Ca sĩ Bạch Yến: Én trắng có hờn quên tuổi ngọc...

Thứ Ba, 18/03/2014, 08:00

Nhạc dìu dặt, chị bước lên, lộng lẫy, dịu dàng trong tà áo dài. Tiếng hát trầm ấm. Đêm liveshow "Dấu ấn" của Hiền Thục, chị ca bài "Cho em quên tuổi ngọc" - khúc ca mà Lam Phương viết cho chị. Đó là mối nợ. Đó là ân nghĩa. Và đó là tình yêu những ngày thơ ngây, đẹp như những vần nhạc tình mà dự cảm bao khổ lụy. Như lần này chị trở về đây để vương lại, để trả nợ thuở ban đầu đã mất...

1. Chị có đôi mắt cười. Đôi mắt lấp lánh trước bao đổi mới lạ lẫm của quê hương. Đôi mắt như con én nhỏ muốn sà vào bắt chuyện với tất thảy người lạ người quen. Bởi đơn giản họ là những người thấm cái nắng cái gió của dải đất chữ S thân thương này. Không vui sao được khi đứa con bao năm trời cách biệt xứ người nay về thăm quê. Từ đất Pháp, nhìn cảnh phố phường nhộn nhịp, cảnh chiều tàn trên tán dừa nhiệt đới, lòng chị bỗng rưng rưng. Chẳng thế mà hôm gọi điện hẹn hò, chị cứ thủ thỉ: "Em phải chọn quán nào có món ăn Việt đó nha". Đội mũ bảo hiểm, đeo cặp kiếng và cái bóp trước bụng, chị quay qua hỏi tôi: "Nhìn chị có giống người xứ mình không?".

Đã 74 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời nhưng chị như trẻ nít. Thấy cái gì lạ, chị chụp hình lại để gửi cho chồng xem, khoe hôm nay mình đi đâu làm gì. Người ngoài nhìn vào cứ ngỡ chị mới chớm 40. Chị bảo cuộc sống hôn nhân viên mãn cho chị cái sắc vóc dễ so bì. Chị cũng đâu có ngờ lời cầu hôn như đùa của Giáo sư Trần Quang Hải lại mang đến cho chị một tổ ấm hạnh phúc đầy ắp tiếng cười hơn 30 năm nay.

Chị biết Trần Quang Hải lần đầu tiên trong một buổi ghi hình chương trình âm nhạc cùng Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê trên đất Pháp. Ngồi cạnh cô bé Bạch Yến, vị Giáo sư khả kính nói với cô: "Tôi có thằng con trai từ Việt Nam mới qua, nó đứng đằng kia kìa". Bạch Yến thấy trong đám đông một cậu thanh niên gầy gò, vẻ nhút nhát. Chị nhìn đó rồi quên đó. Bởi khi ấy, Bạch Yến đã là cái tên được đông đảo người hâm mộ, là ngôi sao Việt hát tiếng Tây sáng giá khi đặt chân đến nơi hội tụ của những minh tinh nổi tiếng nước Mỹ. Mỗi khi giai điệu bài "Đêm đông" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương vang lên, người ta reo vang tên Bạch Yến.

Khi đất nước thống nhất, gia đình bặt tăm tin tức khiến Bạch Yến hoang mang. Trên xứ người, chị đi thăm những người bạn cũ một phần để đỡ cô đơn, một phần để hỏi thăm tin tức người nhà. Trong đêm nhạc của người bạn, chị đang đứng đón khách thì bỗng một người đàn ông to cao, lịch lãm đi cùng cô con gái nhỏ ôm hôn, chào chị. Chị ngạc nhiên hỏi: "Ông có biết tôi là ai không mà hôn?". "Ồ, biết chứ, ca sĩ Bạch Yến chứ ai".

Chị trợn tròn mắt. Nghĩ có lẽ đây là fan hâm mộ. Hồi lâu trò chuyện chị mới nhận ra người đàn ông đó là Giáo sư Trần Quang Hải. Gần 20 năm xa cách, hai người mới có duyên hội ngộ trên xứ lạ. Vị Giáo sư ngỏ lời mời nữ danh ca đi ăn tối. Nhớ lại, Bạch Yến cười tủm tỉm: "Nếu như tôi không lịch sự quá thì có lẽ mối lương duyên đã không thành". Sợ máy bay đáp trễ giờ nên Bạch Yến viết vội một tờ giấy dán trước cổng: "Tôi đi đón bạn ở sân bay. Nếu tôi về trễ, cảm phiền anh chờ cho".

Bên bàn tiệc lấp lánh ánh nến lãng mạn, bỗng ông buộc miệng: "Yến nè, chúng ta cưới nhau đi". Tưởng ông giỡn, chị cười giỡn lại: "Ok". Ngay lập tức, hai tuần sau, bốn trăm thiệp mời được phát hết trong sự ngỡ ngàng của chị và gia đình. Chị tặc lưỡi, thôi thì đã phóng lao thì đâm theo lao.

Ca sĩ Bạch Yến.

Hỏi rằng có điều gì khiến cho hai người yêu nhau, gắn bó với nhau đến thế dẫu Bạch Yến không thể có con, chị cười mà rằng: "Anh chị có một tình yêu lớn là âm nhạc và luôn coi nhau như tình nhân. Cũng từ khi lấy chồng, chị từ bỏ con đường hát nhạc ngoại quốc mà theo ảnh học âm nhạc dân tộc". Vào quá ngưỡng thất thập, nhưng chị vẫn miệt mài đi khắp nơi, đem giọng ca của mình phục vụ bao người. Một Bạch Yến ngày trở lại với những bản nhạc Pháp đầy quyến rũ, mê hoặc. Đối với Bạch Yến, khi hát không có chuyện xin lỗi khán giả mình bị cảm cúm mà hát dở. Bởi chị nguyện chết trên sân khấu để khán giả thưởng thức trọn vẹn bài hát được cất lên từ đáy lòng cháy bỏng của mình.

2. Lần này về Việt Nam, Bạch Yến thu âm 10 bài hát của nhạc sĩ Lam Phương cho CD mới nhất. Mọi chuyện cũng tình cờ như gió đến, mây đi. Chị đâu ngờ một ngày, từ làn môi này sẽ bật lên những giai điệu của người nhạc sĩ tài hoa ấy. Chị còn nhớ lắm, dạo xem một chương trình âm nhạc, nhạc sĩ Lam Phương đã không ngần ngại mà tâm sự trước hàng vạn khán giả rằng: "Tôi sáng tác nhiều bài vì nhớ tới một người bạn gái. Người đó là ca sĩ Bạch Yến". Chị nghe mà rụng rời, thổn thức.

Hỏi chuyện chị với Lam Phương, Bạch Yến thường gạt ngang, nhất là với cánh báo chí. Chị không muốn nhắc, không muốn gợi lại niềm đau khi ông đang ngồi xe lăn do cơn tai biến hành hạ. Một Lam Phương đau đớn giằng xé tâm hồn lẫn thể xác. Một mối tình chị nâng niu, trân trọng.

Nhưng trong đôi mắt cười ấy chất chứa một miền ấu thơ trong sáng đượm buồn. Thuở hoa niên, chị mới mười một, Lam Phương 15 tuổi. Biết nhau từ cái ngày chị đoạt huy chương vàng cuộc thi tiếng hát thiếu nhi do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau đó, Bạch Yến được mời về thu âm cho đài hằng tuần. Lam Phương cùng chúng bạn hay quanh quẩn ở nhà đài để tập tành sáng tác, hát với nhau những lời ca chưa khô vết mực. Lam Phương để ý đến cô bé xinh xinh có giọt hát trong trẻo, véo von như chim én mùa xuân. Bạch Yến hồn nhiên, coi chàng thanh niên có đôi mắt đa tình và tài hoa ấy như người anh trai. Anh em gặp nhau lại chuyện trò ríu ra ríu rít như bầy sẻ non. Anh dẫn cô bé về nhà mình chơi, gặp cha, gặp mẹ. Chẳng một lần vuốt tóc, cầm tay, vậy mà một ngày, Lam Phương đến nhà Bạch Yến, khoanh tay thưa với mẹ cô rằng: "Thưa bác, cháu xin được hỏi cưới Bạch Yến làm vợ". Bà mẹ trợn trừng sửng sốt. Bạch Yến còn quá nhỏ để làm vợ người ta. Giọng bà lạnh tanh: "Khi nào cậu đậu tú tài, tui mới tính chuyện con nhỏ. Cậu về đi". Bạch Yến khi đó không biết yêu đương là gì, chỉ thích người anh trai nhiệt tình, tốt bụng.

Hai năm sau cô bịn rịn chia tay Lam Phương, từ giã căn nhà tranh xiêu vẹo ở Sài Gòn để rong ruổi dọc miền Nam Bắc kiếm cơm cho gia đình. Bạch Yến phải đỡ đần cho đôi vai của mẹ bớt oằn khi cha đi biền biệt không về. Đoàn môtô bay của người chú giúp mấy mẹ con có cơm ăn qua ngày. Nhưng đó cũng là giọt mồ hôi thấm lẫn máu của tuổi thơ lượn theo những vòng xe mạo hiểm. Ngồi đây, giữa quê nhà lúc này, chị nhớ lắm ngày cùng chú ra Bắc vào Nam. Đoàn môtô bay đi đến đâu, người dân vây kín đến đó. Dân miền Tây, quanh năm lam lũ chỉ có con cá, củ khoai, đem ra xin: "Cô cô, cho tui vô coi nghen, tui hổng có tiền mà có giỏ cá này à". Thỉnh thoảng Lam Phương lại bắt xe đò đi thăm nàng hôn thê bé nhỏ. Có lần ông đến Cần Thơ, chờ hoài vẫn chưa thấy bóng dáng Bạch Yến, ông bèn lấy giấy viết nên bài "Kẻ xa nhà" cho nàng.

Cô nhóc Bạch Yến rất mê đi rạp xinê. Trưa, cô bé không ngủ mà lén trốn đoàn đi xem phim. Đến gần chiều biểu diễn, cơn buồn ngủ ập đến. Đường võng lượn trước mắt phủ mờ như sương, xe cô loạng choạng đâm thẳng vào xe em gái đang cùng biểu diễn. Chiếc xe nặng trịch đè lên thân nhỏ gầy gò. Vùng sọ của Bạch Yến bị chấn thương, ảnh hưởng đến mắt sau này, xương sườn bị gãy. Sau vụ tai nạn kinh hoàng đó, đoàn môtô bay đóng cửa. Bạch Yến trở về quê xưa, rộn ràng trong tim lời hỏi cưới của chàng nhạc sĩ ngày nào.

Nhưng vết thương da thịt sao sánh bằng vết thương lòng. Lời thề nào bỏ ngỏ, cái hẹn xưa tan theo mây gió. Chàng tài hoa, bao người nguyện theo. Dẫu rằng chàng vẫn quan tâm đến cô nhưng trái tim đau vì bị dối lừa. 14 tuổi, con én trắng chông chênh giữa gió mưa ướt át đường về. Tình đầu dễ vỡ nhưng đâu dễ quên. Vậy mà nỗi đau lặng vào tim đến tận sau này, khi tóc xanh đã phai màu thì người kia mới hay, mới thấu. Thôi thì mình có duyên nhưng không có phận.

Khi Bạch Yến đã yên ấm bên chồng, nhạc sĩ Lam Phương vẫn thỉnh thoảng ghé thăm. Một lần ghé nhà Bạch Yến dùng bữa, nhìn cảnh hạnh phúc của chị, ông cảm thán mà lời ngân ngấn lệ: "Hạnh phúc của hai người tôi rất ao ước nhưng mãi mãi không bao giờ có được".

Bao đau thương trong hạnh phúc lứa đôi đã khiến cõi lòng ông tan nát, xót xa cho một mối tình bé dại đã tự mình đánh mất. "Hôm đó, thấy ảnh buồn, chị động viên, anh đừng có ngừng sáng tác. Nếu muốn, anh cứ sáng tác cho tôi hát. Bẵng đi một thời gian, ảnh gửi cho chị bài "Cho em quên tuổi ngọc" bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt"."Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào/ Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào/ Ðến muôn đời sau em không còn nhớ yêu đương bên nhau lần đầu/ Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình/ Em xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình/ Thế gian còn ai ? Em xin từ giã thơ ngây xuôi theo dòng đời…". Bạch Yến ngậm ngùi: "Đó là mối tình đẹp, trong trắng như những giấc mơ êm đềm. Mối tình đó anh dành cho chị, chị trân trọng lắm".

Về Việt Nam, chị thu âm một số bài hát của Lam Phương cùng các ca sĩ trẻ. Rồi chợt nghe người ta hỏi: "Sao chị Yến không làm riêng CD nhạc Lam Phương?", chị đã nghe lại nhạc của ông mà nước mắt chực rơi. Bạch Yến gọi điện thoại nhờ Lam Phương chọn cho mình một số bài. Ông gửi cho chị một danh sách để chị lựa 10 bài. Đó là "Phút cuối", "Chờ người", "Duyên kiếp", "Em đi rồi"… và tất nhiên không thể thiếu "Cho em quên tuổi ngọc". Nếu như Bạch Yến từng phá cách "Đêm đông" từ điệu tango sang điệu slow thì lần này một số bài của Lam Phương sẽ được Bạch Yến hát theo điệu swing mới lạ.

Và có lẽ, đó sẽ là món quà ý nghĩa nhất chị dành tặng Lam Phương, để tuổi ngọc mãi là kí ức đẹp đâu thể hờn quên…

Mai Quỳnh Nga
.
.