Cải lương và gameshow truyền hình: Ai cứu rỗi ai?

Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:24
Bạch Công Khanh vừa lên ngôi Quán quân "Gương mặt thân quen" 2016. Trước đó, ca sĩ Hà Vân cũng giành phần thưởng cao nhất trong một đêm thi của "Biến hóa hoàn hảo". "Bảo bối" giúp họ tạo nên sự khác biệt là những trích đoạn cải lương mang hồn cốt dân tộc.


Cùng với loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, hát xẩm, chầu văn..., cải lương đang trở thành "át chủ bài" của nhiều gameshow. Ngoài chương trình "Chuông vàng vọng cổ" (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) có format truyền hình thực tế đã kéo dài 11 năm thì gần đây hàng loạt gameshow thuần về cải lương, đờn ca tài tử ra đời như: "Ai rành sáu câu", "Hạt ngọc mùa vàng", "Giọng ca nhí: Hò xự xang xê cống", "Tài tử tranh tài"... Mới đây nhất là chương trình "Sao nối ngôi" quy tụ thế hệ con cháu của nghệ sĩ cải lương lên sóng.

Nhưng có lẽ khi Hoài Lâm gây bão trong màn hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga diễn trích đoạn "Tiếng trống Mê Linh" (chương trình "Gương mặt thân quen" 2014) thì thời kỳ nghệ thuật truyền thống chen chân vào gameshow giải trí hỗn hợp và trở thành đặc sản mới bắt đầu nở rộ.

Vừa mang tới món lạ, lại vừa được tiếng là giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Liên tiếp các mùa sau của "Gương mặt thân quen" đều khai thác triệt để cải lương. Nổi trội như nghệ sĩ Phan Ngọc Luân hóa thân thành NSƯT Tú Sương trong trích đoạn "Xử án Phi Giao". Ở "Người bí ẩn", "Cùng nhau tỏa sáng", "Hoán đổi", "Biến hóa hoàn hảo"... thí sinh thường mang đến các trích đoạn cải lương kinh điển như: "Câu thơ yên ngựa", "Bên cầu dệt lụa", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Đời cô Lựu"....

Hóa thân NSND Bạch Tuyết do Bạch Công Khanh thể hiện trong trích đoạn "Kiều Nguyệt Nga" được lòng giám khảo nhưng vấp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng.

Các trích đoạn được giám khảo và khán giả hưởng ứng nồng nhiệt. Chẳng thế mà ca sĩ Hà Vân nhận rất nhiều lời khen khi diễn trích đoạn "Phụng Nghi Đình". Ngay cả các gameshow hài kịch như "Làng hài mở hội", "Cười xuyên Việt", "Hội ngộ danh hài", "Ơn giời, cậu đây rồi"... hay gameshow cho trẻ em như "Thử tài siêu nhí", "Người hùng tí hon" cũng không bỏ qua "con mồi" béo bở này. Các bài bản, vọng cổ mùi mẫn kết hợp với khúc dân ca, bolero ngọt lừ dễ lấy cảm xúc của người xem. Nó càng mới lạ khi xuất hiện trên sân khấu hài, do các danh hài hoặc thí sinh nhỏ tuổi thể hiện.

Cũng dễ hiểu vì sao cải lương lại ăn khách như vậy bởi gameshow khai thác âm nhạc Âu Á, nhảy múa hay hài kịch đã bắt đầu bão hòa. Giữa rừng màu sắc lòe loẹt, âm thanh xập xình và có nội dung na ná nhau như vậy thì cải lương xuất hiện như cơn gió mát lành xoa dịu lòng người, đẩy xô bồ đi xa.

Lời ca ngọt ngào, điệu nhạc quen thuộc khiến người xem cảm thấy thân thương như trở về mái tranh, cánh đồng, lũy tre muôn đời yên bình, chất phác của làng quê Việt. Ở đó, nghệ sĩ có thể thử sức, khám phá mình. Bởi hình thức, trang phục của cải lương thường được đầu tư công phu, giọng hát phải rèn giũa và nội dung lại chuẩn mực, ý nghĩa. Không cần nhiều, chỉ cần  một, hai tiết mục cải lương đã đủ níu chân, làm bừng sáng cả một đêm nhạc.

Gameshow ưu ái cải lương đồng nghĩa với việc các ngôi sao cải lương được trọng vọng. Nhận khá nhiều lời mời ngồi ghế nóng, NSND Bạch Tuyết vui mừng: "Nếu thấy mình có thể đóng góp được gì đó để giúp các em nghệ sĩ trẻ vững bước với nghệ thuật cải lương thì tôi luôn sẵn sàng nhận lời. Gameshow truyền hình cũng là nơi để cải lương thích nghi sao cho phù hợp với nhịp sống đương đại".

Riêng NSƯT Kim Tử Long là  khách mời thường xuyên của chương trình "Hội ngộ danh hài" và "Danh hài đất Việt". Anh cho rằng: "Đưa cải lương vào gameshow, chương trình truyền hình thực tế là cách làm mới, tạo điều kiện cho nghệ sĩ cải lương có thể tiếp cận với công chúng và đưa cải lương đến gần với khán giả trẻ".

Trong khi gameshow lâm vào tình trạng bão hòa, nhàm chán với ca hát, nhảy múa, hài kịch còn đời sống cải lương èo uột vì người làm nghề mai một, thiếu rạp biểu diễn... thì chẳng biết sự kết hợp của gameshow và cải lương là ai đang cứu rỗi ai?

Tuy nhiên, với giới chuyên môn, số lượng gameshow giải trí nhiều hơn gameshow tìm kiếm tài năng cải lương là mối lo hơn nỗi mừng. Vì tính giải trí cao nên dễ dẫn đến việc thương mại hóa, sử dụng chiêu trò câu khách khiến cải lương đứng trước nguy cơ biến dạng, méo mó.

Ở gameshow giải trí như "Gương mặt thân quen", "Người bí ẩn", "Thử tài siêu nhí", "Hội ngộ danh hài", "Danh hài đất Việt", "Cùng nhau tỏa sáng"... thường thấy nhà đài lạm dụng chiêu trò nam giả nữ, lạm dụng tài năng nhí hay hài hóa cải lương. "Người bí ẩn" từng giới thiệu một chàng trai có thể giả giọng các nữ nghệ sĩ cải lương gạo cội như Lệ Thủy, Bạch Tuyết.... 

Anh chàng giả giọng rất giống nhưng điệu bộ, khuôn mặt nam tính không mấy ăn nhập. Hay Bạch Công Khanh dù gây ấn tượng với một số tiết mục cải lương trước đó nhưng khi hóa thân  NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn "Kiều Nguyệt Nga"  và đoạt Quán quân "Gương mặt thân quen" 2016, anh vấp phải tranh cãi.

Ngoài điệu bộ, thần thái bắt chước NSND Bạch Tuyết khá lố thì Bạch Công Khanh còn khiến người ta sởn gai ốc vì chất giọng ái nam ái nữ. Nó khiến người xem mắc cười nhiều hơn là cảm động, khâm phục để thấy được nét đẹp của nghệ thuật này như Hoài Lâm từng thể hiện rất mượt mà.

Ca sĩ Hà Vân biểu diễn trích đoạn "Phụng Nghi Đình" trong chương trình "Biến hóa hoàn hảo".

Hài hóa như con dao hai lưỡi nếu nghệ sĩ muốn đổi mới cải lương. Vở cải lương hài "Tương phùng" (chương trình "Hoán đổi") của Anh Đức may thay chưa bị phản cảm nhưng thông điệp quá nhạt so với yếu tố gây cười từ các bài tân cổ hóa ca khúc "Em của ngày hôm qua", "Khuôn mặt đáng thương"...

Trấn Thành đã bị "đứt tay" khi hài hóa trích đoạn "Đời cô Lựu" trong gameshow "Hội ngộ danh hài" với nhận xét phản cảm dành cho nhân vật của NSND Ngọc Giàu: "Em là tháp dinh dưỡng bao béo phì". Nhân vật cô Kim Anh trong trích đoạn này do một nam nghệ sĩ giả gái đảm nhận, trông rất thô thiển. 

NSND Bạch Tuyết thừa nhận: "Bản thân cải lương vốn là loại hình nghệ thuật rất tiến bộ và văn minh, là gạch nối giữa hôm nay và ngày mai. Lịch sử cho thấy nó luôn tiếp thu và vận động không ngừng để thích nghi với từng giai đoạn cụ thể. Do đó chúng ta được quyền đổi mới cải lương".

Để làm được điều này phải dựa trên những hiểu biết đặc thù về cái "động", cái "tĩnh" của cải lương. Chẳng hạn như cải lương vẫn có hài, nhưng đó là kiểu hài đặc trưng của ngôn ngữ, âm nhạc, câu chuyện đậm tính dân gian và có bài bản hẳn hoi. Nó không phải là kiểu hài nhảm, tung hứng tùy lúc như kịch. Dù hài nhưng nghệ sĩ ca vọng cổ hay hát tân nhạc phải mượt chứ không thể phá nát, hát lạc tông như con gái Lê Giang trong "Sao nối ngôi".

Và hiện đại không có nghĩa là lồng bản rap suồng sã vào trích đoạn "Lan và Điệp" như Nam Cường và Quế Vân trong "Cặp đôi hoàn hảo": "Em cần gì anh cũng sẽ chi: một chiếc Audi, một túi LV, hay là ta xách va li, cùng tới Cali, cùng đi du hí"; "Em không cần gì, miễn là anh đừng có bồ nhí"...

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh vẫn chưa xem gameshow là mảnh đất để cải lương hồi sinh. Nếu hồi sinh, cải lương phải có đời sống sân khấu sôi động. Nghĩa là phải có rạp hát đúng chuẩn, khán giả phải đến rạp mới thưởng thức hết cái hay cái đẹp của loại hình nghệ thuật này chứ không chỉ xem qua màn hình tivi, và phải có những vở dựng mới với lực lượng diễn viên, soạn giả...  hùng hậu, giỏi nghề.

Dễ nhận thấy, do hạn chế về thời gian phát sóng, tiết mục cải lương trên truyền hình chủ yếu diễn các trích đoạn ngắn chứ không thể nào nguyên vở, tính sáng tạo không nhiều vì toàn diễn lại vở kinh điển. Còn người chơi chỉ coi cải lương là cách để khoác tấm áo khác biệt. Thực tế, dù cải lương trên gameshow rầm rộ nhưng rạp hát vẫn đìu hiu, nghệ sĩ vẫn phải chạy show đám ma, đám cưới để mưu sinh, lực lượng phân tán và thiếu trầm trọng...

Cho nên, gameshow giải trí chỉ là nơi tạm bợ của cải lương. Trong khi đó, các chương trình tìm kiếm tài năng thực thụ cung cấp đội ngũ trẻ cho loại hình nghệ thuật này như "Chuông vàng vọng cổ", "Hạt ngọc mùa vàng"... lại lép vế và hiệu ứng không lan tỏa sâu rộng bằng các chương trình giải trí trên.

Năm nay, để "Chuông vàng vọng cổ" tiếp cận với công chúng rộng rãi hơn, NSƯT Lê Thụy - Tổng đạo diễn chương trình - cho hay sẽ có sự cách tân. "Thính phòng giao hưởng có vô được với vọng cổ hay không? Nhạc trẻ, rock có vô được vọng cổ hay không? Đây là bài toán hết sức phức tạp nhưng cực kỳ thú vị. Thú vị vì bắt buộc chúng tôi phải tìm được sự hài hòa giữa cái tân và cái cổ, giữa trào lưu thế giới kết hợp với bản sắc dân tộc. Trước mắt, chúng tôi sẽ thể nghiệm để khi đến với công chúng thì chắc chắn chúng tôi phải tìm ra được chìa khóa" - ông nói.

Phan Thi Uyên
.
.