Biểu tượng thuyền – nhìn từ văn hóa tâm linh

Thứ Bảy, 23/05/2020, 08:03
Văn minh nào biểu tượng ấy. Với nền văn minh sông nước của ta thì con thuyền là biểu tượng cơ bản tập trung nhiều nhất những mã văn hóa nên có thể tìm thấy ở đó những ý nghĩa mới. 


Có lẽ khó thống kê hết tần số xuất hiện của hình tượng này trong văn học dân gian, nhưng kể qua cũng cho thấy triết lý sống của người Việt lấp lánh trong đó. Là khuyên người ta phải có nghị lực, có ý chí: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo (thuyền)". Là sự tằn tiện, tiết kiệm: "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Là ứng xử: "Thuyền theo lái gái theo chồng". Là phê phán nhẹ nhàng những người vụng về việc này nhưng khéo léo lấy việc khác để che chắn qua "Vụng chèo khéo chống". Là khát vọng vương giả: "Một ngày ngồi tựa thuyền rồng/ Còn hơn cả kiếp nằm trong thuyền chài"...

Ở ngày hôm nay, vào ngày Thần tài, cứ đến hiệu vàng sẽ thấy biểu tượng thuyền buồm bằng vàng, nhỏ nhắn, xinh xắn mà sang trọng là bán chạy nhất. Vì ẩn trong đó khát vọng tâm linh: "Thuận buồm xuôi gió"... Sách "Lĩnh Nam chích quái" chép: "Người Việt cổ lặn giỏi, bơi tài, thạo thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền".

Nhìn vào lịch sử cũng thấy những con thuyền đã giúp người Việt Nam làm nên những chiến công lừng lẫy: Lý Thường Kiệt (?) hùng tráng ngâm "Nam quốc sơn hà" trên sông Như Nguyệt khiến quân Tống sợ mất vía. Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng... Thời chống Mỹ chúng ta có những đoàn tàu "không số" làm kẻ xâm lược thông minh và hiếu chiến nhất thế giới phải bất ngờ, bái phục...

Một cảnh hát “Chèo Tầu”.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định hình tượng mái đao chùa Việt cổ là bóng dáng của mũi thuyền lướt sóng. Ngôi nhà Việt cổ mang hình thuyền. Phần võng xuống ở giữa mái đình Việt đến nay vẫn được gọi "lòng thuyền". Tóm lại đi tìm bản sắc Việt không thể không thể tìm hiểu biểu tượng con thuyền!

Văn hóa Việt tự hào có bộ môn nghệ thuật Chèo đặc sắc. Về nguồn gốc, từng có ba luồng quan niệm: một là từ Trung Quốc truyền sang vào đời Lý, Trần, người có công là Lý Nguyên Cát. Hai là Chèo từ "trò nhời" mà ra, chữ "chèo" là do từ "trào" mà đọc chệch đi, vì bản chất của "Chèo" là tiếng cười. Ba là, Chèo ra đời từ cuộc sống chèo thuyền.

Có nhiều loại hình Chèo thể hiện rất rõ bóng dáng con thuyền trong lời hát, điệu múa. Chèo cầu ngư (còn gọi bả trạo, bả trạo tức cầm mái chèo) tổ chức vào dịp cúng tế Nam Hải Đại vương (có vùng gọi Cá Ông tức cá voi, mỗi khi cá chết dạt vào bờ). Chèo đưa linh tổ chức vào dịp tang lễ hoặc Lễ Vu lan (15 tháng Bảy âm lịch).

Nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian lấy "mô hình" là hành động chèo thuyền để phát triển lên thành tác phẩm, tức có hệ thống hẳn hoi, chuyển tải những ý nghĩa triết lý rất sâu sắc về quan niệm, cách ứng xử hay sinh hoạt. Các trò như Hát Dô, Hát Chèo Tầu, Hát Chèo Chải, Trò Thủy... đều gắn liền với chiếc thuyền. Chèo Chái hê có kết cấu là một quá trình, bắt đầu từ: lên rừng, đẵn gỗ, kéo gỗ, xẻ ván, ghép thuyền, chèo thuyền, cắm sào... Trong đó mảng "đẵn gỗ" là "cái lõi" của màn chèo, kể về công việc quyết định nhất: "Tôi tế Sơn thần đẵn lấy gỗ ra/ Mà chèo là chèo chái hê, hê ế hề la...". Nhân đây xin nói câu "Vụng chèo khéo chống" cũng có nghĩa tương tự với "Vụng chèo khéo trống", vụng hát (chèo) nhưng khéo dùng trống (tiếng) giúp cho màn (vở) cũng "xuôi chèo mát mái". Câu sau có thể ra đời sau lại khoanh trong vùng văn hóa chèo nên ít phổ biến!

Từ các kết quả nghiên cứu có thể khẳng định hầu hết những lối hát trên kế thừa, ảnh hưởng rất rõ của chèo dẫn vong (đưa linh) từ lời hát đến điệu múa. Điều này ủng hộ cho nhận định kịch chủng chèo ra đời trên cơ sở cuộc sống chèo thuyền ngoài đời. Nó không chỉ đúng với quan niệm nghệ thuật bắt nguồn từ lao động của Mác mà còn đúng với nội dung và hình thức các tác phẩm chèo của ta. Dưới đây xin chọn hai loại hình chèo đậm tính tâm linh (Chèo Tầu và Chèo đưa linh) để chứng minh chèo mang đậm tinh thần Việt, bản sắc Việt, chứ không hề có nguồn gốc từ bên ngoài.

Về bản chất, Chèo đưa linh là niềm tin "con người chết chưa phải là hết" mà là "về" (sống gửi thác về) với tổ tiên nơi "chín suối". Muốn đến được đó phải "đi đò". Nên lễ "phạn hàm" là bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng chinh) vào miệng người chết. Gạo để linh hồn ăn, không thành ma đói. Tiền để đi đò. Về đại thể, "quá trình" chia là các giai đoạn (cách): Hát Chúc (giáo đầu); Hát Giáo hương mời các Chư vị thần thánh về chứng giám; Hát Kể về cuộc sống trần gian và cuộc đời người vừa chết; Hát Đưa linh kể về "hiếu tử" (theo "Nhị thập tứ hiếu" hoặc "Thập ân") và những động tác chèo đò theo lối cách điệu.

Hạt nhân triết học của tục chèo đưa linh là một quan niệm sống lạc quan, coi chết là "về" chứ không phải chuyện đau thương: "Hồn hề/ Hồn hề/ Bây giờ hồn đã được về/ Nghe lời chúc thực độ trì trước sau/ Cỗ bàn nào có chi đâu/ Một lưng cơm bạc, đôi đầu đũa bông...". Nó quan niệm cái chết nhẹ nhàng chứ không bi lụy.

Thực chất, đám tang dành cho người chết chỉ một phần, phần lớn dành cho người sống, tức làm chức năng giáo huấn, giáo dục thể hiện ở phần hát báo hiếu. Dĩ nhiên phải buồn, phải xót nhưng thấm thía: "Mẹ ơi mẹ vội đi đâu/ Trăm thảm nghìn sầu biết thuở nào khuây/ Vì đâu nên nỗi xa xôi/ Miếng ngọt miếng bùi chưa báo đủ cho...". Về sau này "Hầu đồng" đã tiếp thu, kế thừa mỹ học của Chèo đưa linh để làm nên một diện mới!

Chèo đưa linh từ xưa đã được thể hiện khá cụ thể và sinh động trong Hò Chèo vùng Lệ Thủy (Quảng Bình). Ví dụ Lời giáo đầu: "Ngày hôm nay sông bằng nước phẳng/ Lại có thêm gió mát trăng thanh/ Căng buồm lên chắn gió đông phong/ Quay lái lại sãi tôi chở cụ vong về bên Tây Trúc". Ngay "Lời giáo" này cũng cho thấy hoàn cảnh, không gian buổi đưa linh cữu: sống ở vùng lũ nên thường đưa người thân an táng trên núi. Đi bằng thuyền, ngược dòng Kiến Giang, suốt đêm kịp hạ huyệt trước khi mặt trời mọc. Suốt chặng đường, thay bằng tiếng khóc là tiếng hò khoan, tiếng phèng la và tiếng trống điểm.

Hò cái bắt nhịp, hò con xướng theo nhịp thuyền đi. Hò kể về nỗi buồn, nỗi tiếc thương của gia quyến. Hò đi làn "mái nện" nhịp đều hòa cùng tiếng sanh, tiếng mõ buồn da diết. Hò đi nhịp chèo cạn "mái ba", hò cái xướng, đội âm công đứng hai hàng, miệng hò, tay làm động tác chèo thuyền… Lời hò buồn mà không thảm, xót mà không ai oán: "Ra đi bỏ cửa bỏ nhà/ Luống rau hàng chuối ớt cà ai chăm/ Ra đi mấy tháng mấy năm/ Sao đành đi mất, biệt tăm không về". Rất rõ một quan niệm chết chỉ là cuộc "đi" lâu dài, để công việc cho người ở lại làm thay!

Hò đưa linh (Bố Trạch- Quảng Bình).

Chèo Tàu là một hình thức diễn xướng độc đáo chỉ có ở Tân Hội, Đan Phượng (Hà Nội). Hội được tổ chức vào nửa cuối tháng Giêng âm lịch để ghi nhớ công lao vị tướng Văn Dĩ Thành cùng quân dân đuổi giặc giữ nước. Trong tập "Truyền kỳ mạn lục" (tên truyện là "Chuyện tướng Dạ Xoa") có kể về vị tướng này nhưng trong bối cảnh đánh lại bọn yêu ma. Hội chính diễn ra 7 ngày với 3 "kỳ": dâng tế, diễn xướng, hát giao duyên. Phần dâng tế có 3 bài "Mời rượu", 3 bài "Chúc Thánh", tất cả quỳ trước lăng (thờ Văn Dĩ Thành) hát trong nhịp trống, chiêng, phách.

Hát xong, dâng hương rồi lên thuyền rồng để diễn xướng trạo ca (vừa hát vừa chèo thuyền) và cuối cùng là Hát giao duyên. Gọi là Chèo Tầu tức hát Chèo trên những chiếc thuyền, những chiếc tàu… Còn gọi là hát Tàu Tượng vì kèm với "tàu" là "voi" (tượng). Người ta đóng bằng gỗ những mô hình con voi và thuyền để "ca nhi phường" đứng trên đó múa hát những làn điệu cổ. Chèo Tầu là điệu hát mô phỏng hành động chèo thuyền chở quân đi đánh giặc.

Điều đặc biệt là những người chèo thuyền ấy lại là phụ nữ, từ "Cái Tầu" đến "con Tầu" đều là nữ. Nó vừa chứng minh một nét văn minh sông nước in rất đậm trong cuộc sống người Việt xưa và sinh động hóa câu thành ngữ: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".

Như vậy Chèo Tầu có cái vỏ là tâm linh thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn thờ những anh hùng có công với đất nước nhưng cái lõi lại rất duy vật, gửi gắm khát vọng hòa bình, tôn kính phụ nữ... Thì ra với mỗi hiện tượng văn hóa cho dù mang hình thức tâm linh siêu hình đến mấy nhưng cũng có hạt nhân duy vật rất đáng quý.

Nguyễn Thanh Tú
.
.