"Nhật ký thời chiến Việt Nam":

Bộ sách đặc biệt chứa đựng một phần lịch sử

Thứ Năm, 09/07/2020, 08:44
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" phối hợp với NXB Hội Nhà văn và CLB "Trái tim người lính" tổ chức buổi gặp mặt tác giả, nhân chứng lịch sử và ra mắt bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam".


Chiến tranh đã dần lùi xa, những trang nhật ký, hồi ký thời chiến Việt Nam mỗi khi ra mắt ở thể dạng tác phẩm, lại được đông đảo công chúng nhiệt tình đón nhận, bởi trong những trang sách ấy chứa đựng một phần lịch sử đầy bi hùng của dân tộc...

Theo chia sẻ của nhà văn Đặng Vương Hưng - chủ biên của bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam", bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập có độ dày hơn 1.000 trang, khổ 16x24cm, được in ấn, trình bày đẹp mắt. Đây thực sự là một công trình tâm huyết của nhà văn Đặng Vương Hưng và các cộng sự trong một thời gian dài để có thể có được một bộ sách chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý giá.

Đồng thời qua đó, tái hiện lại những lát cắt số phận, cuộc đời những con người Việt Nam đã trở thành một phần của lịch sử ấy. Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, phải mất tới 16 năm (2004 - 2020) mới hoàn thành công trình với kinh phí xã hội hóa nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý và gửi gắm vào đó thông điệp của tình yêu thương và lòng biết ơn cho thế hệ mai sau.

Buổi gặp mặt tác giả và nhân chứng lịch sử với bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5-7-2020.

"Nhật ký thời chiến Việt Nam" ra mắt lần đầu chỉ được in với số lượng hạn chế 500 bản, chủ yếu để làm quà tặng tri ân của các cựu chiến binh Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và phát hành 250 bản với giá bán lẻ 1,6 triệu đồng/bộ để có tiền tổ chức bản thảo và in ấn. Nhà văn Đặng Vương Hưng hi vọng, bên cạnh sự đồng hành góp sức của các nhà hảo tâm để bộ sách này hoàn thành, bộ sách sẽ đến được với công chúng rộng rãi ở các lần in tiếp theo.

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, sự kiện cuốn 2 cuốn nhật ký thời chiến là “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm khi ra mắt từng gây "chấn động" đối với công chúng một thời.

Không chỉ hàng triệu bản in đã được bán hết, sách liên tục được tái bản trong nhiều năm, mà 2 cuốn nhật ký này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của 2 bộ phim điện ảnh "Đừng đốt" (Đạo diễn Đặng Nhật Minh) và "Mùi cỏ cháy" (Đạo diễn Hữu Mười). Sau đó, một số cuốn nhật ký - hồi ký chiến tranh Việt Nam khác cũng đã lần lượt được giới thiệu đến công chúng, dần tạo nên một dòng sách mang màu sắc riêng.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nhiều tác phẩm thuộc thể loại sách nhật ký thời chiến Việt Nam cùng đứng chung trong một bộ sách: với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Chính vì thế, có thể coi đây là một bộ sách chứa đựng những tư liệu đầy đủ nhất, công phu nhất về thể loại sách nhật ký.

Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký chân thực về những ngày tháng chiến trường khác của các liệt sĩ mà nhiều bạn chưa được tiếp cận như cuốn “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ CAND Vũ trang Nguyễn Minh Sơn) - một cuốn nhật ký đầy xúc động và chứa đựng nhiều tư liệu quý về những năm tháng đã đi vào lịch sử của nước nhà.

 Sở dĩ bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" trở nên thú vị, hấp dẫn còn vì bởi có sự góp mặt của những cuốn nhật ký của các nhà văn - nhà báo chiến trường  nổi tiếng một thời như “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường" của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn. Bên cạnh đó, bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến - chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa.

Những trang nhật ký đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân - chàng họa sĩ đẹp trai (bạn cùng lứa của 2 người nổi tiếng là họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Trí Dũng) từng xuất hiện trong cuốn sách "Tài hoa ra trận" của tác giả Đặng Vương Hưng biên soạn sẽ một lần nữa được ra mắt bên cạnh những tên tuổi đã trở thành một phần lịch sử của nền văn học - nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam…

Nhận định về bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam", Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” cho biết, với ông đây thực sự là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và tính nhân văn sâu sắc.

Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" gồm 4 tập, mỗi tập trên 1.000 trang.

"Với những giá trị, ý nghĩa mà bộ sách đem lại, có thể xem bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" như "một tượng đài di sản phi vật thể", là dấu ấn trí tuệ, tâm hồn, nghị lực mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại cho thế hệ sau...".

Còn nhà văn Đặng Vương Hưng - một tên tuổi đã có nhiều năm gắn bó với dòng sách này chia sẻ: "Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật!

Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…". Chính vì thế, cùng với thời gian, khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ngày càng lùi xa, những trang viết này lại càng thêm giá trị. Bên cạnh giá trị lịch sử, nó còn có giá trị văn học, nó cho phép thế hệ sau có được tâm gương phản chiếu về tâm hồn, trí tuệ và cuộc đời của thế hệ cha anh đi trước...

Chia sẻ về bộ sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi bộc bạch: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất.

Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ  và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước. Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy!".

Đối với đất nước Việt Nam chúng ta, chiến tranh đã dần lùi xa nhưng cuộc chiến tranh ấy vẫn chứa đựng thật nhiều điều bí mật, trong đó có những điều vẫn chưa được lý giải. Có lẽ chính vì thế, những trang nhật ký của những anh hùng liệt sĩ, những nhà văn, nhà báo, họa sĩ, bác sĩ... đã có mặt trong cuộc chiến ấy, đã sống những thời khắc sinh tử ấy sẽ góp phần "giải mã" cho phần nào những bí mật có thể đã mãi mãi yên ngủ.

Đến nay, là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Nhưng những câu chuyện, những tâm sự chứa đựng một phần cuộc đời, một phần lịch sử bi thương, hào hùng của dân tộc vẫn sẽ còn đọng lại chân thực, sống động trong những trang nhật ký mộc mạc, thân thương của “Nhật ký thời chiến Việt Nam”...

Nguyệt Hà
.
.