Các ban nhạc, nhóm nhạc Việt: Để tồn tại cần có bản sắc riêng

Thứ Sáu, 11/05/2018, 09:01
Sự tồn tại và vai trò của các ban nhạc là điều không thể phủ nhận trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, để các ban nhạc luôn khẳng định và phát huy được vị trí của mình trong giai đoạn hiện nay cần nhiều yếu tố.


Đêm chung kết cuộc thi "The Band" (Ban nhạc) - sân chơi dành cho các ban nhạc, nhóm nhạc có quy mô toàn quốc vừa diễn ra đầy màu sắc vào tối 6-5 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó không lâu, chương trình truyền hình thực tế "Ban nhạc Việt" mùa đầu tiên cũng đã tìm được chủ nhân cho danh hiệu cao nhất của mình...

Sự tồn tại và vai trò của các ban nhạc là điều không thể phủ nhận trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, để các ban nhạc luôn khẳng định và phát huy được vị trí của mình trong giai đoạn hiện nay cần nhiều yếu tố.

Có thể nói, sự ra mắt của chương trình truyền hình thực tế "Ban nhạc Việt" và cuộc thi với quy mô toàn quốc "The Band" thực sự là điều đáng quý đối với đời sống âm nhạc ở giai đoạn hiện nay. Bởi có một thực tế là, mặc dù tràn lan các cuộc thi, các chương trình ca nhạc trên truyền hình nhưng các nhà sản xuất chủ yếu chú trọng tới yếu tố cá nhân cũng như việc tìm kiếm những gương mặt ca sĩ mới hơn là tạo sân chơi cho các nhóm nhạc.

Các ban nhạc vẫn tồn tại lâu nay trong đời sống âm nhạc nhưng dường như không được chú trọng đúng mức. Sự xuất hiện hay biến mất của một ban nhạc nào đó không gây được sự quan tâm của khán giả như 10 - 20 năm trước.

Cách đây vài năm, khi chương trình truyền hình thực tế "The X - Factor" (Nhân tố bí ẩn) phát sóng, sự xuất hiện của một số ban nhạc cũng đã khiến không ít khán giả bất ngờ. Tuy nhiên, vì phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trong một chương trình tổng hợp nên các ban nhạc cũng khó có điều kiện để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Ở mùa đầu tiên của "Ban nhạc Việt" - chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành cho ban nhạc khép lại tối 11 - 2 sau 13 tập, với sự lên ngôi của nhóm nhạc "An Nam" của huấn luyện viên Phương Uyên đã trở thành sân chơi chuyên nghiệp cho nhóm nhạc sau một thời gian dài vắng bóng.

Đây được đánh giá là chương trình có ý tưởng hay, format tốt và các đội thi chất lượng. Chương trình cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình cũng như giới thiệu được nhiều ban nhạc trẻ tài năng đến với công chúng.

Sự chia tay của ban nhạc 365 khiến không ít khán giả tiếc nuối.

Khác với "Ban nhạc Việt", "The Band" là cuộc thi hát dành cho các nhóm nhạc nên chú trọng nhiều tới yếu tố nghệ thuật chứ không phải là một gameshow truyền hình. Đối tượng tham gia là các ban nhạc, nhóm nhạc Việt đang sinh sống trong nước và nước ngoài, có khả năng sáng tác, ca hát và hiểu diễn. Các ban nhạc dự thi sẽ thỏa sức sáng tạo, tự chủ trong sáng tác, chọn ca khúc và định hình phong cách của mình.

Ngay từ khi vừa bắt đầu cuộc thi, đại diện của IB Group Việt Nam - đơn vị tổ chức - cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất và không bỏ sót bất cứ một tài năng âm nhạc nào trên sân khấu "The Band". Chính vì vậy, từ vòng sơ tuyển, "The Band" đã nhận được một số lượng nhóm nhạc khổng lồ, vượt xa dự đoán của ban tổ chức.

Với vai trò giám khảo "The Band", nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định: "Khán giả có vẻ ít chú ý đến ban nhạc, nhưng thực tế, có rất nhiều người trẻ vẫn tụ tập với nhau để chơi nhạc. Nó giống một dòng chảy ngầm của âm nhạc không bao giờ vơi cạn".

Trong đời sống âm nhạc trong nước cũng như quốc tế, sự xuất hiện và tồn tại của những nhóm nhạc danh tiếng là điều không thể phủ nhận. Những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước, âm nhạc của nhiều ban nhạc huyền thoại của thế giới đã khá thịnh hành ở Việt Nam. Một số ban nhạc của Việt Nam cũng manh nha xuất hiện ngay sau đó. Các ban nhạc này chủ yếu hát lại những bài hát quốc tế trong các phòng khiêu vũ cổ điển, vũ trường, sàn nhạc...

Đến thập kỷ 90, khi nhạc nhẹ phát triển rực rỡ, sự xuất hiện của nhiều ca sĩ cũng đã kéo theo sự có mặt của nhiều ban nhạc được công chúng yêu thích: Phương Đông, Hoa Sữa, Anh Em... Những năm tiếp theo có thể được ví như giai đoạn bùng nổ của các ban nhạc trẻ Việt Nam.

Thật khó có thể kể hết những nhóm nhạc, ban nhạc của thời kỳ này. Mỗi dòng nhạc lại có những đại diện tiêu biểu riêng: "Bức tường", "Tam ca áo trắng", "Tam ca 3A", "Tam ca ba con mèo", "Đồng hồ báo thức", nhóm "Con gái", "Quả dưa hấu", "Mắt ngọc", "Mây trắng", "1088", "Gạt tàn đầy"... Không ít nhóm nhạc nhận được sự hâm mộ cuồng nhiệt của giới trẻ và trở thành thần tượng của họ từ trang phục, đầu tóc. Nhưng sau đó, việc các thành viên nhóm nhạc tách ra hát solo, sự thay đổi các thành viên, lắp ghép giữa các ban nhạc đã khiến các ban nhạc không tồn tại lâu nữa.

Các nhóm nhạc, ban nhạc Việt cứ dần mất đi khi ngày càng thiếu vắng những sân chơi riêng có dành cho mình. Các sân khấu lớn cũng chú trọng nhiều tới ca sĩ hơn là nhóm nhạc. Sự xuất hiện của các nhóm nhạc trong các chương trình biểu diễn thường với vai trò đan xen, tránh nhàm chán giữa các tiết mục hơn là tôn vinh ban nhạc đúng nghĩa.

Sự bùng nổ của các cuộc thi âm nhạc dành cho cá nhân thời gian vừa qua đã góp phần khiến đời sống âm nhạc trở nên sôi động nhưng đồng thời tạo nên tình trạng mất cân bằng giữa ca sĩ và ban nhạc. Ít có ban nhạc nào tạo được tiếng vang cũng như tạo dựng được thương hiệu bền vững trong lòng khán giả. Họ hoạt động manh mún và nhanh bị tan rã do không có sân khấu biểu diễn thực sự và thị trường dành cho mình. Ngoài ra, do thiếu chiến lược cũng như quan điểm thành danh sẽ tách ra hát riêng nên các nhóm nhạc không thể tồn tại lâu.

Gần đây, sự xuất hiện của một vài sân chơi riêng dành cho các ban, nhóm nhạc đã cho thấy nhóm nhạc vẫn là một dòng chảy ngầm khá bền bỉ. Là người tâm huyết với lĩnh vực này, nhạc sĩ Anh Quân vui mừng cho biết: "Những năm gần đây, đời sống âm nhạc có nhiều tín hiệu đáng mừng khi xuất hiện nhiều ban nhạc cùng nhiều nhân tố âm nhạc mới, đầy tài năng và tiềm năng".

Tuy nhiên, để các ban nhạc, nhóm nhạc Việt có thể đi đường dài trong tình hình hiện nay là điều không hề đơn giản. Vài năm gần đây, sự xuất hiện vài nhóm nhạc trẻ dưới sự dẫn dắt, hậu thuẫn của những ca sĩ nổi tiếng như "365" của Ngô Thanh Vân, "V. Music" của Hồ Ngọc Hà, "Arista" của Hồ Quỳnh Hương... tạo được ấn tượng khá tốt. Mặc dù định hình được phong cách, tạo dựng được hình ảnh, tên tuổi nhưng hầu như những nhóm nhạc này không tồn tại lâu. Các thành viên sau khi rời nhóm đều tập trung cho sự nghiệp riêng của mình.

Sự hưng thịnh hay không của các ban nhạc Việt có lẽ không phụ thuộc vào người nghe nhạc bởi ở bất kỳ giai đoạn nào, nếu các ban nhạc có được sản phẩm hay vẫn thu hút được sự chú ý của khán giả. Nhìn sang thị trường âm nhạc sôi động của Hàn Quốc, chúng ta nhận thấy vẫn có nhiều nhóm nhạc có được lượng người hâm mộ khổng lồ cả trong và ngoài nước.

Ngoài yếu tố khách quan là sự thiếu sân chơi dành cho các ban nhạc thì một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc các ban nhạc Việt khó tồn tại lâu dài vì thiếu bản sắc. Không thể phủ nhận, làn sóng Kpop có ảnh hưởng không nhỏ đến các ban nhạc Việt từ ngoại hình, trang phục cho đến vũ đạo. Khác với giai đoạn trước đây, các ban nhạc chỉ cần tìm được bài phù hợp rồi biểu diễn trước sân khấu. Giờ đây, các ban nhạc còn phải để tâm tới việc làm thế nào để trang phục bắt mắt, vũ đạo quyến rũ để thu hút khán giả.

Không ít ban nhạc trẻ hiện nay mải mê bắt chước các nhóm nhạc nổi tiếng quốc tế, đặc biệt là các nhóm nhạc của xứ sở Kim Chi đến mức khán giả khó tin đây là ban nhạc của Việt Nam. Thiếu đầu tư chuyên môn một cách bài bản, nghiêm túc, sự lai căng đã khiến cho các ban nhạc Việt trở thành bản sao, thành phiên bản lỗi của không ít ban nhạc quốc tế. Khán giả xem chỉ thấy vui vui mắt mà sau đó không thể nhớ tên ban nhạc.

Nhớ lại giai đoạn khi ban nhạc, nhóm nhạc đang thịnh hành. Mặc dù có tới vài chục ban nhạc nhóm nhạc trên cả nước nhưng khán giả luôn nhớ mặt, biết tên cũng như thuộc nằm lòng những ca khúc của các ban nhạc này. Bởi mỗi ban nhạc đều mang đến một phong cách âm nhạc khác nhau, riêng có, không khuất lẫn.

Tiếp cận trào lưu, bắt kịp xu hướng âm nhạc quốc tế là điều cần thiết với mỗi người làm âm nhạc. Nhưng không định hình được phong cách, mà bắt chước một cách máy móc hay vội vàng chạy theo thị hiếu của một nhóm khán giả sẽ khiến các nhóm nhạc này khó ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Khánh Thảo
.
.