Chuyện làng văn nghệ

Cách hành xử ân tình của nhạc sĩ Trần Chung

Thứ Năm, 27/11/2014, 09:56
Bạn bè, đồng nghiệp rất quý mến Trần Chung bởi tính cách chân thành, giản dị, sống hòa đồng, sống rất có tình với mọi người. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ thường được nhiều cơ sở mời về tham quan, sáng tác...

Trần Chung là nhạc sĩ gắn với nhiều bài hát quen thuộc được công chúng ưa thích như "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (phổ thơ Nguyễn Trung Thu), "Bài ca Trường Sơn" (phổ thơ Gia Dũng), "Chiều biên giới" (phổ thơ Lò Ngân Sủn)…Ông rất sở trường viết về các ngành nghề. Gần như cả đời ông làm việc ở Ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách chương trình Khắp nơi ca hát và đã qua đời sau ít năm nghỉ hưu. Bạn bè, đồng nghiệp rất quý mến Trần Chung bởi tính cách chân thành, giản dị, sống hòa đồng, sống rất có tình với mọi người. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ thường được nhiều cơ sở mời về tham quan, sáng tác.

Dịp ấy vào khoảng năm 1982. Nhạc sĩ Trần Chung và tôi được xí nghiệp đá vôi Miếu Môn (Hà Tây cũ) mời về chơi, sáng tác bài hát. Công việc của xí nghiệp này là chuyên nổ mìn, phá núi để có đá làm đường và sản xuất vôi. Công nhân chủ yếu là nam, làm công việc nặng nhọc, rất ít nữ nên có phần "khô". Trần Chung cổ vũ tôi không vì thế mà thiếu nhiệt tình, cảm xúc. Ông viết khá nhanh, chỉ sau một đêm đã hoàn thành ca khúc. Tôi nghe thấy hay nên đã được lây truyền sự hào hứng để hôm sau cũng hoàn thành tác phẩm. Trần Chung rất vui vì cho rằng chuyến sáng tác của hai anh em thế là thành công bởi đề tài quá khó "nhai".

Có thể nói ông là người khá hoàn hảo về tài năng cũng như tính cách nếu không mắc tật nghiện rượu. Lúc nào trong túi của ông cũng có chai rượu "quốc lủi" (rượu trắng, nấu bằng gạo). Ông chỉ uống "sếch" (không có đồ nhắm) và liên tục suốt ngày. Nhưng mỗi lần không uống nhiều, chỉ một chén bằng hạt mít nên không bao giờ say. Khi nào có vui, quá chén, ông chỉ đi nằm chứ không nói nhiều, càng không lảm nhảm như nhiều người vẫn mắc.

Hôm cuối cùng, vừa "nghiệm thu" hai bài hát, vừa đúng dịp tổng kết công tác. Xí nghiệp lần ấy đạt nhiều thành tích, được trên khen thưởng gì đó nên tổ chức bữa liên hoan rất linh đình. Từ giám đốc đến tất thảy anh em đều rất vui. Biết Trần Chung thích rượu, người giám đốc đã cho đi mua rượu ngon và nặng "đô" để thết nhạc sĩ. Vừa mừng thành tích của cơ quan, vừa vui vì có được hai bài hát vừa ý, lại có sự hiện diện của một nhạc sĩ nổi tiếng là Trần Chung, người giám đốc trẻ đã uống rượu hết mình. Mấy hôm trước đó, anh làm việc nhiều nên căng thẳng. Gặp vui đã uống quá nhiều nên bị cảm, dẫn tới đột tử. Anh chết sau bữa liên hoan một lúc, khi hai chúng tôi đã lên xe về Hà Nội. Chuyện buồn này phải tới mấy tuần sau, chúng tôi mới hay tin. Trần Chung rủ tôi trở lại xí nghiệp để viếng thăm. Tôi nói đằng nào người giám đốc cũng đã qua đời, để đến dịp 49 ngày về một thể. Nhưng Trần Chung cứ nhất định đề nghị về ngay. Nể và cảm phục ông, tôi đã nghe theo. Gia đình người giám đốc và anh chị em công nhân ở xí nghiệp rất cảm kích trước sự có mặt của chúng tôi. Trần Chung còn hẹn tôi đến dịp 100 ngày lại trở về. Nhưng gần đến ngày đó, cả hai chúng tôi đều mắc đi công tác xa nên không thực hiện được lời hẹn của Trần Chung.

Đó là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên với Trần Chung, một nhạc sĩ tôi luôn coi là người anh khả kính trong cuộc sống cũng như trong sáng tác

Nguyễn Đình San
.
.