Cảm thức về một miền mây trắng

Thứ Tư, 28/12/2005, 14:29

Ở ngoài đời, Hà Văn Thể thuộc típ người không thích để nhịp sống hối thúc nếp sinh hoạt thường nhật. Anh là người mà mỗi sớm ra hoặc khi chiều về, chỉ ưa được khoan thai thưởng thức một chén trà thơm, một ly rượu đậm, thích chép miệng trầm trồ trước một bông hoa nở, một màu nắng mới. Thế nhưng, đọc tập thơ “Lạy xin mây trắng” mới xuất bản của anh, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở Hà Văn Thể hầu như rất hiếm có những bài mang tính đối ẩm, thù tạc.

Thơ Hà Văn Thể thường bộn người, bộn việc, bộn suy nghĩ chứ không “nhàn tản”. Cả tập có tới 40 bài nhưng lạ là chỉ duy nhất có một bài “Vô đề” nhắc tới “em” (mà 4 câu này, nếu chẻ hoe ra thì cũng chưa hẳn đã có thể gọi là thơ tình), còn thì đa phần tác giả đề cập tới chuyện quê hương, chòm xóm, tới con người trong cuộc quật quã mưu sinh đời thường… và một phần còn lại là nỗi quan tâm, lo lắng của nhà thơ trước sự tồn tại ngày càng mong manh và bất ổn của… trái đất. Ở những mảng thơ này, cách nhìn nhận sự việc của tác giả thật thắm thiết và giọng thơ thì hồn hậu.

Đây - những câu thơ anh phác họa cảnh trai gái điền viên với nghề truyền thống trên đồng đất quê anh (đất Tổ Hùng Vương): Con gái, con trai quê tôi/ Lớn lên như chồi, nụ/ Đánh cá dưới sông, cấy lúa trên đồng/ Đất ông, bà một nắng hai sương (bài “Hơi thở”).

Đây - những câu thơ đầy nâng niu thương cảm tác giả viết về một bà mẹ liệt sĩ: Có mây trắng nào trắng hơn chút nữa/ Có ngọn gió nào đi rất dịu êm/ Ngôi nhà mẹ ta nắng mưa ở đó/ Xin kết hoa rung thành nhạc trước thềm. (Bài “Lạy xin mây trắng”).

Bìa tập  thơ của Hà Văn Thể.

Thơ Hà Văn Thể rất giàu cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên trong thơ anh ít được thể hiện trong tư thế yên lành mà thường khắc nghiệt, trong thế chuyển động dữ dội. Gam màu cũng không “mát mắt” mà thường tạo cho con người một sự khắc khoải, lo toan: Cây đào quắt nụ trước sân/ Gió đông thổi rỗng trời gần, trời xa/ Vẫn ton hon những nếp nhà/ Rách lành thì cũng thịt da hứng trời (Bài “Cuối năm”). Điều này cho thấy, trước một hiện tượng bất thường của thiên nhiên, bao giờ Hà Văn Thể cũng nhìn bằng tâm thế của “con nhà nông”. Những câu thơ của anh vì thế càng thêm ám ảnh và có sức nặng.

Nói vậy nhưng ở chỗ này chỗ khác, thiên nhiên trong thơ Hà Văn Thể cũng được thể hiện qua những “nét vẽ” tươi non, trong trẻo lắm. Thậm chí, tác giả có cách nhìn cảnh vật khá ngộ nghĩnh: Đám mây đi suốt đêm/ Sớm ra nghỉ trên bầu trời trước nhà tôi/ Khi ấy, vạn chiếc lá cùng ngửa mặt lên hớn hở/ Xuống đây nào mây ơi/ Cùng đất và cùng lá… Các nàng mây áo trắng chỉ cười/ Nhìn xuống những chiếc hồ đầy nước/ Và cưỡi gió đi tiếp/ Những ngọn gió gốc từ đêm trước (Bài “Đám mây”). Sự liên tưởng khá tươi mới, độc đáo, đặc biệt là câu “Những ngọn gió gốc từ đêm trước”. Gió - dù ít dù nhiều, lúc nào chẳng có? Nhưng ngọn hôm nay ào ạt trổ ra từ “gốc” đêm trước, lạ lắm chứ.

Một đặc điểm không thể không nhắc tới, ấy là cảm thức vũ trụ trong thơ Hà Văn Thể khá mạnh. Nó manh nha từ thời anh viết tập thơ “Khi tôi trên mặt đất” (1991) và càng thể hiện rõ ở tập thơ mới này. Hãy xem cách Hà Văn Thể liên tưởng tới trái đất: Giữa dòng sông quả bưởi lững lờ trôi/ Bầy kiến bám đu nhảy nhót vui cười/ Chúng đang yêu quả bưởi kia/ Như ta yêu trái đất (Bài “Tản mạn”). Giọng thơ cứ tưng tửng nhưng sức ám ảnh của hình tượng thì thật sâu đậm. Chưa hết, đây là đoạn mở đầu bài thơ “Tản mạn mây trắng trên đầu” của Hà Văn Thể: Trái đất thấy mình hẫng đi một chút/ Những vòng lăn ì ạch dưới đường trời/ Nơi này cựa mình trào phun núi lửa/ Nơi kia băng tuyết triệu năm đang tan tác rã rời… Nhà thơ viết ra những câu này không phải để “khủng bố” lòng yêu đời mà để nhắn nhủ chúng ta phải biết nâng niu cuộc sống đời thường mà chúng ta đang được yên hưởng mỗi ngày: Ta sống, người ơi, ta được sống/ Dẫu rủi ro cũng là hạnh phúc rồi/ Vũ trụ vạn kỷ nay bình lặng/ Những tinh cầu hừng hực/ Thầm trôi. Âu cũng là một triết lý nhân sinh của nhà thơ.

Ở “Lạy xin mây trắng”, Hà Văn Thể có một số bài mang đậm nỗi buồn nhân thế. Bài “Đi chợ trần gian” lấy tứ trần gian như một cái chợ, ở đó con người tìm đến để bán - mua những niềm vui, nỗi buồn: Chợ trần gian họp ngày đêm/ Bước chân mỏi mệt vấp trên cõi đời; và hai câu thơ thể hiện sự chấp nhận số phận của anh khiến ta không khỏi bùi ngùi: Tôi mua, bán những buồn, vui/ Dại khôn lẫn với xẻo xui cầm lòng.

Tập thơ “Lạy xin mây trắng” đã thể hiện được một số ưu điểm nghệ thuật của nhà thơ Hà Văn Thể, đặc biệt là tư duy hình tượng - đó là tư duy hình tượng của một thi sĩ đích thực. Về phần nhạc điệu, tuy Hà Văn Thể chưa sa đà vào những lề lối quen thuộc, chưa quá lạm dụng những điệu thơ đã ổn định, song anh cũng chưa thật chú trọng tới việc tạo dựng những điệu thơ mới, thật sảng khoái để chuyển tải ý tưởng. Anh có những ý thơ, tứ thơ sâu sắc nhưng bên cạnh đó vẫn để lọt những câu “độn” còn thật thà. Có thể vì nó chưa được trải ra trên một cái nền thật thăng hoa về nhạc điệu chăng?

.
.