Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89 về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT:

Bao giờ mới thôi "sóng gió"?

Thứ Bảy, 02/05/2020, 08:24
Vừa qua, Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đăng tải dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (dưới đây gọi tắt là Nghị định 89) để lấy ý kiến của nghệ sĩ và khán giả.


Từ khi Nghị định 89 có hiệu lực đến nay, đã có 2 đợt phong NSND, NSƯT được tổ chức và vẫn luôn gắn với những ồn ào. Không biết sau lần sửa đổi này, những đợt phong tặng sau có thôi sóng gió?

Điều chỉnh gần hơn với thực tiễn?

Tham chiếu với Nghị định 89 hiện hành, bản dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP có một số thay đổi tích cực. Trong đó linh hoạt hơn trong việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ chưa đáp ứng tiêu chí về Huy chương nhưng lại có những thành tựu cá nhân, có ảnh hưởng đối với nghệ thuật, với công chúng sẽ được đánh giá là "trường hợp đặc biệt" và được thống nhất để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Từ ngày 29-9-2014, Nghị định 89 chính thức có hiệu lực và từ đó đến nay đã có 2 đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT; đợt phong tặng lần thứ 8 (2015) có 102 NSƯT trở thành NSND và 379 nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT; đợt phong tặng lần thứ 9 có 84 NSƯT trở thành NSND và 307 nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu cho các nghệ sĩ đạt danh hiệu NSND đợt 9 năm 2019.

Điều đáng nói là, mặc dù đã có Nghị định của Chính phủ điều chỉnh các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình và các phụ lục liên quan đến việc "quy đổi Huy chương" khá rõ ràng, nhưng trước mỗi đợt phong tặng danh hiệu thì "bão tố" đều nổi lên.

Đợt gần đây nhất, sóng gió lại một lần nữa nổi lên khi danh sách nghệ sĩ có hồ sơ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Sau đó, đáng chú ý là danh sách các NSND được bổ sung những cái tên nghệ sĩ quen thuộc như Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Thoại Miêu... mà trước đó đã bị Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước (do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập theo từng lĩnh vực) đánh... trượt. Việc "sửa sai", áp dụng quy chế "đặc cách" này được cho là kịp thời, hợp tình, hợp lý và được nhiều người ủng hộ.

Việc một nghệ sĩ lớn tuổi, được đánh giá là có nhiều đóng góp cho ngành sân khấu nói chung, cải lương nói riêng và được công chúng yêu mến như NSƯT Minh Vương, nhưng lại có tới 3 lần hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND của ông bị "đánh trượt" khi đối chiếu những tiêu chuẩn về Huy chương, đã khiến không chỉ bản thân nghệ sĩ Minh Vương bị tổn thương mà còn khiến nhiều người khác hoài nghi, chán nản. Bởi lẽ, trong các đợt phong tặng danh hiệu NSND gần đây đã tồn tại nhiều vấn đề mâu thuẫn: có những nghệ sĩ ai cũng biết thì lại không có đủ Huy chương và ngược lại; có những người khi nhắc đến tên còn ít người biết, "độ phủ sóng thấp".

Bên cạnh đó, trong đợt phong tặng danh hiệu lần thứ 9, ngay từ đầu đã có 2 nghệ sĩ được “đặc cách” xét tặng danh hiệu NSND là NSƯT Xuân Hanh và NSƯT Trần Hạnh. Mặc dù, đa phần các ý kiến đều cho rằng, việc “đặc cách” đối với 2 lão nghệ sĩ này là hoàn toàn... xứng đáng, nhưng cũng cần có quy định về những trường hợp "đặc cách" như thế. Việc xét "đặc cách" trước đây cũng đã từng được áp dụng đối với nghệ sĩ Văn Hiệp. Ông là một lão nông "nhẵn mặt" khán giả cả nước, nhưng nếu xét trên tiêu chí "phải có Huy chương Vàng cấp quốc gia" thì ông lại không có, bởi suốt đời diễn viên của ông chỉ toàn vào... vai phụ thì lấy đâu ra Huy chương!

Trải qua những cách xét "đặc cách'' như trên, nhiều người cho rằng đó là những lần "xé rào" và phải cần có những quy định phù hợp với việc xét đặc cách để tránh thắc mắc, ồn ào. Chính vì thế, những quy định mới sửa đổi, bổ sung những điều còn chưa sát với thực tế và linh hoạt hơn trong việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là rất cần thiết. Lần này, trong dự thảo Nghị định 89 sửa đổi, tại Điều 8 quy định về "Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND" và Điều 9 quy định về "Tiêu chuẩn xét tặng NSƯT" đều đã có bổ sung việc nghệ sĩ "chưa đủ tiêu chuẩn về Huy chương và được Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá là trường hợp đặc biệt, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".

Đừng để danh hiệu "mất thiêng"

Liên quan đến việc cần lắng nghe ý kiến của nghệ sĩ và khán giả sau 5 năm thực thi Nghị định 89, tháng 11-2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức một hội nghị - hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89.

Nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi tại hội nghị - hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hồi tháng 11-2019.

Tại hội thảo này, đã có 14 ý kiến liên quan đến những vấn đề còn bất cập khi áp dụng nghị định vào thực tế. NSND Thanh Hoa từng nói, bà cả đời có 50 năm đi hát, nhưng nếu tính Huy chương Vàng quốc gia thì bà cũng chỉ có 1 cái mà thôi. NSND Thanh Hoa cho rằng: "Với danh hiệu NSND, phải cân nhắc đến tiêu chí nghệ sĩ đạt được, đó là sự lan tỏa, có uy tín để khán giả yêu quý mới là quan trọng. Có như vậy thì các nghệ sĩ mang danh NSND mới ngẩng cao đầu được!".

Theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ lão làng như NSND Lê Tiến Thọ, NSND Chu Thúy Quỳnh, trong những lần xét tặng danh hiệu gần đây, tiêu chí Huy chương được đem ra áp dụng một cách cứng nhắc, nhưng lại có phần chứa đựng sự... dễ dãi. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, nếu cứ lấy Huy chương ra làm tiêu chí thì sẽ ngày càng nhiều cuộc thi được tổ chức và nghệ sĩ sẽ "tìm nhiều cách" để có Huy chương.

Đây không phải là câu chuyện xa lạ gì khi những kỳ liên hoan nghệ thuật liên tục được tổ chức và những "cơn mưa Huy chương" vẫn liên tục diễn ra khiến nhiều người chán ngán. Có những nghệ sĩ phải thốt lên rằng, ngày nay "ra ngõ gặp NSND, NSƯT", nhưng để có thành tựu, đóng góp được khán giả nhớ đến gắn với danh hiệu thì lại ít! Chính vì thế, việc phong tặng quá nhiều danh hiệu khiến giá trị danh hiệu này ngày càng giảm sút trong mắt công chúng.

Bởi thế, đủ Huy chương nhưng tài năng, sự cống hiến mờ nhạt thì phải được cân nhắc xem xét kỹ, đặc biệt là đối với danh hiệu NSND".

Tuy nhiên, tại các điều quy định về "Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND" và "Tiêu chuẩn xét tặng NSƯT", dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP vẫn giữ nguyên số lượng và "màu sắc" số Huy chương mà nghệ sĩ phải đạt được, nhưng có bổ sung thêm điều kiện ràng buộc là "trong đó có 1 Giải thưởng cá nhân".

Bên cạnh đó, các phụ lục về việc "quy đổi giải thưởng" được quy định cụ thể đối với từng lĩnh vực nghệ thuật, để làm tiêu chí tính Huy chương đã được sửa đổi cho phù hợp hơn theo cả 2 hướng nới lỏng và thắt chặt hơn. Trong đó, các Huy chương Vàng, Giải Nhất, Giải A, Giải Xuất sắc, Cúp Vàng tại Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp toàn ngành, toàn quốc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam trước đây được tính giá trị bằng 2/3 Huy chương Vàng quốc gia, đến nay được quy đổi điều chỉnh hạ xuống chỉ còn 1/2 Huy chương Vàng quốc gia...

Nguyệt Hà
.
.