Ca sĩ Lê Uyên: Dạ khúc hát mãi cho tình nhân

Thứ Năm, 27/11/2014, 09:55
"Chị và anh Phương chưa bao giờ chia tay như mọi người nhầm tưởng. Khó khăn lắm anh chị mới đến được với nhau, vậy thì cớ sao lại dễ dàng chia tay? Ngay khi anh đã không còn trên cõi đời này nữa, chị biết anh vẫn bên mình, mãi mãi" - Chị nói, đôi tay vân vê mặt đá dây chuyền mà ngày còn sống nhạc sĩ Lê Uyên Phương hay đeo. Chiều tắt nắng, khúc hát bất chợt trên đầu môi. Khúc hát chị dành cho anh, anh dành cho chị, như vạn ngày trước, như triệu ngày sau, khe khẽ "ru người yêu dấu trong vùng trời đêm"...

Hạnh ngộ với ca sĩ Lê Uyên giữa TP HCM sau chuyến chị lên Đà Lạt - chút tranh thủ giữa bao tất bật chuẩn bị cho liveshow "Dạ khúc cho tình nhân" tại Nhà hát Hòa Bình tối 8/11. Giữa phố núi mù sương, chạm tay vào bức tường cũ căn nhà số 18 Bùi Thị Xuân (trước đây là đường Võ Tánh), kỉ niệm xa xưa ùa về nơi khóe mắt. Dường như chất bảo quản của ký ức giữ vẹn nguyên kỉ niệm trước sự lạnh lùng tàn phá của thời gian. Đây là nơi chị và nhạc sĩ Lê Văn Lộc (tức Lê Uyên Phương) bắt gặp tiếng sét ái tình, để lại cho hậu thế một mối tình đẹp như muôn vần nhạc tình anh viết cho chị. Giếng xưa, cánh cửa gỗ sơn xanh, bức tường vàng, biển số nhà vẫn đây, cũ kỹ, đơn sơ. Góc cửa sổ mà mỗi lần nghe ám hiệu của anh, chị lại tìm cách leo xuống, lẻn sang căn nhà số 22 Võ Tánh hẹn hò. Chẳng ngờ người chủ mới vẫn giữ gìn tất cả. Bao năm hai vợ chồng chị xa nơi này, bác Hoa, người  chủ nhà vì mến mộ anh chị mà vẫn giữ nguyên tất cả.

Tôi đã từng nghe, rất nhiều lần nghe những "Dạ khúc cho tình nhân", "Vũng lầy của chúng ta", rồi "Lời gọi chân mây", "Tình khúc cho em"… Ám ảnh tôi  nhất vẫn là "Dạ khúc cho tình nhân". Chẳng biết bao nhiêu lần gối đẫm ướt trong đêm. Chuyện buồn thường khiến người ta muốn quên. Nhưng càng cố quên lại càng không thể quên. Nhất là khi chuyện buồn ấy lại là một mối tình đẹp: "Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau/ Chết bên nhau thật là hồn nhiên"…

Tôi ao ước gặp chị, để nghe nỗi lòng của người trong cuộc, để ngưỡng vọng một mối tình. Tuổi mười bốn, Lâm Phúc Anh (tên thật của ca sĩ Lê Uyên) là cô tiểu thư khuê các có giọng hát ma mị. Tài sắc vẹn toàn nên "cây si" trồng trước nhà chị nhiều như ong bướm mùa xuân. Cha mẹ là một thương nhân giàu có của vùng Chợ Lớn, Sài Gòn nên cô con gái cưng được gửi lên Đà Lạt học tại trường Tây danh tiếng Virgo Maria. Nhà chị ở là 18 Võ Tánh, cách nhà chàng nhạc sĩ dạy triết Lê Uyên Phương một căn. Lâm Phúc Anh hay sang chơi với cô em gái của nhạc sĩ. "Ngày đó, anh tuy nghèo nhưng hào hoa. Rất nhiều tiểu thư nức tiếng xinh đẹp của Đà Lạt phải lòng anh. Một ngày, tôi mặc áo dài điệu đà bước ra đường. Tự dưng, tôi cảm giác như ai đang theo dõi mình. Người đàn ông đó nhẹ nhàng cất tiếng: "Chào cô". Giọng ông anh hàng xóm hơn mình 11 tuổi đây mà. Đáp lễ, tôi quay lại để chào. Bắt gặp ánh mắt ấy, tự dưng tôi choáng váng. Anh đã đánh cắp trái tim tôi từ đó" - Chị kể.

Ca sĩ Lê Uyên trong đêm nhạc tưởng nhớ người chồng quá cố - nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên Phương - tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM tối 8/11/2014 (phông nền phía sau sân khấu có hình nhạc sĩ Lê Uyên Phương).

Và cũng từ đó, nhạc sĩ Lê Uyên Phương chọn tuyên ngôn đời mình: "Những bài hát anh sáng tác sau này sẽ chỉ sáng tác cho em, cho tình yêu đôi ta". Mỗi lần có bài hát nào mới, anh lại gọi cô tình nhân bé bỏng sang nhà để cả hai cùng song ca. Chị bảo chính tài năng, tấm lòng rộng lượng và mặc cảm căn bệnh ung thư xương hiểm nghèo của anh mà chị càng yêu anh tha thiết.

Mặc cho gia đình ngăn cấm, mặc nỗi phập phù lo sợ bởi cái chết chực chờ có thể cướp anh đi bất cứ lúc nào, chị đến với anh. Như thể nếu không có nhau, họ mãi mãi chẳng thuộc về ai khác. Như thể Lê Uyên và Phương là một cơ thể, một linh hồn mà chia lìa khác nào họ sẽ chết. Thương con gái trốn nhà lên Đà Lạt liên miên, lang thang, vất vưởng ở sân ga cùng người yêu, cha mẹ rồi cũng gật đầu. Ngày vu quy, cô dâu mới 16 tuổi.

Từ đó, họ gắn chặt với nhau như hình với bóng, anh sáng tác, chị hát. Họ bắt đầu hành trình du ca ở các trường học, rồi ở các tụ điểm từ Đà Lạt cho đến Sài Gòn. Những bản tình ca đắm đuối, nồng nàn, khát khao và dằn vặt, khắc khoải lẫn đớn đau, phảng phất màu buồn, tính triết lý đã mê hoặc hàng triệu trái tim yêu nhạc. Anh cắt cái tên Lê Uyên Phương của mình thành Lê Uyên và Phương để làm nghệ danh Lê Uyên cho chị. Thập niên 70, cái tên Lê Uyên - Phương làm nên một hiện tượng trong nền tân nhạc Việt Nam.

Căn bệnh nan y với những cục bướu kỳ dị trên người mà Lê Uyên Phương chịu đựng đã khiến người ta lo sợ rằng anh sẽ không sống được quá 30 tuổi. Thế nên trong các bài hát của Lê Uyên Phương, dư vị buồn đau, xót xa, thậm chí những dự cảm không lành về một cái chết chực đến tràn ngập: "Màn đêm mở huyệt sâu/ Mộng đầu xin dài lâu/ Một vì sao lạ rơi/ Nghe hồn tê tái, trên dòng hương khói bay/ Ái ân ơi xin đừng phụ ta…" (Dạ khúc cho tình nhân); "Trong đau đớn điên cuồng đó vun kiếp sống không ngơi (…)/ Hãy ngồi xuống đây, bên bờ vực này, ngó xuống thương đau..." (Hãy ngồi xuống đây). Buồn đau, xót xa, nhưng không hề bi lụy. Cái chết trong nhạc phẩm của anh không đáng sợ mà ngược lại, anh coi đó như một sự hiển nhiên để mà thanh thản đón nhận, không sớm thì muộn. Phút tồn tại trên cõi đời, Lê Uyên Phương muốn tận hiến cho người, cho đời, cho tình yêu.

Người ta ngạc nhiên khi thời gian anh sống nhiều hơn giới hạn thần chết vạch ra. Không ai cắt nghĩa được điều kỳ diệu ấy ngoại trừ Lê Uyên - liều thuốc tình yêu cho sự sống của anh. Phút anh mãi mãi đi về thế giới bên kia, chị như chết đi một nửa linh hồn. Ngày trôi, đêm xuống, tưởng chừng thân xác chị rồi sẽ tan ra thành những giọt lệ. Trong ngăn tủ, hàng chục viên thuốc ngủ đã được chuẩn bị sẵn. Nhưng lời trăng trối của anh đỡ chị gượng dậy: "Dù anh có mệnh hệ gì, em hãy sống để đưa âm nhạc của chúng mình về hát trên quê hương". 

Chiếc dây chuyền mặt đá hình trái tim anh tặng, chị tháo ra để đeo vào chiếc dây chuyền anh thường đeo. "Đi đâu, làm gì hay ngay trên sân khấu biểu diễn tôi cũng đeo nó như một cách nhớ thương anh. Sờ lên mặt đá, tôi cảm giác như anh đang ở bên mình, an ủi, vỗ về mình thực hiện nốt di nguyện của anh trên cõi đời".

Chuyện anh và chị từng chia tay, chị cười mà bảo đó là tin đồn thất thiệt: "Chúng tôi qua Mỹ năm 1979. Đến năm 1985, tôi bị thương nặng khi vô tình đi ngang qua chỗ hai băng đảng thanh toán nhau. Tình trạng của tôi rất nguy kịch vì mất quá nhiều máu, ranh giới sinh tử vô cùng mong manh khiến anh Phương rất lo lắng. Nó khiến cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn đảo lộn. Một thời gian dài chúng tôi không thể hát với nhau. Vậy nên mọi người cứ đồn ầm lên rằng tôi và anh Phương chia tay".

Sau khi anh mất, chị vẫn sống cùng hai con gái tại Mỹ. Niềm vui của chị là mang đến cho người yêu nhạc những ca khúc chưa công bố mà anh sáng tác trong giai đoạn cuối đời. Di nguyện của anh chưa thành hiện thực vì quá nhiều biến cố xảy ra với chị: mẹ mất, bệnh tật… Những chiều hoàng hôn, chị lại dạo bước trên những con đường rợp bóng cây, cỏ dại, sỏi đá, nơi khi xưa hai người vẫn tản bộ, và nhẩm hát tình khúc của anh. Anh đi, dự cảm chia lìa, mất mát trong câu hát càng thêm tái tê, thấm thía nỗi lòng chị.

Về Đà Lạt sau gần 40 năm xa cách, gặp lại quán cà phê Tùng, chốn đầu tiên hai người hò hẹn, chị không khỏi bồi hồi. Con đường quanh co mà ngày ngày chị theo anh xuống phố, nghe lòng mình reo ca với thiên nhiên, nghe  vô thường của dòng đời trôi miệt mài để "qua đi, qua đi những cơn mê". Và này đây sân ga Đà Lạt, nơi anh vẫn thường đưa đón chị về trong nỗi nhớ thương, trong tiếng reo mừng rộn rã. Nơi mà tình khúc "Một ngày vui mùa đông" ra đời khi có lần chị để anh chờ thật lâu rồi mới xuất hiện như một món quà bất ngờ: "Em lên ngày mai/ Đường gió trăng cài/ Mong em từng giây/ Rộn ràng như ngây/ (…) Ga buồn chờ mãi người yêu/ Thềm ga vắng tanh…".  Chuyện tình mà mỗi lần quay chậm lại, chị nghe tiếng lòng nức nở. Đêm liveshow, với "Dạ khúc cho tình nhân", "Vũng lầy của chúng ta", "Khi loài thú xa nhau", "Cho lần cuối"… giọng khàn của hồi niệm làm sống dậy một mối tình bất hủ. Tưởng như anh tìm về, nắm tay chị, ôm đàn cùng đắm đuối, ngây dại như thuở nào. Di nguyện của anh đã thành hiện thực. Như người ta nói, chẳng ai hát những tình khúc Lê Uyên Phương hay bằng ca sĩ Lê Uyên. Cũng phải thôi, đó là khi người ta hát với chất ngất yêu thương, với tận cùng khổ đau. Và bởi, chị là một nửa định mệnh, mãi mãi chẳng thể tách rời của Lê Uyên Phương trong âm nhạc lẫn trong tình yêu…

Mai Quỳnh Nga
.
.