Ca sĩ Tùng Dương: Nếu chỉ dành cho Khánh Ly thì nhạc Trịnh mãi chỉ là huyền thoại

Thứ Hai, 03/04/2017, 08:00
Đã 16 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (1/4/2001-1/4/2017). Nhiều ca sĩ trẻ đã hát nhạc của ông, nhưng người để lại dấu ấn sâu đậm nhất phải kể đến Tùng Dương. Gần như trong các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh đều có sự tham gia của ca sĩ trẻ này. Một giọng hát nam chuyển tải được tinh thần nhạc Trịnh, ít nhiều xóa đi sự mặc định trong công chúng khi nghe nhạc của ông.

-Chào Tùng Dương, các ca sĩ trẻ khi tiếp cận nhạc Trịnh thường ít nhiều dè dặt, vì họ gặp phải những cái bóng lớn từng hát thành công nhạc của ông. Khi hát Trịnh, Tùng Dương có bị áp lực đó không?

+ Nói là không có áp lực thì cũng không hẳn. Vì Trịnh Công Sơn là một tên tuổi lớn, cuộc đời và âm nhạc của ông đã trở thành huyền thoại. Giọng hát Khánh Ly từ lâu đã mặc định trong công chúng, đến nỗi nhiều người nghe không thể chấp nhận một giọng hát khác.

Dù vậy, Tùng Dương nghĩ rằng, nếu nhạc Trịnh chỉ dành cho giọng hát Khánh Ly thì Trịnh Công Sơn mãi mãi chỉ là huyền thoại. Khi tìm hiểu về âm nhạc Trịnh Công Sơn, Tùng Dương nhận ra rằng, âm nhạc của ông là rất cuộc đời. Đó là thứ âm nhạc không phải của một thời, mà là của nhiều thời, của mọi thời. Vậy thì tại sao lại có giới hạn. Hãy để cho biên độ tiếp cận của nhạc Trịnh được mở rộng hơn nữa, mở rộng mãi.

Mỗi người trẻ tiếp cận nhạc Trịnh sẽ mang hơi thở của thế hệ mình, thời đại mình vào đó. Họ cũng sẽ tạo nên lớp khán giả của thời mình đang sống. Nếu âm nhạc Trịnh Công Sơn được ví như một cánh đồng, thì ca sĩ mỗi thời sẽ gieo trồng tình yêu, sự cảm thụ, năng lượng của họ trên đó, để tạo ra những mùa màng của riêng họ.

Ca sĩ Tùng Dương hát trong lễ gắn biển đường phố mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội.

Dĩ nhiên, được công chúng chấp nhận không phải dễ dàng. Với riêng nhạc Trịnh Công Sơn, đó còn là một điều khó khăn, một ngưỡng cửa không dễ để người ca sĩ chạm vào. Nhưng theo tôi, trước tiên, phải có một sự tiếp nhận cởi mở từ khán giả, từ truyền thông, và từ chính người ca sĩ.

Hãy bỏ bớt đi những mặc định khi đến với nhạc Trịnh. Hãy nghe Trịnh trong một tâm thế mở hơn. Có như vậy, công chúng mới có thể cảm nhận những vẻ đẹp chiều sâu khác nhau của nhạc Trịnh.

- Bởi sự "giác ngộ tính" trong âm nhạc Trịnh Công Sơn rất lớn, nên với ca sĩ tuổi đời còn trẻ, thì việc tiếp cận nhạc của ông có nhiều rào cản, Tùng Dương nghĩ sao?

+ Vâng, Tùng Dương thừa nhận rằng, nếu còn bồng bột, khó mà hát hay nhạc Trịnh. Là bởi vì, về mặt âm nhạc, hát nhạc Trịnh không khó. Âm nhạc của ông không quá rắc rối hay kịch tính. Nhưng hát nhạc Trịnh để thuyết phục người nghe lại khó khăn vô cùng.

Không thể hát nhạc Trịnh từ cổ họng. Hát như thế thì là một sự sợt qua. Một sự đụng chạm hời hợt trên cảm xúc người nghe, chẳng để lại ấn tượng gì. Hát nhạc Trịnh, theo Tùng Dương, phải là hát từ sâu trong tinh thần của bạn, từ tình yêu cuộc đời, từ trái tim, từ sự nhận biết và chiêm nghiệm đời sống một cách sâu sắc.

Những người đã từng trải qua biến cố hay nỗi đau, hay đơn giản là giác ngộ đời sống ở một chừng mực nào đó, có ý thức hoàn thiện mình, buông bỏ chấp ngã để quay về tính KHÔNG trong đời người thì sẽ có khả năng hát nhạc Trịnh thuyết phục người nghe. Cho nên, Tùng Dương nói, hát nhạc Trịnh khó mà dễ, dễ mà khó.

- Với riêng Tùng Dương, bạn tự thấy mình đã giác ngộ đời sống khi đến với nhạc Trịnh?

+ Tùng Dương không dám nói mình đã giác ngộ. Bởi giác ngộ là con đường, ai nói đã đi tận cùng nó nghĩa là chưa hiểu con đường đó đâu. Tùng Dương chỉ dám nói là mình có tinh thần giác ngộ. Nghĩa là ít nhiều hiểu về giáo lý nhà Phật. Và khi nghe nhạc Trịnh hay hát nhạc Trịnh, Tùng Dương nhận ra mình được chia sẻ rất nhiều. Trịnh Công Sơn đã nói giúp chúng ta về sự có lý và phi lý của cuộc đời.

Chúng ta đến từ hư không và khi mất đi sẽ tan vào hư không. Quan trọng là trong sự tồn tại của chính mình, hãy sống đẹp nhất, như bông hoa rực rỡ rồi lụi đi, không vì điều gì cả. Tính nhân văn trong nhạc Trịnh quá rộng lớn.

- Tùng Dương theo đạo Phật và bạn đã từng đến Ấn Độ, kinh đô của Phật giáo, hát dưới chân Đức Phật ở núi Thứu…

+ Nói về những cuộc đi như vậy thì Tùng Dương chỉ muốn nhắn điều này. Chúng ta đôi khi đi du lịch nơi này nơi kia chỉ là thỏa tính hiếu kỳ mà thôi. Giống như bao nhiêu người đi lễ chùa, đền, phủ, họ chỉ đơn giản là đi lễ. Đi lễ mà không hề hiểu về Phật pháp hay giáo lý. Đôi khi họ thực hành giáo pháp nhưng trong đời sống thường nhật lại không tu tập, vẫn tham-sân- si. Như vậy chỉ là sự mù quáng. Họ không phải những người giác ngộ thực sự. Hành hương đến đâu không quan trọng bằng cuộc hành hương trong chính tâm linh mình. Phải có một sự "dịch chuyển" từ bên trong, để thấu hiểu mình và thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu người. Mọi lễ bái chỉ là hình thức. Giống như khi hát hay nhạc Trịnh, người ca sĩ phải thực sự có những suy tưởng, chiêm nghiệm về đời sống…

- Có một số ca sĩ trẻ chuyên hát nhạc Trịnh như Giang Trang hay Lô Thủy, nhưng sự thuyết phục của họ với khán giả vẫn còn hạn chế. Theo Tùng Dương thì vì sao?

+ Tùng Dương nghĩ rằng bản thân việc hát nhạc Trịnh một cách thuyết phục đã là rất khó rồi. Những nghệ sĩ dám chọn con đường đi của mình bằng cách chuyên hát nhạc Trịnh đã là rất dũng cảm. Tuy nhiên hãy cho các nghệ sĩ thời gian.

Nói gì thì nói, mọi điều đều phải có hành trình của nó. Giang Trang là ca sĩ có nhiều tìm tòi với nhạc Trịnh. Tùng Dương thấy bạn ấy phối nhiều bài nhạc Trịnh rất lạ, rất hay. Còn Lô Thủy, theo Dương cảm nhận thì Lô Thủy đi theo lối của Khánh Ly. Lô Thủy hát khá giống Khánh Ly. Đó là một sự tiếp sức, nhưng chưa chắc đã phải là cách lựa chọn khôn ngoan.

Tùng Dương nghĩ rằng, trong nhạc Trịnh, có một Khánh Ly là đủ. Những người đến sau hãy dũng cảm đi một con đường khác, theo một cách khác. Có thể không dễ thuyết phục khán giả lúc đầu, nhưng nếu tinh thần bạn đủ mạnh, bạn sẽ tạo ra con đường mới và biết đâu, khả năng chinh phục bắt đầu từ đó.

- Theo Tùng Dương vì sao có không ít ca sĩ tên tuổi thất bại khi hát nhạc Trịnh Công Sơn?

+ Tùng Dương nghĩ, một trong những sai lầm của những ca sĩ tên tuổi, là họ áp đặt cá tính của mình quá mạnh mẽ khi hát nhạc Trịnh. Họ muốn biến nhạc Trịnh thành những ca khúc theo kiểu của họ. Dường như cách áp đặt đó là không phù hợp với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Tùng Dương cho rằng, người ca sĩ cần phải "khai phá" nhạc Trịnh với một cách khác. Hãy hát nhạc Trịnh thật tự nhiên, tự nhiên như cây cỏ vậy. Ở đó, đừng phô trổ quá nhiều về kỹ thuật, mà hãy hát từ sự thẩm thấu của chính người nghệ sĩ về cuộc đời, về thân phận con người. Bởi trong nhạc Trịnh, ngôn từ rất đặc biệt. Khán giả nghe nhạc của ông là nghe ca từ.

- Nhưng cảm về ca từ của Trịnh Công Sơn và hát cho đúng tinh thần Trịnh Công Sơn thật ra không dễ...

+ Khi Tùng Dương nghe một bài hát của Trịnh hay khi chọn biểu diễn một ca khúc nhạc Trịnh thì thường dừng lại rất lâu trước ca từ của ông. Và càng suy ngẫm càng thấy ca từ của Trịnh có một chiều sâu mà mình không dễ gì thấu được.

Trịnh Công Sơn là một triết gia. Những ngôn từ đẹp và đau, thấm đẫm nỗi buồn nhưng cũng thấm đẫm tình yêu cuộc đời. Ngay trong những bài hát ông viết về tuổi trẻ, về tình yêu, về những bóng hồng thì cũng đầy những nhắc nhở thân phận. Bởi thế mới nói, càng chiêm nghiệm đời sống sâu sắc càng hát hay nhạc Trịnh.

Tùng Dương trộm nghĩ, nếu người ta đã trao giải Nobel văn chương cho nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dyland thì Hội Nhà văn Việt Nam hoàn toàn có thể trao giải thưởng cho Trịnh Công Sơn. Bởi mỗi bài hát của ông đều chứa phần ca từ quá hay, quá đẹp. Trịnh Công Sơn chính là ông vua của ngôn từ.

- Có một điều đặc biệt gì từ âm nhạc Trịnh Công Sơn mà Tùng Dương khám phá ra khi hát nhạc của ông?

+ Tùng Dương không dám nghĩ rằng mình là người khám phá ra những đặc biệt, vì chính âm nhạc Trịnh Công Sơn đã là rất đặc biệt rồi. Dương chỉ thấy rằng, muốn hát hay nhạc Trịnh, mình buộc phải trở thành một người trưởng thành về mặt tâm hồn, trí tuệ, tâm linh.

Khi hát, tâm của mình phải tĩnh, phải yên, phải bình thản như dòng sông vậy. Một khi trong tâm còn nhiễu nhương thì khó mà hát hay được. Và một điều nữa, đời sống càng hối hả bề bộn, con người càng bị phân tán bởi muôn vàn yếu tố bên ngoài, thì nhạc Trịnh càng có khả năng an ủi. Đến với nhạc Trịnh nghĩa là tìm đường về.

Đường về của kiếp người, về với tính Không mà đạo Phật đã răn dạy mỗi người. Cho nên, với Tùng Dương, hát nhạc Trịnh không chỉ đơn thuần là biểu diễn, mà còn là sự trở lại, sự tìm kiếm một điều gì đó thanh thản trong tâm hồn.

- Xin cảm ơn ca sĩ Tùng Dương về cuộc trò chuyện.

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.