Ca sĩ Hồng Nhung: Luôn hướng tới sự hoàn hảo

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:00
Tôi có người bạn sành âm nhạc, từ giao hưởng thính phòng, pop, rock, dân ca đến boledo… Cô có thể kể đến tất cả các tên tuổi ca sĩ, ai giọng teno, ai bencanto, ai có thể hát 3 quãng tám, nhưng đặc biệt, cô rất mê giọng hát Hồng Nhung, và khâm phục đời sống của người ca sĩ có vóc dáng và cách ăn mặc bậc nhất này. 

Cô nói, Hồng Nhung đã làm cô mê mẩn với những bài: Giọt sương trong mi mắt (Dương Thụ), Ru đời đi nhé, Tuổi đời mênh mông… (Trịnh Công Sơn), Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn), Suối mơ (Văn Cao), Gửi sông La (Thơ: Hoàng Thị Minh Khanh, nhạc: Lê Việt Hoà), Ngẫu hứng sông Hồng (Trần Tiến), Cho em một ngày (Dương Thụ), Ngày không mưa (Quốc Trung - Dương Thụ) và rất nhiều những bài hát khác.

Thấy bạn ngưỡng mộ, một hôm tôi bảo, có muốn gặp không, Hồng Nhung đang ở Hà Nội với mẹ, nhà ngay cổng cơ quan tôi. Cô giãy nảy, không, chả gặp làm gì, con người ấy hoàn hảo quá, ngại lắm. "Hoàn hảo đến mức phát ghét", cô nói thêm.

Ca sĩ Hồng Nhung và chồng.

Tôi phì cười trước câu nói đó, rồi nhìn bạn, tôi chợt hiểu ra rằng, bạn là người ưa phóng túng, trễ nải, và rất xuề xòa. Tôi nhớ cô đã từng tâm đắc với câu nói của cựu Tổng thống Pháp ngày ông thăm Hà Nội, đại ý: "Lang bang và phóng túng là bản chất của sáng tạo". Nhưng, đấy là một quan niệm. Quan niệm của các nhà khoa học lại khác, không có sự hoàn hảo, không có khoa học, và với không ít người thì: sự nửa vời không làm nên đỉnh cao nghệ thuật.

Tôi hỏi cô bạn: Về sự nghiệp âm nhạc, Hồng Nhung sở hữu một làn hơi dày, khỏe, giàu nội tâm và một tư duy âm nhạc có bề dày văn hóa. Là người làm mới thành công những tác phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi của nhạc Việt như: Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Trần Tiến, Quốc Trung… Về ứng xử: trả lời báo chí thông minh. Đi đứng, nói cười, phục trang đều đáng để công chúng ngưỡng mộ. Làm vợ, làm mẹ rất chỉn chu. Không đáng để một lần bày tỏ sự ngưỡng mộ sao? Cô bạn tôi vẫn lắc: "Thôi, ngưỡng mộ từ xa để còn được say vào cái giọng hát số 1 này".

Té ra, ở đời không có gì là… được yêu tuyệt đối. Hoàn hảo đến như Hồng Nhung mà còn bị "ghét". 

Hồng Nhung quả là một sự hoàn hảo. Không chỉ hoàn hảo trong âm nhạc, Hồng Nhung còn là người giữ gìn vẻ đẹp cơ thể và trang phục bên ngoài rất kỹ lưỡng. Chế độ ăn kiêng và thể dục (tập yoga) nghiêm ngặt giúp cho Hồng Nhung có sức khỏe tốt, một cơ thể thanh gọn và một gương mặt không mang dấu thời gian. Khiếu thẩm mỹ của Hồng Nhung được thể hiện bằng những bộ trang phục của Valerie Mckenzie - nhà thiết kế người Pháp, của Talbot Runhof, của các nhà thiết kế hàng đầu Việt.

Hồng Nhung từng đoạt giải Nghệ sĩ mốt nhất năm 1999 rồi đến năm 2007 với 4 bộ trang phục trong live show Vì ta cần nhau, Hồng Nhung lại tiếp tục giành giải Nghệ sĩ ăn mặc lịch sự nhất 2007 do Tạp chí Mốt trao tặng.Với những bộ áo dài theo sự đặt hàng của chính mình, Hồng Nhung là một quý bà lịch lãm nhưng trong sáng và thanh mảnh như cô gái tuổi trăng tròn?

Với lần duyên đầu đổ vỡ, Hồng Nhung chọn cách im lặng, nhẹ nhàng, chờ đợi thời gian chữa lành vết thương. Rồi sau đó tình mới đã đến. Sau khi tổ chức lễ đính hôn vào cuối tháng 6 năm 2007 tại Vũng Tàu với một thời gian chung sống, Hồng Nhung đã kết hôn với Kevin, người Mỹ, hồi tháng 7 năm 2011. Hai bé sinh đôi một trai, một gái của họ được sinh ra đúng dịp lễ Phục Sinh, tức ngày 8 tháng 4 năm 2012 tại Mỹ, tên là Aiden và Lea, tên thường gọi là Tôm và Tép.

Cặp vợ chồng hạnh phúc này sống trong ngôi nhà tuyệt đẹp cả về nội thất và ngoại thất. Nghe nói ngôi nhà được nhạc sĩ Dương Thụ thiết kế với sự tương tác ý tưởng của chủ nhân. Không gian sống của gia đình Hồng Nhung chở những hoài niệm, đậm chất Hà Nội xưa, nhưng cũng rất nhiều tiện nghi thời đại. Ở đó, nhiều khi Hồng Nhung hoặc Kevin tự tay nấu nướng.

*

Hồng Nhung sinh tháng 3 năm 1970 trong một gia đình Hà Nội trí thức, một cái nôi văn hoá giáo dục cao. Ông nội của Hồng Nhung là họa sĩ Lê Văn Ngoạn, ông ngoại là nhà ngôn ngữ Đới Xuân Ninh. Bố Hồng Nhung là dịch giả Lê Văn Viện. Có thể do những khác biệt nào đó mà bố mẹ Hồng Nhung không chung con đường từ lúc con gái duy nhất của họ mới 2 tuổi. Hồng Nhung được đặt tên là Bống. Bống ở với bố (có lẽ vì điều này mà Bống là người hát "Papa" - Pháp - rất nhiều cảm xúc, đem lại ấn tượng nhất trong các bài đã hát của Nhung). Năm 10 tuổi, Hồng Nhung là thành viên của đội Họa Mi.

Năm 11 tuổi, Hồng Nhung được tới Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm bài hát đầu tiên: "Lời chào của em" và biểu diễn trong Đội nghệ thuật Măng non Hà Nội. Sau đó, Hồng Nhung trở thành đại diện thiếu nhi của Thủ đô Hà Nội được đi lưu diễn nước ngoài, trở thành giọng hát thiếu nhi được yêu mến tại Hà Nội lúc bấy giờ.  Hồng Nhung không chỉ có khiếu ca hát mà là học sinh giỏi toàn thành phố, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen, giỏi toàn diện 7 năm liền, tiếng Anh cũng giỏi luôn.

Khi 15 tuổi, Hồng Nhung đã đoạt Huy chương vàng "Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc" tại Hải Phòng với bài Diều ơi cho em bay của Nguyễn Cường. Và khi Hồng Nhung gặp nhạc sĩ Quang Vinh, gia nhập Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương ghi dấu với Lời của gió (của Duy Thái). Tiếp tục sau đó là các ca khúc Hãy đến với em (Duy Thái), Vì sao anh không đến (Từ Huy) và Nothing Compares to You (Sinead O'Connor), Papa và Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp)...

Hồng Nhung gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi 20 tuổi, cuộc gặp gỡ này có thể đã đem đến một nhận thức mới trong sự nghiệp âm nhạc, một cái nhìn mới về cuộc đời của người ca sĩ này...

*

Với một giọng hát đầy nội lực mà trong trẻo, tinh tế, sáng và vang, sử dụng một kỹ thuật melisma, volcal runs (ngẫu hứng) tinh tế của phương Tây, đồng thời với kỹ thuật nảy âm, đổ chữ của âm nhạc truyền thống Việt vào nhạc nhẹ một cách khéo léo, Hồng Nhung đã tạo nên sự đặc biệt, ngôi vị số 1 của mình. Người nghe nhớ đến những note dài mà Hồng Nhung sở hữu, có vô số lần cô ngân trên 10 giây và kỷ lục giữ note là trên 20 giây hơn, mà ca sĩ thường thì chỉ có thể ngân dưới 10 giây.

Chỉ với một làn hơi mà Hồng Nhung có thể phiêu, ngân dễ dàng những note ở quãng trung một cách ổn định, chưa bao giờ cô bị cụt hơi ở những quãng cao. Thậm chí để tạo ra chất riêng cho bài hát, Hồng Nhung ngân note dài mà không cần sử dụng kỹ thuật ngân rung.

Dĩ nhiên, đây là nói lúc Hồng Nhung sung mãn nhất, Hồng Nhung ở đỉnh cao sự nghiệp. Song, có một giai đoạn, vì quá cầu toàn, vì quá mê sự hoàn hảo nên Hồng Nhung cũng rơi vào sự khô cứng. Và đó là nguyên nhân khiến cho những người khó tính như cô bạn tôi đã "từ chối" nghe Hồng Nhung một thời gian.

*

Mới đây, trong đêm nhạc Phố à phố ơi… Bống à bống ơi! diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, Hồng Nhung vừa là tác giả kịch bản chương trình vừa là nghệ sĩ thể hiện (cùng với một số giọng ca khách mời) đã đem đến cho khán giả Hà Nội một món ăn rất đặc biệt, đánh dấu sự trở lại của giọng ca gạo cội ở tuổi 45.

Hai con (bé Tôm và bé Tép) của vợ chồng ca sĩ Hồng Nhung.

Trong đêm diễn, Hồng Nhung trình làng những bài hát mới toanh như Tìm về (chị viết cùng Thanh Bùi), Một sáng (Võ Thiện Thanh) và Phố à phố ơi (Lưu Hà An). Chương trình, ngoài việc được thấy giọng hát, gương mặt, "gu" thẩm mỹ thời trang, màn múa, thân hình mảnh mai thon thả còn có thể chứng kiến khả năng dàn dựng của cô Bống. Những khách mời: nhóm nhạc Oplus, Vũ Cát Tường, Hà Anh Tuấn, Thanh Lam, mỗi người một bài và song ca với Hồng Nhung một bài. Chiến dịch bảo vệ tê giác được đưa vào chương trình rất khéo khiến cho khán giả cảm nhận thông điệp bảo vệ loài động vật này một cách tự nhiên mà đạt hiệu ứng sâu sắc.

Trong chương trình, cô Bống đưa 2 con sinh đôi mới ba tuổi, và Kevin, chồng của mình lên sân khấu, như một tiết mục. Hồng Nhung hỏi các con "Người gì?". Hai bé trả lời: "Việt Nam!".

Trong CT, Hồng Nhung vẫn đảm bảo cột hơi chắc từ đầu tới cuối, cộng thêm với bề dày văn hóa có được từ cuộc sống gia đình, phả vào trong giọng hát, Hồng Nhung trở lại với hình ảnh thành công của mình thời hoàng kim, khiến cho tiếng vỗ tay đã không ngớt vang lên trong CT.

*

Không biết ai đã nói vui rằng, với những gì mà Hồng Nhung thể hiện ra trước công chúng khiến người ta liên tưởng cho đến khi trèo lên bàn đẻ, Hồng Nhung cũng điệu, cũng chuẩn không thể chỉnh, thay vì cau có và la hét bởi đau đớn, thì cô vẫn cứ cười, cứ nói những lời lịch duyệt và điệu đà.

Trần Thị Trường
.
.