Ca sĩ Trọng Tấn

Thứ Hai, 12/09/2011, 08:00
Trong chương trình "Con đường âm nhạc" được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV ngày 11/ 9 tới đây sẽ có một ngoại lệ: không phải tôn vinh tên tuổi một nhạc sĩ như thường lệ, mà là tôn vinh hai giọng ca tuy còn trẻ về tuổi đời nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho đời sống âm nhạc nhiều năm qua, đó là Trọng Tấn và Anh Thơ.

Với ca sĩ Trọng Tấn, khán giả truyền hình cả nước sẽ có cơ hội được nghe những ca khúc nhạc đỏ đã làm nên tên tuổi của anh như "Tiếng đàn bầu", "Hà Nội linh thiêng hào hoa", "Về quê", "À í a", "Hà Nội đẹp mãi dáng rồng bay".... Với một người ca sĩ theo đuổi dòng nhạc truyền thống thì việc tổ chức một live show cho riêng mình không phải chuyện dễ dàng, nên sự ghi nhận và tôn vinh của đài truyền hình làm Trọng Tấn vô cùng xúc động.

Trọng Tấn là giọng hát nam nổi bật nhất trong đời sống âm nhạc hiện nay, ở dòng nhạc chính thống. Không thể thiếu vắng anh trong các chương trình ca nhạc lớn chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Với chất giọng dày, khỏe và một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện cộng với cảm xúc dạt dào của người nghệ sĩ, Trọng Tấn đã để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả cả nước. Giọng hát Trọng Tấn khi cần thể hiện những ca khúc nghiêm trang, hào hùng thì rất "khí phách", nhưng khi cần thể hiện những ca khúc trữ tình thì cũng không kém phần sâu lắng, và ngay cả khi anh hát những ca khúc nhạc trẻ mang âm hưởng dân gian đương đại cùng với ca sĩ đàn chị Thanh Lam cũng rất nuột, rất tình.

Có lần trò chuyện với NSND Trần Hiếu, người thầy đầu tiên của Trọng Tấn khi anh "chân ướt chân ráo" từ Thanh Hóa ra thi vào Nhạc viện Hà Nội, tôi được ông cho biết: "Lúc đầu gặp cậu học trò xứ Thanh ngơ ngác, tôi không có ấn tượng gì. Cậu ấy muốn thi vào Nhạc viện nhưng lại đến muộn, và kiến thức âm nhạc lại chả có bao nhiêu. Tôi không nhận cậu vì mình đang có nhiều học trò rồi. Nhưng khi tôi tình cờ nghe Tấn hát thì tôi giật mình. Tôi bảo Tấn hát lại cho tôi nghe lần nữa, và tôi sững sờ vì một giọng hát quá đẹp, quá sáng, rất đặc biệt. Tôi nói với Tấn: "Thầy sẽ nhận em, từ nay em là học trò của thầy". Và Tấn đã xuất sắc thi đỗ vào khoa thanh nhạc năm ấy. Tôi đã tiên đoán Tấn sẽ đi rất xa trên con đường âm nhạc".

Trọng Tấn sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em, bắt đầu tham gia vào các phong trào văn nghệ của trường từ khi còn là một cậu học trò cấp ba. Yêu âm nhạc, mê ca hát, nhưng ước mơ ban đầu của Tấn là thi đỗ vào các trường Đại học Kiến trúc, Đại học Tài chính. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, để đỡ gánh nặng tài chính cho bố mẹ, Trọng Tấn lựa chọn thi vào trung cấp thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, vì nếu thi đỗ vào trường thì "bố mẹ sẽ không phải lo học phí cho mình". Trở thành sinh viên Nhạc viện, ngay năm đầu tiên Tấn đã giành giải "giọng hát nam trẻ nhất" cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội". Hai năm sau, năm 1997, Trọng Tấn giành giải nhất một cách xứng đáng cũng của cuộc thi này. Năm 1999, Trọng Tấn tiếp tục giành giải nhất cuộc thi "Giọng hát hay truyền hình toàn quốc" và thực sự trở thành một gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước. Một giọng hát nam mạnh mẽ nhưng vẫn rất trữ tình, ấm áp, khi anh thể hiện những ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Huy Du, Hoàng Việt, Thái Cơ, Phan Huỳnh Điểu..

Nhớ lại những ngày khó khăn, Trọng Tấn kể: "Giải nhất giọng hát hay Hà Nội năm đó được thưởng 1,5 triệu đồng, đủ để tôi mua một chiếc xe đạp làm phương tiện đi học và đi làm thêm ở Hà Nội". Những năm học trung cấp thanh nhạc, cậu sinh viên nghèo chỉ được cha mẹ chu cấp 180 ngàn đồng một tháng, phải cặm cụi đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. "Từ nhỏ tôi đã tự lập, biết ở nhà một mình, chăm mấy con lợn là chuyện thường, nên khi vào đại học tôi rất biết cách sắp xếp cuộc sống, có thể đi chợ tự nấu ăn, giặt quần áo, tiết kiệm chi tiêu một cách khéo léo".

Giành giải thưởng lớn, được nhiều người biết đến và "hái ra tiền" nhờ giọng hát hay nhưng Trọng Tấn luôn giữ nếp sống giản dị "con nhà nghèo". Dưới sự dìu dắt của các thầy cô là những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu…Trọng Tấn kiên trì con đường mình đã chọn, trở thành một ca sĩ của dòng nhạc bán cổ điển (semi classic). Mặc dù không phải không có lúc cơn lốc của đời sống thị trường có chút ít tác động vào Tấn. Nhiều ca sĩ trẻ giọng hát thì "thường thường bậc trung" nhưng nhờ công nghệ PR, chỉ trong một thời gian ngắn đã trở nên nổi tiếng. Họ được trả cát-xê cao và trở thành những tên tuổi hot nhờ biết yêu chiều thị hiếu của công chúng. Trong khi đó, những ca sĩ của dòng nhạc đỏ như Tấn cát-xê thường thấp hơn, khổ luyện nhiều và đau đáu với nghề nhiều hơn. Nhưng "dòng nhạc đã chọn mình rồi. Và công chúng thì rất công bằng, họ hiểu giá trị của từng giọng hát. Không ồ ạt, nhưng ở đâu mình cũng có một lượng khán giả nhất định, đã yêu quý mình là rất chung thủy và vô điều kiện. Đó chính là động lực để mình vững tin làm nghề". Tấn rất xa lạ với từ "ngôi sao". Anh không ham xuất hiện nơi đám đông, không thích sự bóng bẩy, điệu đà, không đi quán bar, không xài đồ hiệu. Anh lập gia đình với một người bạn gái cùng quê, một phụ nữ giỏi giang có hai bằng đại học, biết đồng cam cộng khổ với chồng từ khi còn tay trắng.

Trong giới ca sĩ, không ít người gọi Trọng Tấn là "người đàn ông của gia đình", vì anh rất yêu chiều vợ con, thích chăm chút cho tổ ấm của mình. Về ngôi nhà rất đẹp của mình, Tấn tự hào có được nó bằng sức lao động cần cù, chắt bóp chi tiêu, tối giản các nhu cầu phù phiếm khác của người nghệ sĩ. Những lúc rảnh rỗi, chàng ca sĩ thích được trổ tài nấu nướng "chiêu đãi" vợ con. Anh bảo: "Tôi nấu ăn chưa thấy ai chê cả".

Với năng lực chuyên môn giỏi, Trọng Tấn được Ban Giám đốc Nhạc viện Hà Nội giữ lại làm giảng viên thanh nhạc. Anh rất vui với công việc của một người thầy hàng ngày lên lớp truyền dạy kiến thức cho học trò và thỉnh thoảng được đứng trên sân khấu thỏa niềm đam mê ca hát của mình. Nói về công việc của một giáo viên thanh nhạc, ngoài giọng hát là tố chất bẩm sinh của học trò và việc rèn luyện kỹ thuật ở trường lớp ra, "thầy" Trọng Tấn nói rất nhiều về câu chuyện thẩm mỹ âm nhạc của người nghệ sĩ. Không có thẩm mỹ, người nghệ sĩ sẽ không thể xác định được con đường mình sẽ đi trong tương lai, họ sẽ không tạo nên bản sắc và cá tính nghệ thuật của riêng mình và không có một ảnh hưởng thực sự đáng kể đến công chúng.

Thẩm mỹ không phải chỉ là câu chuyện của áo quần thời trang lấp lánh bên ngoài mà nó là sự kết tinh của hiểu biết, của tri thức trong tâm hồn mỗi người. Trọng Tấn khuyến khích các học trò của mình đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Những giọng hát mà không chứa một hàm lượng tri thức, trải nghiệm, hiểu biết đáng kể bên trong thì nó chỉ là cái vỏ rỗng, rất khó để mang tới cho khán giả một sự rung động đặc biệt. Chúng ta thấy trong đời sống âm nhạc sôi động đang có phần lấn lướt của những giọng hát hời hợt, nhạt nhẽo. Người ca sĩ chỉ hướng tới việc "mãn nhãn" khán giả bằng áo quần, thời trang, bằng các điệu nhảy khiêu khích hơn là rèn luyện cho mình một chiều sâu tâm hồn. Trọng Tấn quan niệm, âm nhạc bác học, trong đó có âm nhạc chính thống chính là "đền thờ" của âm nhạc nói chung, vì nó là tinh túy nhất, và người nghệ sĩ phải đạt đến những "chuẩn mực" cần thiết. Và, để đi đường dài với nó, rất cần một sự hy sinh, một sự dấn thân không ngần ngại, không tính đếm của người nghệ sĩ.

Không ít người ngạc nhiên khi biết ca khúc được nhiều khán giả yêu thích trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội "Hà Nội đẹp mãi dáng rồng bay" lại là một sáng tác của Trọng Tấn phỏng thơ của tác giả Nguyệt Thanh. Đài Tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu ca khúc này trong chuyên mục những tác phẩm mới về Hà Nội. Đây cũng là ca khúc được phát nhiều lần trên sóng phát thanh và truyền hình trong năm 2010. Trọng Tấn bảo anh không "định" trở thành một nhạc sĩ, chỉ khi nào có cảm xúc thì anh viết một vài bài cho vui vậy thôi, bởi vì "làm cái gì thì cũng phải làm cho đến nơi đến chốn mới có thành quả".

Viết về Trọng Tấn, có người bảo, làm thế nào để hấp dẫn đây. Đời riêng của Tấn chẳng có gì để tò mò, để tạo xì-căng-đan cả. Tấn theo đuổi một dòng nhạc không có khối lượng fan ầm ĩ như một số ca sĩ nhạc trẻ. Công việc hàng ngày của Tấn là đến giảng đường mẫn cán với công việc của một người thầy, rồi luyện thanh và đi biểu diễn. Nhưng, đấy chỉ là thắc mắc của những người đã "bội thực" thông tin về những thứ xung quanh một người ca sĩ hơn là giọng hát của chính họ đang nhan nhản hàng ngày trên mạng Internet. Riêng với Trọng Tấn, giọng hát chính là điều duy nhất anh muốn "khoe" với khán giả, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của mình. Trên con đường của người làm nghệ thuật rất nhiều cám dỗ, Trọng Tấn đã biết nói không với nhiều thứ, kiên trì con đường mình đã chọn và trở thành một giọng hát được khán giả yêu mến, đồng nghiệp nể trọng. Đối với chàng ca sĩ xứ Thanh, được ghi nhận trong lòng công chúng là cái đích lớn nhất mà anh hướng tới…

Vũ Quỳnh Trang
.
.