Chuyện làng văn nghệ

Cái giá của bút tích nhà văn

Thứ Năm, 04/08/2011, 08:10

Với những người nổi tiếng, dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa thì bao giờ công chúng cũng có ý thích được tiếp xúc, chụp ảnh và lưu giữ chữ ký, bút tích của họ. Các nhà văn tên tuổi càng là đối tượng bị "săn lùng" mạnh. Và, trong từng hoàn cảnh cụ thể, đã có một số nhà văn tìm được cách ứng phó thông minh và thu về được những điều hữu ích cho mình.

Tương truyền, nhà văn Anh nổi tiếng Rudyard Kipling (giải Nobel văn học 1907) có thói quen bán chữ cho các tòa soạn bằng cách đếm chữ thu tiền. Từng có thời, mỗi chữ của ông được trả vào loại cao nhất trong các nhà văn trên thế giới.

Một lần, Kipling đang ở Pháp thì nhận được một phong bì, bên trong là số tiền 5 franc. Tác giả bức thư viết mấy dòng giải thích là ông ta vốn rất hâm mộ văn tài Kipling, ngặt vì "túng" quá nên chỉ có thể gửi cho nhà văn được bằng ấy, mong nhà văn hạ cố viết tặng cho ông ta… một chữ. Tuy nhiên, chữ ấy phải làm ông ta hài lòng.

Kipling đọc xong bức thư, ông bình thản lấy bút viết đúng một chữ, đủ đáp ứng yêu cầu của tác giả bức thư. Chữ ấy như sau: "Merci" (cảm ơn).

Văn hào Mỹ Mark Twain cũng là người thường xuyên nhận được yêu cầu tặng… chữ ký. Với những người mà ông có cảm tình, ông sẵn sàng đáp ứng. Như có lần, một người bạn đã tỉ mẩn thu dọn những tàn thuốc lá vương vãi xung quanh chỗ ngồi của nhà văn, cho vào hộp, dán giấy lên và đề nghị nhà văn ký vào đấy, coi như một thứ lưu niệm. Mark Twain đã nghiêm túc thực hiện đề nghị của người bạn. Thậm chí ông còn viết: "Tôi xác nhận đây là tàn thuốc của tôi - S.Clemens" (Clemens là tên thật của Mark Twain). Tuy nhiên, với trường hợp mà ông ghét, ông lại có cách xử sự khác. Như một lần ông đi du lịch sang Cuba. Tại đây, ông gặp một nhà tư sản Mỹ. Nhà tư sản này xin được Mark Twain "ký cho một chữ" làm kỷ niệm. Vốn ác cảm với những vị tư sản bóc lột người công nhân tàn tệ, nhà văn đã lấy ba toong vạch một chữ ký trên mặt đất, nói gọn lỏn: "Đấy, nếu muốn lấy thì ông bê nó về Mỹ".

Nhà văn người Ireland Bernard Shaw (giải thưởng Nobel Văn học năm 1925) sinh thời không chỉ nổi tiếng bởi những vở kịch trào lộng mà còn nổi tiếng bởi những lời đối đáp sắc sảo, hài hước. Một lần, Hội Phụ nữ London viết thư đề nghị nhà văn tặng cho họ cuốn sách "Người chỉ đường cho phụ nữ trí thức đến với chủ nghĩa xã hội" của mình. Bernard Shaw đã viết thư trả lời. Trong thư, ông nói đại thể, cuốn sách được tặng thường là cuốn sách ít người đọc. Mà để mua thì Hội lại nói không đủ tiền. Việc cuốn sách chỉ có giá 10 bảng, vậy mà một Hội như Hội Phụ nữ London không kiếm đủ tiền để mua. Theo Bernard Shaw, một Hội như thế "không có quyền tồn tại" nữa.

Ngay sau khi nhận được thư của Bernard Shaw, không mấy đếm xỉa tới phản ứng gay gắt nói trên, Hội Phụ nữ London đã bán bức thư của Bernard Shaw và số tiền thu về đủ để họ mua được mấy cuốn sách mà họ đang muốn có. Người mua bức thư trên lại bán cho một người khác với mức giá đủ để anh ta mua toàn bộ tác phẩm đã xuất bản của Bernard Shaw. 

Trong giới nhà văn Pháp, nữ văn sĩ George Sand cũng là người được bạn đọc thuộc cả tầng lớp bình dân lẫn quý tộc ngưỡng mộ. Một lần, bà đứng bán hàng cho một hội từ thiện để lấy tiền ủng hộ người nghèo. Một vị bá tước sau khi đưa mắt nhìn các mặt hàng, đã cất lời bông đùa, tán tỉnh: "Tôi  chẳng thấy mặt hàng nào khiến tôi có thể ưng ý hơn nụ cười của nàng. Liệu nàng có vui lòng bán cho tôi mấy dòng bút tích của mình được không?". George Sand nghe vậy đáp ngay: "Được chứ", đoạn bà lấy giấy viết: "Nhận của bá tước… số tiền ủng hộ là năm nghìn franc'. Vị bá tước nọ, dù trong bụng hơi "nhột" trước số tiền trên, nhưng cũng phải cố nở một nụ cười… gượng gạo đồng ý.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa chữ ký nào của các nhà văn nổi tiếng cũng có giá trị như các trường hợp kể trên. Cũng có trường hợp - như với văn hào Pháp Balzac, ông đã mua được ở quầy sách cũ một cuốn tiểu thuyết có dòng đề tặng của mình với giá rẻ bất ngờ chỉ vì người bán sách cho rằng nó bị giảm giá trị vì mấy chữ viết nguệch ngoạc của "ai đó" ở đầu sách

Đức Triển
.
.