dài lịch sử 75 năm. Nhưng thực tế cuốn sách còn đề cập đến 38 năm trước đó (tức bắt đầu từ năm 1862).  Và nếu nói về hoạt động mỹ thuật trong thời gian trên dưới dạng lịch sử thì hẳn đó là một khó khăn không nhỏ?

+ Đúng vậy. Để có được cái nhìn khá toàn diện về mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định, tôi đã cố gắng sưu tập, tổng hợp tư liệu để viết dưới dạng tư liệu tham khảo có liên quan đến các hoạt động phong phú về mỹ thuật từ mỹ thuật ứng dụng cho tới mỹ thuật tạo hình, kiến trúc và lý luận mỹ thuật…

Cuốn sách được phân chia thành nhiều nội dung. Trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến hai giai đoạn. Đó là giai đoạn từ năm 1925 đến 1954 với sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sự lớn lên của lực lượng nghệ sĩ mỹ thuật đất Gia Định, lực lượng họa sĩ kháng chiến tại trường mỹ thuật, sự ra đời của các tổ chức nghề nghiệp, các cuộc triển lãm tại Sài Gòn và hải ngoại. Giai đoạn mỹ thuật hoạt động sôi nổi nhất phải kể đến giai đoạn năm 1954-1975 với sự ra đời của hàng loạt các trường mỹ thuật, tổ chức nghề nghiệp, hoạt động mỹ thuật cách mạng, mỹ thuật chống độc tài Ngô Đình Diệm, mỹ thuật phản chiến, thị trường mỹ thuật…

Đồng thời, tôi cũng khái quát về các tác giả, tác phẩm đương thời; đồ họa và quảng cáo của Sài Gòn xưa; về lý luận mỹ thuật; sơ nét về quá trình xây dựng công trình kiến trúc và thẩm mỹ đô thị Sài Gòn trước 1975…

Trong suốt 100 năm Pháp thuộc,  20 năm dưới gót giày đế quốc Mỹ, tuy mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định bị ảnh hưởng ít nhiều của hai nền mỹ thuật ngoại lai nhưng nó vẫn giữ được bản sắc của một nền mỹ thuật đô thị đã hơn 300 tuổi với sự đa dạng, giao thoa của mỹ thuật Chămpa, Chân Lạp, Óc Eo, Khmer, người Hoa và Pháp, đầy phóng khoáng, cởi mở.

Họa sĩ Uyên Huy (thứ hai, từ trái sang) tại buổi ra mắt sách "Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975".

- Cuốn sách có khá nhiều tư liệu và hình ảnh quý hiếm như tư liệu về các cơ sở đào tạo mỹ thuật tại Sài Gòn - Gia Định, Biên Hòa, Lái Thiêu - nền tảng đầu tiên góp phần hình thành mỹ thuật Nam Bộ. Cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá rất cao bởi từ trước đến nay, hầu như chưa có cuốn sách hay công trình nghiên cứu nào bao quát, đi sâu khắc họa đời sống cũng như thành tựu của nền mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định trước 1975, góp phần bổ sung nguồn tư liệu quý cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Quá trình thu thập, biên soạn cuốn sách của ông đã diễn ra như thế nào?

+ Sự phát triển của đô thị hiện đại đang làm dấu vết mỹ thuật xưa ít nhiều mất mát, thất lạc, hoặc hư hỏng, nhiều tác giả không được biết đến. Những gì hiện có trong các Bảo tàng, kiến trúc còn tồn tại hiện nay... vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thú thật, khi bắt tay viết cuốn sách, tôi nghĩ mình khó lòng sưu tập tư liệu một cách đầy đủ. Rất may, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã bắt đầu phỏng vấn một số nghệ sĩ cao tuổi như thầy Lưu Đình Khải, Bùi Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Rô… Họ đã cho tôi biết rất nhiều về nền mỹ thuật khu vực này. Về sau, nhờ sự ủng hộ của các đồng nghiệp, được các nghệ sĩ cao tuổi cố vấn, cho mượn tài liệu song song với việc đối chiếu từ nhiều sách, các catalogue của các họa sĩ xưa, cộng với việc đi thực tế thu thập tư liệu ở trong nước lẫn ở nước ngoài… tôi dần có đủ tư liệu để có thể viết sách.

Dù đã cố gắng hết sức, nhưng chắc chắn cuốn sách vẫn chưa thể đi sâu và đầy đủ về mọi mặt của mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định xưa. Nhưng hy vọng đây là sự khởi đầu thuận lợi, tạo động lực để về sau chúng ta có những công trình nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về mỹ thuật của vùng đất này.

- Công tác thu thập tư liệu khó khăn có phải là lý do mà mãi đến năm 2010 ông mới bắt đầu viết sách dù đã tiến hành sưu tầm, thu thập từ hơn 20 năm trước?

+ Tôi là người sinh ra trên đất Sài Gòn - Gia Định. Hơn 50 năm gắn bó với  sáng tác mỹ thuật và 40 năm gắn với công tác giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, tôi có nhiều cơ hội để tìm hiểu về nền mỹ thuật nơi mình sinh sống. Trước khi mất, cố Giáo sư Bùi Văn Kỉnh và cố nhà văn Sơn Nam đã từng khuyên tôi nên ghi lại những hoạt động mỹ thuật đã diễn ra tại vùng đất mà hai vị tiền bối này gắn bó. Đồng thời qua thực tế, tôi nhận thấy nhiều người không hiểu rõ về mỹ thuật của vùng đất này, rất xót xa trước nhận thức sai lạc về mỹ thuật Sài Gòn xưa của một số nghệ sĩ trong và ngoài nước. Cho nên đến năm 2010, khi đã thấy kho tư liệu khá đầy đủ, cũng là lúc mình đã nghỉ hưu nên tôi bắt tay vào thực hiện.

- Như ông đã nói, dấu vết của nền mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa đang phai mờ, mất mát khá nhiều trong đời sống đô thị hiện đại của TP Hồ Chí Minh. Nhiều công trình kiến trúc, tượng đài, cảnh quan đô thị cũ bị xâm hại hoặc bị xóa sổ để phục vụ cho việc quy hoạch đô thị. Có lo ngại rằng điều đó đã và đang làm ký ức đô thị (của TP HCM nói riêng và các đô thị khác nói chung) nhạt nhòa dần. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

+ Sự phát triển đô thị tất yếu sẽ diễn ra tình trạng trên. Tuy nhiên, với một số công trình kiến trúc tiêu biểu, có tính thẩm mỹ cao và giữ trong mình hồn cốt, lịch sử phát triển của thành phố thì việc can thiệp, thay đổi cần hết sức thận trọng. Không ai muốn một người dân nhiều năm đi xa trở về không còn nhận ra thành phố mình từng sống  hoặc chính người dân sở tại cảm thấy xa lạ với thành phố. Có những công trình, tượng đài tuy chất lượng mỹ thuật, xây dựng chưa cao nhưng nó gắn bó máu thịt với người dân, là hình ảnh đại diện cho một địa điểm nhất định của thành phố như các tượng đài trước 1975: Tượng đài Trần Nguyên Hãn, Phù Đổng Thiên Vương, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… Xét về thẩm mỹ, chất liệu, nó đã không còn tương xứng với diện mạo thành phố và bị xuống cấp nghiêm trọng. Để giữ lại hình ảnh đã gắn liền với Sài Gòn một thời, giới chuyên môn dự định sẽ xây dựng những bức tượng mới đẹp hơn, cùng chủ đề để thay thế tượng cũ. Về quy mô, chất liệu cũng như vị trí đặt tượng thì tùy thuộc vào sự quy hoạch hay mở rộng giao thông của thành phố. Không nên xóa bỏ hệ thống tượng đài này vì nó là đặc trung làm nổi bật tinh thần trân trọng lịch sử, anh hùng dân tộc và sự phong phú của tượng đài đô thị Sài Gòn xưa. Riêng các tượng đài có chất lượng quá xấu thì Nhà nước cần có chủ trương "thanh lý" hợp lý.

- Vậy việc Thương xá Tax có lịch sử hơn 100 năm của thành phố bị phá bỏ để xây dựng tuyến tàu điện ngầm metro thì sao, thưa ông?

+ Riêng Thương xá Tax là một công trình kiến trúc không đẹp, nằm ở vị trí đã được người xưa cân nhắc, thiết kế xây dựng. Tuy không phải là công trình thiếu thẩm mỹ nhưng nó đã nhiều lần được tu bổ, sửa chữa nên phong cách kiến trúc cũng bị biến dạng, chỉ còn lại chiếc cầu thang cổ xưa bằng nghệ thuật sắt uốn cùng với đồng thau là giữ nguyên. Cho nên việc đập bỏ Thương xá Tax để xây dựng tàu điện ngầm metro không đến mức phải khiến cho nhiều người tiếc nuối.

Nếu các nhà văn hóa kiến trúc quan tâm đến di tích văn hóa thì xin đến khảo sát công trình Lăng Ông Bà Chiểu. Cổng của công trình này khi xây dựng lại cuối thập niên 70 của thế kỷ trước đã trở nên hoàn toàn thiếu kiến thức lịch sử lẫn thẩm mỹ (cổng trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu). Sau 1975 có người định phá bỏ di tích này và đã cho đập hết hàng rào Lăng để xây dựng Nhà Thiếu nhi. Chứng tích là toàn bộ hàng rào phía hai con đường nói trên được tạo bằng họa tiết lá cây bằng sắt hiện còn tồn tại.

Ở nước ngoài, để phát triển đô thị hài hòa với bảo tồn, người ta quy hoạch rõ ràng khu vực nào xây mới, khu vực nào giữ lại thành một khu riêng biệt, cũng như những di tích không được xâm phạm. Với TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị ở Việt Nam, thiếu diện tích cộng với  nhu cầu phát triển đô thị đang cấp bách nên việc xây dựng gây ảnh hưởng đến cảnh quan mỹ thuật xưa là điều không thể tránh khỏi. Hạn chế ảnh hưởng đến mức thấp nhất phụ thuộc vào tài quy hoạch, tính toán của thành phố.

- Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện này!

Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.