Bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống: Nỗi đau tồn kho

Thứ Hai, 02/10/2006, 10:00

Lâu nay, chủ trương bảo tồn nghệ thuật sân khấu dân tộc đã trở thành khẩu hiệu trong hầu hết các “seminar” về nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhưng “bảo tồn như thế nào và để làm gì?”- đó là câu hỏi khá róng riết của chính anh em nghệ sĩ.

Bởi lẽ, bảo tồn theo chủ trương cần giữ lại những hồn cốt nguyên bản của những tác phẩm và làn điệu cổ truyền, nghĩa là các nhà hát cần phải tập trung dàn dựng lại những pho kinh điển nhất như “Quan âm Thị Kính”, “Súy Vân giả dại”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Tấm Cám”… (chèo), “Quang Trung”, “Lửa Diên Hồng”, “Tấm vóc Đại Hồng”… (cải lương), “Trưng Nữ Vương”, “Triệu Trinh Nương”, “Nghêu Sò Ốc Hến”… (tuồng).

Nhưng chuyện không thể không bàn đến, là dàn dựng xong sẽ trình diễn các tác phẩm kinh điển này ở đâu và cho ai? Có người đã phải thốt lên rằng: “Tồn kho”. Đó là thực tế. Khán giả quay lưng, họa may chăng đôi khi có thể đem chúng đi đối ngoại và để chứng minh cho việc giữ gìn bản sắc dân tộc là đúng đắn.

Trao đổi với chúng tôi, NSƯT Vũ Đức Ý, Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng bày tỏ quan điểm: “Không nên bảo thủ. Bảo tồn giá trị nghệ thuật dân tộc nên phù hợp với tiết tấu sôi động của nền công nghiệp mới”.

Trước đây, cố nghệ sĩ Tống Phước Phổ, người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật tuồng, đã kịch liệt chống lại quan điểm cho rằng, cần xếp tuồng vào… viện bảo tàng. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, cần phải sáng tạo trên cái nền “nghệ thuật đầy ước lệ của tuồng”, để có những tác phẩm mới hấp dẫn theo loại hình sân khấu cung đình này. Như vậy “bảo tồn” không có nghĩa là nệ cổ, bất biến. Nhiều tiết mục nâng cao và phát triển thành công phải kể đến ở tuồng có “Đề Thám”, “Ôtenlô” (Nhà hát Tuồng Trung ương), còn ở nghệ thuật chèo thì có “Bài ca giữ nước” (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần), “Nàng sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội)…

NSƯT Thúy Mùi, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cũng lắc đầu tỏ ra e ngại nếu cứ đem cái “nguyên bản” cổ bày lên giữa bàn dân thiên hạ. Chị cho biết, để thực hiện chủ trương này, Nhà hát Chèo Hà Nội có dự án: “Bảo tồn giá trị nghệ thuật chèo truyền thống Hà Nội” (kéo dài trong 5 năm 2006 - 2010), trong đó có việc khôi phục 3 vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Lưu Bình - Dương Lễ”. Nhưng theo chị, đây chỉ là việc hoạt động cho chương trình chào mừng ngày lễ lớn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Còn sau đó… thì chưa biết để làm gì! Bởi chỉ có công chúng mới quyết định sự tồn tại cụ thể của một đơn vị nghệ thuật.

Ta thật khó tưởng tượng được rằng trong những “show” ca nhạc, có ca sĩ nhận cátsê tới hàng chục triệu đồng, trong khi ở nơi này nơi khác, có nghệ sĩ chèo được phát tiền bồi dưỡng chỉ có mười ngàn đồng một đêm diễn. Ấy là chưa nói đến những đêm diễn chèo ngày càng ít khán giả làm cho sự hưng phấn sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ ngày càng mai một.

Để khán giả đến và yêu nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sự đổi mới hết sức gấp rút của các đơn vị nghệ thuật. Tất nhiên, không thể thiếu sự đầu tư của Nhà nước. Về điều này, NSƯT Thúy Mùi cũng nêu quan điểm:

- Giữ cho được “lòng bản” chèo, nhưng phải mang hơi thở hiện đại. Đó mới là bảo tàng “sống”.

Từ năm 2001, ở ta rộ lên một dự án “Sân khấu học đường”. Trong tình trạng vắng khách hiện nay, việc đem sân khấu chèo đến tận bục giảng để diễn, để dạy, sẽ tạo nên một lớp khán giả trẻ yêu thích và đến với sân khấu chèo một cách tích cực hơn. Tuy nhiên, với một dự án kéo dài, tổ chức cho 18 tỉnh, thành phố triển khai và có tới 55 trường tham gia, những giờ ngoại khóa như vậy chỉ đem lại kết quả cải thiện chút ít cho đời sống của nghệ sĩ, chứ không hẳn đã tìm được khán giả đích thực.

Với hình thức sinh hoạt theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa và nếu trông cậy vào những tiết học này để biến các em trở thành khán giả yêu thích và tìm đến sân khấu truyền thống thì thật xa vời (hơn nữa, kinh phí cho dự án của giai đoạn 2006-2010 vẫn chưa thấy đâu).  Thực tế, trong cuộc tuyển sinh của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh năm nay, có rất ít thí sinh đăng ký thi các môn tuồng, chèo, cải lương. Còn trong thực tế, các vở tuồng cổ rất nổi tiếng được tổ chức diễn phục vụ không bán vé tại rạp Hồng Hà cũng chưa đủ sức kéo khán giả đến rạp.

Vả chăng dự án sân khấu học đường cũng không khẳng định được kết quả sâu sắc chủ trương bảo tồn sân khấu truyền thống. Hơn nữa vì đây cũng chỉ hoạt động có đợt và không đều đặn, lỗ mỗ rồi bỏ rơi của tất cả các đơn vị nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc nên sự thể cũng chả khác gì việc các nhà quản lý gióng lên một hồi trống “bảo tồn” rồi quẳng mất dùi trống ở đâu đó vì đã thấy mệt mỏi…

Để nghệ thuật sân khấu truyền thống đến với sân đình và trở về với đời sống đúng nghĩa của nó, đồng thời biến các nhà văn hóa từ các làng xã, thôn bản, phường, quận… trở thành sân chơi thấm đẫm hơi thở, hồn cốt của sân khấu truyền thống, chỉ có một thái độ trân trọng kiên nhẫn kết hợp với quan niệm xã hội hóa tích cực không vụ lợi mới mong đem lại hiệu quả bảo tồn “sống” cho sân khấu truyền thống trong tương lai

Vương Tâm
.
.