Các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi: Vẫn chỉ là mùa vụ

Thứ Năm, 17/05/2018, 09:08
Cho trẻ em đi đâu, xem gì, chơi gì vẫn luôn là câu hỏi canh cánh trong lòng các bậc phụ huynh mỗi khi hè về. Những chương trình nghệ thuật thú vị, những sân chơi bổ ích dành cho thiếu nhi vẫn là niềm khát khao của không ít các bậc cha mẹ sinh sống ở những thành phố lớn.


Để những chương trình giải trí dành cho khán giả nhí không còn là câu chuyện mùa vụ vẫn còn là điều quá khó trong điều kiện hiện nay.

Khi ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng như kỳ nghỉ hè 3 tháng dành cho các học sinh đang cận kề cũng là lúc Nhà hát Múa rối Thăng Long tung ra chùm chương trình mới đặc sắc dành cho các khán giả nhí. Chương trình "Thế giới của chúng em" do NSƯT Đức Hùng là tác giả kịch bản và đạo diễn (thuộc đoàn Nghệ thuật 1) lấy ý tưởng từ một chuyến bay, đưa các bạn nhỏ đi tới những câu chuyện cổ tích trong và ngoài nước hết sức quen thuộc.

Từ câu chuyện Thạch Sanh - Lý Thông, Đại bàng, Người nhện, Siêu nhân Gao đến những nhân vật đáng yêu như chị em công chúa Elsa, Anna... Bên cạnh tạo hình không gian thú vị thì những chi tiết hài hước, cái kết bất ngờ sẽ là điểm khiến các khán giả nhí say mê. Chương trình do Đoàn Nghệ thuật 2 thực hiện thì gồm các tiết mục "Hoa ban đỏ", "Vườn thú đáng yêu", "Đại dương xanh", "Cô bé quàng khăn đỏ" và đặc biệt là câu chuyện "Nàng công chúa ngủ trong rừng" với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn đầy kịch tính. Điểm đặc biệt của chương trình là ý tưởng tạo hình con rối rất độc đáo.

Những chiếc ô, những quả bóng bay đầy màu sắc kết hợp với âm thanh, ánh sáng, phong cách dàn dựng hiện đại...sẽ mang đến một chương trình nghệ thuật đầy tính thẩm mĩ, giáo dục cho các trẻ em. Các nghệ sĩ múa rối cho biết, thông qua các con rối đáng yêu, thông qua những câu chuyện quen thuộc nhưng được kể một cách mới lạ, các nghệ sĩ muốn truyền tải tới các em thiếu nhi những bài học nhẹ nhàng về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường.

Một trong những chương trình hè 2018 dành cho khán giả nhí của Nhà hát Tuổi trẻ.

Là nhà hát số 1 ở phía Bắc trong việc phục vụ khán giả nhỏ tuổi, những năm gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ luôn có những chương trình đặc biệt mỗi dịp hè về. Mùa hè năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ dành tặng các khán giả nhí 3 vở diễn: "Nàng tiên cá", "Niềm vui của đám gà nhà" và "Căn bếp đại chiến".

Để chuẩn bị cho chương trình này, Nhà hát Tuổi trẻ đã chủ động xây dựng kịch bản và bắt tay vào dàn dựng từ cuối năm 2017. Để có được những vở diễn hay, lâu nay Nhà hát Tuổi trẻ đã chú trọng ngay từ khâu kịch bản.

Dù là kịch bản trong nước hay chuyển thể từ những câu chuyện của nước ngoài nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát luôn chọn lựa những kịch bản có cốt truyện gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. "Nàng tiên cá" là vở diễn do Đoàn Ca múa nhạc dàn dựng với cốt truyện gốc của đại văn hào Andersen.

Câu chuyện được phóng tác mới mẻ, hấp dẫn, gần gũi với đời sống hiện đại của các em thiếu nhi nhưng vẫn giữ được các yếu tố thần thoại, giàu tính tưởng tượng của cốt truyện gốc. Qua tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ, một thế giới đại dương bao la chứa đựng những điều kỳ thú của thiên nhiên sẽ được mang đến cho các khán giả đang ở lứa tuổi của sự tò mò, ham tìm hiểu.

Đó là Đại nhạc hội của đại dương với vô vàn sắc màu rực rỡ và các nhân vật cổ tích quen thuộc như Nàng tiên cá, vua Thủy tề, phù thủy Bạch tuộc đen, vệ binh Cá heo, Sứ biển, đội cứu hộ bờ biển Tôm Cua Cá. Đặc biệt, không thể thiếu chàng hoàng tử đẹp trai cùng các nhân vật trong thế giới thần tiên huyền ảo.

Khác với Nàng tiên cá, "Niềm vui của đám gà nhà" được chắp bút bởi "giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng. Là kịch bản của tác giả trong nước nên vở kịch có câu chuyện khá gần gũi, lôi cuốn, chứa đựng bài học sâu sắc về tình bạn dành cho các em thiếu nhi.

Câu chuyện kể về Đại bàng - một chúa tể nhà chim bị thương và cần chữa trị nhưng đã bị đám gà nhà quay lưng. Cho đến khi biệt đội Hắc Ám 3C (Chồn, Cáo, Chuột) xuất hiện với mục đích đánh phá trại gà và ăn thịt hết lũ gà nhà. Làm thế nào để đám gà nhà thoát khỏi nguy hiểm, bài học về tình bạn giúp nhau trong cơn hoạn nạn sẽ được các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ hóa thân một cách chân thực, sinh động. Vở kịch vui này có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên trẻ của Nhà hát như: Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Chí Huy, Mạnh Dũng...

"Căn bếp đại chiến" lại là một câu chuyện hấp dẫn về những con chuột ranh ma do Chuột Cống cầm đầu và Chú mèo thông minh, gan dạ. Lấy bối cảnh là gian bếp, nơi có sự có mặt của những nhân vật thân thiết như bác Nồi đa năng, chị Chổi lúa, cô Tạp dề, anh Thùng rác... Nhưng cuộc sống thanh bình đã bị đảo lộn vì sự xuất hiện của đàn chuột tham lam, muốn làm bá chủ căn bếp. Cuộc đại chiến giữa chú Mèo và những con chuột trong gian bếp ấy sẽ diễn ra như thế nào... hứa hẹn sẽ là một vở diễn thú vị dành cho các em.

Nghệ thuật xiếc lâu nay vẫn là lĩnh vực đứng đầu trong việc thu hút khán giả nhí. Với đặc trưng riêng có của mình, xiếc thường xuyên có được lượng khán giả đáng mơ ước. Mùa hè cũng là thời điểm mà lượng khán giả đến với nghệ thuật xiếc tăng đột biến.

Ngay từ tháng 4, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khách hàng để giới thiệu kế hoạch, các chương trình phục vụ khán giả. Gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn đẩy mạnh khâu tổ chức biểu diễn để huy động đối tác khách hàng cùng hùn vốn đầu tư ngay từ khi dàn dựng chương trình. Chính vì phương thức sáng tạo ấy, thời gian gần đây, Liên đoàn đã có nhiều chương trình được đầu tư công phu như "Ngày hội xiếc thú và những chú hề", "Gala xiếc ba miền" cho ngày lẽ đặc biệt 30 - 4, 1- 5.

Riêng "Ngày hội xiếc thú và những chú hề" đã diễn liên tiếp hàng trăm suất tại Rạp Xiếc Trung ương. Rõ ràng, với những lĩnh vực nhiều lợi thế như xiếc thì chỉ cần chú trọng tới chất lượng vở diễn sẽ thu hút được đông đảo khán giả nhí và lợi nhuận cao là điều có thể nhìn thấy.

Những chú hề hóm hỉnh trên sân khấu xiếc luôn thu hút khán giả nhỏ tuổi.

Khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, các phụ huynh cũng luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Chính vì thế, nhu cầu được vui chơi, được thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhí là điều có thể nhìn thấy. Chưa cần tới kỳ nghỉ hè, chỉ cần có mặt tại các khu vui chơi những ngày cuối tuần, những dịp nghỉ lễ sẽ thấy trẻ em tới những nơi này đông như thế nào.

Tuy nhiên, so với nhu cầu ngày càng cao của khán giả thì các chương trình giải trí vừa thiếu về số lượng, vừa kém phong phú, đa dạng. Hầu như các nhà hát hiện nay chỉ dành các chương trình cho trẻ em vào dịp hè.

Thời điểm khác, khán giả nhí có muốn xem cũng không biết tới đâu. Dù các nghệ sĩ cũng đã có nhiều cố gắng trong việc mang những món ăn tinh thần đến cho các em nhỏ nhưng cũng không thể tránh khỏi tình trạng những nhân vật quá quen thuộc vì được lấy từ truyện cổ tích hay từ phim hoạt hình.

Chưa thực sự có nhiều kịch bản mới, được đầu tư kỹ lưỡng, những nhân vật hấp dẫn có dấu ấn với các em. Một số lĩnh vực như múa rối, xiếc... kịch bản, chương trình còn nghèo nàn nên khó có khả năng thu hút các khán giả quay lại xem những lần tiếp theo. Chính vì vậy, một trong những phương thức giải trí khá phổ biến hiện nay với thiếu nhi - đó là kênh truyền hình.

Thời điểm nghỉ hè cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt những gameshow, các cuộc thi hát dành cho thiếu nhi trên các kênh truyền hình. Với nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao của khán giả thì đây là cơ hội màu mỡ của các nhà sản xuất. Không thể phủ nhận ở một phương diện nào đó, các chương trình này là chơi bổ ích cho một số trẻ nhỏ.

Nhưng việc giải trí của trẻ nhỏ gắn liền với truyền hình trong một thời gian dài hoàn toàn không mang lại hiệu quả tốt. Chưa kể những hạt sạn, những hệ lụy từ các chương trình được sản xuất cẩu thả, chạy theo thị hiếu tầm thường là điều đã từng xảy ra. Chính vì vậy, để có được không gian giải trí phong phú, giàu giá trị nghệ thuật cho trẻ nhỏ không chỉ cần tài năng mà còn là thái độ yêu thương, nâng niu của những người làm nghề dành cho thế hệ măng non.

Khánh Thảo
.
.