Bảo vệ những công trình kiến trúc, chứng tích lịch sử - văn hóa:

Bao giờ hết mâu thuẫn bảo tồn – phát triển?

Thứ Năm, 19/12/2019, 07:57
Không biết bao giờ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mới hết những câu chuyện đau lòng khi phải chia tay những công trình kiến trúc, di tích lịch sử chứa đựng những câu chuyện lịch sử - văn hóa mà nếu mất đi rồi, sẽ không có cách gì lấy lại được...


Những ngày qua, dư luận đã lên tiếng bày tỏ sự tiếc nuối về việc Trạm phát sóng Bạch Mai - nơi lần đầu tiên phát đi Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra cả nước và thế giới, đồng thời cũng là nơi phát đi "bản tin mật lệnh" đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ - sắp sửa "biến mất". 

Nguyên do là bởi, công trình này nằm trong diện giải tỏa để phục vụ cho việc xây dựng dự án đường trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND thành phố Hà Nội...

Khi một "chứng nhân lịch sử" sắp... biến mất

Việc Trạm phát sóng Bạch Mai gắn với 2 mốc lịch sử quan trọng sắp biến mất khiến nhiều người tiếc nuối. Theo bản quy hoạch của dự án xây dựng đường trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND Thành phố Hà Nội, ngôi biệt thự số 128C Đại La là Trạm phát sóng Bạch Mai xưa kia nằm hoàn toàn trong lòng đường của dự án trên cao đang được xây dựng. Vì thế, khả năng công trình này sẽ bị đập bỏ để phục vụ cho việc thi công gần như đã được xem như "sự đã rồi", không còn "chữa cháy" hay làm gì được nữa.

Bức tranh cổ động quý giá ở cổng chợ Mơ đã suýt bị đập bỏ.

Sở dĩ, sự biến mất của công trình gây nên nhiều tiếc nuối, thậm chí là cả nỗi bức xúc nữa, bởi lẽ nó đã gắn với những thời khắc lịch sử không thể nào quên của dân tộc. Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử với báo chí, ban đầu chính quyền cách mạng non trẻ đã có dự định phát sóng trực tiếp bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình ra cả nước qua Trạm phát sóng Đại La (sau 1945 mới được đổi thành Trạm phát sóng Bạch Mai), nhưng kế hoạch không thành công vì chỉ phát sóng được khu vực xung quanh Ba Đình.

Vì thế, đến trưa ngày 7-9-1945 mới có bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh quốc gia phát sóng chính là bản Tuyên ngôn Độc lập do 2  phát thanh viên là Ngân Thanh và Nguyễn Văn Nhất đọc, được phát đi. Thời khắc này cũng đánh một dấu mốc quan trọng gắn với hoạt động của Đài Tiếng nói Việt Nam sau này.

Cũng tại nơi đây, phát thanh viên Ngân Thanh đọc "Bản tin mật lệnh" để Hà Nội và cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Vì thế, việc mất đi một công trình kiến trúc có vai trò như một chứng nhân quan trọng của lịch sử như thế này, là một điều vô cùng đáng tiếc.

Không biết bao giờ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mới hết những câu chuyện đau lòng khi phải chia tay những công trình kiến trúc, di tích lịch sử chứa đựng những câu chuyện lịch sử - văn hóa mà nếu mất đi rồi, sẽ không có cách gì lấy lại được. Và mai sau, chúng ta sẽ thật khó khăn trong việc mô tả cho con cháu về những sự kiện, những câu chuyện, những biến động đã xảy ra trong quá khứ.

Phải trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa

Cách đây ít lâu, có một dạo dư luận, báo chí và giới họa sĩ đã phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc 2 bức tranh tường thuộc dòng tranh nghệ thuật hoành tráng có lịch sử gần 40 năm và chứa đựng một phần ký ức của Hà Nội nằm ở ngã tư chợ Mơ (mặt phố Minh Khai cắt Bạch Mai) có khả năng bị đập bỏ vì nằm trong khu vực khoanh đỏ của dự án đường vành đai 2, đoạn qua Bạch Mai - Minh Khai.

Ra đời trong những năm 80 của thế kỷ trước, 2 tác phẩm hiếm hoi còn lại do họa sĩ tranh cổ động nổi tiếng Trường Sinh thực hiện bằng 2 loại chất liệu khác nhau: một bức là tranh ghép gốm làm năm 1981, bức còn lại là phù điêu về sự đoàn kết Công - Nông - Trí làm năm 1983. Giới mỹ thuật luôn đánh giá, hai tác phẩm phản ánh trình độ thi công, công nghệ vật liệu và một phần đời sống tinh thần, đời sống sáng tác của mỹ thuật giai đoạn 1980.

Giá trị lớn nhất của hai tác phẩm - theo giới nghiên cứu là gợi ra hình tượng một Hà Nội thời hậu chiến, đánh dấu những mốc phát triển đô thị, đặc biệt là thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất.

Trước những băn khoăn của dư luận, giới mỹ thuật và các nhà khoa học, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tiến hành gặp gỡ gia đình họa sĩ Trường Sinh để bàn thảo giải pháp bảo tồn hai bức tranh quý này. Đã có rất nhiều ý kiến, nhiều phương án được đề cập tới, trong đó việc bảo tồn tại chỗ được cho là phương án "bất khả thi".

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, chủ đầu tư dự án cũng như chính quyền quận Hai Bà Trưng trước đó cũng đã khảo sát cụ thể tình trạng di sản để có những tính toán phù hợp. Cuối cùng đã đi đến kết luận rằng, phương án tối ưu hơn là sẽ di dời nguyên trạng tranh ra khỏi khu vực giải tỏa, tiếp theo sẽ tính đến địa điểm đặt và trưng bày cho phù hợp và thuận tiện để nhân dân Thủ đô có cơ hội được xem những tác phẩm mỹ thuật đặc trưng của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng vào những năm 80 của thế kỷ XX.

Khi những thông tin vui mừng như thế được lan tỏa, dư luận đã đánh giá đây thực sự là một động thái tích cực và được lòng dân của chính quyền, cơ quan quản lý về văn hóa cũng như chủ đầu tư. Như vậy, một phần ký ức Hà Nội cách đây gần 4 thập kỷ sẽ không mất đi như băn khoăn của giới nghiên cứu và cả công chúng. Nó chắc chắn sẽ trở thành một "món quà tinh thần" lưu giữ cho thế hệ mai sau. Những dấu tích của một thời có thể kể cho thế hệ sau nghe về lịch sử Hà Nội được trân trọng, gìn giữ.

Biệt thự cổ số 128C Đại La - trước đây là Trạm phát sóng Bạch Mai - nơi lần đầu tiên phát đi bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam sắp sửa biến mất.

Bài học từ các nước trên thế giới

Trò chuyện với những người có nhiều cơ hội đi du lịch, công tác đó đây trên thế giới mới thấy, trong câu chuyện của họ bao cũng nhắc tới những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử xa xưa của những đất nước mà họ đã đi qua.

Trong những câu chuyện ấy, việc đất nước ấy giàu có thế nào, thu nhập bình quân bao nhiêu, kinh tế tăng trưởng như thế nào dường như lại ít được đề cập đến. Đó cũng chính là ví dụ sinh động của việc, khi thời gian qua đi, những biến cố lịch sử, chính trị, các triều đại qua đi, thì thứ còn lại trong lòng người lại là những công trình chứa đựng trong lòng nó những giá trị về lịch sử - kiến trúc - văn hóa - mỹ thuật... Và bởi thế, xã hội nào, quốc gia dân tộc nào cũng phải có phương hướng, có ý chí cho việc bảo tồn này thì mai sau quốc gia dân tộc ấy mới "có của" để khoe với con cháu, với nhân loại.

Những công trình chứa đựng chiều sâu văn hóa - lịch sử - kiến trúc - mỹ thuật mà ai ai cũng ao ước được đến một lần như đấu trường La Mã 2000 năm tuổi, hàng trăm nhà hát cổ được xây dựng dưới thời La Mã trong một khu vực rộng lớn kéo dài từ Tây Ban Nha đến Trung Đông, hệ thống nhà thờ, các cung điện, lâu đài hàng ngàn năm tuổi ở châu Âu...

Có thể lúc đầu ai cũng bị choáng ngợp bởi sự phát triển của kiến trúc, trình độ xây dựng đối với các công trình này. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên và trân trọng hơn, trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động binh đao của mình, châu Âu luôn có cách giữ gìn các công trình này, kể cả khi vừa trải qua những cuộc chiến tương tàn.

Người ta nói rằng, người dân châu Âu luôn có ý thức giữ gìn từng ngôi nhà, căn gác nhỏ nếu nó chứa đựng những giá trị lịch sử. Họ không bao giờ dễ dàng chấp nhận việc "đánh đổi" văn hóa - lịch sử để phát triển.

Sẽ có nhiều biện minh, trong đó có việc suốt cả ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam liên miên trải qua các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, nên các công trình văn hóa lịch sử bị đốt phá hết. Đó cũng là một lý do.

Xong việc gần đây, người ta dễ dàng phá bỏ đi những công trình vài ba trăm tuổi để xây mới hoàn toàn như việc hạ dỡ ngôi đình làng Lương Xá (Ứng Hòa - Hà Nội) có niên đại 300 tuổi với những kiến trúc - mỹ thuật độc đáo để dự định thay bằng một ngôi đình xi măng cốt thép chính là điều khiến nhiều người bàng hoàng, bởi có nhiều công trình kiến trúc lịch sử bị tàn phá bởi chính bàn tay của con người hiện đại.

Thế mới biết, trong xu thế tất yếu của sự phát triển luôn chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt trong việc bảo tồn với phát triển, việc các cá nhân, tổ chức có ý thức trong việc giữ gìn di sản là vô cùng quan trọng.

Khi cộng đồng, xã hội có ý chí và đề cao vấn đề giữ gìn di sản văn hóa - lịch sử, thì chắc chắn sẽ có những động thái tích cực để những di sản ấy không trở thành "vô tăm tích" trong cuộc sống hiện đại, xô bồ với nhu cầu phát triển lúc nào cũng chỉ trực lấn át các giá trị văn hóa tinh thần hôm nay.

Nguyệt Hà
.
.