Bệnh sợ bị lãng quên

Thứ Sáu, 03/04/2009, 11:00
Có một căn bệnh xem ra rất đáng sợ. Ấy là căn bệnh sợ bị lãng quên. Có lẽ chính vì thế mà thi thoảng, vẫn có người cố tình dựng lên một sự kiện thật giật gân (kiểu Êrốtxtrát) để hy vọng may ra người đời còn nhớ đến mình.

Cách đây mấy năm, một nữ sĩ đã tâm sự rất thật với tôi: "Ngày ấy, tôi có may mắn được làm quen với một nhạc sĩ lớn. Do rất biết mình là ai nên tôi biết nhạc sĩ lớn ấy quý tôi, tỏ ra thân mật với tôi chẳng qua vì tôi là phái yếu, tuổi lại đang còn trẻ. Đơn giản chỉ có thế thôi.

Ngày ấy, cũng có một vài nhà thơ hạng ba rất muốn đánh đu với "mét" này, nhưng không đánh đu nổi, nên thường đứng xa mà nhìn. Hay nói một cách khác: Khi tôi ngồi gần nhạc sĩ lớn  trong một cuộc rượu chẳng hạn, thì mấy nhà thơ hạng ba kia còn đang mon men ở vòng ngoài, nhìn tôi với ánh mắt ghen tị một cách khó hiểu.

Vậy mà sau khi nhạc sĩ lớn qua đời, một người trong số họ viết trên mặt báo bằng cái giọng rất xếch mé, làm như đồng trang phải lứa với ông: "Có một hôm trời đất thật vô thường, tôi gặp V. (tên nhạc sĩ lớn), V. ôm lấy tôi, rót rượu mời tôi uống và còn khen thơ tôi. V. bảo: Thơ cậu hay lắm và con người cậu cũng thật tuyệt vời. Thỉnh thoảng, cậu nên bớt thời gian đến với tôi". Viết thế để làm gì, nếu không phải là để tự đề cao mình? Viết thế có khác gì tự coi mình đồng trang lứa với một nhạc sĩ lớn?". Rồi nữ sĩ rút ra kết luận: "Đây là căn bệnh tự đánh bóng mạ kền tên tuổi mình".

Theo tôi, có một căn bệnh xem ra còn đáng sợ hơn căn bệnh trên. Ấy là căn bệnh sợ bị lãng quên. Có lẽ chính vì thế mà thi thoảng, vẫn có người cố tình dựng lên một sự kiện thật giật gân (kiểu Êrốtxtrát) để hy vọng may ra người đời còn nhớ đến mình.

Viết báo gây sự với cả làng thơ, là ví dụ thứ nhất. Viết báo coi mình là nhà triết học số 1 thế giới, là ví dụ thứ hai. Viết báo coi các nhà văn ta đang phản ánh hiện thực vụn vặt, là ví dụ thứ ba. Viết hẳn một đoạn văn trong một truyện ngắn không cần sử dụng dấu chấm, dấu phẩy, thậm chí không cần đánh dấu, là ví dụ thứ tư. Dán nhãn cho tác phẩm của mình thuộc dòng hậu hiện đại, tân hình thức cho có vẻ thời thượng, là ví dụ thứ năm. Coi những ai không hiểu thơ mình là kém cỏi, là ví dụ thứ sáu. Tự tô vẽ cho mình qua những gì ngoài văn chương, là ví dụ thứ bảy. Vân vân và vân vân.

- Nhưng tại sao họ lại làm thế?

- Thì cũng giống như một người đi mãi bằng hai chân chẳng ai để ý, anh ta bèn làm trò trồng cây chuối chẳng hạn.

- Tức là đi bằng tay chứ gì?

- Đương nhiên.

- Nhưng đi bằng tay đâu bằng đi bằng chân. Người đời vẫn nói: Đứng vững trên đôi chân của mình, đâu có nói: Đứng vững trên đôi tay của mình. Tôi còn biết một ông toàn kể chuyện ngày xưa để khoe mình kia.

- Khoe làm sao?

- Rằng ngày xưa tôi thế này, rằng ngày xưa tôi thế nọ… Hồi ấy, văn thơ của tôi oách lắm, lớp trẻ bây giờ đã là cái gì.

- Còn…ngày nay của ông này thế nào?

- Không viết được gì nữa và cũng lười biếng không viết lách gì nữa.

- Chả lẽ lại liệt ông này vào dạng "vị quá khứ" ? Nhân nghe ông nói, tôi chợt nhớ hai câu thơ qua một bộ phim Tàu. Theo tôi, nếu áp dụng vào hoàn cảnh này, là rất phù hợp.

- Hai câu thơ ấy thế nào?

- Ông tôi kể chuyện rất hay/ Nhưng là câu chuyện của ngày hôm qua.

- Nhưng ông này đâu chỉ có thế.

- Thế ông này còn… làm sao nữa?

- Luôn chê người khác, luôn phủ định người khác bằng những lời nói đầy lý sự vòng vo…

- Cũng là một dạng sợ người ta lãng quên mình nên lâu lâu lại phải làm một cái gì đó không giống ai. Vấn đề đáng nhấn mạnh ở đây là… lâu lâu, cần phải làm một cái gì đó cho nó... không giống ai mà thôi

Đặng Huy Giang
.
.