Nhiều địa phương dừng tổ chức lễ hội để phòng chống dịch:

Bao giờ hết mệt nhoài vì lễ hội?

Thứ Năm, 06/02/2020, 09:51
Rất có thể, việc dừng/ tạm dừng, hạn chế người dân tham gia vào các lễ hội do những vấn đề phòng tránh dịch năm nay sẽ là một gạch nối quan trọng, tạo tiền đề, tạo nền nếp cho việc tổ chức các lễ hội của các năm sau... 


Vừa qua, Chính phủ cũng như Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có chỉ đạo ráo riết trong việc yêu cầu các địa phương chủ động, tích cực, nghiêm túc trong việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona bằng việc dừng/ tạm dừng mọi lễ hội. Những động thái này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Nhiều người còn hi vọng, việc này sẽ tạo ra một tiền lệ tốt để tháng Giêng sẽ không còn là “tháng ăn chơi”, chạy sô đến mệt nhoài vì lễ hội nữa...

Ăn chơi cho hết tháng Giêng?

Câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã trở nên quá quen thuộc với mọi người, thậm chí nhiều người còn cho rằng, đã “làm cả năm rồi nên cứ ăn chơi cho hết tháng Giêng đã”. Đó chính là lý do người ta đổ xô đến các lễ hội chùa Hương, Yên Tử, đền Trần đến các đền thờ ông hoàng bà chúa từ vùng núi Lào Cai đến miền đồng bằng, rồi vào đến xứ Nghệ... Đâu đâu cũng thấy người chật như nêm. Có những người cuồng tín đến nỗi cho rằng, họ phải đi “điểm mặt” đủ đền kia miếu nọ thì mới an tâm bước vào một năm làm ăn kinh doanh, trồng cấy, tăng gia sản xuất.

Xuân Canh Tý 2020 đã mở đầu bằng lễ hội Gò Đống Đa (mồng 5 Tết) và lễ hội chùa Hương khai hội ngày mồng 6 Tết như thông lệ. Nhưng năm nay, lễ hội chùa Hương - một lễ hội trung tâm ở miền Bắc và là lễ hội kéo dài nhất đã khai hội đúng ngày đi làm đầu tiên của năm mới nên không có cảnh người người chen lấn, xô đẩy hay ngất xỉu vì phải xếp hàng chờ đợi quá lâu xuống thuyền hay đi cáp treo. Sau đó, sau khi WHO ban bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và Chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng tránh kịp thời và mạnh tay, hiện tại các lễ hội lớn như lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Tam Chúc (Hà Nam), hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội đền Trần (Nam Định), hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ)... đều đã có quyết định tạm dừng khai hội.

Hội Nhà văn Việt Nam đã lùi thời điểm tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 cho đến khi nào cơ quan chức năng Việt Nam thông báo đã kiểm soát được dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chiều ngày 30-1, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có cuộc họp và đưa ra quyết định sẽ “lùi thời điểm tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 cho đến khi nào cơ quan chức năng Việt Nam thông báo đã kiểm soát được dịch bệnh”. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng tính đến khả năng “Ngày thơ” năm nay sẽ bị dừng hẳn để góp phần ngăn chặn dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng.

Có thể nói, đây là những địa điểm tập trung đông người nhất trong các lễ hội ở miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Năm nào tại các địa điểm này cũng xảy ra các vấn đề về trật tự an ninh, nạn buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan. Bởi thế, khi áp dụng dừng khai mạc các lễ hội như một biện pháp chống dịch bệnh, số người lui tới những địa điểm này đã giảm hẳn.

Chùa Hương, Yên Tử đã vắng vẻ hơn nhiều so với các năm trước do tâm lý ngần ngại dịch bệnh lây lan. Có vẻ như chỉ có chùa Tam Chúc (Hà Nam) do là chùa mới được xây dựng quy mô lớn và mới đi vào vận hành từ năm 2019 nên nhiều người hiếu kỳ vẫn “bỏ ngoài tai” những khuyến cáo của chính quyền, ngành y tế cũng như truyền thông để đến đây. Dường như căn bệnh “điếc không sợ súng” của người Việt vẫn sẽ tiếp tục diễn tiến phức tạp tại các lễ hội nếu như không có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ như hiện nay.

Hết mệt nhoài vì lễ hội?

Mới đây nhất, ngày 3-2-2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Trong nội dung công điện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: “Dừng tất cả các các lễ hội, kể các các lễ hội đã khai mạc tại các tỉnh đã công bố dịch; Tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người, kịp thời thông báo cho nhân dân, du khách biết, thực hiện”.

Có thể thấy, bằng công điện này, mọi hoạt động liên quan đến tổ chức lễ hội tại các lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị cơ quan quản lý yêu cầu dừng/ tạm dừng trên quy mô toàn quốc. Nhiều người cho rằng, với quyết định này của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, nhiều địa phương có thể sẽ mất đi một “nguồn thu đáng kể”, song đa số ý kiến đều cho rằng, đó là một quyết định nghiêm túc, kịp thời, được lòng dân.

Tuy nhiên, phương án dừng/ tạm dừng tất cả các lễ hội trên quy mô toàn quốc có lẽ cần phải kết hợp với những biện pháp mạnh tay hơn như việc tạm thời đóng cửa các bến tàu thuyền ra vào khu di tích - danh lam thắng cảnh, tạm thời không cho các đơn vị khai vận hành hệ thống cáp treo... thì mới đem lại hiệu quả triệt để. Bởi vì, nếu chính quyền dừng/ tạm dừng không tổ chức lễ hội, nhưng nhân dân do thói quen, do hiếu kỳ vẫn đến những nơi này, thì cũng không có cách gì cấm cản được họ.

Theo quan sát, ở các địa phương có tổ chức các lễ hội lớn như đền Trần (Nam Định), hội Lim (Bắc Ninh), hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội chùa Hương... sau mỗi mùa lễ hội thì chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý về văn hóa đều mệt nhoài.

Đơn cử như với hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan - Tam Nông - Phú Thọ) diễn ra ngày 12-13 tháng Giêng hàng năm, từ nhiều năm nay đã trở thành một nơi tập trung rất đông người đến từ các xã, huyện lân cận của Phú Thọ, sau này còn thu hút các du khách ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên từ hàng chục năm nay, năm nào lễ hội này cũng xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh, thậm chí là bạo lực.

Mùa lễ hội năm 2019, hội Phết Hiền Quan đã phải đột ngột dừng hoạt động đánh phết do lo ngại những vấn đề này tiếp tục diễn ra mà không có cách nào khống chế. Cho đến cuối năm 2019, nhiều cuộc họp, hội thảo về các vấn đề xung quanh lễ hội này đã được địa phương kết hợp với các cơ quan chuyên trách Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức, nhưng vẫn chưa thể tìm ra một đáp án cuối cùng cho việc tổ chức lễ hội này.

Vì thế, chỉ cách đây vài ngày, ngày 30-1-2020, trong công văn số 33/VHCS-NSVH do Cục Văn hóa cơ sở gửi Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Phú Thọ về việc tổ chức lễ hội Phết xã Hiền Quan, Cục Văn hóa cơ sở đã cho rằng phương án tổ chức phần tranh phết trong đề án “Đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội Phết 2020” chưa có đổi mới so với các năm trước.

Đặc biệt là, các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội chưa rõ ràng, còn có những biểu hiện sai lệch giá trị nội dung của lễ hội. Chính vì vậy, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Phú Thọ báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức lễ hội Phết theo hướng tạm ngừng hoạt động đánh phết theo quy định tại Điều 8, Nghị định 110/2018/NĐ-CP.

Vậy là, cùng với hướng dẫn của Cục Văn hóa cơ sở, tiếp theo là công điện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, bên cạnh việc dừng khai hội thì đây sẽ là năm thứ 2 không có hoạt động đánh phết như vài trăm năm qua. Lúc đầu, rất nhiều người dân trong vùng tỏ ra bức xúc, khó chịu khi cho rằng không còn đánh phết thì lễ hội này cũng mất đi bản sắc riêng, không còn hấp dẫn bởi những màn tranh cướp có tính chất ăn thua “một mất - một còn” như trước đây.

Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần vài năm không duy trì hoạt động này, người dân cũng dần quen, thay đổi nếp nghĩ để hướng đến một lễ hội lành mạnh, an hòa mà không cần đến những màn tranh cướp đến đổ máu.

Rất có thể, việc dừng/ tạm dừng, hạn chế người dân tham gia vào các lễ hội do những vấn đề phòng tránh dịch năm nay sẽ là một gạch nối quan trọng, tạo tiền đề, tạo nền nếp cho việc tổ chức các lễ hội của các năm sau. Biết đâu năm nay, khi không có các lễ hội quy mô hoành tráng, không có cảnh “chạy sô” đi cúng lễ khắp nơi như trước đây, lại khiến nhiều người nhận ra mình đã có một tháng Giêng an lành, đúng nghĩa ngày xuân thong thả, sum vầy hạnh phúc bên người thân, gia đình...

Nguyệt Hà
.
.