Ca sĩ Ánh Tuyết: Tôi thực sự tự tin trên sân khấu

Thứ Tư, 15/12/2010, 09:28
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô trong hai đêm 27 và 28/11 được bao trùm không gian đa sắc màu, lúc thì nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc thì rộn ràng, lả lướt, vút cao của những giai điệu, những tình khúc tiền chiến của một giọng hát mê hoặc lòng người: Ca sĩ Ánh Tuyết. Đây là hai đêm diễn đặc biệt của chương trình Chân dung âm nhạc, nhằm khắc họa chân dung ca sĩ đã có nhiều cống hiến cho dòng nhạc lãng mạn do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức.

Trong tà áo dài thướt tha với những tình khúc cùng những clip hình ảnh về các nhạc sĩ trong chương trình, Ánh Tuyết đã cống hiến cho khán giả thủ đô những giây phút thăng hoa và những giai điệu bất hủ của các nhạc sĩ: Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Sau chương trình, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng ca sĩ Ánh Tuyết.

-Thưa ca sĩ Ánh Tuyết, có lẽ, khán giả Hà Nội không ngạc nhiên bởi sự trở lại của chị trong hai đêm nhạc hoành tráng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, vì dường như, trong ký ức của người Hà Nội, Ánh Tuyết là tên tuổi đã gắn bó với nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác... Nhưng có lẽ, khán giả ngạc nhiên tự hỏi vì sao Ánh Tuyết có thể hát liền hai đêm khi vừa đi mổ ruột thừa trở về được gần một tuần?

+ Thực ra, tôi đã hát tại phòng trà ATB hai ngày sau khi mổ rồi, và hát trong chương trình về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sau đó 4 ngày. Tôi bay ra Hà Nội ngày 22/1 để chuẩn bị tất cả chương trình cho ngày 27. Tôi phải lo đủ từ âm thanh, ánh sáng, ban nhạc, địa điểm, băng rôn quảng cáo rồi bán vé... Có việc suôn sẻ, có việc không suôn sẻ, có những việc khiến mình bực mình vì không như ý muốn... Lo cho đến ngày biểu diễn thì tôi mệt muốn đứt hơi và đến đêm biểu diễn hôm sau thì tôi bị viêm họng, phải tiêm thuốc mới có thể lên sân khấu được. Nhưng tính tôi là vậy, khi lên sân khấu là tôi quên hết mệt nhọc...

- Nhiều ca sĩ ở miền Bắc hát thành công nhạc tiền chiến, đặc biệt là những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao nhưng dường như, những âm điệu của "Buồn tàn thu",  "Thiên thai", "Trương Chi"... vào giọng hát của Ánh Tuyết khiến người ta nhận ra "chất" Văn Cao nhất. Đó có phải là một mối duyên mà có lần chị nói là "trời định" không?

+ Người nhạc sĩ tài danh Văn Cao đối với tôi, còn hơn thế rất nhiều, có thể nói, ông khai sinh ra tôi thêm một lần nữa. Năm 1993, tôi được mời hát trong chương trình riêng của nhạc sĩ Văn Cao. Vốn yêu nhạc của Văn Cao từ trước nên tôi thuộc lòng từng câu, từng chữ và thấm nhuần cái hồn của từng tác phẩm. Tôi đã hát như rút ruột mình. Đâu ngờ, hôm đó cũng có Văn Cao ngồi nghe. Tôi biết ông vui đến phát khóc vì có người hát nhạc của mình hợp đến vậy. Ngay sau đó, báo chí đồng loạt có bài về tôi như một "hiện tượng" trong làng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là với những ca khúc của Văn Cao. Sau đó, trong lần gặp nhạc sĩ Văn Cao, ông nói đùa với tôi: "Đầu đời, nhạc Văn Cao có Kim Tiêu nhưng lại bị "tiêu" quá sớm. Không ngờ cuối đời nhạc Văn Cao lại có Ánh Tuyết". Tôi sướng rơn trong người nhưng cũng chỉ dám e dè thưa: "Nhưng thưa chú, Ánh Tuyết thì cũng chỉ mới ánh thôi, tuyết thì rồi cũng sẽ tan". Văn Cao vỗ đầu khen tôi: "Con bé này khéo nói lắm"!

- Phong cách biểu diễn và hình ảnh của Ánh Tuyết gần như không thay đổi trong hai mươi năm qua trên sân khấu với mái tóc dài đen mượt xõa ngang vai và tà áo dài chấm gót. Có bao giờ chị định thử thay đổi để làm mới mình?

+ Mất rất lâu để tìm ra một phong cách riêng cho mình và với tà áo dài, tôi thấy mình thực sự tự tin trên sân khấu. Tôi không tưởng tượng lúc hát những tình khúc sâu lắng của âm nhạc tiền chiến mà mặc đồ đầm hay đồ quậy thì sẽ thế nào. Hiện nay, tôi có trên 1.000 bộ áo dài và có riêng một nhà thiết kế chỉ chuyên nghĩ ra mẫu để may phù hợp với vóc dáng của tôi.

- Để có được thành công như ngày hôm nay, được biết, chị cũng đã phải vượt qua rất nhiều gian khổ trong cuộc đời...

+ Tên thật của tôi là Trần Thị Tiếc. Sau này khi làm giấy tờ, người ta mới ghi nhầm tên tôi ra Trần Thị Tiết. Tôi cũng không hiểu má tôi đã tiếc gì mà đặt luôn tên của tôi như vậy. Đến giờ thì tôi mới biết vì sao mình sướng không thích, cứ tự làm khổ mình hoài, tức là việc gì cũng mó tay vào. Đó là vì tôi có một tuổi thơ vất vả. Gia đình tôi đông con và rất nghèo. Tôi là con gái duy nhất nên phải giúp má bán cơm ở chợ Hội An để kiếm tiền nuôi các anh ăn học. Tôi phải thường xuyên dậy từ lúc 4h sáng để đun nước, nấu thức ăn rồi gánh cơm ra chợ bán, vì khách hàng chỉ là anh xe ôm, chị bán rau... nên cần phải ăn sớm. Có hôm đang rửa bát thì đứa bạn đi ngang, gọi khẽ: "Tiếc ơi, đi học mi!". Như người mơ ngủ, tôi đứng dậy và đi theo bạn thì bị má tôi gọi giật lại: "Con đi học no hay đi bán cơm no?". Tôi lại ngồi vào rửa bát mà ứa nước mắt. Có lần, vì giận má, giận cả chính mình, tôi đã luýnh quýnh làm đổ cả gánh cơm. Sau sự cố ấy, tôi đã gạt mặc cảm sang một bên, và ngày ngày lại trĩu nặng đôi quang gánh theo mẹ ra chợ. 14 tuổi mà người tôi bé tẹo như mới lên 10 nên mọi người vẫn gọi là bé "đẹt". Cho đến giờ, tôi vẫn chưa thể quên hình ảnh cái thau nhôm trước mặt mình với ngổn ngang chén bát nơi chợ quê ở Hội An.

- Con đường đến với âm nhạc của chị sau đó thế nào?

+ Tôi có tài bắt chước mọi thứ rất nhanh và một giọng hát trời cho. Ngày ấy, thỉnh thoảng các anh trai tôi đi học đàn về đã bắt tôi ngồi hát để vào cho đúng nhịp, nên vô tình đó là dịp cho tôi luyện thanh. Năm 1978, tôi thi đỗ vào Đoàn Ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng. Cùng năm đó, Trường Âm nhạc Huế vào Đà Nẵng tuyển sinh và tôi cũng đã thi đỗ nhưng Đoàn Ca múa lại không cho tôi đi. Một thời gian sau nhóm tốp ca của Đoàn bị giải tán, tôi đã lo sợ mọi thứ dở dang và không biết làm gì để sống. May mắn là người anh cả của tôi đã mang giấy tờ ra trường nghệ thuật Huế trình bày với Ban giám hiệu nhà trường. Các thầy cô thông cảm với hoàn cảnh của tôi, cộng với năng lực hát của tôi, Ban giám hiệu đồng ý cho nhập học, khi mà khóa học đã khai giảng được một tháng.

Một đêm, tôi theo một cô bạn đi xem biểu diễn, bỗng dưng, một ca sĩ do có việc đột xuất nên không đến biểu diễn được. Ông trưởng đoàn hớt hải chỉ vào tôi hỏi: "Cô ni hát được không?". "Được lắm chứ răng không?"-  Người bạn đi cùng tôi trả lời. Ông ta hỏi lại rất lạnh lùng: "Cô hát được cái gì?". Tôi lúng búng: "Dạ, em hát được "Lịch sử một chuyện tình" và "Nhạc rừng". Họ cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Khi tôi ra dạo những nốt đầu tiên: "Cúc cu, cúc cu... Chim rừng ca trong nắng..." cho đến lúc kết thúc thì khán giả vỗ tay và ngạc nhiên trước một giọng ca lạ. Ngay sau đêm diễn ấy, rạp Hưng Đạo - Trung tâm ca nhạc lớn nhất Cố đô Huế đã mời tôi về biểu diễn. Sau đó tôi về đoàn Hải Đăng của Khánh Hòa, rồi về Sài Gòn hát solo và giờ đây, như bạn thấy đấy, tôi đã có một ATB đỏ đèn suốt đêm và một dòng nhạc mà mình gắn bó.

- Chị là một trong những ca sĩ làm nghề nghiêm túc và dường như không cố tạo ra scandal theo kiểu nghệ sĩ để đánh bóng tên tuổi của mình. Chị có bao giờ thấy lẻ loi với một con đường mà mình theo đuổi mấy chục năm qua?

+ Tôi đã cố thử hát các dòng nhạc khác, cả nhạc nước ngoài khi có ai đó cố tình thách thức mình. Tôi cũng khá hiếu thắng và đã nói là làm được, làm tốt là đằng khác. Nhưng đó chỉ là một sự bồng bột nhất thời của một con "ngựa bất kham", chứ thực sự, tôi sẽ buồn đến chết nếu một ngày nào đó mình không hát nhạc tiền chiến. Tôi cũng không cho rằng mình lẻ loi, vì số người đồng cảm với mình cũng khá nhiều. Hai đêm vừa qua, tôi thấy những ánh mắt dõi theo chăm chú và những tràng vỗ tay dài của khán giả, vậy là tôi thấy mừng rồi. Đối với tôi, giờ đây âm nhạc không phải là chỗ để mình kiếm sống bằng mọi giá. Tôi muốn được sống với những cảm xúc thực của mình.

- Phòng trà ATB của chị đã ra đời và hoạt động được hơn 8 năm tại TP HCM."Kinh doanh nghệ thuật" không phải dễ, bản thân chị có gặp phải khó khăn gì không?

+ Khi tôi có ý định mở phòng trà ATB chuyên hát nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, trong khi nhạc thị trường đang lấn át và chiếm lĩnh mọi sân khấu ca nhạc tại TP HCM, nhiều người biết còn kêu tôi... khùng! Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi nghĩ, cái khó của kinh doanh nghệ thuật trước hết  là mình phải thể hiện là một người có văn hóa. Thời gian đầu tôi chấp nhận thua lỗ vì rất khó khăn để hút khách nhưng rõ ràng là chúng tôi không bỏ cuộc vì tin rằng, mấy chục năm qua mình đã yêu, cống hiến và gây dựng nên, không có lý gì bây giờ mình lại chùn bước trước khó khăn nhất thời của thị trường. Tôi chấp nhận thua lỗ. Rất may là những ca sĩ trẻ trong ATB, cũng có nhiều em rất chịu khó học hỏi, rèn luyện để có một giọng hát cuốn người nghe đến với mình, như một cách tiếp nối, gìn giữ những ca khúc âm nhạc truyền thống, là vốn văn hóa quý giá mà nhiều nhạc sĩ lớp trước đã để lại. Trong năm tới, tôi có dự định sẽ tiếp tục cùng ATB làm một chuyến "du xuân" ở Hà Nội để hòa cùng một năm mới nhộn nhịp và may mắn!

- Xin cảm ơn ca sĩ Ánh Tuyết!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.