Bay với mùa Thu Hà Nội

Thứ Sáu, 09/09/2016, 08:04
Dằng dặc hơn một thiên niên kỷ vượt qua những bão táp dữ dội của thời cuộc với bao thăng trầm biến động không kể xiết ghi dấu trong lịch sử dân tộc, Thăng Long - Hà Nội mới được như hôm nay. Cái được hiển hiện bằng các vật thể có thể nhìn nghe, đụng chạm hay là những giá trị văn hóa tinh thần mà vùng đất linh thiêng - hào hoa này chưng cất chắt lọc suốt hơn nghìn năm. 


Lớp lớp vật thể và phi vật thể lịch sử đủ dựng nên một Thăng Long - Hà Nội dày đặc những chiến công, kỳ tích kéo dài từ mùa thu năm Canh Tuất 1010 đến hôm nay; hơn mười thế kỷ bùn đất châu thổ Hồng Hà đầm đìa mồ hôi và máu.

Những tên tuổi chói ngời và muôn vàn vô danh thảo dân, binh sĩ đã nối tiếp nhau tạo lập, gìn giữ và dựng xây nên một rạng rỡ anh hùng, một lấp lánh hòa bình mang tên Thăng Long - Hà Nội. Thành phố Anh hùng - Thành phố hòa bình, nếu ai vô cảm với âm vang ấy chắc không phải là người Việt Nam đích thực, là sự vong ơn bội nghĩa với tổ tiên ông cha mình.

Sức mạnh dân tộc, sức mạnh cộng đồng là nền tảng, nguồn lực cho mọi phát triển. Thăng Long - Hà Nội, hơn nghìn năm qua rồi nghìn năm tới cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng, cái nền tảng và nguồn lực ấy phải được quy tụ, tập hợp, khơi thông, từ ít tới nhiều, từ yếu đến mạnh, từ thấp lên cao mới thành lực lượng, thành sức mạnh, thành cao trào vĩ đại.

Muốn đạt được điều kỳ diệu đó, dân tộc cần những quốc chủ anh minh. Muôn dân trăm họ cần có những minh chủ, điều ấy rõ như ban ngày. Ngẫm lại mà xem, xưa - nay, thời nào thiếu vắng lãnh tụ sáng suốt thời ấy đất nước suy vong, hỗn loạn, bất công và ngược lại khi trăm họ có minh chủ thì đất nước hưng thịnh, nền nếp, công bằng.

Hơn nghìn năm trước, Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La là một việc làm sáng suốt, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một minh chủ. Cái tên Thăng Long đặt lại cho thành cũ cũng là một thể hiện minh triết của Vua Lý Thái Tổ.

Người ta có thể nghi ngờ về truyền thuyết Lý Thái Tổ thấy Rồng xuất hiện ở ruộng "Hiện Long tại điền, lợi kiến đại nhân" (Rồng hiện ở ruộng đất, lợi về sự thấy người lớn) và thấy Rồng bay trên trời "Long phi tại Thiên, lợi kiến đại nhân" (Rồng bay ở trời, lợi về sự thấy người lớn) nhưng không ai vân vi về dự cảm, ước vọng cao cả của Người.

Minh chủ Lý Công Uẩn đã nhìn thấy Thăng Long "ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây; lại tiến hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa.

Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời". Có lẽ vì thế, mà sau này sử gia Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi: "Đất Long Đỗ… núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có… Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này… Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc kinh đô đặt hình, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp…".

Ngoài Lý Thái Tổ, gắn với hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội là những lãnh tụ anh minh của đất Việt có đức tâm, trí tuệ, công tích hơn người như Lý Nhân Tông - Lý Thường Kiệt, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Lê Thái Tổ - Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp…

Cũng như lịch sử dân tộc, Thăng Long - Hà Nội phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc chống giặc ngoại xâm và trên nền máu lửa ngùn ngụt đã vút cao lên những bản hùng ca yêu nước từ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" (Sông núi nước Nam vua Nam ở…) đến "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu" (Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng) rồi "Ngắm non sông căm nỗi thế thù / Thề sống chết cùng quân nghịch tặc" và "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân mà thay cuồng bạo" tới "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"…

"Mặt giặc" mỗi thời mỗi khác nhưng ý chí quật cường của dân Việt thì muôn đời vẫn son sắt vẹn nguyên và cốt lõi tinh thần yêu nước xuyên suốt trong mười thế kỷ qua vẫn là "Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân/ Điếu phạt chi sư, mạc tiên khứ bạo" (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo) đã được đúc kết trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi.

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" là một tư tưởng lớn mà không một minh chủ nào, triều đại nào, chế độ nào dám coi thường. Ai không thấu suốt, thực thi điều đó thì trước hết người đó không phải là minh chủ và triều đại, chế độ dựng lên trước sau cũng bị sụp đổ. Dân yên thì xã tắc non sông mới vững bền, tươi tốt. Đất nước ta núi dài biển rộng luôn là đối tượng dòm ngó của những những thế lực bành trướng tham lam.

Bởi thế, dải lãnh thổ cong cong hình chữ S này đã không ít lần bị giặc Bắc, giặc Tây chà xát và nạn binh đao cứ nối tiếp nhau triền miên từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Thăng Long - Hà Nội mấy phen ngập tràn, nghênh ngang bóng giặc ngoại xâm và từng chìm lút trong bom đạn hủy diệt. Vận nước mấy phen nghiêng ngả, cheo leo, mong manh như ngàn cân treo sợi tóc.

Đã từng là châu quận của giặc Bắc, đã từng là thuộc địa bảo hộ của thù Tây, đã từng… Nếu dân Việt cam tâm làm nô lệ, nếu non sông không có những lãnh tụ anh minh, thiếu vắng những hào kiệt, kẻ sỹ thì đất nước này, Thăng Long - Hà Nội này làm sao được như bây giờ. Sau hơn nghìn năm, giá trị lớn nhất ta gặt hái được cho Tổ quốc, cho Thăng Long - Hà Nội không gì khác chính là nền Độc lập tự do.

Độc lập tự do của Việt Nam phải được viết hoa vì nó đổi bằng núi xương - sông máu của nhân dân. Và, hòa bình. Hòa bình có trong mỗi khoảng trời, ô biển, tấc đất Việt Nam hôm nay. Hòa bình cho Hồ Gươm xanh thắm sắc trời thu, cho áng mây giống hình chim Lạc bay về giữa bình minh Hà Nội, cho những xôn xao sâu lắng cất lên từ rạn vỡ Hoàng thành, cho những thầm thì tin cậy vọng ra từ bia tiến sỹ dựng ở Quốc Tử Giám - Văn Miếu, cho những dòng người chầm chậm vào Lăng viếng Bác, cho những tầm cao mới mẻ ở Mỹ Đình hôm nay…

So với tháng 7 mùa thu Canh Tuất 1010, khi Lý Công Uẩn cưỡi thuyền quá giang, vượt biển ra Đại La, Hà Nội khác xa rồi. Dư nghìn năm phong ba dâu bể, Thăng Long - Hà Nội tạo dựng bồi đắp được những bản sắc văn hóa riêng nhờ sự tiếp nhận chọn lọc tinh hoa của tài nhân bốn phương hội tụ lại, của kỹ xảo trăm nghề trong thiên hạ tìm về.

36 phố phường bây giờ chỉ là cách nói tượng trưng về Hà Nội, 29 thổ sản nức tiếng chốn kinh kỳ cũng đã cũ xưa, Thủ đô mở ra đến tận Ba Vì, ôm trọn Hà Tây và một số xã của Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Nơi tôi ở bây giờ, Mai Dịch, không lâu là rìa của Hà Nội nay vẫn là nội thành của Thủ đô rộng lớn. Gần lắm Trung tâm hành chính quốc gia trong một tương lai không xa ngái mấy.

Tôi lãng mạn hình dung ra Thủ đô của đất nước một trăm triệu dân sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước mong của Bác Hồ trong vài ba thập kỷ tới. Sự nhếch nhác, lôm nhôm, ùn ứ, thô tạp sẽ nhường chỗ cho tinh tươm, quy củ, thông thoáng, thanh sạch. Hoàng thành, hồ Gươm, Quốc Tử Giám - Văn Miếu, chùa Một cột, phố cổ… mãi giữ dấu ấn lịch sử nghìn năm cùng với tom chát đoan trang bên những đô thị mới hiện đại.

Nhưng, điều chúng ta lo ngại và mong mỏi nhất cho Hà Nội vẫn là việc gìn giữ bản sắc văn hóa nghìn năm mà lâu nay xem ra đã rơi rụng, nhạt nhòa, biến chất đi khá nhiều. Chất thanh lịch Tràng An, vốn là niềm tự hào, tự trọng của người Hà Nội khuất chìm đâu đâu, khó nhận ra trong cuộc sống thường ngày.

Bi kịch của chúng ta là chưa vươn tới văn minh của những nước tiên tiến mà đã xem nhẹ, quay lưng với truyền thống và tiếp nhận thiếu chọn lọc bên ngoài nên xã hội hỗn tạp như nồi lẩu. Từ kiến trúc, xây dựng đến văn học nghệ thuật; từ giáo dục đến du lịch; từ đạo đức đến lối sống xuất hiện quá nhiều lỗ hổng, những bất cập nguy hại.

Hằng ngày, hằng đêm, thậm chí hằng giờ chúng ta đang phải đương đầu, chịu đựng nó. Than thở. Kêu ca. Thậm chí văng tục, chửi đổng. Chẳng để làm gì cả. Lại trở về câu chuyện cũ, muôn năm cũ: đất nước cần có, phải có những người cầm lái vững vàng, những cán bộ tài đức vẹn toàn, thực sự thương dân, vì dân mới đủ sức cải biến tình hình, mới đưa đất nước tiến mạnh, tiến nhanh về phía trước.

Đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng phải có những con người tâm đức, trí tuệ không tầm thường giữ các cương vị lãnh đạo mới mong hóa thành Rồng được. Một đội ngũ cán bộ làng nhàng không đủ năng lượng thúc đẩy con tàu Việt Nam băng nhanh tới tương lai.

Sau hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, ta có quyền tự hào nhưng không phải vì thế mà ta không biết xấu hổ. Muốn bay lên phải có đôi cánh khỏe, muốn vút cao phải có nội lực phi thường. Sau hơn nghìn năm mới có thu này. Ta muốn được bay lên cùng mùa thu Hà Nội!

Nguyễn Hòa Bình
.
.