Họa sĩ Bùi Đức:

Cái đẹp khỏa thân trong ánh sáng nghệ thuật

Thứ Năm, 07/05/2015, 08:35
Nếu có gì hơi hướng thành phố trên người gã, thì chỉ duy nhất khuôn mặt. Gã thì đích thị là dân thành phố, kể cả lúc buồn, lúc vui. Muốn nhìn một gương mặt khác của gã, hãy đợi đến khi gã say. Chỉ khi say là gã mang một khuôn mặt khác...

Nhàu nhĩ, xộc xệch, cáu cạnh, gã là bạn tôi. Hôm thì chủ đề phảng phất chất "quân khu", thứ trang phục nửa nhà binh, nửa lục lâm, thời của "những người thợ xẻ" xuất hiện đầy đường phố Hà nội những thập niên 80 thế kỷ trước. Hôm thì lại thấy gã xuất hiện như vừa ở chợ vùng cao họp đâu đó trong lòng thành phố, với chiếc áo thổ cẩm, chiếc khăn quàng cổ dân tộc Êđê nhập khẩu từ Đại Lục, chiếc áo bông nghe nói được khâu bằng tay của một thiếu nữ người H'Mông mà gã rất thích. Đây cũng là trang phục luôn được gã lựa chọn trong những ngày đông giá rét. Riêng tôi lại đồ rằng, cô gái người H' Mông này cũng chỉ mua chiếc áo qua mạng. Nó là hàng có xuất xứ từ Đại Lục thôi. Nhưng có hề gì nếu gã tin rằng chiếc áo đã được thêu bằng những ngón tay xinh xắn của cô gái mà gã yêu quý.

Nếu có gì hơi hướng thành phố trên người gã, thì chỉ duy nhất khuôn mặt. Gã thì đích thị là dân thành phố, kể cả lúc buồn, lúc vui. Muốn nhìn một gương mặt khác của gã, hãy đợi đến khi gã say. Chỉ khi say là gã mang một khuôn mặt khác.

Về cái sự ăn mặc, nếu bạn nhìn gã chưng diện đồ như thế thì đừng vội kết luận gã là họa sĩ. Bởi thực ra gã cũng không giống phần đông giới họa sĩ thời nay. Gã thiếu hẳn phần râu dài như cụ ông và tóc dài như thiếu nữ. Riêng trang sức, phụ kiện trên người thì gần như không thấy, ngoài dấu vết xăm mình, ký ức của một thời đã xa..

Họa sĩ Bùi Đức.

Đừng vội gọi hắn là họa sĩ. Đừng vội đánh đồng gã giống với bất cứ thứ trào lưu nào đó của giới họa sĩ Việt Nam cách đây khoảng một, hai, ba chục năm, nhất là từ khi giới sinh viên mỹ thuật trẻ được học và phổ biến thứ chủ nghĩa siêu thực đã ra đời khoảng đầu thế kỷ XX ở phương Tây. Trào lưu này, với khuynh hướng nghệ thuật bắt nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng và phân tâm học, đặt phi lý tính lên trên lý tính, chủ trương giải phóng con người khỏi xiềng xích trong xã hội, thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên, không bị gò bó bởi lý trí, lôgic, luân lý, mỹ học. Trào lưu này cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hội chứng ăn mặc kiểu bụi đời xuất hiện trong giới nghệ sĩ Hà thành.

Lạ lắm, ai cũng có tinh thần của một thiên tài, tinh thần của Salvador Dali… Còn gã thì sao. Tôi đã nói rằng, nhìn cách gã ăn mặc, đừng vội kết luận gã là họa sĩ…

Miệt mài 3 năm, thi rồi trượt thi rồi trượt, gã mới đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật. Kiên trì nhẫn nại theo đuổi một niềm đam mê. Dù vậy, không ai nghĩ rằng gã lại tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trong tay. Khi sơn mài làm nổi danh nền mỹ thuật đương đại Việt Nam với những tên tuổi đã thành danh trong và ngoài nước, là bức tường mà không phải người nào mới bén chân nghệ thuật có thể đủ tự tin để vượt qua. Không mấy ai nghĩ rằng, tranh sơn mài của gã cũng đã luôn có một hộ chiếu xuất cảnh ra ngoài lãnh thổ. Khi mà nền kinh tế toàn cầu vẫn đang loay hoay trong vòng suy thoái, họa sĩ trong cơn bĩ cực, khó có ai nghĩ rằng gã vẫn có tranh xuất ngoại để cầm cự chờ thái lai.

Nhìn vào lịch sự hội họa, thấy họa sĩ thường được xem là những kẻ phong tình. Những người đàn ông vẽ tranh thì phụ nữ vừa là nguyên nhân của bất hạnh, khổ đau, vừa là cơn cớ để những tác phẩm có giá trị ra đời. Không ít phụ nữ tìm đến họ như thiêu thân lao vào lửa, say mê và hoan lạc như thể ở đằng sau bộ quần áo là chiếc mắc áo có phép thuật vậy. Chiếc mắc áo của gã nghe nói hình như có mùi xạ! Tôi chắc đấy là tin đồn thôi. Nhưng có một sự thật là gã rất được đàn bà yêu, say mê, tha thiết. Lúc này, có thể tạm kết luận gã là họa sĩ.

Sau một cơn say thường gã chẳng nhớ gì. Gã luôn bần thần như để cố hình dung trong cơn say vừa qua có điều gì cần phải nhớ. Cứ như thể trí nhớ đã rời bỏ gã rồi. Gã nhắn tin cho bạn sau một cơn say có nhiều sự kiện. Câu hỏi trong tin nhắn thường là nội dung rất nhỏ so với một chuỗi các sự kiện khác xảy ra trong cuộc nhậu, ví như có thằng lưu manh đầu gấu quyết tâm gây chiến với gã... Bao chuyện xảy ra, hắn tuyệt không nhớ, hắn chỉ nhớ những thứ đại loại như này: "Hôm qua mày có trả lại tiền hộ tao cho nó không, nó đang khó khăn lắm". Đó là khoản tiền mà một người bạn vay gã đòi trả gã bằng được hôm đó nhưng gã không cầm. Thì ra gã chỉ quên những điều không cần nhớ thôi.

Trần trụi, thẳng băng, ngoa ngôn, trào lộng, châm chọc, sát ván… là những phẩm chất gã chẳng cần thêm bớt hay rèn giũa gì, cứ hồn nhiên như thế! Bất cứ ai chưa phải bạn của gã, lần đầu tiên tiếp xúc thường thất thần vì tai nạn ập đến như từ một cơn gió độc, từ đám mây đen phủ lên những màu mè, những ngụy tạo của sân khấu cuộc đời đang đỏ đèn.

Sượng sùng, ê chề, cáu giận, tò mò về cái cách gã lột trần mọi thứ không khoan nhượng như thể ở trong gã chỉ có 2 mảng màu duy nhất, là đen và trắng, sáng và tối. Nhiều người sợ gã, nhiều người ghét gã, nhiều người bỏ đi ngoái đầu lại miệng lẩm nhẩm không buồn chấp với gã, và vì thế gã chỉ còn lại những người chơi với gã, yêu quí gã, cũng "nòi tình" như gã. "Ta vốn nòi tình, thương người đồng điệu" (Chu Mạnh Trinh). Gã chọn cách sống này và gã đúng! Bên cạnh cuộc chơi với hội họa, gã chọn cách nhìn của nhiếp ảnh, để phản ánh bản chất con người và cuộc đời.

Trong tinh thần nghệ thuật của gã, mọi thứ diễn ra trước đời sống đều là khoả thân trong ánh sáng của nhận thức, của cái đẹp. Dù đôi khi nhận thức ấy chỉ là những linh cảm, những dự cảm tinh tế của người nghệ sĩ. Vì thế dù có lột truồng mọi thứ, cả trong tranh khoả thân hay những ảnh nude gã đã chụp, đều không tìm thấy điều dung tục trong cái góc tối mênh mông của người thưởng lãm.

Nhà văn Pháp Frédéric Beigbeder đã từng nói, đại ý rằng: Đàn ông ham chơi, suốt đời ham chơi. Những tên đàn ông mãi là những đứa trẻ níu chặt lấy tuổi thơ không muốn rời. Không dám rời, vì sợ. Bản chất đàn ông là sợ hãi sự trưởng thành và chạy trốn nó. Gã cũng không nằm ngoài số đó. Chỉ khác chăng, sự chơi của gã chính là thức ăn của quả tim, là thực phẩm, là toan, là màu, là nguồn sống sáng tạo duy nhất. Có lẽ vì thế mà gã trẻ hơn nhiều so với tuổi. Còn nhớ khoảng những năm 1996, 1997.  Tôi khi đó đã ra trường, còn gã vẫn miệt mài ôn thi vào trường Mỹ thuật. Nhưng sau gần 17 năm, nhìn gã vẫn như đứa trẻ, rong chơi bất tận trong ngày tháng, khám phá cuộc đời xộc xệch như nó vốn dĩ thế.

Không giống như cái cách bố cục khuôn hình chặt chẽ mỗi khi gã cầm máy ảnh. Tôi chợt hiểu ra rằng, có lẽ thế giới nội tâm của gã đã được sắp đặt ngăn nắp hơn sau những ồn ào và những cuộc phiêu lưu cùng với những thứ nghệ thuật mà gã mê đắm. Ít ai biết được đằng sau những ồn ào, bụi bặm của gã, có một khuôn mặt khác hiện ra trong những khoảng lặng hiếm hoi, ẩn giấu trong đôi mắt và trong những nếp nhăn thời gian không thể che giấu. Lúc ấy gã yếu đuối và cô đơn cùng cực. Cô đơn giữa cả triệu con người, cô đơn bên cạnh tình nhân, cô đơn với chính mình. Một nỗi cô đơn lạc loài…

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một kỷ niệm, trước tết âm lịch khoảng dăm ngày, gã bảo tôi qua phòng tranh của gã lấy một bức tranh mà tôi thích nhất về treo. Tôi hiểu ngầm ý nghĩa về món quà của gã tặng tôi đúng thời điểm một năm sắp qua đi. Thời điểm mà mọi người đều hướng về gia đình, ai cũng cố gắng mang những thứ đẹp nhất, thành công nhất về ngôi nhà của mình. Còn gì ý nghĩa hơn nếu gã tặng tôi bức tranh mà tôi thích nhất để trang hoàng phòng khách của mình. Hoá ra cái vẻ ồn ào và thô ráp của gã chỉ là một phần trên của tảng băng tâm hồn gã. Gã quá sâu sắc và thận trọng trước một hành vi ứng xử đầy văn hoá và sang trọng!

Tôi đến phòng tranh của gã, chọn một bức tranh với khổ tranh khiêm nhường nhất, bởi lẽ tôi biết để làm một bức tranh sơn mài khổ lớn thì giá vốn và công sức bỏ ra không hề nhỏ. Gã như hiểu điều đó và chủ động lấy cho tôi một cái khác khổ to hơn rất nhiều, màu sắc tươi tắn, ở phía dưới khung tranh còn nguyên miếng giấy dán có dòng chữ: 2.000 USD!

Tôi cầm lái, gã ngồi sau ôm bức tranh tặng tôi, hai thằng bạn không nói với nhau một câu gì, nhưng trong lòng ấm áp lạ. Đường phố những ngày giáp tết đông vui náo nhiệt, ai cũng như gấp gáp trên đường, cố để giải quyết công việc cho nhanh, cố để mua những hàng giảm giá, hay chỉ là đang vội vã về ngôi nhà của mình. Mặc dù gã ngồi sau xe, nhưng tôi biết gã cũng đang bồi hồi lắm, bâng khuâng lắm, trong không khí của những ngày Xuân đang ở thật gần…

Gã là bạn tôi. Một người bạn trân quý, chơi màu điệu nghệ không chỉ trên những bức họa, mà cả trong cuộc đời. Gã, bạn tôi, họa sĩ Bùi Đức… 

Gia Minh Nguyễn
.
.