Bolero: Điệu buồn trở lại

Thứ Hai, 15/12/2014, 08:00
Hai vòng sơ tuyển có  khoảng 6.000 thí sinh đăng ký. Hơn 10 ngày sau khi chính thức phát động, Ban tổ chức (BTC) phải "cơi nới" thêm một cuộc thi khác song hành để thỏa mãn khán giả. Đó là những tín hiệu thành công bước đầu của chương trình "Solo cùng bolero" đang diễn ra ở khu vực phía Nam.

Phải mở thêm cuộc thi bổ sung

"Solo cùng bolero" là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên thuần Việt được tổ chức. Ban tổ chức đã tiến hành 2 đợt sơ tuyển vào ngày 2-11 tại Cần Thơ và 6-11 tại TP HCM.

Khác với nhiều chương trình nghệ thuật khác, "Solo cùng bolero" thu hút lượng thí sinh tham gia rất đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp, khu vực. Theo quy định ban đầu, độ tuổi thí sinh là 15 - 45, tuy nhiên trước sự hưởng ứng quá nhiệt tình của các thí sinh không nằm trong giới hạn tuổi đó, BTC đã quyết định thay đổi, chấp nhận thí sinh tham gia ở mọi độ tuổi.

Thí sinh nhỏ tuổi nhất của chương trình là em Nguyễn Thiên Ngân, 12 tuổi, đã chinh phục được giám khảo vòng sơ tuyển để lọt vào vòng trong với phần thể hiện ngọt ngào 2 ca khúc "Về đâu mái tóc người thương" và "Hành trình trên đất phù sa".

Dù đã lường trước khả năng tiếp nhận của công chúng với cuộc thi, song có lẽ, số lượng gần 6.000 thí sinh tham dự vẫn là bất ngờ thú vị với các nhà tổ chức.

Do chương trình diễn ra tại khu vực phía Nam nên tất yếu lượng thí sinh khu vực này áp đảo. Tuy nhiên trong số những người tới thử giọng tại vòng sơ khảo ở Trung tâm Hội nghị Queen Hall hôm 6/11, người ta thấy có cả những người lặn lội từ các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Bắc vào đăng ký.

Và hẳn nhiên cũng vì hiệu ứng đón nhận tích cực từ khán giả mà ngày 24/11, trên Facebook chính thức của chương trình "Solo cùng bolero" đã công bố một "cuộc thi khác" song hành với "Solo cùng bolero", như một cách "đáp đền" tình cảm của những khán giả lỡ nhịp với chương trình chính thức.

Theo đó thí sinh dùng điện thoại di động hoặc máy tính hay bất cứ phương tiện nào có thể giúp người khác thấy mặt và nghe được tiếng hát của họ rồi gửi clip đó về email của BTC chương trình đều được Ban giám khảo chấp nhận. Cuộc thi "Khán giả cùng bolero" kéo dài từ 18/11/2014 đến 8/1/2015.

Cuối 4 tập chung kết từng chặng của chương trình "Solo cùng Bolero" phát sóng trên kênh THVL1, BTC sẽ lần lượt công bố 4 thí sinh may mắn và hát hay nhất của cuộc thi "Khán giả cùng bolero". BTC sẽ chọn ra 1 cá nhân xuất sắc nhất được nhận giải thưởng 10 triệu đồng tiền mặt và 1 phần quà trị giá 10 triệu đồng từ nhà tài trợ. Đặc biệt hơn, bạn này cũng sẽ được ekip thực hiện chương trình “Solo cùng bolero” quay 1 MV bolero chuyên nghiệp và được trình chiếu trong đêm GALA của “Solo cùng bolero”. Thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi "Khán giả cùng bolero" cũng sẽ được đặc cách vào thẳng bán kết của “Solo cùng bolero” lần thứ 2.

Ca sĩ Lệ Quyên - một trong những ca sĩ trẻ kiên trì đeo đuổi dòng nhạc bolero và đã tạo được dấu ấn trong lòng người nghe. Ảnh: Internet.

Dòng chảy trở lại

Dòng nhạc bolero là cách gọi xuất phát từ tên một điệu nhạc của châu Mỹ La tinh, cụ thể hơn là từ quốc đảo Cuba từ những năm 1930, được du nhập và dần trở nên thịnh hành tại miền Nam Việt Nam những năm 1950.

Trong suốt những năm từ 1950-1975, hàng loạt các nhạc sĩ như Lam Phương, Vinh Sử, Trúc Phương, Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh... nổi lên với những ca khúc viết theo âm hưởng bolero.

Nhờ giai điệu đơn giản, dễ bắt nhịp hát theo, nội dung ca từ lại rõ ràng, dễ hiểu, nói toàn những chuyện đời thường, những tâm tư gần gũi nhất mà bolero mau chóng được giới bình dân và lao động hưởng ứng, hâm mộ.

Nhạc bolero còn được gọi theo cách nôm na (và có phần hơi miệt thị) là nhạc "sến", hay "nhạc máy nước" (theo tài liệu của Jason Gibbs do Nguyễn Trương Quý chuyển ngữ). Đi theo đó là những tính từ đệm thêm để chỉ dòng nhạc này như "sến rện", "sến sẩm".

Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết nhiều ca khúc lừng danh trong lịch sử âm nhạc thế giới đều thuộc dòng nhạc bolero. Đó là  "Besame Mucho", "Guantanamera", "My Heart Will Go On" và "Yesterday" của nhóm nhạc Beatles…

Có phải bolero "hồi sinh"?

Theo quan điểm của người viết, dòng nhạc bolero chưa bao giờ "chết", dù trên thực tế, tùy theo từng giai đoạn lịch sử, cũng như bao hiện tượng văn hóa - nghệ thuật khác, bolero cũng có lúc thăng lúc trầm.

Và vì chưa bao giờ "chết", nên sẽ chẳng thể gọi hiện tượng dòng nhạc này trở lại sôi nổi trong cuộc sống hôm nay là một sự "hồi sinh". Nhưng tại sao sau một thời gian nở rộ vào những thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ 20, vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này, bolero lại ngân lên trở lại?

Trước tiên, hẳn ai cũng thấy các ca khúc viết theo âm hưởng dòng nhạc bolero đều nói chuyện nhân tình, thế thái, phần lớn là các tình khúc. Sự trở lại của những câu chuyện nỗi lòng, của tâm sự riêng tư đang thực sự là xu hướng "hồi cố" của khá nhiều người trước bão táp xô bồ của cuộc sống hôm nay.

Người ta thường nói nhiều về "sống chậm", theo chúng tôi, bolero cũng là một khoảnh khắc con người được sống chậm trở lại, được nhấm nháp không chỉ là hạnh phúc, mà còn nỗi khổ đau và thất vọng thuần khiết. Cảm giác lãng mạn trong các tình khúc bolero là đương nhiên, và nữa, thử hỏi, ai có thể thưởng thức trọn vẹn một ca khúc thuộc dòng nhạc này nếu không thật sự lắng lòng?

Theo chúng tôi, hiện tượng công chúng trở lại với bolero phải chăng là một phản ứng tuy không tuyên ngôn nhưng âm thầm và không kém mãnh liệt của những người yêu nhạc hôm nay với những thứ được cho/được gọi là âm nhạc hiện đại.

Hãy thử làm một so sánh ví dụ về ca từ để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa nhạc trẻ hôm nay và dòng nhạc bolero một thời khi cùng nói về sự xa cách trong tình yêu. Nếu trong bài "Bốn chữ lắm" - một ca khúc được giới trẻ hát khắp nơi, là những ca từ giản đơn, thiếu xúc cảm như "Yêu lắm... Thương lắm... mà xa lắm... chứ đau lắm... Ai chờ... mong chờ... em chờ đợi anh. Na na na na na na na..."; thì những ca từ trong bài "Xa người yêu" lại khiến tâm tư người đồng cảnh ngộ mềm đi vì xúc động: "Người ở phương xa tôi ở đây - Trông ngóng phương kia chờ phương này - Xa xôi cách trở ai hay - Ngõ hồn ngập đầy tê tái - Thiên lý sầu giăng mắc đó đây"…. Đó chỉ là một trong số hàng ngàn ví dụ có thể so sánh.

Ca từ của dòng nhạc bolero vốn từng bị xem là "sến" có lẽ phần nào bởi những chữ được coi là "mòn", là "sáo" như "xa xôi", "cách trở", "ngõ hồn", "tê tái" vẫn được cất lên trong dòng tự sự trải lòng mà không hề sợ cũ, lạc hậu. Hãy hỏi những người yêu thích dòng nhạc này, hẳn không ít người cho rằng, chính những ca từ trong nhiều bài hát hiện đại mới thực cũ, thực sáo và vô cảm.

Tuy nhiên theo chúng tôi, cái được xem là chủ chốt trong sự tồn tại và sức sống lâu bền của dòng nhạc bolero chính bởi giá trị tự thân của nó. Những gì tồn tại đều có lý và những gì có lý thì mới tồn tại, đó là quan điểm đáng suy ngẫm của một triết gia nước ngoài.

Bolero không ngẫu nhiên được ươm mầm và nảy chồi, thành cây và tới nay là đại thụ hơn nửa thế kỷ ở Việt Nam. Nó chưa bao giờ chết bởi những giá trị tinh thần vượt thời gian vẫn luôn thấm thía với nhiều thế hệ người nghe.

Những mạch chuyện tự sự trong các tình khúc dù được viết từ trải nghiệm cá nhân hay những rung động, xúc cảm trước tình đời của nhạc sĩ đều có tính điển hình rất cao. Nói như các nhà lý luận, bolero đã từ rung động trong lòng một người để chạm tới những rung động trong tâm can của cả một lớp người có chung tâm thế.

Nghệ thuật không thể phân đẳng cấp

Thật ngạc nhiên khi ai đó phân cấp "âm nhạc cao cấp, bác học" và "âm nhạc bình dân". Trong nghệ thuật, sẽ là cực đoan nếu chủ quan đoán định hay phân loại cấp bậc. Bởi giá trị đích thực của nghệ thuật không đến từ cấp bậc (dù được cố phân định chính thống hay mặc nhiên thừa nhận). Miễn là nghệ thuật đến được với tâm hồn người thưởng thức, tự thân nó đã mang một giá trị riêng. Nghệ thuật, cũng giống như văn hóa (bởi nó là một thành tố của văn hóa), không có sự cao thấp, thắng thua, chỉ có sự khác biệt.

Chợt nhớ một giáo sư người Việt hiện đang giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Pháp từng có lần chia sẻ những băn khoăn về việc nhiều người Việt cho rằng, học nhạc cụ nước ngoài mới là đẳng cấp cao, còn học nhạc cụ dân tộc chỉ dành cho những người nghèo, ít tiền vì nhạc cụ dân tộc… rẻ!

Phân đẳng cấp nghệ thuật dựa trên việc lấy yếu tố kinh tế làm chủ đạo hay các xét đoán cực đoan đều khiến người khác ngần ngại. Hình như những người có quan điểm đó quên mất một điều cơ bản, nghệ thuật dù ở hình thức nào, ở thời đại nào, cái đích lớn nhất vẫn là đánh thức những xúc cảm lòng người, lay động tận thẳm sâu những yêu, những ghét tích cực. Không làm được vậy, không phải là nghệ thuật. Không làm được vậy, hãy khoan xét tới những yếu tố khác, bất kể nó là cái nằm trong hay ngoài hình thức và nội dung của bản thân loại hình nghệ thuật.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mới đây đã tổ chức họp báo giới thiệu liveshow "Thương hoài ngàn năm 2" của anh và một số khách mời như Bảo Yến, Hồng Ngọc, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Dương Triệu Vũ, Giang Hồng Ngọc và diễn viên Quách Ngọc Ngoan. Đây sẽ là chương trình có sự kết hợp được cho là "chưa từng có" và "không giống ai" giữa các ca khúc bolero ra đời trước năm 1975 và dàn nhạc giao hưởng do nhạc sỹ Việt Anh hòa âm. Chương trình diễn ra tại TP HCM ngày 13/12 và ngày 31/12 tại Hà Nội.
Dương Kim Thoa
.
.