Ca sĩ Ngọc Khuê “đội gạo lên chùa”

Thứ Hai, 15/12/2014, 08:00
Trong lúc nhiều người trong giới ca sĩ ở xứ ta quá ồn ào với nhiều sự vụ lùm xùm, thậm chí tai tiếng thì ca sĩ Ngọc Khuê đã kiên trì với con đường nghệ thuật chân chính, gắn với những việc làm nhân văn âm thầm, lặng lẽ nhưng nhiều ý nghĩa …

Một hôm, tôi đang ngồi viết ở nhà vườn Sóc Sơn thì họa sĩ Ngọc Khôi gọi điện nói cả gia đình ông đi lễ chùa. Ông mời tôi qua, ông nói cả con gái ông, ca sĩ Ngọc Khuê cũng đi lễ chùa cùng gia đình. Tôi hỏi có phải gia đình ông đang lễ ở chùa Phúc Lâm không? Nếu ở chùa Phúc Lâm, gần nhà vườn của tôi thì tôi qua. Nhưng, không phải chùa Phúc Lâm, tuy ở Sóc Sơn nhưng cách nhà vườn của tôi khá xa. Tôi không có phương tiện gì để đến nên hẹn ông dịp khác. Sau lần ấy, tôi mới biết ca sĩ Ngọc Khuê thường đi chùa, góp gạo cho nhà chùa để giúp đỡ người nghèo, giúp trẻ nhỏ không nơi nương tựa. Ca sĩ Ngọc Khuê không chỉ "đội gạo lên chùa" làm từ thiện mà còn đi đến nhiều nơi vùng sâu  vùng xa, vùng rừng núi để giúp đỡ người nghèo...

Tôi nhớ, cuộc thi "Tiếng hát truyền hình toàn quốc" năm 2003  tổ chức ở Tuần Châu (Quảng Ninh) xuất hiện một giọng hát lạ, bài hát cũng lạ, cái mới lạ nhưng lại rất quen thuộc của dòng nhạc dân gian lay động lòng người, đó là giọng hát Ngọc Khuê. Và ngay năm sau, 2004, tại "Sao Mai điểm hẹn" lần thứ nhất tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, với bài "Chuồn chuồn ớt" cũng của Lê Minh Sơn, Ngọc Khuê, với giọng hát trong trẻo, thánh thót, có phần ma mị, đã tạo nên một chỗ đứng gần như riêng biệt trong cái ồn ào, xô bồ của giới ca sĩ trẻ càng ngày càng trở nên đông đảo trong làng nhạc Việt.

Tôi thực sự có cảm tình với giọng hát Ngọc Khuê từ đó. Cũng từ đó, nhiều cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tôi mời Ngọc Khuê hát trong đêm chung kết.

Ca sĩ Ngọc Khuê cùng chồng và con trai.

Đến thăm gia đình Ngọc Khuê ở Gia Lâm, tôi mới biết, hóa ra bố Ngọc Khuê, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi cũng say mê làm thơ, sáng tác nhạc và cũng là lính phòng không không quân, cùng Sư đoàn 361 với tôi thời chiến tranh. Tôi ở Trung đoàn tên lửa 236, Phạm Ngọc Khôi ở Trung đoàn pháo cao xạ 260.

"Buồn, vui, vẫn ánh mắt cười/ Ôn hòa, quả quyết, việc đời bao dung" đó là hai câu thơ của Phạm Ngọc Khôi, là phương châm sống, cũng là điều mà ông dạy các con, các cháu.

Cái triết lý dạy con của ông tưởng là đơn giản, thực ra rất sâu sắc, rất thấm thía, cũng rất cô đọng. Sống ở đời dù có thác ghềnh trắc trở mà vẫn luôn nở nụ cười, ấy mới là buông xả như lời Phật dạy. Quả quyết mà lại ôn hòa, bao dung, những đức tính thời nào cũng cần thấm vào máu thịt. Tết Giáp Ngọ vừa rồi, trong bài thơ "Bạn đời và lời thề", vợ chồng họa sĩ Ngọc Khôi bảo nhau "Sống làm gương sáng cho con/ Về nơi chín suối vẫn còn tiếng thơm".

Tuổi thơ của Ngọc Khuê được sống trong một gia đình trí thức êm ấm. Trong những bữa cơm thân mật, bố mẹ Ngọc Khuê thường kể chuyện truyền thống gia đình nội ngoại, đố vui về kiến thức lịch sử, địa lý, khoa học, xã hội, tâm linh. Mọi người vui mà cũng là những bài học tự nhiên, dễ thuộc, dễ nhớ với các con. Họa sĩ Ngọc Khôi nói với tôi rằng cả nhà thấm nhuần chữ Tâm, chữ Nhẫn, không chửi tục, không nói bậy, biết xin lỗi, biết cảm ơn. Cả nhà chăm đi lễ chùa và chung niềm vui hạnh phúc trong những chương trình làm từ thiện. Trung thu hằng năm đến trại trẻ mồ côi chùa Phật Tích, nhà trẻ SOS… Ngọc Khuê tham gia nhiều chương trình của VTV: Lên rừng, xuống biển, đi ra hải đảo, vùng xa, vùng sâu làm từ thiện, đại sứ môi trường, ước mơ xanh, hiến máu nhân đạo… Mới đây Ngọc Khuê cùng bố mẹ tham gia chương trình đem âm nhạc và tặng quà đến bệnh viện vùng cao (tại Hà Giang, nơi ông bà ngoại của Ngọc Khuê theo Cụ Hồ kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm và sinh mẹ của Ngọc Khuê ở đó) .

Họa sĩ Ngọc Khôi có ba người con gái và cả ba đều chọn nghề giáo viên như mẹ (bà Vũ Thị Bích Tường vợ họa sĩ Ngọc Khôi dạy Sư phạm Văn). Phạm Thị Bích Ngọc sinh năm 1972, tốt nghiệp Sư phạm khoa tiểu học. Phạm Thị Ngọc Bích sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, dạy tiếng Anh. Năm 2004, Ngọc Bích mất vì bạo bệnh đã để lại nỗi đau trong gia đình nghệ sĩ Ngọc Khôi. Và người con út sinh năm 1983, ca sĩ Phạm Ngọc Khuê nổi tiếng vẫn chọn nghề giáo, dạy ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Mới đây Ngọc Khuê bảo vệ luận án cao học đạt kết quả xuất sắc với đề tài "Yếu tố dân gian trong ca khúc đương đại".

Họa sĩ Phạm Ngọc Khôi kể nhiều chuyện cảm động về làng quê Đỗ Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên), về người mẹ của mình mà ông tự phong là "Mẹ Việt Nam anh hùng". Mẹ ông, cụ Vũ Thị Cúc, trong thời kỳ chống Pháp là hội trưởng phụ nữ làng tề, khi mang thai ông hơn hai tháng thì chồng mất, trong sự nghi kỵ của họ hàng, sau các cụ tính ngày, tính tháng đến khi sinh thấy đúng mới công nhận, gọi là út Thêm. Vượt qua nỗi đau, cụ tiếp tục tham gia cách mạng, bươn chải nuôi dạy tám người con thành đạt. Cụ vận động bà con mua công trái ủng hộ Việt Minh, đào hầm bí mật trong nhà, lập cơ sở nuôi giấu cán bộ. Có lần Tây bắt cụ và con trai trưởng giam ở bốt Bần, thoát được về làng, cụ vẫn một lòng vì cách mạng. Cụ Vũ Thị Cúc đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen… Họa sĩ Ngọc Khôi đã viết nhiều thơ, truyện, trong đó có truyện "Người mẹ làng Đọ" để giáo dục con cháu trong nhà. Ông nói, lúc cụ mất, Ngọc Khuê mới lên 4 tuổi, khi 18 tuổi Ngọc Khuê đã sáng tác bài hát về bà có câu "Bây giờ con đã lớn/ nội ơi nội không còn…", nghe Khuê hát, cả nhà cảm động rơi nước mắt. 

Trò chuyện với Ngọc Khuê, tôi hiểu gia đình đối với người ca sĩ nổi tiếng này rất quan trọng. Từ nhỏ đến lớn không có cuộc thi nào của Ngọc Khuê là không có bố mẹ và chị gái đi cùng, chăm sóc, động viên và cổ vũ. Khi nhà báo Minh Vũ hỏi Khuê về thần tượng, Khuê nói ngay là bố mẹ. Chính Ngọc Khuê đã tâm sự trên một tờ báo rằng "Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần rất lớn. Khi gặp những chuyện không vui thì bố mẹ là người đầu tiên góp ý kiến, chia sẻ để mình vơi nỗi buồn”. Ngọc Khuê sinh ra và lớn lên trong sự thấm đẫm tình yêu thương của gia đình nên trong việc dạy con, người ca sĩ nổi tiếng này cũng rất chú trọng đến yếu tố quan trọng này.

Họa sĩ Ngọc Khôi cho tôi mượn cuốn sách mà ông gọi là "Tâm nguyện" dày gần nửa gang tay, gồm những bài thơ, bản nhạc, những bức ảnh mà ông sáng tác, sưu tầm, tập hợp lại, rất công phu. Ông nói đó là những tâm nguyện của mình để lại cho con cháu. Qua đó để giáo dục, dạy các con làm người sống ngay thẳng, sống có ích. Trong bài thơ "Út cưng" ông viết về người con gái út Ngọc Khuê có câu "Chưa sinh ai cũng bảo trai/ Sinh ra gái út, cưng nài rượu tây/ Mẹ yêu Zin gọi suốt ngày…/ Thông minh đàn hát giỏi giang/ Tự thi thanh nhạc, học càng mê say".

Người bạn đời của ca sĩ Ngọc Khuê là Lê Trung Anh, sinh năm 1974, cán bộ kỹ thuật của Hãng Hàng không Việt Nam. Năm 2007, cháu Lê Anh Dũng (Tony) chào đời, một cậu con trai khỏe mạnh, khôi ngô. Vợ chồng Ngọc Khuê luôn dành cho con những gì tốt nhất.

Bài hát "Chuồn chuồn ớt" trong đêm chung kết “Sao Mai điểm hẹn” năm 2004 mà Ngọc Khuê hát đã trở thành cái tên mà những người yêu mến, ngưỡng mộ giọng hát Ngọc Khuê đặt cho cô. Đĩa nhạc đầu tiên "Bên bờ ao nhà mình" của Ngọc Khuê (nhạc Lê Minh Sơn) tặng tôi, tôi rất thích. Nhưng, tôi thích hơn khi ca sĩ Ngọc Khuê hát những bài của Nguyễn Vĩnh Tiến. Những "Giọt sương bay lên", "Bà tôi"… thực sự làm say lòng người bởi sự đa chiều, đa thanh, đa cảm… Nó vừa thực, vừa hư, vừa ma mị, vừa rất dân gian lại cũng rất hiện đại bởi sự mới mẻ, lạ lẫm, đầy bất ngờ trong cảm xúc…

Năm Ngọc Khuê mới 5 tuổi, bố đã đèo Khuê qua cầu Long Biên sang Cung Văn hóa thiếu nhi học hát. Dù rất khó khăn, họa sĩ Ngọc Khôi vẫn dành dụm mua cho con gái cưng cây đàn organ cũ Yamaha520, bây giờ vẫn giữ, như một vật kỷ niệm quý trong nhà. Hiện nay, gia đình Ngọc Khuê có nhiều điều kiện tốt hơn cùng với truyền thống văn hóa gia đình để nuôi dạy Tony phát triển toàn diện… Nhưng Ngọc Khuê tâm sự với tôi rằng vợ chồng cô để cho con phát triển tự nhiên và điều quan trọng là không bao giờ tranh cãi to tiếng trước mặt con…

Trong lúc nhiều người trong giới ca sĩ ở xứ ta quá ồn ào với nhiều sự vụ lùm xùm, thậm chí tai tiếng thì ca sĩ Ngọc Khuê đã kiên trì với con đường nghệ thuật chân chính, gắn với những việc làm nhân văn âm thầm, lặng lẽ nhưng nhiều ý nghĩa …

2014

Dương Kỳ Anh
.
.