Biểu tượng “trái tim” của nước Pháp… tan vỡ

Thứ Bảy, 20/04/2019, 10:48
"Một ngọn lửa xé toạc Nhà thờ Đức Bà - nơi mang tính biểu tượng của Paris hoa lệ - trái tim của nước Pháp... Than hồng và tro đang rơi xuống từ bầu trời Paris...", lời chia sẻ của Elaine Leavenworth, một nhân chứng của vụ thảm họa Nhà thờ Đức Bà Paris tràn ngập trên các báo và các trang mạng xã hội.


Không chỉ có người dân Paris, cả thế giới dường như đang "rơi nước mắt" vì những vết thương tinh thần, những tổn thất văn hóa quá lớn mà Paris đang phải gánh chịu khi công trình 856 tuổi, biểu tượng của nước Pháp bị cháy.

Nước mắt đã rơi

Theo thông tin từ phía đại diện của Nhà thờ Đức Bà Paris, một ngọn lửa đã bùng phát dữ dội vào lúc 18h50 ngày 15/4 (23h50 giờ Việt Nam) tại Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris của nước Pháp, tạo ra cột khói lớn, khiến tháp chuông và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập trước sự bàng hoàng thảng thốt của nhiều người chứng kiến.

Dòng người đổ về Nhà thờ Đức Bà ngày một lớn, có rất nhiều người quỳ xuống cầu nguyện, và nước mắt họ đã rơi. Cả những vòng người nắm tay nhau hát Thánh ca mong một phép mầu xảy ra đối với biểu tượng "trái tim" của nước Pháp đang chìm trong biển lửa.

Nhà thờ Đức Bà Paris công trình có lượng khách tham quan còn lớn hơn so với Tháp Eiffel.

Tin tức báo chí, các trang mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh xót xa về tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập. Nỗi đau, sự tổn thương tinh thần, những ảnh hưởng nặng nề bởi những tổn thất văn hóa là có thực với người dân Paris nói riêng và người dân châu Âu và thế giới nói chung ngay lúc này, khi công trình di sản từ thế kỷ XII của thủ đô nước Pháp, một công trình có 856 tuổi đang lâm vào hỏa hoạn.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã thốt lên bày tỏ nỗi đau khi họ chứng kiến Tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập đã gây cho họ nhớ lại một nỗi đau trong quá khứ khi chứng kiến tòa tháp đôi - biểu tượng tự do - niềm kiêu hãnh của nước Mỹ đổ sụp xuống. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande viết: "Nhà thờ Đức Bà là di sản chung của chúng ta. Thật đau lòng khi chứng kiến nó bị lửa tàn phá".

Để cứu Nhà thờ Đức Bà trong thảm họa hỏa hoạn này, nhà chức trách ở Pháp đã triển khai hơn 400 lính cứu hỏa để dập lửa và cố gắng cứu phần cấu trúc chính của Nhà thờ Đức Bà. Theo bản tin thời sự quốc tế trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát buổi sớm ngày 16/4 thì đám cháy chỉ được khống chế lúc 0h ngày 16/4, một lính cứu hỏa bị thương nặng trong quá trình dập lửa.

Tuy nhiên, khói vẫn bốc lên từ nhà thờ và không loại trừ đám cháy vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Lực lượng cứu hỏa tiếp tục phun nước để mong khống chế được vụ hỏa hoạn. Giám đốc Sở cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet phát biểu: "Chúng ta có thể coi cấu trúc chính và hai tháp cao của Nhà thờ Đức Bà đã được bảo vệ an toàn. Lính cứu hỏa Paris đã chiến đấu với khói, lửa và những mẩu kim loại nóng chảy để giải cứu những tác phẩm nghệ thuật và cổ vật lịch sử vô giá bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris”.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, nhiều biện pháp đặc biệt đã được áp dụng để cứu Nhà thờ Đức Bà. Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo thông tin tại hiện trường vụ cháy rằng nhiều tác phẩm nghệ thuật trong nhà thờ đã được đưa ra ngoài và đem đến nơi cất giữ an toàn.

Hãng tin Reuters dẫn lời Đức Ông Patrick Chauvet, quản đốc của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết vương miện bằng vàng và áo choàng của vua Saint Louis, một vị vua thế kỷ thứ XIII của Pháp, đã được cứu khỏi trận hỏa hoạn. Đức Ông Chauvet cho biết thêm là lính cứu hỏa đang gấp rút tháo dỡ những bức tranh cỡ lớn trong nhà thờ trước khi bị khói lửa làm ảnh hưởng.

Khu vực làm lễ bên trong nhà thờ cũng bị hư hại nghiêm trọng. Trang web của Nhà thờ Đức Bà Paris thông báo mái vòm nổi tiếng với các ô kính màu tuyệt đẹp của nhà thờ cũng như nhiều máng xối bằng đá được chạm khắc tinh xảo là một trong những phần bị thiêu rụi ngay trong những giờ đầu tiên khi ngọn lửa bùng phát.

Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn cho cấu trúc nhà thờ, khiến hầu như toàn bộ phần mái bị sụp đổ, thiêu trụi một số tác phẩm nghệ thuật và các cổ vật, các cửa sổ hoa hồng cũng thiệt hại phần lớn. Một phần may mắn nhất của Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ đang trong quá trình trùng tu nên một số bức tượng nổi tiếng bằng đồng được đúc và trưng bày tại nhà thờ hàng trăm năm nay đã được dỡ đi trong tuần trước để trùng tu nên thoát nạn.  Hiện chưa thống kê được thiệt hại chi tiết vụ cháy cũng như nguyên nhân bùng phát đám cháy.

Nỗ lực vì biểu tượng "trái tim" nước Pháp

Phát biểu trước báo giới ở bên ngoài hiện trường vụ cháy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp đã tránh được "điều tồi tệ nhất" xảy ra với Nhà thờ Đức Bà dù cuộc chiến vẫn chưa hoàn toàn thắng lợi. Ông cam kết sẽ tái xây dựng Nhà thờ Đức Bà ngay lập tức.

Trước đó, ông Macron đã lập tức hủy một bài phát biểu gửi người dân Pháp để tập trung xử lý vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này. Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault đã tuyên bố đóng góp 113 triệu USD để trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris sau đám cháy. Và cho đến thời điểm ngày 16/4 thì tài khoản kêu gọi ủng hộ Nhà thờ Đức Bà đã có rất đông đảo người dân trên thế giới đóng góp, dự kiến con số sẽ lên hàng tỷ EUR và vấn đề tài chính để khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà có thể đã được đảm bảo, song thời gian để khôi phục lại có lẽ cũng phải mất đến vài thập kỷ. 

Nguyên nhân dẫn tới vụ cháy chưa được xác định, nhưng các công tố viên Pháp loại bỏ khả năng đây là hành động cố ý. Lực lượng cứu hỏa nhận định đám cháy có thể liên quan đến công việc trùng tu đang diễn ra tại nhà thờ. Sam Ogden, nhân chứng 50 tuổi, cho biết khi nhìn thấy đám cháy: "Thật sự đáng buồn. Đây là điều đáng buồn nhất tôi từng chứng kiến trong đời".

Nhà thờ Đức Bà Paris 856 tuổi là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic (chuyển tiếp giữa kiến trúc La Mã theo chủ nghĩa tự nhiên và kiến trúc thời Phục Hưng) ở Pháp nằm giữa dòng sông Seine ở Paris. Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.

Công trình được coi là biểu tượng văn hóa không thể thay thế của "kinh đô ánh sáng" nói riêng, cũng như nước Pháp nói chung, và từng xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết kinh điển "Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo. Theo các tài liệu ghi chép thì Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 thời Vua Louis VII cùng Giám mục Maurice de Sully và hoàn thành năm 1345 cùng với thời điểm khi thành phố Paris thời trung cổ đang phát triển về dân số và tầm quan trọng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế của vương quốc Pháp. Hai tòa tháp ở mặt tiền cao 69m và là điểm cao nhất ở Paris cho đến khi tháp Eiffel hoàn thành năm 1889.

“Trái tim” của nước Pháp chìm trong biển lửa.

Cũng theo các tài liệu ghi chép, để xây dựng và hoàn thiện công trình nổi tiếng này, nước Pháp đã phải tốn tới 200 năm. Tòa nhà có thể chứa tới 6.500 người, với chiều dài 128m, chiều rộng 48m, cao 96m. Dù không phải là nhà thờ lớn nhất nước Pháp, nhưng nơi này có tầm ảnh hưởng và sức hút nhất.

Công trình có hai tháp, với một tháp nhìn về hướng Bắc, một tháp về hướng Nam. Hai đỉnh tháp chuông vươn cao như thể hiện sự trường tồn vĩnh cửu.

Một trong những điểm đáng chú ý khác của nhà thờ, đó là 3 bộ cửa sổ hoa hồng bằng tranh kính nổi tiếng có từ thế kỷ XIII. Khi ánh sáng xuyên qua cửa sổ, không gian bên trong nhà thờ biến đổi thành những màu sắc huyền ảo khác nhau. Hầu hết khi du khách tới đây sẽ dành thời gian đứng trước 2 tòa tháp để chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh tráng lệ của công trình.

Nhà thờ Đức Bà Paris sở hữu hệ thống 10 quả chuông. Trong đó, quả lớn nhất có tên Emmanuel, nặng hơn 23 tấn, được lắp ở tòa tháp phía Nam vào năm 1685. Vào năm 2013, khi nơi này kỷ niệm 850 năm lịch sử, họ đã đúc những quả chuông khác nhỏ hơn, đặt ở tòa tháp phía Bắc. Mỗi quả chuông đặt theo tên một vị Thánh.

Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị tổn thất nặng nề trong cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789. Tuy nhiên, suốt hai cuộc thế chiến thứ 1 và thứ 2, công trình mang tính biểu tượng của nước Pháp vẫn sừng sững hiên ngang, gần như không bị thiệt hại gì đáng kể. Hằng năm Nhà thờ Đức Bà Paris hấp dẫn hàng triệu du khách tham quan.

Thủy Giang
.
.