Cái bẫy của tài năng

Thứ Hai, 26/01/2015, 08:00
Đêm thi bán kết thứ tư cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt mùa 2014-2015 vừa rồi, một tai nạn hi hữu đã xảy ra khi thí sinh Tấn Phát, với màn thi được gọi là ảo thuật, đã gặp tai nạn khi chọn uống nhầm phải ly đựng acid ở lượt uống thứ hai (dự kiến uống 4 lượt) của mình. Rất may là acid loãng, và kịp nhả ra ngay khi chưa đưa qua họng, nên Phát chỉ bị bỏng nhẹ chứ không gây nguy hại đến tính mạng. Sự việc xảy ra trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia (VTV3) và đã để lại rất nhiều tranh cãi sau đó.

Ngay ngày hôm sau, nhiều ý kiến phê phán ban giám khảo, MC, ban tổ chức đã không chủ động ngăn Phát lại khi anh chuẩn bị uống ly acid. Thực tế, Ban tổ chức, Giám khảo và MC đều bị động lúc đó bởi họ cũng không hiểu hành động nâng ly của Phát lên là kiên quyết uống hay là chỉ diễn trò tạo giật gân, căng thẳng. Và thế là họ ở thế tiến thoái lưỡng nan, để cuối cùng phải nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng.

Song song đó, cũng có những ý kiến phê phán Tấn Phát kiểu như "đã kém còn cố làm trò", "đã yếu còn ra gió". Nhưng thực chất, theo một thành viên ban tổ chức, thành viên độc lập với đơn vị sản xuất chương trình (BHD) và nhà đài, buổi chiều đó Tấn Phát đã tập dượt tiết mục này nhiều lần và hoàn toàn trôi chảy. Không hiểu sao, đến lúc ra sân khấu diễn thì lại gặp tai nạn như thế.

Nói chung, "không hiểu sao?" chỉ là lời giải thích theo thói quen, khi chứng kiến một màn biểu diễn nhiều lần đến nhàm mà thôi. Về lý thuyết, xác suất để rút roulette ra phương án tai nạn là vẫn có. Đơn giản, đây không phải là màn ảo thuật, cũng chẳng phải là một màn xảo thuật mà chẳng qua chỉ là một trò chơi tâm lý. Nhưng khốn nỗi, đó lại là một trò chơi tâm lý thiếu khôn ngoan khi tai nạn của nó sẵn sàng dẫn nạn nhân vào nhà thương. Và đó mới là vấn đề chúng ta nhìn thấy nổi cộm nhất từ chương trình này để từ đó, soi chiếu vào chính đời sống xã hội hiện thời.

"Tài năng Việt" vốn có tên gốc là "Vietnam's got talents" từ phiên bản nước ngoài và việc dịch tên chương trình sang tiếng Việt như vậy cũng là khá ổn. Tuy nhiên, từ ngữ không bao hàm được hết định nghĩa ẩn sau nó, nhất là khi chuyển ngữ sang một ngôn ngữ khác. Ở ngành công nghiệp giải trí, một người mẫu thời trang cũng được coi là 'talent', theo cách gọi nôm na là tài năng. Nhưng thực tế, người mẫu ấy không làm việc dựa trên 'TÀI NĂNG' như văn hóa Việt vẫn hiểu, mà dựa trên ngoại hình và kỹ năng là chính. Tài năng, trong tiếng Việt, vẫn phải là một thiên khiếu đặc biệt, một kỹ năng đặc biệt vượt trội so với cộng đồng và khác lạ so với cộng đồng. Như vậy, câu hỏi đặt ra là tiết mục của Tấn Phát (và vô vàn thí sinh khác nữa) có phải là tài năng hay không?

Rõ ràng là không. Phải chăng, người Việt đang có cách đánh giá, lựa chọn Tài Năng quá ư dễ dãi? Và câu chuyện của Tấn Phát chỉ là một điển hình nhỏ của vô vàn ca được phong tặng hai chữ TÀI NĂNG một cách bừa bãi hiện nay ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề trong khi những công trình, phát minh, tác phẩm… có giá trị, thứ mà một dân tộc cần tới, thì gần như vắng bóng từ rất lâu rồi…

Đinh An
.
.