Cái khăn một mảnh tâm hồn Việt

Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:58
Cái khăn trong ca dao người Việt là cả một tâm hồn phập phồng yêu đương: “Ước gì anh hóa ra hoa/ Để em nâng lấy rồi mà cài khăn”. Không còn là mảnh vải thông thường mà trở thành vật “bảo hiểm” cho tình cho nghĩa: “Em về anh mượn khăn tay/ Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên”...

Sống ở xứ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên cái khăn quen thuộc với người Việt, để che nắng che gió vào mùa hè, để quàng cổ cho ấm vào mùa đông. Đấy là xét theo nghĩa thực dụng. Còn về văn hóa thẩm mỹ thì còn để làm duyên, để tôn lên vẻ đẹp, để trao gửi, ký thác... rộng hơn là một ký hiệu vùng miền. Người Nam Bộ không thể thiếu khăn rằn, người Thái Tây Bắc gắn liền với khăn piêu... Rộng nữa, nếu thấy phụ nữ trùm khăn đen thì là người theo đạo Hồi...

Cái khăn trong ca dao người Việt là cả một tâm hồn phập phồng yêu đương: “Ước gì anh hóa ra hoa/ Để em nâng lấy rồi mà cài khăn”. Không còn là mảnh vải thông thường mà trở thành vật “bảo hiểm” cho tình cho nghĩa: “Em về anh mượn khăn tay/ Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên”. Đến tuổi yêu mà nhận khăn tay của nhau tức là nhận lời yêu rồi. Thế nên một trong những bài ca dao tình yêu hay nhất dứt khoát phải có hình tượng này làm trung tâm: “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn chùi nước mắt/ Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên/ Đêm qua em những lo phiền/ Lo vì một nỗi không yên một bề…”.

Ở đây cái khăn chính là hình tượng người con gái đang hồi hộp, khắc khoải, da diết yêu. Đây là tình yêu điển hình của người con gái: yêu ở mọi không gian (dưới đất, trên vai); yêu không kể thời gian (ban ngày, ban đêm); thể hiện yêu mọi cung bậc, trạng thái (thương nhớ, lo phiền, không yên... bồn chồn, bàng hoàng, thảng thốt...). Không hề thấy bóng dáng chàng trai nhưng ta lại tưởng tượng ra được để “ghen” với cái chàng này sung sướng, hạnh phúc nhất thế giới. Vì... được yêu như vậy, được làm người con gái thổn thức, khổ đau... như vậy!

Khăn mỏ quạ là điểm nhấn trong trang phục Quan họ!

Cái khăn quen thuộc đến mức trở thành phổ quát chỉ chung cho mọi đồ vật để bắt đầu cuộc hành trình (khăn gói lên đường). Khi đã “khăn gói” tức là đã quyết định dứt khoát rồi: “Tay mang khăn gói sang sông/ Mẹ gọi mặc mẹ theo chồng cứ theo”... Chính vì thế mà cái khăn người Việt phóng khoáng, dân chủ hơn nhiều cái khăn trong nhiều nền văn hóa khác. Ví như đạo Hồi... Truyền thuyết xứ Ba Tư kể một vị vua, chắc đã từng chứng kiến nên mới quan niệm nguồn gốc mọi tội lỗi bắt đầu từ  sắc đẹp của người phụ nữ. Thế là Ngài ra quy định chỉ có người chồng mới có quyền được ngắm vợ mình nên tất cả phụ nữ trong nước phải che mặt mỗi khi ra đường cũng như khi gặp người lạ. Thế là từ đó văn hóa trang phục đạo Hồi xuất hiện các khái niệm “Burqa”, “niqab” chỉ những loại khăn trùm đầu truyền thống của phụ nữ.

“Burqa” là loại khăn “truyền thống” nhất gần như trùm kín người phụ nữ từ đầu đến chân, chỉ nhìn bên ngoài qua một lớp mạng che. Hồi giáo cho rằng phụ nữ che mặt là thể hiện sự tôn trọng gia đình, là để bảo vệ phẩm giá, tiết hạnh. Có vậy mới được người đàn ông coi trọng và bảo vệ. Ngược lại, người đàn ông (chồng) sẽ bị coi thường là hèn nhát và yếu đuối.

Không hề có ý so sánh hơn thấp, vì đó là bản sắc nhưng dễ thấy hình tượng khăn ở nhiều nền văn hóa gói chặt lại một thân phận thì trong văn hóa Việt lại mở ra, ví như mở sang địa hạt tâm linh. Sách “Thọ Mai gia lễ” quy định nhà có bố/mẹ qua đời thì con cháu phải để tang bằng khăn, gọi là khăn xô thắt có hai dải sau lưng (khăn ngang). Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai dải bằng nhau, nếu còn mẹ/cha thì hai dải dài ngắn lệch nhau. Chắt để tang cụ bằng “hoàng tang” (chít khăn vàng). Chít để tang kỵ bằng “hồng tang” (chít khăn đỏ). Còn lại đều là màu trắng. Nhưng mở rộng nhất là có nhiều loại hình khăn.

Với phụ nữ Việt truyền thống thì không thể thiếu khăn mỏ quạ. Gọi thế vì nó giống mỏ quạ - loại chim quen thuộc thời trước. Đó là khăn chít đầu màu đen, gấp chéo thành góc nhọn trước trán. Độ linh hoạt của nó chính là ở chỗ chít sao cho vừa, cho hợp để tạo cho khuôn mặt như chiếc búp sen. Muốn thế phải có “khăn vấn” bên trong vừa quấn tóc vừa che phía trước trán rồi vòng sau gáy nâng khăn mỏ quạ cân xứng với khuôn mặt.

Thế nên ca dao mới nói rất đúng là: “Vấn khăn mỏ quạ làm duyên/ Chị hai duyên dáng bên thuyền đợi ai/ Mày ngài, mắt sáng sao mai/ Lưng ong thắt đáy, với ai đợi chờ”. Thì ra cái “khâu” vấn khăn mới là quyết định, “vấn” trước, “chít” sau: “Người nào mà xấu như ma/ Chít khăn mỏ quạ cũng ra dáng người”.

Vấn khăn chính là hành động chung cho cả nam nữ. Vì ngày trước đàn ông không cắt tóc nên phải vấn tóc lên rồi búi thành “củ” sau gáy. Gọi là “búi tóc củ hành”, khi vấn khăn thì tóc được búi cao hơn về đỉnh đầu phía sau. Khái niệm “khăn đóng” chính là chỉ hình tượng này (của đàn ông). Đến tận đầu thế kỷ XX, do giao lưu văn hóa mới có “khăn xếp” gọn và lịch sự hơn. Lại có quy định bất thành văn về tuổi, đàn ông 50-60 đội khăn màu đen, 70-80 màu đỏ, trên nữa thì màu vàng.

Nhìn theo loại hình vùng miền thì ở Nam bộ chiếc khăn rằn (cùng với áo bà ba) là nổi bật để rồi trở thành biểu tượng văn hóa. Có nguồn gốc từ văn hóa Khmer, khăn rằn thường có hai màu đen, trắng hoặc nâu trắng đan chéo nhau tạo thành những ô vuông nhỏ phân bố khắp mặt khăn dài khoảng 1,2m rộng khoảng 40- 50cm. Phải chăng từ đặc trưng này mà gọi “khăn rằn” bình dị. Tính năng phổ quát của khăn rằn rất rộng rãi, ai cũng có thể dùng. Để choàng đầu (phụ nữ), để buộc ngang trán (đàn ông), để quàng cổ, để vắt vai... Các loại hình nghệ thuật nói về đời sống người Nam Bộ dứt khoát phải có hình tượng khăn rằn!

Nói tới văn hóa dân tộc Thái Tây Bắc thì không thiếu khăn piêu. Ca sỹ Tùng Dương nổi danh một phần nhờ thể hiện rất hay bài hát “Chiếc khăn piêu” (của Doãn Nho). Với người Thái thì khăn piêu là “tín vật” cho tình yêu đôi lứa, là vật trang sức, là sứ giả của tình yêu. Với người phụ nữ thì khăn piêu gắn bó với cuộc đời họ như hình với bóng.

Truyền thuyết kể, ngày xưa ở một mường toàn con gái (Mường Mẹ) nếu đàn ông lạc vào đều bị xua đuổi. Có một chàng trai ở Mường Cha (toàn đàn ông) được một cô gái xinh đẹp ở Mường Mẹ yêu thương. Hai người quyết tâm vượt qua những quy định ngặt nghèo từ bao đời để cùng ở chung một nhà sàn.

Khăn trùm đầu Hồi giáo đã cởi mở hơn!

Chàng trai về thưa với Mường Cha sang cầu hôn nhưng Mường Mẹ quyết giữ luật tục ngàn đời. Nhưng cuối cùng Mường Mẹ đành chịu thua trước tình yêu vững như núi đá của đôi trẻ. Họ cho các thiếu nữ xinh đẹp thêu khăn piêu rồi in dấu vân tay làm chứng trước khi về nhà chồng. Từ đó trai gái yêu nhau thường lấy chiếc khăn piêu để nói hộ lòng mình. Các cô gái thường tặng người yêu chiếc khăn piêu đẹp nhất. Với các chàng trai họ giữ và quý khăn piêu người yêu tặng như tính mạng, như thân thể mình.

Phụ nữ Thái tự dệt khăn bằng vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Nhìn chiếc khăn có thể biết chủ nhân là người tài hoa, siêng năng, chịu khó, khéo léo và tâm hồn thơ mộng, bay bổng thế nào. Khăn piêu luôn được thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc được hiện lên ở mặt phải. Hoa văn khăn piêu thường chính là bóng hình cuộc sống Tây Bắc với hình cỏ cây, hoa lá, chim muông. Những nút vải màu to bằng khuy áo, giống ngọn rau dớn cuộn tròn gọi là “cút piêu” được làm rất cầu kỳ, tỷ mỷ đòi hòi phải kiên nhẫn.

Ở thời đại hôm nay hầu hết người lớn và hầu hết trẻ em tuổi thiếu niên đã và đang đeo khăn quàng đỏ là chiếc khăn thiêng liêng của Đội Thiếu niên Tiền phong. Khăn màu đỏ hình tam giác, cạnh dưới dài 100cm, chiều cao 30cm, hai cạnh còn lại dài 58,3cm. Màu đỏ là màu của quốc kỳ, màu của cách mạng, màu của chiến công, cũng là màu của máu các Liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Ba góc của chiếc khăn tượng trưng cho mối liên hệ hữu cơ bền chặt giữa Đội Thiếu niên với Đảng lãnh đạo, với Đoàn Thanh niên. Vào những dịp Lễ hay vào các kỳ Đại hội của Đảng, của Đoàn các bạn đội viên trân trọng quàng chiếc khăn đỏ cho các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho các anh chị lãnh đạo Đoàn Thanh niên với hàm ý các cháu thiếu niên sẽ kế thừa sứ mệnh vẻ vang của các bác, các anh chị.

Lời bài hát “Khăn quàng thắm mãi vai em” (nhạc và lời Ngô Ngọc Báu) thật trẻ trung, vui tươi, giàu ý nghĩa: “Nhìn bao khăn thắm tươi/ Lòng ngập bao sướng vui/ Cùng hát vang lên chào đón tương lai/ Màu khăn tươi nhắc em/ Học tập luôn gắng siêng/ Làm sao cho khăn quàng thắm mãi vai em/...Tương lai em như ngàn đóa hoa tươi/ Nở trong ánh mắt tưng bừng sớm mai!”.


Nguyễn Thanh Tú
.
.