Bí ẩn quanh đồi Trầu

Thứ Sáu, 15/05/2020, 18:00
Tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) là ký ức khó quên trong tôi bao năm qua. Ở đây tôi đã từng uống rượu nho Ba Mọi say đến bí tỉ và nghêu ngao hát theo những cậu bé người Chăm. Thật tình cờ mới đây, vào làng gốm Bầu Trúc tôi làm quen với nghệ nhân Đằng Năng Tự, con trai của bà Đàng Thị Phan. Anh đã kể tôi nghe thêm những chuyện quanh đồi Trầu - nơi có ba ngọn tháp đầy bí ẩn bao đời nay.


Huyền diệu lễ hội Ka Tê

Câu chuyện ngẫu nhiên của chúng tôi bên cụm tháp Po Klong Garai thu nhỏ do chính Đàng Năng Tự xây ở ngay sân nhà. Anh nhớ nhiều đêm thường mơ về những điệu múa trong lễ hội Ka Tê của làng quê mình. Vào đêm trăng, thỉnh thoảng anh lấy trống Paranưng ra vỗ và cất lên những lời Thánh ca về thần Po Kong Garai. Đó là lời hát trước khi tắm cho tượng thần người Chăm.

Rồi anh kể đến những bước lễ trong ngày hội Ka Tê. Anh chỉ cho tôi biết tháp lớn nhất (cao 20,5 mét) thờ Po Klong Garai, vị vua anh hùng trong những triều đại Chăm cách đây gần ngàn năm. Ngài thuộc đế chế thứ III của tiểu vương quốc Chăm Panduganda.

Trong 54 năm trị vì (1151-1205), Po Kong Garai đã làm bao việc lớn cho đất nước. Ông được tôn vinh là thần nông nghiệp ở vùng sa mạc hoang hoải này. Hệ thống thủy lợi Nha Trinh và Sông Cấm ở phía Tây Phan Rang vẫn còn tồn tại cho đến nay. Po Klong Garai có công bình định xứ sở, đánh tan giặc ngoại xâm, mở đầu cho một thời kỳ hùng mạnh.

Thap Po Klong Garai do Đàng Năng Tự làm tại nhà.

Sau này, vào đầu thế kỷ XIV, vua Chế Mân chọn đất trên đồi Trầu (thuộc phường Đô Vinh-Tháp Chàm) đã cho xây cụm tháp thờ Po Long Garai. Lễ hội Ka Tê vào đầu tháng bảy theo lịch Chăm (vào tháng 10 dương lịch) hằng năm để tưởng nhớ vị anh hùng này.

Câu chuyện của nghệ nhân Đàng Năng Tự dẫn tôi tới những uẩn khúc phía sau lễ tắm tượng thần trong ngày hội Ka Tê. Đó là chuyện vì sao có lễ đón y phục của thần từ tay người Raglai ở xã Ninh Phước đưa về hằng năm. Giọng anh trầm buồn. Bởi đó là thời kỳ tao loạn và khủng hoảng của tiểu vương quốc Chăm Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận).

Cuộc chiến xảy ra giữa các triều đại thật khốc liệt. Hàng chục ngàn người Chăm phải trốn tránh. Một số lớn rời bỏ lên núi cao sống với người Chu ru và Raglai trên Tây Nguyên. Đặc biệt, một số người giàu có đem theo của cải vàng bạc nhờ người Raglai bí mật chôn giấu. Trong số đó có cả những người của vương triều nhờ cất giữ đồ cổ và lễ vật cúng tế.

Cuộc chiến kéo dài. Năm tháng trôi qua, nhiều của cải vàng bạc còn được chôn theo người chết theo tục Chăm. Các thế hệ tiếp nối được trao chuyền lại vị trí những kho báu nhưng dần dần bị quên lãng và thất lạc.

 Riêng những tín vật lễ thần Po Klong Garai còn giữ lại được. Theo tục lệ, khi đến lễ hội Ka Tê người Chăm nhờ người Raglai mang về. Sau đó họ lại nhờ giữ hộ cho khỏi thất lạc. Tục lệ giữa hai dân tộc được gìn giữ hàng trăm năm qua. Nhưng các kho vàng bạc châu báu của người Chăm vẫn là những bí mật trong rừng và các mộ táng. Các nhóm trộm cướp thường nhòm ngó tới những kho báu này. Trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều vụ thanh toán lẫn nhau khi chúng tranh giành những ngôi mộ cổ.

Lâu nay chúng cũng gặp không ít những cảnh tượng ghê rợn và lấy làm hoảng sợ. Bởi mộ chí cổ của người Chăm rải rác khắp nơi. Những ký hiệu bí ẩn luôn được thay đổi. Thậm chí còn có những ngôi mộ gió hoặc hố bẫy chông để đánh lạc hướng kẻ xấu muốn đào mộ tìm vàng. Do vậy, việc tìm ra cho được những kho báu càng ngày càng khó. Trong thiên hạ còn đồn thổi cứ đêm đến là những hồn ma hiện về để canh giữ mồ mả, Nhất là những đêm không trăng không sao.

Những câu chuyện đậm màu sắc tâm linh

Ở Đồi Trầu người dân vẫn truyền tai nhau những câu chuyện mang màu sắc tâm linh kỳ bí. Chỉ là chuyện kể cửa miệng thôi, và chả ai biết từ đâu mà đồn thổi ra, không mấy au tin. Nhưng những câu chuyện đẫm sắc màu huyền thoại của người Chăm lại ám ảnh tôi. Đó là sự chôn vùi hàng trăm năm của một đế chế hùng mạnh bị suy tàn. Những thành quách còn dấu tích đó đây. Hàng chục đền đài tháp Chăm vẫn còn ẩn chứa những bí mật qua bao năm tháng.

Tôi chợt nhớ đến những bài thơ trong tập "Điêu tàn" của Chế Lan Viên đã từng làm người đọc gai chân tóc. Những câu thơ chất chứa hình ảnh ma mị: "Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn/ Muôn ma hời sờ soạng dắt nhau đi/ Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn/ Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy". Hay nhà thơ còn viết trong bài "Đầu rơi" rằng: "Hãy trả lại đầu cho thi thể/ Và hãy chôn trong cùng đáy mồ sâu/ Đừng có để những đêm mờ vắng vẻ/ Phải dội vang tiếng khóc quỷ không đầu".

Dàn nhạc Chăm trong lễ hội Ka Tê.

Câu chuyện "ma hời" vẫn luôn được nhắc tới chung quanh những đồi tháp như một yếu tố giải trí, tăng tính tâm linh kỳ bí cho du khách. Đó là câu chuyện về đêm, khí lạnh và ánh sáng lân tinh thường xuất hiện trong các bãi tha ma. Đom đóm bay lên chập chờn cùng bão cát trên sa mạc luôn rú rít từng cơn như tiếng người kêu than. Gió biển thường giẫy giụa quanh khu đồi đất đỏ. Rồi chuyện thi sĩ Hàn Mạc Tử khi lên đồi Chăm ở Phan Thiết bị ngấm độc.

Lần ấy ông hẹn gặp nữ sĩ Mộng Cầm để tỏ tình trên đồi Ông Hoàng. Nhưng vội vã đi tắt qua khu mộ người Chăm nên bị những tia lân tinh bám chặt khi cổ chân chảy máu do lá dứa gai cứa phải. Sau đó ông bị mắc bệnh hủi. Đó chính là sự ám ảnh của những câu thơ mà thi sĩ đã viết "Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng/ Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/ Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/ Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!/ Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi" (Đau Thương).

Nghệ nhân Đàng Năng Tự còn kể, xưa chung quanh đồi Trầu bên chân tháp cũng luôn có "ma hời" hiện về thắp hương và vật vã khóc than. Vậy nên không mấy người dám lên đồi Trầu vào những đêm khuya. Nhưng bọn cướp lại nghĩ khác. Chúng cho là người Chăm dựng chuyện ma không đầu hiện về để hù dọa nhằm bảo vệ những kho báu.

Theo lời truyền, người Chăm có nhiều vật dụng trang trí được chế tác rất tinh xảo bằng vàng, bạc, đồng, ngà…Đó là những đồ cổ có độ tuổi từ 300 năm trở lên. Chính vì thế, cuộc đào bới vô tội vạ của bọn trộm cướp tham lam không bất kể thủ đoạn nào. Người dân ở đây ví von rằng, chúng sống chung với những con "ma hời" lạnh buốt trong những đêm trăng.

Có không ít người đào được vàng thật từ những ngôi mộ cổ. Nhưng cũng có người đã bỏ xác vì rắn rết, bọ cạp. Tuy vậy, mọi hiểm nguy không ngăn được lòng tham của con người. Các đám trộm thường thuê thầy cúng để tìm mộ chôn vàng. Hoặc chúng còn nhờ pháp sư trừ ma tà trong khu mộ tháp. Tuy vậy, bọn này cũng không thoát khỏi tai ương. Có tên trộm phát điên và treo cổ chết vì bị "ma hời" vào tận giường ngủ hù dọa.

 Không ít gia đình lấy làm phiền não vì thấy con cháu bắt được vàng trên rừng mang về. Bởi khi vàng đã bị ma hời ám thì trước sau sẽ mang họa. Không chết bất đắc kỳ tử thì cũng rồ dại cả đời. Thật ra, đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng để người Chăm bảo vệ những khu di tích lịch sử văn hóa khỏi tay những kẻ mộ tặc.

Tình ca bên tháp nắng

Nghệ nhân Đàng Năng Tự dẫn tôi ra tận đồi Trầu để ngắm cụm tháp Po Klong Garai. Anh nói, phải ra tận nơi mới thấy ba ngọn tháp hùng tráng đến cỡ nào. Đây là khu tháp cổ Chăm duy nhất còn giữ được nguyên bản gốc hơn 500 năm qua. Quảng trường phía dưới là nơi hàng chục ngàn người Chăm hội tụ mỗi lần về dự lễ hội Ka Tê. Sau những bài Thánh ca vang lên ca ngợi đức công Po Klong Garai là đến phần tắm tượng thần. Lúc này, hàng chục đội văn nghệ ở thôn bản cùng nhau ca múa. Suốt một ngày các nghệ sĩ thay nhau trình diễn.

Mỗi năm lại có bài hát mới để trao tặng cho nhau. Đó chính là những bản tình ca ngọt ngào ngân vang trong điệu kèn Saranai say đắm. Đàng Năng Tự bỗng nhớ đến bài ca "Ai kia đang ở phía xa" mà anh đã từng hát trên ngọn đồi này. Những ký ức Ka Tê trào dâng và Đàng Năng Tự cất lên tiếng hát: "Tuy cách xa nghìn trùng/ Mà anh vẫn ngóng chim về rừng/ Chim cất cánh bay/ Chứ anh một mình mà anh nhớ thương em/ Chứ em một mình mà em nhớ thương ai". Bỗng dưng ánh mắt Đàng Năng Tự trĩu buồn. Một đôi mắt Chăm trầm tư và thương nhớ một ai đó đang ở phía xa.

Vương Tâm
.
.