Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh trước thềm Đại hội

Cần người có tâm và có tầm

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:00
Đại hội lần thứ VII của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra vào 2 ngày16 và 17/6/2015. Không khí hướng về đại hội trong hội viên đang sôi động, khi cùng nhau nhìn lại hoạt động của nhiệm kỳ qua và chuẩn bị cho 5 năm tới. Sau đây là ý kiến tâm huyết của một số hội viên với mong muốn đóng góp phát triển hội và đời sống văn học thành phố.

Nhà thơ Nguyễn Công Bình: Quan tâm chất lượng hội viên khi kết nạp

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, tôi nhận thấy Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng hoạt động rõ nét hơn các khoá trước. Cụ thể, mối liên hệ giữa cơ quan Hội với hội viên hàng năm thường xuyên hơn. Các giải thưởng hàng năm được bầu chọn thực chất hơn. Tài trợ cho sáng tác tuy chưa nhiều nhưng diện rộng hơn. Kết nạp hội viên đông đảo hơn nhiều so với các khoá trước. Đặc biệt, Hội đã có một trang mạng khá hoành tráng và hoạt động thường xuyên góp phần đăng tải, lưu giữ và giao lưu nhiều tác phẩm văn học đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Hội cần quan tâm chất lượng hội viên khi kết nạp, tránh tình trạng quá dễ dãi, không nên mở rộng biên độ kết nạp đến mức tầm "hội viên câu lạc bộ cấp phường, quận" như một số trường hợp nhiệm kỳ qua. Có như vậy mới thực sự giữ được vị thế tín nhiệm truyền thống của Hội Nhà văn một thành phố lớn trong lòng bạn yêu văn học.

Đối với giải thưởng sáng tác hàng năm, đã có quy chế và quyết định trao giải thì phải có khoản kinh phí tổ chức và hiện vật kèm theo giải. Hội cần tránh tình trạng "khất nợ" làm mất dần ý nghĩa giải thưởng. Vấn đề không nhất thiết là tiền thưởng bao nhiêu, mà điều quan trọng là kịp thời khích lệ, động viên sáng tác cho hội viên.

Đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh thăm khu lưu niệm Bác Tôn ở An Giang.

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ: Thành lập một Ban Sáng tác và xuất bản

Tôi nghĩ có mấy việc mà trước mắt  Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh làm được. Chẳng hạn như thành lập một Ban Sáng tác, trong đó có chức năng giúp các nhà văn hội viên trong việc ấn hành và ra mắt tác phẩm. Thực tế tôi thấy có nhiều nhà văn, tuy là hội viên, có hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, nhưng chưa biết "đường đi nước bước" của một tác phẩm như thế nào. Đa số tự bỏ tiền ra in ấn thì xin lỗi, thường là sách in xấu, giá lại cao.Vậy thì, với mối quan hệ của mình với các hoạ sĩ chuyên nghiệp, với các nhà in quen biết, Ban Sáng tác có thể giúp các nhà văn thực hiện một ấn phẩm với giá rẻ nhất lại có hình thức đẹp nhất.

Đối với các nhà văn có bản thảo tốt, có thể đưa cho các nhà xuất bản hoặc các công ty sách in Kế hoạch A (tức tác giả không phải bỏ tiền túi) thì chính Ban Sáng tác cũng sẽ làm cầu nối. Thật vô lý khi nhà văn phải tự bỏ tiền túi ra in ấn tác phẩm của mình rồi cứ mang biếu tặng mãi không hết. Sau khi sách ấn hành, Ban Sáng tác sẽ phối hợp với tác giả tổ chức ra mắt sách, tường thuật sinh động và chi tiết lên trang web của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Nếu tác phẩm có chất lượng thì sẽ mời các cây bút chuyên viết điểm sách, các nhà phê bình văn học vào cuộc.

Tôi nghĩ đó là những việc làm trong tầm tay, không quá khó, nếu như chúng ta quy tụ được một đội ngũ tâm huyết, có quyết tâm vì sự phát triển của văn chương thành phố, cũng là phát triển văn chương nước nhà.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân: Hãy xã hội hoá hoạt động Hội

Là thành viên trong Ban Nhà văn trẻ (BNVT) nhiệm kỳ qua của Hội, tôi xin được dẫn ra đây một số hoạt động xã hội hoá đã thực hiện.Trước tiên là Hội nghị Nhà văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 5/2011 tại Bến Nhà Rồng và Cần Giờ. Theo dự định ban đầu của ban tổ chức, vì kinh phí eo hẹp, hội nghị chỉ mời khoảng từ 30-50 cây bút trẻ tham dự. Nhưng khi Ban Nhà văn trẻ "phát loa" trên trang web của Hội, mời các bạn trẻ gửi tác phẩm tham gia ấn phẩm trẻ chào mừng hội nghị thì thật bất ngờ: trong trường học, công sở và ở các quận, huyện vẫn có nhiều bạn trẻ viết giỏi, viết tốt.

Có những cây bút trẻ đến từ các tỉnh, còn rất xa lạ với văn đàn thành phố nhưng dồi dào bút lực.Thế là chúng tôi đề nghị mời tất cả cây bút trẻ đầy triển vọng đã gửi bài về tham gia ấn phẩm. Nhưng vấn đề kinh phí lại được đặt ra. Hội cùng BNVT đã mạnh dạn vận động các doanh nghiệp mặn mà với văn chương, vận động những nhà văn nhà thơ thành danh có điều kiện kinh tế ủng hộ. Nhờ đó, Hội nghị Nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh tập hợp được đông đảo hơn 100 cây bút trẻ ngày ấy bây giờ cũng thu được nhiều "trái ngọt".

Hoạt động hội nhà văn không chỉ là hội họp để bàn về các vấn đề liên quan đến tác giả tác phẩm, mà còn là những chuyến đi thực tế đầy thi vị.Từ những chuyến đi này, ngoài chất liệu quý giá làm nên tác phẩm; các nhà văn còn có cơ hội giao lưu từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau để hiểu biết hơn và viết hay hơn.

Trên tinh thần này, BNVT đã tổ chức được nhiều chuyến đi khá thành công tại Đồng Nai, An Giang, Phú Yên... với kinh phí gần như tự túc hoàn toàn (Hội chỉ 2 lần hỗ trợ được 5 triệu đồng tiền xăng/ 1chuyến đi trong gần hàng chục lần tổ chức). Bằng mối quan hệ có trước, chúng tôi đã "đặt hàng" cho các cơ sở. Cơ sở nào dồi dào kinh phí thì đài thọ các nhà văn ăn ở, không thì "chúng ta hùn". Có nơi phấn khởi tài trợ toàn bộ cho các nhà văn trẻ (thậm chí khi về còn có quà). Có nơi bảo eo hẹp, xin "hùn" 50%. Các nhà văn trẻ cũng rất vui vẻ ở cái khoản "hùn".

Bỏ tiền túi đi thực tế sáng tác, bỏ tiền túi đi giao lưu cũng là một "nghĩa cử" rất "máu lửa" của các cây bút trẻ thân thương của chúng tôi nhiệm kỳ qua.

Dẫn ra những thực tế sinh động kể trên để tôi chứng minh rằng, xã hội hoá hoạt động Hội là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Hội nhà văn có uy tín, được sự vì nể của xã hội, thế thì tại sao chúng ta không khai thác những thế mạnh này.

Nhà văn Kim Quyên: Cần tăng số lượng Uỷ viên Ban chấp hành Hội

Hội hiện có trên 400 hội viên, số người cao tuổi gần phân nửa, số mới kết nạp trong 5 năm qua cũng hơn một trăm nhưng thật tình mà nói, mối quan hệ giữa hội viên mới - cũ thật lỏng lẻo, ít giao tiếp cùng nhau (vì không có nơi chốn để hội tụ đàm đạo chuyện văn chương, nếu có chăng cũng chỉ là ở những CLB của các phường, quận). Mối quan hệ giữa hội viên với BCH cũng chẳng mật thiết. Một năm hội viên viết bao nhiêu tác phẩm, dở hay thế nào BCH không rõ, giữa hội viên muốn đọc nhau thì vô web của Hội. Hội viên sáng tác rất nhiều mà không có đất đăng (lâu lâu mới đưa được một bài lên web, không thể "chen lấn" lên đó hoài) nên thơ văn viết ra rồi tác giả tự in ấn lấy, mang đem biếu bạn bè,…

Số lượng Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ qua chỉ 8 người là hơi ít.Trong nhiệm kỳ mới, tôi đề nghị nên tăng số lượng Uỷ viên Ban chấp hành và bộ phận Thường trực Văn phòng Hội để quán xuyến chu đáo công việc hơn. Hội cũng cần thành lập các ban đối ngoại, dịch thuật, vận động kinh tài từ các mạnh thường quân và các ban ngành khác, đồng thời tích cực thu hội phí hàng năm, có khen thưởng những ai đóng hội phí đều, nhắc nhở những ai thường xuyên "quên" hội phí.

Về tổ chức bàn tròn văn học, cần có ban thẩm định và giới thiệu tác phẩm thường xuyên để hội viên giao lưu trau dồi nghề nghiệp với nhau; xây dựng tủ sách mới cho hội viên tới đọc và cùng đánh giá tác phẩm, nhất là tác phẩm được chọn xét giải.

Chia nhỏ lực lượng hội viên theo từng địa bàn để họ tự quản trong việc sáng tác, in ấn, thu hội phí và thăm viếng nhau khi hữu sự.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh: Cần một Ban Chấp hành mới có năng lực thật sự, một Chủ tịch Hội có uy tín

Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, nghĩ về chuyện các hội viên tự giới thiệu nhân sự bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới 2015-2020, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là đại hội sẽ tìm những người có tâm phục vụ, có tầm cống hiến cho hội những người viết văn của thành phố mang tên Bác. Lo là trong số mấy trăm hội viên đó có tìm ra đủ một Ban chấp hành có tâm, có tầm đại diện cho anh chị em văn chương hay không? Có gạt được những người yếu kém, cơ hội ra khỏi Ban chấp hành mới hay không?

Những chuyện đó chắc chắn phụ thuộc ban tổ chức đại hội, phụ thuộc vào sự sáng suốt của hội viên và những người có cái tâm sáng.

Để cho Hội phát triển đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới trước hết là đổi mới hoạt động của Hội. Muốn vậy, trước hết phải đổi mới Ban chấp hành, nhất là về việc lựa chọn nhân sự. Những ai trong Ban chấp hành cũ mất uy tín, không hoạt động gì đáng kể, thì nên tự nguyện rút lui. Không đưa vào Ban chấp hành mới những người uy tín văn chương yếu, phẩm chất đạo đức kém, trục lợi, chạy chọt, không làm việc, xu nịnh làm mất đoàn kết. Hội cần một Ban chấp hành mới có năng lực thật sự, một Chủ tịch Hội có uy tín, biết làm việc và tập hợp được lòng tin ở hội viên.Hội cần có một nghị quyết xuyên suốt đúng tầm để hoạt động và phát triển.Nghị quyết của đại hội phải được hội viên đóng góp ý kiến thông qua đại hội. Ban chấp hành mới đề ra được các biện pháp để thực hiện nghị quyết mà Ban chấp hành cũ không làm được.

Hùng Tấn (thực hiện)
.
.