Bệnh "ăn theo" sự kiện

Thứ Năm, 27/08/2009, 13:00
Theo "Từ điển tiếng Việt" do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học phối hợp xuất bản năm 1997 thì từ "hôi" (động từ, được giải thích là mót cá) với nghĩa: Lợi dụng lấy của người khác nhân lúc lộn xộn. Bên cạnh "hôi cá" còn có  "hôi của" nữa, cũng mang nghĩa tương tự. Tuy nhiên, trong thực tế, còn có "đánh hôi" nữa mà chưa thấy cuốn từ điển trên nhắc tới.

Như nhiều từ khác, "đánh hôi" có nghĩa đen và có cả nghĩa bóng nữa. Nghĩa đen là lợi dụng hoặc tranh thủ một dịp nào đó mà đánh (một người nào đó) bằng tay. Nghĩa bóng là lợi dụng hoặc tranh thủ một dịp nào đó mà đánh (một người nào đó) bằng bút thông qua một hoặc nhiều bài viết.

Và trong làng văn, làng báo của chúng ta, lâu lâu lại xuất hiện một kẻ "đánh hôi" (hoặc thấp hơn là "viết hôi") với hy vọng tên tuổi của mình được người khác biết đến nhờ ký sinh vào một tên tuổi nào đó (hoặc một sự kiện nào đó).

Tôi biết ít nhất cũng có một, hai người, hễ có một nhân vật danh tiếng nào mới qua đời là xông ra viết báo. Tác giả những bài báo kiểu này thường đi quá sự thật (có khi không thật thân quen nhưng lại khẳng định là rất thân, rất quen nhân vật danh tiếng) và cũng có khi còn bịa ra một vài chi tiết, một vài tình huống cho giật gân, câu khách.

Rằng nhân vật danh tiếng có lần đã nói với tôi thế này, thế nọ. Rằng nhân vật danh tiếng có lần đã khen tôi thế này, thế nọ. Rằng nhân vật danh tiếng có lần còn mang hẳn một chai rượu quý mời tôi uống vì thấy thơ tôi quá hay. Rằng nhân vật danh tiếng có lần còn khóc vì xúc động trước một lời khen của tôi…Hình như những bài báo kiểu này, có lắm khi chỉ nhắm đến cái đích đánh bóng tên tuổi của người viết hoặc đánh đồng kẻ vô danh tiểu tốt với người danh tiếng.

Trong trường hợp này, để gọi sự vật đúng với tên gọi của nó, theo tôi nên gọi một, hai người trên đã làm cái việc ăn theo danh tiếng hoặc "hôi danh tiếng" của người khác, cho…hạp.

Gần đây, trong làng văn lại rộ lên việc có một người đã đạo thơ của người khác khi đi dự một Festival thơ ở nước ngoài. Đã có nhiều bài báo lên tiếng trước hiện tượng đáng buồn này. Tuy nhiên, sự thực của việc này ra sao thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Chúng ta vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.

Trong bài viết nhỏ này, tôi không muốn bàn thêm về cái hiện tượng tạm coi là tồn nghi và đang trong "quá trình điều tra" trên, chỉ muốn nêu thêm một trường hợp ăn theo sự kiện của một người trên báo mạng. Điều tôi muốn nói chính là thái độ và cách hành xử "tiền hậu bất nhất" của người này ngay trong một bài viết không dài gì cho lắm (quãng 600 - 700 từ).

Bài viết mở đầu bằng lời khuyên mọi người: "Hãy bình tĩnh" và kết thúc bằng một câu rất tình người: "Hãy dìu nhau lên bằng tấm lòng chân thật và trái tim thương yêu". Thế nhưng, ngay trong bài viết, tác giả lại không bình tĩnh và không có trái tim yêu thương. Bởi vì nếu bình tĩnh, nếu yêu thương thật thì tác giả đã không mạt sát, hạ nhục người khác thẳng tưng như thế này: "Phải nói thật là với trình độ ngoại ngữ của bà Hoa như hiện nay thì không thể dịch văn chương được đâu. Bà hãy phấn đấu làm một cán bộ hành chính, giao dịch mẫn cán… Hãy tự mình phấn đấu nâng cao trình độ dịch thuật, chứ làm cán bộ đối ngoại mà cứ luôn tranh chỗ đi nước ngoài thì e không phải đạo".

Tôi đã đọc một vài bài viết của người này và thường nhận ra "phong cách" của người này là ưa sử dụng văn nói thay văn viết, diễn đạt ý rất lủng củng và có phần tối nghĩa. Hay nói một cách khác: Đọc văn xuôi của người này rất giống ăn một bát cơm đã không ngon lại luôn vấp phải những hạn sạn. Thỉnh thoảng, người này còn viết sai chính tả hoặc viết tên người nước ngoài không chuẩn. Chẳng hạn như thay vì phải viết xử lý lại viết sử lý,  thay vì phải viết Ban-dắc lại viết Ban-Zắc.

Nói người nên nghĩ đến thân!

Hà Am
.
.