"Bến không chồng"- Bến đỗ văn chương...

Thứ Sáu, 10/07/2009, 15:00
Tôi được nhà báo Huyền Trang, con gái của nhà văn Dương Hướng thay mặt cha tặng tiểu thuyết "Bến không chồng". Mở sách ra mới biết đây là cuốn tái bản lần thứ 11. Huyền Trang cho biết thêm: Mới đây cô còn được ủy quyền ký với một công ty dịch "Bến không chồng" sang tiếng Italia.

Vậy là từ khi ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào năm 1990 đến nay, "Bến không chồng" không chỉ giành được giải của Hội Nhà văn, được các nhà điện ảnh chuyển thể thành phim truyện nhựa cùng tên mà điều chính yếu là đã chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Nhân "Bến không chồng" tròn hai mươi năm tính từ khi nhà văn Dương Hướng hoàn thành, VNCA đã có cuộc trò chuyện với tác giả...

Thưa ông, được biết năm 1989, năm ông tròn 40 tuổi, ông mới trình làng tập truyện ngắn "Gót son". Năm sau 1990, ông tiếp tục cho ra mắt độc giả tiểu thuyết "Bến không chồng". Ngay tiếp sau đó, năm  1991 "Bến không chồng" của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn. Có vẻ như ông đến với văn chương hơi chậm. Chậm mà chắc! Và có lẽ còn một lý do chậm nữa là ông có quá ít thời gian dành cho văn chương?

          + Cũng đúng một phần. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Thái Bình. Mười bảy tuổi xung phong đi công nhân quốc phòng ở vùng tuyến lửa. Rồi từ công nhân quốc phòng xin chuyển sang quân đội chiến đấu ở chiến trường khu 5. Miền Nam giải phóng xin chuyển ngành sang Hải quan. Công việc của một người cán bộ ở phòng Hành chính Cục Hải quan Quảng Ninh bận như con mọn.

Truyện ngắn có thể tranh thủ viết trong ngày chủ nhật hay vài tiếng ban đêm, chứ tiểu thuyết thì không thể viết theo kiểu "du kích" ấy được. Đề tài "Bến không chồng" tôi đã ấp ủ hàng chục năm trời và các nhân vật cũng luôn sống trong tâm trí tôi chừng ấy năm, nhưng để thể hiện trên trang giấy, đòi hỏi phải có thời gian liền mạch.

Vậy là tôi đã "đánh liều" xin cơ quan cho nghỉ không ăn lương 6 tháng liền để... viết tiểu thuyết. Rất may là lãnh đạo cơ quan đã chấp nhận và cuối năm 1989, "Bến không chồng" hoàn thành.

- Thưa nhà văn, như ông nói, các nhân vật trong "Bến không chồng" đã luôn sống trong tâm trí ông. Phải chăng những nhân vật ấy đều có nguyên mẫu từ làng Đông của ông?

+ "Bến không chồng" đề cập đến thế hệ phụ nữ thời chống Mỹ của làng Đông nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung. Họ chịu chung cảnh cô đơn mất mát không chồng, hoặc có chồng cũng như không vì tất cả trai làng thời ấy đều ra trận. Có lẽ thế giới không đâu có lịch sử bi hùng như Việt Nam ta và đất nước ta cũng sẽ không bao giờ còn lặp lại "thời xa vắng" ấy nữa.

Tôi nghĩ các nhân vật trung tâm trong tác phẩm "Bến không chồng" đã nói lên đúng tinh thần của thời đại như chú Nguyễn Vạn, cháu Hạnh, bà Nhân, mụ Hơn... Nguyễn Vạn là người tiêu biểu, là ngọn cờ của làng Đông thời bấy giờ. Từ già đến trẻ đều nhất nhất một điều chú Vạn, hai điều chú Vạn. Chú Vạn nói... chú Vạn bảo...

Trong tác phẩm "Bến không chồng", các nhân vật đều mang dáng dấp hiện thực của bạn bè, người thân trong họ tộc, làng xóm quê hương tôi. Hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút là có được tác phẩm còn mãi với thời gian. Đã gần hai mươi năm qua đi, giờ đây có ai đó nhắc đến tôi, họ đều nhớ tới tác phẩm "Bến không  chồng"...

- Như vậy, "Bến không chồng" thành công ngoài sự mong đợi và đã đưa ông đến một bến đỗ khác của cuộc đời: Hội Nhà văn Việt Nam. Đọc "Bến không chồng" và các tác phẩm tiếp theo của ông, có thể nhận thấy thế mạnh của nhà văn Dương Hướng là viết về nông thôn và người lính?

+ Tôi cho rằng nhiệm vụ cao cả của nhà văn là kiếm tìm cái đẹp và phải biết khai thác tới tận cùng để nhìn cho thấu cả nỗi khổ đau và niềm đam mê khát vọng trong tâm hồn con người. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tôi nhận ra người nông dân quê tôi thật tuyệt vời.

Tôi muốn dành cả cuộc đời sáng tác của mình cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình là làng Đông. Cho dù đời sống tinh thần, vật chất của người dân quê tôi còn nghèo khó, lạc hậu, nhưng tấm lòng thủy chung và sự hy sinh chịu đựng của họ thật phi thường. Cho dù tôi có đi chân trời góc bể nào, khi về đến đầu làng là tôi xúc động, cảm thấy lòng mình ấm lại.

Tình quê, tình người và cả sự tươi tốt non tơ huyền diệu của cỏ cây hoa lá, cả sự lam lũ lấm lem của người nông dân trên đồng đất khoai lúa rơm rạ quê nhà vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi. Và quan trọng hơn cả bởi tình đời, tình người, tình cha mẹ, tình anh em ruột thịt, tình bè bạn và cả sự linh thiêng của mùi khói hương trên bàn thở tổ tiên, gia tộc nhà mình...

Tuy nhiên, các sáng tác của tôi luôn hướng về nông thôn và người lính bởi chính cuộc đời tôi luôn gắn bó với họ. Nông dân chính là tôi, người lính cũng chính là tôi.

- Khi đặt bút viết "Bến không chồng" ông có tin mình sẽ thành công và sau "Bến không chồng", ông có đặt hy vọng vào những "bến" văn chương mới thành công hơn không?

+ Hồi viết "Bến không chồng" tôi chỉ nghĩ  viết thế nào cho thật hay chứ không nghĩ đến chuyện được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Lại càng không thể nghĩ nó lại có thể được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Italia, được chuyển thể thành phim...

Ngày ấy tôi còn chưa được bạn đọc biết đến nhiều nên không bị sức ép nào. Nghiệp văn chương vô cùng khắc nghiệt. Những người trong nghề hiểu rõ chuyện này. Để vượt qua được cái "Bến cũ" của mình, quả chẳng dễ chút nào. Muốn có một tác phẩm lớn, phải có tư tưởng lớn. Muốn có tác phẩm hay phải có tài. Điều này quá đúng.

Nhưng có được cả hai thứ tài năng lớn và tư tưởng lớn, lại còn phải có bản lĩnh nữa để vượt qua được những hạn chế của xã hội, hạn chế của thời đại. Thật khó lắm thay! Khi tác phẩm văn học đã ra mắt bạn đọc, nhà văn chẳng thể nói được điều gì, bạn đọc yêu mến hay ghét bỏ là do cốt cách hình hài của nó.

Nó là bóng đêm hay mặt trời, là đốm lửa hay ánh sao? Nó tỏa sáng được tới đâu là do sự phát sáng của chính nó. Tác giả không thể phù phép để đánh lừa độc giả để cho tác phẩm của mình sáng giá hơn.

Và ngược lại những tác phẩm hay và lớn, tôi tin thời gian sẽ sàng lọc và độc giả là người thông minh sáng suốt hơn cả. Thật may mắn là cuốn tiểu thuyết mới của tôi đã tới tay bạn đọc, dù tôi nhận được không ít lời khen và cả lời chê từ khắp nơi...

- Thưa nhà văn, đây là câu hỏi tế nhị, ông có thể trả lời hoặc không? Được biết, ông viết "Bến không chồng" vào thời điểm kinh tế đất nước rất khó khăn và đời sống gia đình ông cũng khá chật vật. Ông xin nghỉ liền 6 tháng không lương để viết sách, đó thực sự là một sự hy sinh vật chất lớn. Nhưng sự hy sinh  của ông đã được đền đắp không chỉ bằng sức sống của tác phẩm mà còn cả các khoản nhuận bút sách liên tục tái bản và nghe đâu có cả ngoại tệ?

+ Quả thật vì niềm đam mê văn chương và cả vì trả nợ ân tình với quê hương mà tôi đã dám "liều" nghỉ không ăn lương để viết sách. Những ngày ấy, cả gia đình đều trông vào đồng lương giáo viên cấp 3 của vợ tôi.

Cũng may ngày ấy các cháu còn nhỏ và các đòi hỏi chi tiêu trong cuộc sống cũng rất ít nên chúng tôi đã vượt qua khó khăn. Còn chuyện về nhuận bút sách, chính tôi cũng nghe nhiều tin đồn thổi chứ thực ra không nhiều nhặn gì. Hôm trước có báo viết khi sách dịch ra tiếng Pháp, tiếng Italia, tôi được trả tới tám mươi triệu đồng... Thực ra, khi sách được in ở Pháp, người ta gửi biếu tôi 5 cuốn sách và 1.000 euro. Còn khi ký hợp đồng dịch sang tiếng Italia, con gái tôi cũng được họ đưa cho 1.000 euro nữa. Nhưng như thế cũng là niềm an ủi đối với người viết rồi.

- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện, chúc ông mạnh khỏe và có thêm những tác phẩm mới

Nguyễn Xuân Hải (thực hiện)
.
.