"Bóng tối Jazz" - ánh sáng của nốt sol

Thứ Bảy, 24/10/2015, 08:00
Sau bảy năm gần như im lặng, nữ nhạc sỹ Giáng Son đã cho ra mắt một sản phẩm đáng khâm phục: Album ''Bóng tối Jazz - The Shadow of Jazz'', gồm những ca khúc mới của Giáng Son qua hai giọng hát chất lượng: Hà Trần và Tùng Dương.

Với 10 ca khúc, được sắp xếp theo một bố cục khéo léo về âm nhạc, tạo được tính xuyên suốt về không khí, chất liệu âm nhạc cũng như cả về ca từ, ''Bóng tối Jazz'' thực sự không hề 'tối' như những nốt tinh thần của nhạc blues, jazz (blue note - những nốt đặc trưng của tinh thần nhạc blues jazz, thường là bán cung, mang nặng tính biểu cảm) mà đã mở hẳn ra một khoảng sáng rất rộng, một khoảng sáng của 'nốt Sol' trong thời kỳ những tranh luận về nhạc nhẹ Việt Nam đang nở rộ một cách đầy âu lo về nền âm nhạc chỉ có hình ảnh mà thiếu âm thanh đặc trưng.

Nhạc jazz, theo quan điểm mặc định của nhiều ngưởi Việt, là khó nghe, thậm chí khó cảm. Đúng, đó là thứ âm nhạc khác hẳn với những gì thuần Việt và đòi hỏi một trình độ sáng tác, trình tấu, thẩm thấu nhất định mới có thể tiếp cận được. Nghệ sỹ Việt thích jazz, chơi nhạc jazz tuy nhiều nhưng không nhiều người ấn hành sản phẩm jazz. Vả lại, nếu có người tung ra sản phẩm jazz thì thường là những bản phối khí lại các nhạc phẩm vốn dĩ không được viết nguyên bản là jazz, tức là jazz hoá những bản pop, rock hoặc thậm chí dân ca.

Nhạc sĩ Giáng Son.

Có thể nói, tuyệt đối, gần 20 năm nay, kể từ thời kỳ nở rộ của nhạc nhẹ Việt Nam, thời kỳ Làn sóng xanh, ''Bóng tối jazz'' là sản phẩm duy nhất được sản xuất hoàn toàn với tâm thức jazz, tức là từ khi cấu thành ý để viết cho đến khi tiến hành sản xuất, thu âm. Điều đó có nghĩa là Giáng Son đã quyết tâm ngay từ đầu rằng sản phẩm này phải là nhạc jazz và dồn toàn lực tích lũy để sáng tác ra những mỹ điệu, mỹ khúc đúng chất nhạc jazz nhất.

Lựa chọn Lê Thanh Tâm và Vũ Quang Trung là hai nhạc sỹ phối khí cũng thể hiện rõ mục tiêu chơi với nhạc jazz của Giáng Son trong album lần này. Thanh Tâm, một nhạc sỹ trẻ nhiều tiềm năng từng nổi tiếng với ca khúc "Thềm nhà có hoa" đã tỏ ra có tố chất thiên về jazz, blues, rock hơn là một nhạc sỹ viết nhạc pop phổ thông. Tuy vậy, trước những nhạc phẩm của Giáng Son, Tâm cũng phải vật lộn khá vất vả khi Giáng Son đưa ra những cấu trúc, tiết tấu khá phức tạp. Đơn cử như ca khúc "Vệt buồn" (Tùng Dương), đoạn cuối được tăng nhịp độ một cách đáng ngạc nhiên nhưng đầy uyển chuyển và cho cảm giác như chúng ta đang được nghe trình diễn live chứ không phải là một bản ghi âm ở phòng thu. Chính những chi tiết ấy cho thấy cái dữ dộị ẩn chứa trong một tác giả mềm mại như Son.

Nếu phải chọn một bản đáng nghe nhất của "Bóng tối jazz", "Cỏ và Mưa" sẽ là một gợi ý đáng giá. Được phối bè bởi chính Hà Trần, "Cỏ và Mưa" đem lại đúng không gian Gospel của người Mỹ da màu. Nó như một điểm nhấn đẹp, một khoảng lặng kéo dài vài trường canh tinh tuyền nhất trong cả một bản jazz sôi nổi, giàu sức sống, như một chiếu nghỉ giữa một căn nhà lộng lẫy với một căn nhà lộng lẫy khác.

"Bóng tối jazz", với sự góp mặt của nhiều nhà thơ như Phan Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Quế Chi, Y Mai trong vai trò viết lời (hoặc được Giáng Son phổ thơ), trở nên sâu sắc hơn trong những câu chữ được chắt chiu quện chặt với những blue note vốn dĩ cực khó viết cho hợp với phát âm tiếng Việt. Có thể, với nhiều người, phát hành một album jazz thuần chất như thế là sự dũng cảm, song trong nghệ thuật, sự dũng cảm là thứ không phải để mang ra ngợi khen. Đơn giản, làm nghệ thuật vốn dĩ đã đòi hỏi phải dũng cảm rồi. Điều đáng ngợi khen là chất lượng của tác phẩm. Nó xứng đáng với bảy năm chiu chắt của Giáng Son, nó xứng đáng với đồng tiền mà người mua sẽ bỏ ra cho album đó, nhất là ở thời kỳ nhạc số đã lên ngôi như hôm nay.

Nếu phải gắn sao, "Bóng tối jazz" xứng đáng là một album bốn sao rưỡi trên tổng số năm sao của nhạc nhẹ Việt Nam hôm nay. Nó đã mở ra một khoảng sáng và bây giờ, điều chờ đợi duy nhất là nhạc sỹ nào sẽ cùng Giáng Son bước chân vào khoảng sáng ấy bởi giới nghe nhạc jazz Việt Nam vẫn rất mong mỏi những sản phẩm thuần Việt.

Hà Đan Anh
.
.