Bức ảnh đặc sắc chụp tượng đài Thánh Gióng ở Sóc Sơn

Thứ Tư, 05/02/2014, 08:00

Tượng đài "Phù Đổng Thiên Vương" được đúc bằng đồng nguyên chất nặng hơn 85 tấn, cao 15m với độ vươn xa gần 20m hiện tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, xã Phù Linh, cao 302m so với mực nước biển, mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tay cầm tre ngà, thúc ngựa hướng tới trời cao. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân (Hội Mỹ thuật Hà Nội). Đây là công trình văn hóa trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) là một trong bốn vị thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (còn gọi là tứ bất tử), là người có công đánh giặc Ân đem lại độc lập cho nước Việt. Tương truyền, Thánh Gióng sinh tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm - Hà Nội thời vua Hùng đời thứ 6. Vốn là "con nhà trời", lên 3 tuổi ông vẫn không biết nói, cười, đi lại. Nhưng khi quân xâm lược đến thì bỗng nhiên ông vươn vai đứng dậy, thành một thanh niên cường tráng xông trận. Đánh tan giặc, ông bay lên trời, hóa thánh trên đỉnh Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn - Hà Nội).

Tượng đài "Phù Đổng Thiên Vương" được đúc bằng đồng nguyên chất nặng hơn 85 tấn, cao 15m với độ vươn xa gần 20m hiện tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, xã Phù Linh, cao 302m so với mực nước biển, mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tay cầm tre ngà, thúc ngựa hướng tới trời cao. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân (Hội Mỹ thuật Hà Nội). Đây là công trình văn hóa trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương - Ảnh: Vũ Huyến.

Một ngày sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm lễ hô thần nhập tượng chuẩn bị cho Lễ khánh thành công trình tượng đài (ngày 5/10/2010) với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bức ảnh chụp tượng Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương của nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến sau khi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây sự chú ý đặc biệt của giới nhiếp ảnh. Khác với nhiều ảnh chụp tượng Thánh Gióng của nhiều người khác, ảnh của Vũ Huyến chụp ở góc cao đã ôm trọn toàn bộ bức tượng lớn, cao và nặng gần 90 tấn vào đúng lúc kết thúc lễ hô thần nhập tượng, khi vài chục ngọn đèn lớn của truyền hình cùng bật sáng.

Có những chi tiết thú vị, có giá trị nghề nghiệp về việc chụp được tác phẩm đặc sắc này đã được nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến kể lại: "Được tin Giáo hội Phật giáo làm lễ hô thần nhập tượng Thánh Gióng vào tối ngày 5/10/2010, tôi đã đi lên Sóc Sơn từ 3h chiều chứ không đến trụ sở của Giáo hội hồi 7h tối như lời mời của Ban tổ chức. Tôi mang theo đồ ăn khô, nước uống, đồ dùng sinh hoạt khác… v.v… như thói quen đi công tác bằng xe máy trong những năm 70, 80 thế kỷ trước. Ở chân tượng đài là các xe truyền hình lưu động và truyền hình trực tiếp của HTV. Bức tượng lớn đang được phủ vải đỏ.

Do đi sớm, có thời gian để tìm hiểu quá trình nhà điêu khắc Kim Xuân sáng tác bức tượng mẫu, lại được xem rất kỹ bức ảnh chụp tượng đài được UBND Hà Nội duyệt, ngắm kỹ phác thảo lần 1, lần 2 tại xưởng ngay dưới chân núi Đá Chồng, tôi đã chọn góc chụp cho là phù hợp nhất. Càng về chiều tối, phật tử và khách thập phương kéo đến càng đông, nhiều người dân từ các tỉnh phía Nam cũng ra. Khoảng hơn 8h tối đã có đến vài ngàn người. Khi vài chục nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh từ Hà Nội lên tới nơi dựng lễ thì hầu như toàn bộ ghế ngồi trước tượng đài đã kín. Các phóng viên nhiếp ảnh đi theo chương trình của Ban tổ chức hầu như bó tay, không có vị trí để di chuyển. Còn tôi lúc đó đã ngồi trên nóc xe truyền hình của HTV.

Tôi đã chụp liên tục, chỉ 1 góc độ nhưng với các loại ống kính có tiêu cự khác nhau, lấy nét vào khuôn mặt Đức Thánh, lưu tâm không để cho mặt của người dính vào đầu ngựa. Lúc đó là 9h9' ngày 9/9 âm lịch".

Sau khi tác nghiệp xong, Vũ Huyến phải lái xe đi chầm chậm sau gần vạn người tan lễ đi bộ từ đỉnh núi xuống đường quốc lộ dài gần 3km. Về đến nhà đã tới 2h sáng. Mặc dù vừa đói vừa mệt, trước khi ngủ ông vẫn kiểm tra ảnh qua máy tính cá nhân. Điều bất ngờ vào buổi sáng hôm sau, khi bật máy xem kỹ lại tấm hình lạ lùng thấy trên trời cao, ngay trên đầu ngựa thần là mặt trăng linh thiêng. Mặt trăng đêm thu tháng 9 đã tôn thêm nội dung của bức ảnh. Cho đến nay, sau gần 3 năm, ảnh Đức Thánh Gióng do nghệ sĩ Vũ Huyến chụp đã được treo ở nhiều nơi trang trọng, trong phòng khách của nhiều vị tướng lĩnh Việt Nam

Minh Châu (Xuân 2014)
.
.