Ca sĩ Ánh Tuyết: Lạc vào trang viết tri ân phận tằm...

Thứ Sáu, 24/01/2014, 08:02

Mỗi lần viết, chị nằm nghiêng, trên đầu kê một chiếc gối, dưới eo một chiếc gối. Chị phải nằm viết mệt nhọc như thế bởi căn bệnh thoát vị đĩa đệm gây đau nhức kinh niên. Ngồi trò chuyện với tôi, chị hết xoay qua bên này lại xoay sang bên khác. Nhưng với chị, có nỗi đau khác còn lớn hơn nỗi đau thể xác này. Và chị viết, như kiếm tìm liều thuốc cho cơn đau ấy...

Một ngày cuối năm, ca sĩ Ánh Tuyết men theo con hẻm nhỏ, ghé căn nhà  chật chội, ngổn ngang đồ đạc chỉ đủ kê một chiếc giường của nhạc sĩ Thanh Bình - cha đẻ của những bài ca trứ danh "Tình lỡ", "Những nẻo đường Việt Nam", "Lá thư về làng"…

Tuổi 81, ông nhỏ thó, gầy gò với đủ bệnh tật hành hạ. Đời nghệ sĩ long đong, trôi dạt với đủ nghề. Chuyến viếng thăm này không chỉ đơn thuần là chuyến viếng thăm của một ca sĩ với nhạc sĩ tiền bối đầy bất hạnh mà bởi chị còn đang… làm báo. Hỏi ca sĩ Ánh Tuyết làm báo lâu chưa? Chị xua tay đây đẩy, giọng Quảng Nam đặc sệt: "Mô, mới cuối năm ni thui!". Rồi chị cười kể cái cơ duyên thành nhà báo bất đắc dĩ: "Có một chị bên Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn chị về kỷ niệm với các nhạc sĩ tiền bối. Chị đánh bạo hỏi sao bên đó không cho phóng viên viết về họ.

Các nhạc sĩ đã để lại gia tài âm nhạc vô giá, hằng ngày ca khúc của họ vẫn vang lên khắp hang cùng, ngõ hẻm. Vậy mà bây giờ nhiều nhạc sĩ già yếu không được ai nhắc tới, hoặc có cũng chỉ qua loa. Báo chí văn nghệ suốt ngày khai thác chuyện tào lao, giật gân nhằm chạy chỉ tiêu. Tất nhiên bây giờ văn hóa khác nhau nhưng phải có gốc thì mới có ngọn. Chị nói hùng hồn một hồi… Chị nhà báo nghe xong gật đầu, luôn miệng khen: "Hay đấy, tốt đấy". Một tháng sau, bên Tuổi Trẻ gọi: "Mình nghĩ hay là Tuyết viết đi. Tuyết viết khoảng một nghìn chữ nhé". "Thôi chị, một nghìn chữ chỉ đủ để liệt kê tên, tác phẩm của mấy ổng thôi". "Thế thì viết hai nghìn chữ". "Em sợ viết vậy cũng chung chung lắm, không ra được vấn đề". "Thôi thôi, em muốn viết bao nhiêu cũng được, cứ viết đi".

Bài viết đầu tiên của ca sĩ Ánh Tuyết mang nặng những suy tư mà bấy lâu nay chị trăn trở. Nghiệp cầm ca, mỗi lần thể hiện một bài hát, Ánh Tuyết đều tìm cách gặp gỡ bằng được cha đẻ của nó nếu họ còn sống. Tiếp xúc với các nhạc sĩ, chị để ý đến tính cách người nhạc sĩ đó. Bởi phẩm chất, cốt cách của người nhạc sĩ ảnh hưởng rất nhiều đến bài hát của họ. Chị hay hỏi họ viết bài hát đó với mục đích gì, tại sao có nội dung như vậy… Đó là cách để chị nắm bắt, nhập tâm vào bài hát mà thổi nên cái hồn người nhạc sĩ muốn gửi gắm. Để rồi từ những lần tiếp xúc ấy, chị đau đớn nhận ra nhiều nhạc sĩ tài hoa nhưng tuổi già của họ là bơ vơ, là bệnh tật, là lặng lẽ trong bốn bức tường hiu quạnh... Chẳng ai biết, chẳng ai hay. Mà ngoài kia, nhạc khúc của họ vẫn vang lên hằng ngày, hằng giờ. Lắm người thuộc, kẻ hát. Nghe đến nhói lòng…

Chị đọc lại bài, thấy không đủ ý, tự hỏi: "Sao mình không viết riêng từng người". Vậy là điện thoại ngay cho bên Tuổi Trẻ: "Em không viết chung nữa, em viết từng nhạc sĩ. Trước hết em viết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông đang nghèo khổ và ốm yếu lắm, cần sự giúp đỡ gấp". Hồi ấy, tôi cũng đã từng ghé căn nhà nhỏ hẹp, ngập tiếng ồn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Trong tiếng chát chúa của đời, hai giọt nước từ khóe mắt nhạc sĩ rịn ra, hoen mờ tủi phận. Giữa bao thanh âm, ông vẫn cô đơn như sống trong một ốc đảo quá xa bến bờ. Nước mắt của người nhạc sĩ già mặn đắng, rớt vội lạnh chát trên bàn tay tôi. Có lẽ, lúc ấy, như tôi, Ánh Tuyết sẽ chẳng thể cầm được nước mắt mà siết chặt đôi tay gầy yếu, run run của ông giữa một chiều nổi gió.

Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Sau khi bài nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khởi đăng, chị lại ra Hà Nội viết về nhạc sĩ Hoàng Giác. Mấy tháng tập làm báo, chị cũng gặp không ít khó khăn. Một phần bởi lịch diễn dày đặc, chị không phải là nhà báo chuyên nghiệp để viết theo đúng cấu tứ và cách tác nghiệp. Phần khác bởi các nhạc sĩ già, sống khép mình, lắm người khó tiếp xúc. Mới thấy chị lò dò bước vào, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã lắc đầu, xua tay: "Là nhà báo, tôi không có thời gian để gặp và không đủ sức khỏe để gặp". Ánh Tuyết hốt hoảng: "Dạ không, con là Ánh Tuyết, ca sĩ ạ". Nhạc sĩ lắc đầu: "Tôi không biết ca sĩ Ánh Tuyết là ai, nếu đến khai thác thông tin thì mời chị về cho". Ánh Tuyết càng hoảng, chị nhanh trí: "Dạ không, con là ca sĩ Ánh Tuyết. Hôm nay con đến đây thứ nhất là để thăm chú. Thứ hai là con muốn hát bài của chú mà con không hiểu nội dung gì hết, con muốn hát sát ý của tác giả nên con gặp chú để chú giải thích. Thứ ba là con đến đây xin chú vài nhạc phẩm mới".

Vị nhạc sĩ khó tính cười xòa: "Thế thì được". Vậy là chị hỏi đủ thứ, hỏi trên trời dưới đất, không hề theo cách tác nghiệp của nhà báo dù chị có thu âm lại. Câu chuyện tình thủy chung và đẹp như cổ tích, cũng như nhạc phẩm "Giáo đường im bóng" đã được vị nhạc sĩ già trải lòng không chút dè dặt.

Giống như nhà văn trẻ Mạc Can, Ánh Tuyết thừa nhận mình có hứng là viết, viết một mạch không để ý gì đến dấu câu, chấm phẩy, lỗi chính tả cũng kệ. Nhưng cái ý trong bài của chị thì rất kỹ. Cả chuyện phỏng vấn, khai thác tư liệu cũng vậy. Nghe chuyện nhạc sĩ Thanh Bình, chị tức tốc đến thăm, gửi tặng ông ít tiền để trang trải tạm thời. Trước khi phỏng vấn người nhạc sĩ  có phận đời long đong, bị bỏ rơi, phải ngủ bờ ngủ bụi ở Bến xe Miền Đông, chị đã đọc lại tất cả các bài báo viết về ông, thậm chí cả những tờ báo cũ mà hiếm người tìm được. Nhờ kho tư liệu đó, những câu trả lời lộn xộn, trí nhớ lẩn thẩn, khi nhớ khi không của tác giả "Tình lỡ" đã được chị dẫn dắt, xâu chuỗi lại đúng logic.

Những bài báo của chị như chỗ dựa cho những thân cội tài hoa đã về già. Bệnh chị, chị có nề hà gì so với nỗi bất hạnh của họ. Ít ra mình may mắn khi còn một mái ấm hạnh phúc, có nơi đi chốn về. Cơn đau nhức kinh niên của chị là sự tích tụ của những lần gánh nặng.  Gánh cơm ven sông Hoài bên phố cổ Hội An hằng ngày đã oằn trên đôi vai nhỏ của cô bé Tiếc - tên khai sinh của của chị - mới lên 10. Lần bị trẹo cột sống năm 28 tuổi do bê cái xô 20 lít lên rửa cầu thang càng khiến cho căn bệnh của chị trở nên nặng hơn. Bây giờ, lắm lần đứng trên sân khấu, cơn đau như búa đục, dùi đâm trong cột sống, chị vẫn cắn răng hát hết bài. Bước ra sau cánh gà, tưởng như ngã khuỵu, mồ hôi tứa ra đầm đìa. Về nhà, chị nằm nghiêng, mặc cơn đau mà với tay gõ gõ bàn phím như gà mổ.

Những bài báo đong đầy cảm xúc chân thành, đong đầy nước mắt thương cho phận nghệ sĩ nhả tơ long đong được viết trong cơn đau éo le ấy đã được bạn đọc khắp nơi đón nhận. "Là một thế hệ 9X, đọc xong bài viết này, tôi trách mình nghe đến thuộc bài hát rồi mà tôi không hề nghĩ bài hát đó là của ai? Tôi đã rất giận mình sao vô tâm vậy? Nhạc sĩ ơi! Con xin lỗi ngàn lần. Liệu mấy người hát bài hát của nhạc sĩ đã từng thắc mắc và có nghĩ đến một nhạc sĩ già đã dâng trọn cuộc đời mình như vậy không? Mong mọi người hãy dừng lại một chút để cảm ơn những người như nhạc sĩ, tri ân cùng chị Ánh Tuyết". Đọc những phản hồi đầy xúc động của bạn đọc sau bài báo về nhạc sĩ Thanh Bình, nước mắt chị giàn giụa.

Sau mỗi bài báo, chị đều để lại số tài khoản hay địa chỉ của các nhạc sĩ để tiện cho việc trợ giúp. Sau khi các bài về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Hoàng Giác… được đăng báo, đã có rất nhiều người đến thăm hỏi, giúp đỡ vật chất. Mỗi lần nhận được những tin ấy, đôi mắt cười của chị càng híp lại như một đường chỉ dài lấp lánh. Niềm vui khiến chị quên đau. Như đầu xuân, sau bài báo "Có còn lại chăng dư âm thôi", chị lại tất bật với đêm nhạc "Tình lỡ" nhằm giúp cho nhạc sĩ nghèo Thanh Bình có một cuốn sổ tiết kiệm để đỡ đần lúc cuối đời mòn mỏi. Đã có rất nhiều tấm lòng gửi về, đầy trân trọng, nâng niu. Xuân này, vị nhạc sĩ già sẽ chẳng phải ngậm ngùi với dư âm xưa bởi đã có bao vòng tay nghệ sĩ, các nhà hảo tâm do ngòi bút của Ánh Tuyết đến với ông...

Mai Quỳnh Nga (Xuân 2014)
.
.