Cái gì của Caesar trả lại cho Caesar

Thứ Hai, 22/12/2014, 08:00
Ông Trần Văn Truyền trả nhà lại cho Nhà nước. Kéo theo đó là ông Hoàng Văn Nghiên trả lại căn biệt thự ở Nguyễn Chế Nghĩa, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau hai sự kiện này, có lẽ, sẽ còn nhiều lắm những căn nhà công vụ được tự nguyện trao trả ngay sau khi chủ nhân tạm thời của chúng về hưu. Điều đó vừa cho thấy ý nghĩa của một tiền lệ là như thế nào và sức ép của công chúng ra sao, nhất là khi sức ép đó hướng đến một đòi hỏi rất chính đáng là sự công chính, đặc biệt là sự công chính của những người làm “quan”. Xã hội có thêm một người công chính, hoặc chí ít ra là có ý thức thực hiện hành vi công chính thôi, xã hội sẽ trong lành thêm một chút.

Cái gì của Caesar phải trả lại cho Caesar, đó là câu châm ngôn lâu đời rồi. Người ta thường bảo, miệng nhà quan có gang có thép, thế nên lời gang lời thép thì dễ ép được người. Bởi thế, mới có chuyện trả thứ cần phải trả mà dùng dằng mãi mấy năm mới làm được.

Chuyện bản quyền tác giả của những người được sử dụng tác phẩm trong sách giáo khoa. Mấy chục năm rồi, đến bây giờ vẫn còn cãi nhau về chuyện nhuận bút. Dường như, người làm sách đang nghĩ rằng “có tác phẩm được đưa vào giáo trình là vinh hạnh rồi” và với họ, vinh hạnh còn hơn cả nhuận bút.

Người ta sống cần những vinh hạnh. Nhưng người ta cần tồn tại để sống đúng nghĩa. Mà tồn tại, thì cần manh áo miếng cơm.

Bây giờ, nếu việc trả nhuận bút cho tác giả sách giáo khoa bắt đầu được thực thi và thông suốt, thì cũng có nghĩa là cái gì cần được trả về cho Caesar đã trả cho Caesar. Nghe có vẻ sòng phẳng. Nhưng có truy thu những thứ đã bị bỏ qua cả chục năm trước hay không? Và cả cái sự bị lợi dụng bao nhiêu năm như thế, có trả lại được bằng tiền hay không?

Có những cái của Caesar đã bị lấy đi, trả lại rồi cũng không xứng dù đúng tầm đúng vật. Vì giá trị phải tính theo thời điểm. Và giá trị danh dự, định giá thế nào cho xứng đáng đây.

Nguy hiểm hơn nữa, chúng ta đang dạy trẻ con bằng chính những thứ bị sử dụng không công chính. Thế thì chúng ta làm sao, bằng cách nào, bằng giá trị nào, để trả lại tâm hồn công chính cho những thế hệ sinh ra vốn "nhân chi sơ tính bản thiện".

Và những người dùng bằng giả, mượn đề án của người khác để vượt vũ môn cho mình, có trả lại được không? Trả lại một tác phẩm ư? Dễ lắm. Trả lại cho xã hội tính minh bạch, sòng phẳng, liêm chính, trả bằng cái gì? Ai trả? Trả lúc nào? Trả như thế nào? Trả nổi không nào? Ngần ấy câu hỏi đủ hiểu chúng ta đã và đang nợ thế hệ đi sau những gì?

Mất một ngôi nhà, mất một biệt thự công, quy ra tiền, nghe ghê lắm. Nhưng mất đi từng mắt xích liêm chính của xã hội, thứ không giá trị nào trả nổi, thì lúc đó cái mất ấy sẽ được giải quyết thế nào cho công bằng?

Làm gì có nổi cái đền trả công bằng ở đó. Bất khả.

Thế nên, trách ông Truyền, ông Nghiên và vô vàn các ông khác thì dễ. Nhưng tự hiểu được câu "Dân nào thì quan nấy" mới khó.

Hãy sòng phẳng đi, đừng lấy thứ không thuộc về mình, thì sẽ không bao giờ phải trả…
Đinh An
.
.