Các nghệ sĩ chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Thứ Sáu, 03/04/2020, 08:25
Sau ca khúc "Ghen Cô Vy" (sáng tác Khắc Hưng) với vũ điệu bốc lửa được nhiều người yêu thích vì đã kết nối cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh virus Corona, thì mới đây, nhạc sĩ Minh Beta (Bùi Quang Minh) đã công bố ca khúc "Việt Nam ơi! Đánh bay COVID!" do anh viết lại ca từ mới trên nền nhạc "Việt Nam ơi!".


Nhóm "Xẩm Hà Thành" cũng đã cho ra mắt tác phẩm "Tiễu trừ Corona", góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống loại virus COVID-19 nguy hiểm đang hoành hành và gây xáo trộn trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, tác giả Thanh Cường cũng đã sáng tác ca khúc "Em đã làm gì cho Tổ quốc" lay động lòng người khi nói về Tổ quốc Việt Nam đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhạc sĩ Minh Beta nổi tiếng với ca khúc "Việt Nam ơi!" ra đời năm 2011, ca khúc quen thuộc với khán giả Việt Nam sau khi được sử dụng như nhạc cổ động bóng đá. Bài hát được yêu thích vì giai điệu tràn đầy hứng khởi và ca từ dễ thuộc: "Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa/ Về nơi nhà cao xe giăng phố/ Hòa một niềm tin reo ca eh oh eh oh/ Từ nơi đảo xa mênh mông sóng/ Về nơi đồi cao bay mây trắng/ Một vòng tay nối tròn Việt Nam".

Cũng với tinh thần chiến đấu và chiến thắng ấy, ca khúc "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid", một sáng tác được sự định hướng về nội dung của Bộ Y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đe dọa tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Nhạc sĩ Minh Beta sáng tác ca khúc "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid".

Trong lời hát có lời như sau: "Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay Corona. Đang yên đang lành, cuộc sống đang tươi xanh thì bỗng có Covid. Dân ta lao đao, rồi đi ra đi vào lòng lo lắng, rời xa. Bình tĩnh luôn rửa tay, vệ sinh kĩ khắp nơi ở quanh mình/ Và giữ ý thức nha, vượt qua gian khó Việt Nam ơi!Đừng share chuyện fake trên Facebook/ Phải đeo khẩu trang cho đúng lúc/ Đừng kì thị ai, văn minh vì dân lánh mình/ Kẻ thù nào ta không chiến thắng/ Triệu người ngày đêm đang cố gắng/ Một vòng tay nối trọn Việt Nam/ Yêu thương cuộc đời, tin nơi con người/ Đừng sợ nhé! Chúng ta vượt qua hết/ Đất nước của mình, bao nhiêu ân tình/ Việt Nam không bỏ lại ai phía sau/ Việt Nam hỡi! Việt Nam ơi! Cùng đoàn kết đánh bay Corona...".

Nhạc sĩ Minh Beta chia sẻ rằng, anh hy vọng bài hát sẽ một lần nữa gợi lên lòng yêu dân tộc, đem đến niềm tin, ý thức đoàn kết, tinh thần sống tích cực và lan toả yêu thương. Bài hát ca ngợi cái đẹp của tình người trong giông bão, tri ân những sự nỗ lực, đóng góp, hi sinh của từng cá nhân trong cơn đại dịch lịch sử.

Cũng theo dòng thời sự, nhóm Xẩm Hà Thành vừa cho ra mắt tác phẩm "Tiễu trừ Corona", góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống COVID-19. Bài xẩm được thực hiện với các nghệ sĩ: Mai Tuyết Hoa, Văn Phương, Nguyễn Quang Long, Phạm Trang, Phạm Dũng, Ngọc Xuân. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: "Trong những ngày cam go, lo lắng, bài xẩm có pha chút hài hước khi có lời khá dí dỏm ngay ở những ngày đầu như "corona xa ta ra" được khai thác vào trong tác phẩm, lại được sử dụng như một chất liệu chính hát tốp ca lặp đi lặp lại liên tục trong tác phẩm tạo sự gắn kết giữa hai phần nội dung mà hai giọng hát chính đảm nhận.

"Điệu sai" là âm hưởng chính của bài xẩm này dù nó vốn không phải điệu xẩm chính tông mà là được các nghệ nhân khai thác làm phong phú thêm cho âm nhạc của nghệ thuật hát xẩm. Dẫu được khai thác từ lâu nhưng rất ít được sử dụng, nhưng khi được sử dụng lại cho ra những bài xẩm hết sức độc đáo.

Chẳng hạn như cố nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát bài xẩm "Thuốc phiện" bằng "điệu sai" để gióng lên hồi chuông về chuyện này. Tuy nhiên thường gặp nhất là "điệu sai" được vận dụng để truyền tải các vấn đề lớn của dân tộc. Chẳng hạn như tuyên truyền ủng hộ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945 thì nghệ nhân Vũ Đức Sắc sáng tác bài Tiễu trừ giặc dốt".

Tác phẩm "Tiễu trừ Corona" có lời khá giản dị: "Không nên đi lại, tụ tập đông người, có việc quan trọng, rời nhà bước ra, cách xa hai mét"… Tất cả những chất liệu âm nhạc cũng như lời ca, hay câu "trend" được sử dụng hoàn toàn có chủ đích và chủ đích này chỉ nhằm hướng tới nội dung cần được đề cao đó là giai đoạn này dân tộc Việt Nam cũng như thế giới đang đồng sức quyết tâm cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh mà chúng ta đã và đang làm, dù còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng bất cứ ai cũng thấy hết sức tự hào về cách mà chúng ta đã và đang làm có những hiệu quả rõ rệt, được cả thế giới ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên ta có thành quả như vậy, mà đó là truyền thống của dân tộc đã có từ ngàn xưa mà chúng ta đang tiếp nối và phát huy.

Đó là sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống từ nhà chức trách đến nhân dân "Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà" hay "Doanh nhân chung sức/ Nghệ sĩ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết" và còn nữa lời dặn của cha ông ta "Thương lấy bí cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng, nét đẹp ghi nhớ dang tay đón kiều bào, ấy là hay nhất"…

Đạo diễn Nguyễn Nhật Giang cho biết: "Chúng tôi dựng bài xẩm này hết sức đơn giản, nhanh nhất có thể để kịp thời góp phần cổ vũ cuộc chiến chống dịch đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng nhưng việc lấy hình ảnh nền là mái đình truyền thống làng Việt cũng là ý đồ của nhóm, bởi lẽ đình là một thiết chế xã hội xưa đại diện cho văn hóa làng xã, cho nhân dân, và cuộc chiến chống dịch này không chỉ của riêng chính quyền, ngành y tế mà là của toàn dân".

Tác giả Nguyễn Quang Long cho biết thêm: "Không phải ngẫu nhiên xuất hiện tốp hát phụ họa trong bài xẩm, đó chính là đại diện cho quần chúng nhân dân, nói lên tiếng nói và thể hiện sự chung sức chung lòng cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh".

Ca sĩ Thanh Cường ra mắt bài hát nêu cao ý thức chống dịch Covid.

Ca sĩ Thanh Cường, một ca sĩ trẻ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, đồng thời là sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, anh đã sáng tác và cho ra mắt ca khúc "Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa" góp tiếng nói cùng chung sức, chung tay chống đại dịch Covid-19. Ca khúc được sáng tác dựa trên bài thơ cùng tên của cô giáo Lê Thị Thúy (Trường THPT Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Anh cũng cho biết, anh đã xúc động khi chứng kiến sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn thể dân tộc Việt Nam ta như lúc này. Mọi người, từ các nhà lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, đặc biệt là ngành Y tế, các y bác sĩ về hưu, các bạn sinh viên ngành y chưa ra trường cũng sẵn sàng xung phong tham gia cùng đất nước chống đại dịch. Các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, nghệ sĩ… ai ai cũng muốn làm một điều gì đó thật tích cực, có ích cho cộng đồng, cho dân tộc Việt Nam đang đứng trước đại dịch.

Chính vì xúc động bởi sự đoàn kết, đồng lòng nên khi gặp những trường hợp những người con xa Tổ quốc có những lời nói phiền lòng, lại gặp được hình ảnh trong bài thơ, âm nhạc đã ngân lên: "Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?/ Mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều đến thế/ Khi bình yên em tìm đến phương trời hoa lệ/ Chê đất nước mình nghèo dân trí thấp, em ơi?/ Khi bình yên em tìm đến phương trời/ Châu Âu bao la cuộc sống sang giàu hiện đại/... Tổ quốc yêu thương, Việt Nam, tiếng gọi tên/ Là hơn chín mươi triệu dân, là đồng bào em đó/ Khi hoạn nạn Tổ quốc sẵn sàng che chở/ Như mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay...".

Thanh Cường chọn những giọng hát hát cùng mình là những người bạn. Gồm có anh Kim Quang, giám đốc một công ty nội thất, chị Mỹ Ân là bác sĩ, Huyền My là một biên tập viên, anh Kim Vinh nhà tạo mẫu tóc. Mọi người, mỗi người mỗi ngành nghề khác nhau! Cũng chính là ngụ ý mặc dù các anh các chị không phải những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng nó lại toát ra được tinh thần toàn dân cùng đồng sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm này...

Nhật Huy
.
.