Bảy ngày làm vua của nghệ sĩ Bùi Công Duy

Thứ Sáu, 21/10/2011, 08:01
Nghệ sĩ Bùi Công Duy tiếp phóng viên ngay tại phòng làm việc của anh trong khuôn viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - nơi anh đang giữ vai trò giảng viên khoa violon. Có lẽ, từ khi trở về Việt Nam, gắn bó với công việc giảng dạy, phần lớn thời gian Bùi Công Duy ở đây, bên cây đàn violon và những học trò thân yêu của mình. Anh chia sẻ, nếu không có chương trình biểu diễn, thường phải 7h tối, anh mới rời cơ quan về nhà...

Lần đầu tiên chạm ngõ làng điện ảnh, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy đã được  giao một vai đặc biệt - đó là vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình phong kiến Việt Nam trong bộ phim truyền hình dài 27 tập "Chiến hạm nổ tung" (Kịch bản: Đại tá - nhà văn Nguyễn Xuân Hải; đạo diễn: NSƯT Khương Đức Thuận, Nguyễn Chí Thành; cố vấn nghệ thuật: đạo diễn Long Vân). Không phải là một cuộc dạo chơi đơn thuần, cũng không phải kế hoạch gì nghiêm trọng, với Bùi Công Duy, đây là một sự thử nghiệm, một cách khám phá bản thân...

Nghệ sĩ Bùi Công Duy tiếp phóng viên ngay tại phòng làm việc của anh trong khuôn viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - nơi anh đang giữ vai trò giảng viên khoa violon. Có lẽ, từ khi trở về Việt Nam, gắn bó với công việc giảng dạy, phần lớn thời gian Bùi Công Duy ở đây, bên cây đàn violon và những học trò thân yêu của mình. Anh chia sẻ, nếu không có chương trình biểu diễn, thường phải 7h tối, anh mới rời cơ quan về nhà. Nhưng chẳng phải về nhà là không còn đàn nữa, nếu sắp tới có một buổi biểu diễn thì cây đàn sẽ gắn bó với anh tới khuya.

Nhưng hôm nay, câu chuyện của Bùi Công Duy và cánh phóng viên không phải chuyện âm nhạc mà lại xoay quanh chuyện đóng phim. Gương mặt anh vẫn còn nguyên nét phấn khích, hào hứng khi kể về những ngày "bén duyên" cùng bộ môn nghệ thuật thứ bảy này. Dẫu lâu nay, Bùi Công Duy vẫn được khán giả yêu mến suy tôn là "Hoàng tử của dòng nhạc thính phòng" bởi ngoài tài năng âm nhạc là ngoại hình cao ráo, khuôn mặt thông minh, rạng rỡ. Anh cũng là niềm mơ ước của không ít đạo diễn.

Việc các nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác đua nhau đóng phim không còn là chuyện lạ nhưng Bùi Công Duy lại là trường hợp khác. Việc anh đóng phim là điều khiến nhiều người bất ngờ và tò mò. Lý giải việc lần đầu tiên theo đoàn làm phim lên Đà Lạt vào vai vua Bảo Đại trong phim "Chiến hạm nổ tung", Bùi Công Duy tâm sự, anh đã bị thuyết phục bởi đạo diễn Long Vân - với vai trò cố vấn nghệ thuật của phim, cũng là người đã tìm và thuyết phục anh vào vai này. Đạo diễn Long Vân cho rằng, anh có ngoại hình khá giống với vua Bảo Đại. "Tôi từng xem và thích thú nhiều bộ phim của đạo diễn Long Vân như "Biệt động Sài Gòn", "Người không mang họ", "Giải phóng Sài Gòn"... Tôi yêu kính, ngưỡng mộ và tin tưởng vào con mắt nhà nghề của bác Long Vân nên đã quyết định thử sức mình với nghệ thuật điện ảnh" - Bùi Công Duy chia sẻ.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy (bên phải) vai vua Bảo Đại trong phim "Chiến hạm nổ tung".

Nửa năm đọc kịch bản, nghiên cứu tư liệu liên quan tới vua Bảo Đại qua nhiều nguồn: sách, báo, phim tư liệu... cả những chuyện hậu cung, Bùi Công Duy hiểu thêm nhiều khía cạnh trong cuộc sống của nhân vật đặc biệt này. Bùi Công Duy bảo, những câu chuyện chính trị là mối quan tâm của anh nên việc tiếp cận tư liệu khá nhanh. Rồi anh tự nhận thấy, hình như vua Bảo Đại và mình cũng có một số nét "tương đồng". Như vua Bảo Đại được tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây nên phong thái, tư tưởng khá... Tây. Về phần mình, Bùi Công Duy cũng có 16 năm sống và học tập ở nước Nga. Vua Bảo Đại là người yêu phụ nữ đẹp, phong cảnh đẹp... Anh bảo, những người làm nghệ thuật như anh cũng vậy, yêu mến và dễ cảm xúc trước phái đẹp.

Nhưng Bùi Công Duy thú thật, dù được đạo diễn Long Vân và NSƯT Khương Đức Thuận động viên, giúp đỡ rất nhiều nhưng ngày đầu tiên đặt chân tới Đà Lạt, anh bỗng thấy run, lo ngại không biết mình có quá liều lĩnh không. Mình chưa biết gì về điện ảnh cả, không biết có đáp ứng được yêu cầu công việc không? Chưa kể, thời gian thì gấp, phần kịch bản Bùi Công Duy nghiên cứu ở Hà Nội bị thay đổi hoàn toàn. Nhất là vai vua Bảo Đại khó, đòi hỏi cách diễn chững chạc, già dặn, lời thoại chính trị nên phải tuyệt đối chính xác…Nhưng những khó khăn ấy chỉ đến trong vòng nửa ngày đầu. Ngay sau đó, anh hòa nhập được không khí làm phim, nhiều cảnh chỉ cần tập một lần trước rồi quay luôn.

Bảy ngày làm "vua" của Bùi Công Duy có khá nhiều chuyện thú vị. Anh được đội mũ cao bồi, cưỡi voi, cầm súng săn... Trong đó, cảnh quay ấn tượng nhất là cảnh vua Bảo Đại hút thuốc lào. Đạo diễn Long Vân "răn đe": "Cảnh này không thể không diễn được" vì đó là cảnh bộc lộ tâm trạng của Bảo Đại nhớ tới quãng thời gian được gặp Bác Hồ. Bình thường, Bảo Đại không bao giờ hút thuốc lào, chỉ khi gặp Văn Hoàng mới hút và lúc ấy có nói một câu rằng "Vì đi đến với Cụ Hồ nên mới học cách hút thuốc lào". Bùi Công Duy thú nhận anh chưa từng hút thuốc lào bao giờ nên rất sợ. Mặc dù trước đó, đạo diễn đã mang điếu sang để anh tập trước nhưng vì sợ nên Bùi Công Duy vẫn để đấy. Đã thế, đây lại là cảnh quay đầu tiên khi đặt chân tới Đà Lạt. Đoàn làm phim nghĩ ra cách là lấy thuốc lá nhét vào điếu thay cho thuốc lào để nhẹ bớt nhưng mỗi lần hút anh đều ho sặc sụa. Cảnh đó phải quay mất 3 - 4 lần mới đạt.

Bùi Công Duy bảo, cảnh khó nhất với anh là cảnh vua Bảo Đại diễn cùng các người đẹp. Cảnh hút thuốc lào đã khó nhưng là cảnh một mình nên có thể chủ động được. Cảnh Bảo Đại khiêu vũ cùng nàng Bướm Mộng là cảnh diễn đôi mà bạn diễn thì gần như không có cơ hội trò chuyện trước. Tới nơi là diễn luôn. Lại còn khiêu vũ trong tình trạng vừa nhảy vừa thoại và không hề có nhạc. Hay những cảnh tình cảm giữa Bảo Đại và Lý Lệ... được quay khi xung quanh có rất nhiều khách du lịch thăm quan. Cũng may, là nghệ sĩ biểu diễn, đã quá quen với ánh đèn sân khấu và khán giả nên sự tò mò, hiếu kỳ của khách du lịch cũng không khiến anh bị phân tâm. Bảy ngày đóng phim trôi nhanh và lúc nào Bùi Công Duy cũng cảm thấy thiếu thời gian vì lịch làm việc kín đặc. Đóng phim từ 6 giờ sáng đến 11 - 12h đêm mới về phòng, tranh thủ đọc kịch bản đến 1 - 2h sáng rồi chợp mắt để lấy sức ngày mai quay tiếp. Đó cũng là 7 ngày lần đầu tiên Bùi Công Duy tách mình ra được khỏi công việc, cây đàn, anh cũng thấy rất thú vị.

Tôi hỏi nghệ sĩ Bùi Công Duy rằng, anh đóng phim có phải ảnh hưởng bởi trào lưu "đazinăng" như nhiều nghệ sĩ hiện nay? Anh bảo: "Chắc chắn không". Anh quan niệm, nghệ thuật rất rộng lớn, nghệ sĩ có tài, có khả năng thì cứ thể hiện, quan trọng là sự lựa chọn phù hợp với tài năng của mình. Anh cũng không ngại tên tuổi đã được khẳng định của mình ở lĩnh vực âm nhạc bị ảnh hưởng bởi ở điện ảnh, anh cũng đã lựa chọn và thể hiện hết mình. Tuy nhiên, việc có tiếp tục đóng phim nữa hay không (khi sau đó anh nhận được khá nhiều lời mời) thì Bùi Công Duy còn đợi sự phản hồi của khán giả sau khi bộ phim ra mắt.

Trò truyện với nghệ sĩ Bùi Công Duy, điều mà người đối thoại dễ nhận thấy: Bên cạnh vẻ trẻ trung là sự chững chạc trong suy nghĩ và thái độ nghiêm túc đối với nghệ thuật. Cách đây 3 năm, khi trò chuyện cùng Bùi Công Duy để viết bài cho số báo Tết, tôi vẫn nhớ anh chia sẻ rằng, quyết định về Việt Nam sinh sống và làm việc mà nhiều người cho là "dũng cảm" thì anh chỉ nghĩ giản dị rằng về Việt Nam, môi trường biểu biễn không được như ở nước ngoài nhưng bù lại, anh có thể giảng dạy. Điều quan trọng hơn cả là mình còn trẻ, mình có quyền trải nghiệm ở những môi trường khác nhau, những công việc khác nhau.

Hôm nay, ngồi cùng Bùi Công Duy, tôi thấy anh vẫn giữ suy nghĩ ấy. Anh bảo, mình không toan tính gì nhiều, không hứa hẹn rằng sẽ ở đâu đó mãi mãi và cũng không đao to búa lớn là phục vụ Tổ quốc hay vì mục tiêu gì đó vĩ đại. Chỉ có một đi ều chắc chắn rằng hãy làm những công việc mang lại cho mình hạnh phúc, đam mê. Và ở đâu cũng làm việc hết sức, cống hiến hết mình. Anh chỉ có một suy nghĩ, ở Việt Nam, nhiều khán giả chưa biết tới âm nhạc thính phòng cổ điển. Bằng cách của mình, anh muốn góp phần để lĩnh vực âm nhạc này đến với công chúng nhiều hơn.

Giờ đây, ngoài biểu diễn thì giảng dạy là niềm say mê của Bùi Công Duy. Anh bảo, nếu như biểu diễn, sự tự hào chỉ đến với một mình mình thì khi giảng dạy, lại nhìn thấy thành công của mình ở những người khác, rất thích thú. Chính vì thế, niềm tự hào ấy cũng trở nên đặc biệt. Nhất là với thầy trò ngành nhạc cổ điển, gắn bó với nhau hơn chục năm trời, từ khi 6 tuổi đến 24 tuổi nên rất tình cảm.

Đam mê và hết mình với nghệ thuật nhưng hỏi Bùi Công Duy rằng, anh có buồn không khi trong đợt trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú vừa qua, anh không được đồng thuận? Bùi Công Duy thành thật, nếu anh đánh đàn dở còn buồn hơn khi trượt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú nhiều. Tất nhiên, danh hiệu là sự ghi nhận những đóng góp của mình nhưng nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới công việc, sự say mê thường trực của mỗi nghệ sĩ. Bùi Công Duy chia sẻ, ngay NSND Đặng Thái Sơn, trong "các vi dít" của mình cũng không đề bất cứ một danh hiệu nào mà chỉ giản dị ghi "Pianist". Thì suy cho cùng, với nghệ sĩ, hạnh phúc nhất, cuối cùng và mãi mãi là được làm nghề, được hết mình trong sáng tạo nghệ thuật và nhận được sự yêu mến của công chúng

Thảo Duyên
.
.