Cái già (thơ Nguyễn Bùi Vợi)

Thứ Năm, 04/04/2013, 08:00

Tuổi xuân như mới hôm qua
Thoắt đâu chớp mắt cái già đến ngay
Hai câu đầu này như một định đề vừa có tính tổng nghiệm cuộc sống của một đời người lại vừa có tính hướng định thông điệp đối với bài thơ. Toàn bộ phần còn lại của bài thơ cốt để giải trình thông điệp đó với những biểu hiện nhiều tầng cảm xúc độc đáo, sâu sắc của tác giả.

Tuổi xuân như mới hôm qua
Thoắt đâu chớp mắt cái già đến ngay
Đêm nằm giấc ngủ không say
Chập chờn tiếng vạc sương bay ngang 
                                                      trời

Tóc không giấu được tuổi đời
Thay màu đen trắng - đen rồi trắng đen!
Thế nào là trẻ hỡi em
Vợ trêu: Anh ngoại còn duyên lắm mà

Đi làm quên kính ở nhà
Vào ra ngơ ngẩn, thế là ngồi chơi!
Tuổi này vui lắm người ơi!
Trớ trêu những mắt với môi đưa tình
Trên đời chẳng có ai xinh
Đến nhìn hoa hậu bực mình... thì thôi!
Nói dại mà lại lắm lời
Khi nào cũng nhắc cái thời đã qua
Ấy là bàn chuyện người ta
Ngẫm mình xem thử... đã già được 
                                                 chưa?                                    

                                       Hà Nội, 1993 

Tuổi xuân như mới hôm qua
Thoắt đâu chớp mắt cái già đến ngay

Hai câu đầu này như một định đề vừa có tính tổng nghiệm cuộc sống của một đời người lại vừa có tính hướng định thông điệp đối với bài thơ. Toàn bộ phần còn lại của bài thơ cốt để giải trình thông điệp đó với những biểu hiện nhiều tầng cảm xúc độc đáo, sâu sắc của tác giả.

Trước hết là sự điểm quát đặc điểm tiêu biểu của con người khi bắt đầu có biểu hiện của tuổi già (Đêm nằm giấc ngủ không say/ Chập chờn tiếng vạc sương bay ngang trời), sau nữa là lược ra sự đổi thay "xuống cấp" một phần sinh thể của mình, nhất là màu tóc (Tóc không giấu được tuổi đời/ Thay màu đen trắng - đen rồi trắng đen!). Biểu hiện màu tóc là rõ nét nhất, dễ nhìn thấy nhất, màu tóc trên đầu người cũng nằm trong quy trình chuyển hóa như mọi sinh thể khác. Quy trình thay màu tóc, đúng hơn là sự chuyển đổi tình trạng sức khỏe, từ đó (không khéo) kéo theo sự "thay màu" luôn cả tâm hồn lẫn ý chí của người ta nữa đấy. Điều này thì đáng sợ lắm(!) nó làm cho người ta dễ buông xuôi, vô tâm trong mọi việc.

Cảm giác bất ngờ đến với người đọc, khi nhà thơ hỏi "Thế nào là trẻ hỡi em" thì được "Vợ trêu: Anh ngoại còn duyên lắm mà", ta được thêm một gam cười thú vị, rằng, nhà thơ chưa nghĩ mình... già. Lời trêu đầy dung dị của anh đượm thắm sự rung động nồng nàn giàu chất trẻ trung, vốn dĩ là hệ quả tình yêu được bồi đắp từ hai phía của nghĩa vợ chồng.

Nhưng đã là "mệnh trời" rồi thì làm sao mà cưỡng lại được chứ. Dấu hiệu của tuổi già là có tính hay quên và mắt nhìn không được rõ sáng như tuổi còn xuân, cho nên khi đi đâu, hay làm việc gì, đương nhiên là phải dùng đến... kính. Nguyễn Bùi Vợi đã "tự trào" bằng hai câu thơ nói về sự "xuống cấp" phần nào sức khỏe của bản thân:

Đi làm quên kính ở nhà
Vào ra ngơ ngẩn, thế là ngồi chơi.

Thơ viết về tuổi của mình, nhất là tuổi già, bài thơ nào được như "Cái già" của Nguyễn Bùi Vợi. Làm thơ đùa vui với cái tuổi của mình nhưng không phải đùa để lấy sự vui rồi bàng quan quên đi, mà đùa để ngẫm lại mà xót xa với kiếp người sao ngắn ngủi thế! Sống chưa được bao nhiêu, làm việc chưa được gì nhiều mà "cái già" cứ xồng xộc không mời mà đến. Quy luật của đời người định trong bốn chữ: sinh - lão - bệnh - tử, cứ như vòng kim cô, ai thoát được đâu.

Có lúc người ta quên tuổi già của mình đi, tự trào lộng một chút, tự phiếm chỉ một chút, cốt để cho nó vui lên, biết rằng, có những khi cười... ra nước mắt:

Tuổi này vui lắm người ơi!
Trớ trêu những mắt với môi đưa tình

Dẫu được "những mắt với môi đưa tình" đi chăng nữa thì cũng "kính nhi viễn chi" thôi, phải không anh? Thời trai trẻ như vậy là bình thường. Đến tuổi lục tuần hơn (khi viết bài thơ này), nhà thơ vẫn được phái đẹp "quan tâm", như thế kể cũng đáng vui chứ sao, nhưng ngẫm ra cũng... ngậm ngùi "trớ trêu" lắm lắm!

Một biểu hiện của tâm lý tuổi già là thường hay nhắc "cái thời đã qua", nhắc lại tuổi trẻ. Dễ hiểu thôi, đó là thời hoàng kim của họ. Vẫn biết "Nói dại mà lại lắm lời/ Khi nào cũng nhắc cái thời đã qua" nhưng thiết nghĩ đó là sự thành tâm của họ, cũng đáng yêu thôi. Khối kẻ không có gì để mà nhắc nữa kia, khi tuổi trẻ họ phung phí cho những ước vọng thấp hèn, những mục đích sống tầm thường vô vị. Nguyễn Bùi Vợi đã "kê" đúng ưu nhược điểm của người già để rồi tự nghiệm lại bản thân mình "xem thử... đã già được chưa?". Và tất cả những gì giải trình trên đây "ấy là bàn chuyện người ta" mà thôi. Hai câu thơ kết thật bất ngờ, thật hóm hỉnh và sâu sắc. Bài thơ khép lại nhưng tấm lòng nhà thơ được mở ra, ngân lên chạm vào con tim nhân hậu của bao người đồng điệu

Minh Quang (chọn và bình)
.
.