Cảm động “mối tình viễn thông” của hai cựu chiến binh tuổi gần đất xa trời
- Quy định mới về trợ cấp đối với cựu chiến binh
- Cựu chiến binh Trung đoàn 27 về nguồn với những hoạt động thiết thực
- Hàng trăm nghệ sĩ cùng cựu chiến binh tham gia MV vì biển đảo2
- Cựu chiến binh mừng Sinh nhật Bác bằng bộ sưu tập 1.000 bức ảnh và hiện vật về Hồ Chủ Tịch
Từ ngày nhận ra người kia vẫn còn sống, ngày nào đôi bạn già ấy cũng nhắn tin cho nhau. Nhưng không phải là những dòng tin nhắn bình thường mà bằng... thơ. Và họ “yêu nhau” lúc nào không hay. Kết tinh của mối tình ấy là đứa con tinh thần “Hoàng hôn mây trắng” – đó là tập thơ tổng hợp tất cả những tin nhắn bằng thơ mà họ gửi cho nhau trong suốt 3 năm qua.
Duyên trời ta gặp lại nhau
Hai nhân vật mà chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này là ông Phạm Hữu Xuân (bút danh Kinh Bắc) và bà Vũ Thị Thúy Nga (bút danh Mây Tây). Cả hai người đều đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông 78 tuổi, còn cụ bà cũng ngót nghét 70.
Kể lại cơ duyên khiến hai người gặp nhau, ông Xuân không giấu được xúc động: “Hôm đó tôi đọc được một bài thơ in trên một tạp chí gì đó mà tôi không còn nhớ nữa. Bài thơ viết về sông Gianh hay tuyệt. Tôi cứ ngồi lẩm bẩm sao lại có người phụ nữ nào làm thơ hay đến thế.
Vốn yêu thơ nên tôi đã bằng mọi cách để xin được số điện thoại của tác giả. Mục đích gọi chỉ để bày tỏ sự thán phục của mình mà thôi. Ai ngờ trong lúc nói chuyện điện thoại với nhau, nhà thơ nữ đó kể đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường sông Gianh.
Tôi hỏi có biết cái anh lính hải quân tên thế này, hình dáng thế kia không. Không ngờ bà ấy bảo có biết nhưng lại đoán chắc anh ấy hy sinh rồi. Tôi bảo tôi chính là anh lính hải quân ấy đây. Nhận ra nhau, cả hai chúng tôi nghẹn ngào không nói được thành lời”.
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ thơ của ông Xuân. |
48 năm không liên lạc, cũng không biết người kia còn sống hay đã hy sinh, giờ vô tình kết nối lại với nhau, với hai người già, đó là món quà vô giá. Kể từ hôm đó, ngày nào họ cũng nhắn tin cho nhau. Không phải những tin nhắn thông thường mà bằng những dòng thơ dạt dào cảm xúc.
Tin nhắn đầu tiên ông Xuân gửi cho người bạn chiến đấu của mình là vào ngày 29-12-2014: “Hồn thơ theo ánh mây ngàn/ Ơi đôi mắt biếc ơi làn môi xinh/ Ước gì ta gặp được mình/ Người yêu trong mộng, người tình trong mơ”.
Ngay tức khắc bà Nga đáp lại: “Anh đã cho em một mối tình/ Em tuy không đẹp cũng không xinh/ Tuổi hoa em để nơi tiền tuyến/ Còn lại bây giờ thương bệnh binh”. Như sống lại một thời tuổi trẻ, ông Xuân hào hứng với “trò chơi” mới: “Chẳng may em gặp kẻ đa tình/ Với gã: đàn bà ai cũng xinh/ Bạc trắng mái đầu mà vẫn thích/ Cái trò tếu táo của nhà binh”. Cứ như thế họ nhắn tin qua lại cho nhau. Khi thì hỏi thăm rất ân cần, khi lại như hờn dỗi, lúc lại như mơn trớn, cũng nhiều khi là thử tài đối đáp thơ cùng nhau.
Đứa con chung “Hoàng hôn mây trắng”
Ông Xuân tâm sự rằng, 3 năm qua nếu không có “mối tình thơ” ấy, có lẽ ông đã không đủ sức gắng gượng tới ngày hôm nay. Khi vợ chẳng may bị mất vì tai nạn giao thông, ông Xuân đã suy sụp hoàn toàn. Trước đó ông khỏe mạnh bình thường, từ khi vợ vĩnh viễn ra đi, sức khỏe ông yếu đi trông thấy. Đi lại phải chống gậy, trí nhớ suy giảm và nhiều khi cứ lẩn thẩn như người mất hồn.
Ông bảo: “Tôi đi cũng nhiều nơi, gặp cũng rất nhiều người nhưng chưa thấy ai tốt, hiền lành như bà nhà tôi. Chúng tôi sống với nhau hơn 50 năm nhưng chưa một lần to tiếng với nhau. Bà ấy cả đời chỉ biết lo lắng, chăm chút cho chồng, cho con. Nên khi bà ấy mất, mà lại mất đột ngột nên tôi sốc lắm”.
Hồi đó, trong gia đình ai cũng lo rằng, cứ cái đà này chắc ông Xuân cũng sớm đi theo vợ mất thôi. Thế nhưng, cuộc sống luôn có những điều thật bất ngờ, cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Cánh cửa cứu rỗi cuộc đời ông Xuân khi ấy chính là cuộc gặp gỡ định mệnh với người xa xưa.
Bản thân bà Nga cũng là một người phụ nữ góa chồng nhiều năm. Cả hai đều sống đơn độc trong ngôi nhà của mình, bởi con cái họ đều lập nghiệp nơi xa. Trong sự đơn côi đến đáng sợ, hai tâm hồn già đã bấu víu, nương tựa vào nhau mà sống. Dù rằng, trong suốt 3 năm “yêu nhau”, với vô số những tin nhắn trao đi, gửi lại nhưng họ cũng mới chỉ gặp nhau có 3 lần.
Một lần cụ ông Phạm Hữu Xuân nhờ người cháu rể chở thẳng lên nhà “người yêu trong mộng” ở Nam Định. “Nhìn thấy bà ấy đang một mình ngồi thẫn thờ bên bàn nước mà tôi chảy nước mắt. Nghĩ cái cảnh cô đơn của bà ấy mà tôi thấy đau lòng quá” – ông Xuân nhớ lại. Lần thứ 2 họ gặp nhau là khi bà Nga xuống dự hội thơ ở Quảng Ninh (quê ông Xuân).
Và lần thứ 3 là cả hai người cùng đi dự hội Thơ Đường toàn quốc ở Phú Thọ. “Bà ấy “đáo để” lắm. Cái lần xuống quê tôi dự hội thơ, bà ấy mặc cả là không vào nhà tôi ngủ, và sẽ đi hai người. Mặc kệ, tôi muốn sắp xếp cho bà ấy với người đi cùng ngủ ở đâu cũng được” – ông Xuân dí dỏm kể lại.
Hồi đầu khi biết ông Xuân có “người mới”, con cái ông đã phản đối rất quyết liệt. Bởi các con ông cảm thấy tổn thương khi mẹ mình mới mất chưa được bao lâu, bố đã nảy sinh tình cảm với người đàn bà khác. Nhưng sau đó, khi đã hiểu chuyện, rằng chỉ có thứ tình cảm đó mới kéo bố ra khỏi được nỗi buồn, nỗi cô đơn mất vợ thì các con của ông đã tích cực vun vào.
Ông Xuân và bà Nga trong một lần gặp nhau tại hội thơ của tỉnh Phú Thọ. |
Trong mối tình này, nhiều lần ông Xuân gợi ý về một sự sum vầy, đầm ấm: “Người ơi vò võ canh trường/ Một chăn, một đệm, một giường bấy nay/ Muốn ngăn gió lạnh hơi may/ Đường xa xin gửi cánh tay gối đầu” nhưng đã bị bà Nga từ chối: “Người cho em mượn cánh tay/ Đã đem gối tạm những ngày rét đông/ Mượn luôn một chút hơi nồng/ Để vơi bớt nỗi bâng khuâng canh dài/ Ừ, cho mượn vậy, không nài/ Chẳng e trăn trở đúng, sai làm gì/ Còn đâu như buổi xuân thì/ Ngày thì khao khát, đêm thì khát khao”.
Gần 300 tin nhắn bằng thơ được hai người già đang yêu gửi trao cho nhau. Mỗi tin nhắn dù là gửi đi hay nhận về cũng được ông Xuân ghi chép cẩn thận vào một quyển sổ của mình. Khi bạn thơ đến chơi, ông lại mang những tin nhắn ấy ra khoe. Và nhiều người trong số họ đã khuyên ông nên in ra thành một tập thơ.
Ông chia sẻ: “Nói thật, khi tôi xuất bản tập thơ “Vạt nắng cuối trời”, tôi cũng tin rằng đó là tập thơ cuối cùng của đời tôi. Vì khi ấy tuổi tôi đã cao, sức tôi cũng đã yếu lắm rồi. Thế mà ông giời chưa bắt tôi chết, lại còn cho tôi sức mạnh để hồi sinh. Tôi cũng nghĩ rất nhiều về lời khuyên của bạn bè về chuyện in thơ.
Cũng trăn trở lắm, vì mình già rồi giờ lại công khai những tin nhắn yêu đương sợ có quá đà không? Để có thêm động lực, tôi đã gửi tập bản thảo ấy tới 30 người bạn yêu thơ để họ cho lời khuyên. Ai ngờ cả 30 người đó đều khen thơ rất tình và khuyên tôi xuất bản. Nhưng cửa ải “khó khăn” nhất lại là bà ấy. Bà ấy bảo không muốn bị thiên hạ ì xèo vì già rồi còn “này nọ”. Tôi phải bền bỉ thuyết phục lắm mới được bà ấy đồng ý đấy”.
Nói rồi ông Xuân giải thích vì sao lại đặt tựa đề tập thơ chung là “Hoàng hôn mây trắng”. Ông bảo, hoàng hôn tượng trưng cho chiều muộn, tức là tuổi xế chiều, còn mây trắng là tượng trưng cho sự trong trắng. Ý chung lại, đó là mối tình già nhưng rất trong sáng, một tình yêu tinh thần.
Dù là vậy nhưng ông vẫn phải thốt lên rằng: “Chỉ là một mối tình chay/ Mà sao chát mặn thế này người ơi!”. Cũng như ông Xuân, bà Nga chia sẻ rằng, con người khi đã yêu nhau thì dù trẻ hay già cũng đều có tâm lý muốn được ở bên người mình yêu. Thế nhưng: “Trách ông trời khéo bất công/ Đã se tình muộn lại không cho gần”.
Dù không một ngày ở cạnh nhau, không sống cuộc sống vợ chồng giống như bao cặp vợ chồng khác nhưng trong thâm tâm họ, người kia chính là một nửa đích thực của mình. Hằng ngày, ngoài nhắn tin thơ hỏi thăm nhau, ông Xuân vẫn đôi ba lần gọi điện cho bà Nga để chắc chắn bà vẫn khỏe: “Nhiều khi nhắn tin, bà ấy nói vẫn ổn, nhưng đến khi điện thoại thì giọng khản đặc. Thế nên cứ phải gọi điện cho chắc. Sáng ra mà nghe giọng bà ấy trong trẻo là tôi yên tâm, còn hôm nào giọng khào khào là lòng tôi lại như lửa đốt. Chẳng biết phải làm cách nào để có thể chăm sóc cho bà ấy được”.
Một “Mối tình chắp cánh viễn thông/ Chỉ nghe tín hiệu mà không thấy người” nhưng đã sưởi ấm tâm hồn cho hai phận người cô đơn, giúp họ quên đi rằng mình đã già để mà đắm say yêu nhau. Và cũng là để thêm một lần nữa giúp họ được “Trở về cái thủơ bình minh/ Con tim thánh thiện, chữ tình vô biên”.