Bức tranh phản cảm

Thứ Năm, 03/03/2016, 17:04
Khi bức ảnh người đàn ông mặc bộ vest đen ngang nhiên đi tiểu tiện giữa dải phân cách một đại lộ lớn ở Hà Nội được tung lên mạng, dư luận đã dậy sóng vì hình ảnh phản cảm đó, hình ảnh khiến người Hà Nội cảm thấy danh dự thành phố của mình bị xúc phạm nặng nề. 


Thực tế, trên những chặng đường chúng ta đã qua, không ít lần chúng ta đã chứng kiến cảnh có người "đột nhiên mắc bệnh đái đường" nhưng hành vi diễn ra ngay giữa đại lộ đông đúc lại tạo nên một dư chấn mạnh mẽ trong phản ứng của mọi người. Phê phán chắc chắn là quan điểm chủ lưu trong các luồng quan điểm của dư luận xoay quanh hành vi đó, nhưng thật lạ lùng là có một số người ưa nói ngược đã có xu hướng cảm thông với người đàn ông kia theo kiểu rất "cùn" như thể truyện cười của Aziz Nesin. Thậm chí, cách cảm thông rất cùn kia còn được chuyển tải chính thống bằng một bài báo được in ở một tờ báo uy tín.

Ý kiến ấy vẫn phê phán hành vi của người đàn ông kia nhưng lại phê phán nặng nề hơn chính Thành phố Hà Nội vì lỗi quá thiếu vắng các nhà vệ sinh công cộng.

Thoạt tiên, đọc qua quan điểm kia, ai cũng thấy nó có vẻ có lý. Nào là bài tiết là một nhu cầu mà không ai có thể nhịn nổi và chính việc thiếu vắng các nhà vệ sinh công cộng mới đẩy người ta vào đường cùng như vậy.

Song, suy nghĩ một chút thôi, ta sẽ thấy đó là sự cảm thông hồ đồ hoàn toàn. Chỉ có sự coi thường xã hội; coi thường chính thể diện của mình; bất chấp tất cả và mất năng lực hành vi (do say rượu???) mới đẩy người đàn ông ấy vào việc có một hành động đáng lên án như thế chứ không phải sự thiếu vắng nhà vệ sinh công cộng nào cả. Và nếu bạn đã từng đặt chân đi các thành phố khác trên thế giới, bạn sẽ nhận ra rằng chẳng phải thành phố nào cũng bày sẵn nhà vệ sinh công cộng cho bạn sử dụng. Vậy mà ở các thành phố văn minh đó không hề có mùi hôi thối của những chất thải từ chính con người.

Đơn giản, họ có một thứ văn hóa tối thiểu nhưng lại biến thành phố của họ thành văn minh tối thượng: văn hóa toilet.

Các thành phố văn minh phương Tây luôn có một luật bất thành văn là các tiệm café, nhà hàng, khách sạn, khu trung tâm mua sắm luôn mở cửa hào hiệp cho khách vãng lai sử dụng toilet khi họ có nhu cầu bài tiết bất ngờ. Sự cởi mở đó đến từ ý thức, nếu họ sử dụng nhà vệ sinh của tôi, họ sẽ biết ơn tôi và vì thế phải giữ cho nó sạch sẽ đúng như tôi mong muốn.

Hơn nữa, nếu họ sử dụng nhà vệ sinh của tôi lúc cấp kỳ ấy, họ sẽ không khiến không gian đô thị quanh chỗ tôi kinh doanh trở nên hôi hám, dơ bẩn và nhếch nhác. Thậm chí, người phương Tây vốn thích dắt chó đi dạo bên ngoài lúc nào cũng có ý thức mang theo một chiếc túi giấy, hoặc túi nylon thủ sẵn để phòng khi con chó cưng có đi bậy, họ sẽ hốt sạch và bỏ vào thùng rác. Ý thức ấy được luyện dần thành một thói quen, và trở thành một văn hóa thực sự, văn hoá toilet.

Thực ra, ở Việt Nam, các chủ cơ sở kinh doanh, đặc biệt ở phía Nam, cũng luôn cởi mở với khách vãng lai ở khoản này. Song cũng không cần phải bước vào tiệm café hay nhà hàng, nhiều người vẫn có thói quen nếu có nhu cầu phát sinh mà không tìm ra nhà vệ sinh công cộng, họ sẽ gửi xe và vào tạm một trung tâm thương mại, một khách sạn bất kỳ gần đó để giải quyết. Bởi thế, việc tự dưng băng ra đường, úp mặt vào tường hay gốc cây để xả không thể được cảm thông bằng bất kỳ lý do nào cả. Nó là chỉ dấu cho thấy chưa tồn tại một văn hóa toilet ở Việt Nam, thứ tưởng như tối thiểu nhưng lại không hề tối thiểu chút nào.

Nhân bàn về văn hóa toilet, lại nhớ đến một siêu thị Nhật Bản mới mở ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Họ làm toilet cho cả trẻ em, với bàn thay bỉm tã đàng hoàng. Thế là một câu hỏi bỗng dưng bật ra. Ở những nơi chúng ta đã qua, toilet cho nam có, nữ có nhưng tại sao lại không làm cho trẻ em, những công dân tương lai mà lẽ ra phải được trân trọng đặc biệt. Nghĩ đến cảnh cha dắt con gái đi toilet ở nhà hàng, chắc nhiều người méo mặt. Đi vào phòng nào cũng bất tiện cả, mà trẻ con thì có nhịn được bao giờ?

Khi nào, văn hóa toilet ở Việt Nam mới thực sự hình thành đây? 

Văn Đoàn
.
.