Bốn gương mặt nữ văn sĩ Quảng Bình
Trong khuôn khổ cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ IV (2017-2020) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, một Trại sáng tác được mở tại Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình (từ 29-3 đến 12-4-2019) với sự tham gia của hơn 50 tác giả đến từ khắp mọi miền đất nước.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng - thành viên Trại sáng tác đã gửi đến Chuyên đề Văn nghệ Công an bài viết về bốn cây bút nữ Quảng Bình được bạn đọc chú ý: Nguyễn Thị Lê Na, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Hương Duyên và Trần Trác Diễm (Trác Diễm).
Châu về Hợp Phố
Dường như Tạp chí Nhật Lệ (Hội VHNT Quảng Bình) là nơi "đất lành chim đậu". Cũng không phải vì tạp chí tọa trên đường mang tên Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người có công lớn trong công cuộc Đổi mới đất nước, từ 1986), mà vì cái duyên văn.
Như cổ nhân nói, làm việc gì cũng phải có cái duyên. Một tạp chí văn nghệ địa phương đã châu tuần những cây bút nữ đang lên như Nguyễn Thị Lê Na, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Hương Duyên. Phía đường Đoàn Thị Điểm (nơi Hội VHNT Quảng Bình đóng trụ sở chính) lại "ém" thêm một cây bút nữ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã trải trường văn trận bút - Trác Diễm.
Nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh. |
Lần đầu tiên về đất Quảng Bình dài ngày do được mời tham dự Trại sáng tác của Bộ Công an, tôi mới thực sự có điều kiện trải nghiệm một vùng địa linh nhân kiệt, đã đành, còn giàu truyền thống văn hóa, văn chương. Lớp nhà văn từ U70 trở lên như Hoàng Bình Trọng, Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Văn Lợi, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Thế Tường,... thì vẫn xứng đáng "gừng càng già càng cay".
Nhưng tre già thì măng phải mọc. Kể ra, ở một tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa mà trỗi dậy một lớp những cây bút nữ khá đồng đều như Quảng Bình không phải là phổ biến, dễ có. Cơn cớ gì mà Trác Diễm (SN 1988) lại bỏ việc ở ngành Du lịch (vốn đang được xem là nghề "hot") để đầu quân sang hẳn Hội VHNT tỉnh, dẫu biết rằng "cơm áo không đùa với khách thơ".
Tương tự, Hoàng Thụy Anh (SN 1977) đã sở hữu tấm bằng Thạc sỹ văn chương, lại đang yên ổn với nghề dạy học (THPT) cũng quyết chí "châu về hợp phố". Tôi biết cô học trò cũ Nguyễn Thị Lê Na (SN 1975), tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế khóa 16 (1992-1996). Ra trường là về quê, đầu quân cho Hội VHNT tỉnh nhà.
Rồi cứ thế phấn đấu chân chỉ, tiến bộ vượt bậc. Viết văn và hoạt động văn nghệ. Bây giờ thì tự tại trên cương vị Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Bình kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ. Có lẽ con đường châu tuần về Nhật Lệ của Nguyễn Hương Duyên (SN 1977) cũng "na ná".
Năm 2018, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, là 1/11 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình hiện nay. Nguyễn Hương Duyên hiện giữ chức Thư ký tòa soạn tạp chí Nhật Lệ. Tôi cứ hình dung, một ngày không xa, nếu Trác Diễm được "điều" về đây thì Nhật Lệ sẽ là tạp chí VHNT mang những gương mặt nữ hiếm hoi trong số 63 tỉnh/ thành cả nước.
Đắm đuối văn chương
Nếu coi viết văn là một nghề có thể sống được nhờ nó, thì với bốn cây bút nữ Quảng Bình, tôi nghĩ là không đúng. Tôi thấy hiện nay ở ta, nếu có nhà văn nào sống ung dung bằng ngòi bút thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay (kiểu như Nguyễn Nhật Ánh ở TP. Hồ Chí Minh hay Chu Lai ở Hà Nội). Văn chương cho đến nay vẫn chỉ là "nghiệp" hơn là "nghề". Hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay sống an bần lạc đạo.
Nhà văn Nguyễn Hương Duyên. |
Tôi đồ rằng bốn cây bút nữ Quảng Bình cũng không ra ngoài quỹ đạo này. Thì cứ xem sự tùng tiệm của họ thì biết ngay. Như Trác Diễm, chỉ tính việc đi làm nhà cách công sở những hơn 30 cây số nên cứ nhờ "ông" xe Bus thường ngày, thì sướng hay khổ khắc biết. Khổ là cái chắc, lại còn con cái bìu ríu. Tôi thấy như Hoàng Thụy Anh đắm đuối văn chương đến nhường ấy thì chắc tiền bạc đừng nói là đủ, không nói được là rủng rỉnh. Lê Na, Hương Duyên cũng cùng cảnh ngộ.
Vậy từ đâu, từ căn duyên nào mà họ "liều mình như chẳng có" cầm bút viết văn trong thời buổi gạo châu củi quế. Có lẽ họ sống bằng cách khác, viết là một lẽ khác, như là cách thế tồn tại giữa nhân quần, đồng nghiệp. Tôi hình dung bốn cây bút nữ cứ như những con ong cần cù tái tạo sự sống vốn không bao giờ chán nản (có khi bay cả vài trăm km mới hút đủ chất ngọt từ nhụy hoa để tái tạo 100 gram mật ngọt, biết thế là do đọc cụ Nguyễn Tuân mà ra).
Nguyễn Thị Lê Na dù bận công việc quản lý nhưng cứ rảnh rỗi lúc nào là cặm cụi viết lúc ấy. Trong văn của chị tôi hay đọc thấy hai chữ "định mệnh". Quả đúng thế. Năm 2007 chị mới ra mắt tập truyện ngắn đầu tay "Bến mê" (Giải trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Chị hồ hởi tham gia Cuộc thi truyện ngắn (2018-2019) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mang tên Lửa Mới với 3 truyện ấn tượng "Lý lẽ đàn bà", "Vùng rừng sáng", "Tiếng sáo người hát rong".
Nguyễn Thị Lê Na, theo cái nhìn của tôi, đang đứng vào "top 10" các ứng viên đoạt giải cuộc thi này, cùng "dàn" các cây bút nữ đang được dư luận độc giả quan tâm chiếm đa số như Trần Thị Tú Ngọc, Tống Phú Sa, Nguyệt Chu, Lưu Thị Mười, Bảo Thương, Hoàng Thị Trúc Ly, Nguyễn Hải Yến.
Nguyễn Hương Duyên tốt nghiệp đại học đầu quân về làm việc ngay ở Hội VHNT tỉnh, rồi âm thầm bền bỉ viết văn xuôi. Chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2018) sau khi sở hữu hai tập truyện ngắn "Bến đợi nhọc nhằn" (2006) và "Ở giữa những người đàn ông" (2015). Hương Duyên cũng đã kịp "ẵm" hai giải thưởng: Một Giải thưởng trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và một Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư (tỉnh Quảng Bình).
Khi được hỏi công việc của Thư ký tòa soạn Tạp chí Nhật Lệ có quá bận rộn và ảnh hưởng đến viết lách hay không thì chị trả lời, đó là cơ may, cơ duyên nghề nghiệp vì ở vị trí đó, được tiếp xúc trực tiếp với nhiều tác phẩm nghệ thuật, coi như được sống thêm nhiều cuộc sống khác ngoài mình. Cũng là một cách trải nghiệm văn hóa và văn chương. Gặp chị thấy rõ vẻ khiêm nhường cố hữu, thấy tinh thần cầu thị toát lên từ lời nói đến việc làm. Chưa phải là đã thỏa mãn với truyện ngắn, Hương Duyên đang "âm mưu" viết tiểu thuyết. Hãy đợi đấy (!?).
Hoàng Thụy Anh nếu cứ điềm đạm đóng vai cô giáo dạy văn THPT, lại cầm được tấm bằng thạc sỹ văn chương, chắc chắn trở thành một giáo viên giỏi văn, biết đâu bây giờ đã được bổ nhiệm một chức (to hay nhỏ) gì đó trong hệ thống giáo dục tỉnh nhà. Tôi thấy tinh thần dấn thân, nhập cuộc của chị là rất mạnh mẽ khi dứt khoát cầm bút viết văn.
Cũng thật đáng khâm phục khi chị dũng cảm lựa chọn viết phê bình văn chương rồi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2016, chuyên ngành Lý luận phê bình văn học). Bốn tác phẩm tạo nên "căn cước Hoàng Thụy Anh": "Thơ Hoàng Vũ Thuật nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson", "Bản xô-nát ánh trăng", "Tiếng vọng đa thanh", "Phê bình văn học và ý thức cái khác". Phê bình văn học là công việc vô cùng nhọc nhằn thuộc hàng quyền rơm vạ đá, dễ "thêm thù bớt bạn".
Tôi đã trải nghiệm công việc này gần 40 năm nên thấm thía và vì thế cảm thông nỗi niềm với người đồng nghiệp bé nhỏ mà ý chí cao vọng. Trong một bài viết giới thiệu tập lý luận phê bình thứ tư của Hoàng Thụy Anh, tôi có nhấn mạnh một ý: Đây là ngòi bút phê bình sống nỗ lực cùng thời với văn chương đương đại, và chỉ cần 10 người làm việc như thế thì hiện trạng văn chương nước nhà dễ dàng được thâu tóm và định hình kịp thời (!?).
Một người lắm nỗi niềm và khát khao như Hoàng Thụy Anh, tôi nghĩ, cuối cùng thể nào cũng cần đến Nàng Thơ để chia sẻ, giãi bày, thăng hoa. Quả thật tập thơ "Người đàn bà sinh ra từ mưa" (2017) của chị được độc giả yêu thích. Tôi đã tìm thấy một "căn cước tình yêu trong thơ Hoàng Thụy Anh". Hoàng Thụy Anh đã nhận Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na. |
Trác Diễm có thể coi là một hiện tượng của văn trẻ gần đây. Có vẻ như cây bút nữ này viết văn thật nhẹ nhàng, dễ dàng vì với chị thì: "Viết văn như viết nhật ký hàng ngày của cuộc đời", hơn thế: "Viết để đánh thức bản thân" (Tự bạch). Ai đó hay thành kiến thì cho rằng người trẻ tuổi này thích lập ngôn. Tôi không nghĩ thế!
Một lần tao ngộ văn chương với những người sàn sàn tuổi tác, Bảo Ninh nói một câu ngắn gọn nhưng tôi ấn tượng mấy chục năm nay: "Người viết văn phải có thân phận thì câu chữ mới giẫy giụa được". Tôi ướm thử câu này vào Tống Ngọc Hân, rồi sau là Trác Diễm thì thấy đúng. Trẻ thế mà vốn liếng đã đầy đặn: "Hồn lau trắng" (tiểu thuyết, 2014; Giải thưởng trẻ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 2014), "Tiếng vọng Ma Coong" (tiểu thuyết 2015), "Truyện ngắn Trác Diễm" (2016) "Đất khát" (tiểu thuyết, 2017), “Người đàn bà vẽ hoàng hôn” (tập truyện ngắn 2017), và đang in “Đời gáo” (tiểu thuyết).
Được mời tham dự Trại sáng tác về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ IV (2017-2020) của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình, nhưng hoàn cảnh gia đình, như tôi biết, khiến cho chị không "nhập trại" suốt cả 2 tuần lễ như nhiều đồng nghiệp, cứ chạy đi chạy về như con thoi từ nhà lên công sở, về Trại, chóng cả mặt, nhưng hạ quyết tâm có sản phẩm nộp là một cuốn tiểu thuyết mới.
Gặp Trác Diễm lần đầu, tôi nhận ngay ra một người ưa xê dịch, say thú giang hồ, có lẽ chị mê Nguyễn Tuân (!?). Viết, với Trác Diễm, như chị chia sẻ là: "Tùy duyên, thuận theo tự nhiên". Nói "văn là người" trong trường hợp này là sát hợp hoàn toàn.
Biệt sắc bút nữ
Nói mỗi cây bút nữ đều có biệt sắc là có cơ sở, tôi tin như thế. Lê Na viết truyện "Lý lẽ đàn bà" (một trong ba truyện dự thi Cuộc thi truyện ngắn, 2018-2019, mang tên Lửa Mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) không nhằm bênh vực cho phái yếu. Nhân vật "Chị" trong truyện có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng. Cũng bởi tình yêu, hôn nhân của Chị với Phan như một "sự mặc định" (trách nhiệm, thiên chức). Nhưng với người tình Phong (sét đánh) thì Chị như dây đàn mà mỗi động chạm của anh ta đều khiến chị "rung lên, ngân lên".
Đó là một thứ "say nắng" (tên một truyện ngắn nổi tiếng của văn hào Nga I. Bunhin, Nobel văn chương). Nhưng có những cơn say nắng khiến cho con người say đắm. Những tưởng Chị vốn hiền lành, vị tha, nhường nhịn chồng con thế nhưng: "Chị đặt tờ đơn ly hôn lên bàn làm việc của chồng, rồi đi bách bộ ra phía cửa biển (...). Không hiểu viết được tờ đơn ly hôn chị thấy nhẹ lòng, hay hoàng hôn biển bao la khiến tâm hồn chị thư thái khoáng đạt?".
Nhà văn Trác Diễm. |
Nhân vật nữ của Lê Na thường ngày thì yểu điệu thục nữ, thì nhường và nhịn, nhưng khi cần thì "quật khởi". Nhưng đừng vội nghĩ thế là họ bạo liệt, phá rào, nổi loạn. Đọc văn Lê Na tôi hơi bất ngờ nếu chỉ suy xét "nhìn mặt mà bắt hình dong". Đọc "Bến mê" lại càng thấy Lê Na mãnh liệt khi để cho một nhà sư (trụ trì một chùa) vực dậy mối tình xưa. Nhưng rồi như một nghệ sỹ xiếc trên dây, nhân vật nữ (Lam) đã ra đi với hành động dứt khoát: "Em sẽ nhắn tin". Tôi đồ ngoài đời thực Lê Na sống chỉn chu.
Cũng đúng thôi. Nên đừng suy nghiệm "văn là người". Văn chương là nơi thăng hoa, phóng chiếu, ký thác, giải phóng ẩn ức. Với Lê Na, tôi nghĩ, văn chương như là một thứ gia vị, tăng thêm men nồng cho cuộc sống thứ hai không giống đời thực.
Đọc Hương Duyên rải rác đâu đó trên báo chí, thực sự tôi chưa có một ấn tượng thật rõ ràng. Nhưng khi đọc hết tập truyện "Ở giữa những người đàn ông" (2015) thì quả thực tôi lại bất ngờ như với Lê Na. Đã đành cái CAN ĐINH thì không ai nói là người này hiền lành. Nhưng dữ dội đến mức như Tôi trong truyện "Ở giữa những người đàn ông" thì quả là... ngạc nhiên khi người vợ gồng mình lên: "Anh còn bắt con uống bia lần nữa, tôi sẽ giết anh".
Ở một truyện khác (Cứ vậy đi Quỳnh!) tôi thấy tác giả ủng hộ (qua nhân vật Tôi), cổ võ cho một cuộc thoát xác, vượt ngục tinh thần của cô bạn gái tên Quỳnh, chia tay với người chồng vũ phu (Nam) để đi với người tình (Quang, đã có gia đình vợ con). Ai nói người văn nữ thì "hiền" (?!). Nhà văn Hữu Phương thì tỷ tê: "Hương Duyên viết không bùng nổ, không dữ dội, không ồn ào". Tôi nghĩ, không ồn ào thì đúng. Còn lại thì không đúng.
Trác Diễm viết nhiều về đời sống người nữ thời hiện đại. Nhân vật của chị mạnh mẽ, tự tin, sống và hành động thuận theo tự nhiên như "chỉ giáo" của tác giả. Nhân vật Y Thon trong tiểu thuyết "Tiếng vọng Ma Coong" là một điển hình, gây ấn tượng với độc giả.
Nhân vật nữ của Trác Diễm đều là những "người đàn bà vẽ hoàng hôn" (nhan đề một truyện ngắn). Mỗi người nữ là một cá tính, bộc lộ bản thể đến tận cùng, không màu mè tô vẽ. Mỗi cá tính đều sống tự nhiên, hồn nhiên giữa thiên nhiên, hòa mình vào tạo vật. Con người trong tác phẩm của Trác Diễm gần gũi, gắn bó với thiên nhiên. Số phận của họ mang hơi thở và sự ẩm ướt của đất đai, rừng núi, sông ngòi, suối khe, gió và khí trời. Đặc biệt họ có cái khả năng "thông linh" giữa người với người, giữa người với vật.
Hoàng Thụy Anh trong sáng tác thơ (Người đàn bà sinh ra từ mưa), theo tôi, mới bộc lộ hết cái "căn cước tình" của mình. Mấy ai nghĩ trong con người nhỏ bé, yếu đuối này chất chứa cả một…Hỏa Diệm Sơn. Tôi "đếm" được trong tập thơ này 140 lượt chữ ANH và 209 lượt chữ EM. Phảng phất Xuân Diệu khi ta đọc thấy: "Em cõng nắng về tưới môi anh", hay: " Khuấy lưỡi buồn bằng sắc cuồng nhiệt", v.v và v.v. EM luôn là người chủ động, say đắm, cuồng nhiệt, táo bạo, tất cả chìm đắm trong niềm HOAN CA, lúc nào cũng thấy "khát", "nhớ"…
Phía trước của người viết
Cảm hứng về tương lai mới quan trọng, với bất kỳ người nào, nhất là người viết văn. Như ai đó nói, tác phẩm hay nhất là tác phẩm chưa viết, sẽ viết (khác với quan niệm cho rằng mỗi tác phẩm đã được viết ra đều là đoạn kết của một tình yêu). Xét về tuổi tác, vị thế công tác, cá tính, hoàn cảnh sống, trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa,... nghĩa là tất cả các yếu tố cấu thành một cá tính sáng tạo, riêng tôi cảm thấy có quyền được hy vọng vào bốn cây bút nữ Quảng Bình.
Niềm hy vọng nào cũng thiêng liêng và đáng trân trọng. Trong một tương lai gần, bốn cây bút nữ Quảng Bình là bốn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (hiện tại, đã được 50 phần trăm), tạo nên một "tứ tử trình làng". Chỉ có điều các chị hãy mở rộng "giao diện" nghề nghiệp hơn nữa.
Nói như nhà văn Nguyễn Tuân, công việc của nhà văn gói gọn trong ba chữ "đi - đọc - viết". Hãy biến những gì của quá khứ thành "dĩ vãng phía trước" (như nhan đề một tác phẩm của nhà văn Ngô Thảo).
Quảng Bình - Hà Nội, tháng 4 năm 2019