Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017)

Báo CAND với việc tổ chức loạt bài đấu tranh chống tiêu cực

Thứ Năm, 22/06/2017, 08:01
Một trong những chức năng của báo chí là đấu tranh chống tiêu cực. Đối với Báo CAND, đấu tranh chống tiêu cực còn là một nhiệm vụ, hơn thế, nhiệm vụ hàng đầu. Chống tiêu cực để bảo vệ an ninh quốc gia; chống tiêu cực để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - những tiêu chí tối cần thiết mà vì lý do ấy, chúng ta phải duy trì Lực lượng CAND.


Có thể nói, trong năm vừa qua, tất cả các vụ việc nổi cộm, các vụ án lớn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội (thường được gọi là các vụ "đại án" do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý) đều được Báo CAND đề cập.

Không chỉ đề cập, với ưu thế là một đơn vị báo chí của cơ quan bảo vệ pháp luật, Báo CAND có điều kiện đi sâu tìm hiểu vụ việc, qua đó, có những bài viết cắt nghĩa được đầy đủ bước đường dẫn tới tội lỗi của các đối tượng, cùng với đó, đưa ra những bài học cảnh báo cho người dân cũng như cộng đồng xã hội về phương thức, thủ thuật của các đối tượng, từ đó giúp họ và các cơ quan Nhà nước nâng cao ý thức phòng tránh.

Năm 2016, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ lừa đảo "khủng" của Công ty Liên Kết Việt với việc hàng mấy chục ngàn nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước rơi vào cảnh "tiền mất tật mang". Báo CAND đã bám sát vụ việc này từ rất sớm và có nhiều bài viết đi sâu phản ánh, phân tích. Điều đáng nói là ở kỳ cuối của vệt bài "Tỉnh táo để không sa vào vòng xoáy" (5 kỳ, bắt đầu từ số báo ra ngày 2-3-2016), Báo đã nêu ý kiến chuyên gia cảnh báo "7 dấu hiệu nhận biết công ty bán hàng đa cấp lừa đảo".

Tới thăm và chúc mừng Báo CAND nhân kỷ niệm 92 Năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành lưu ý những người làm báo Công an phải chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những thách thức, đe dọa của "an ninh phi truyền thống".  Ảnh: Xuân Trường

Sau khi số báo phát hành, đông đảo bạn đọc đã lên tiếng đồng tình với những cảnh báo trên và cho rằng, đây là điểm mới của Báo CAND so với một số ấn phẩm báo chí khác cùng phản ánh về vụ việc này.

Ngoài vệt bài kể trên, liên quan tới vụ bán hàng đa cấp, ở những số báo tiếp theo, Báo tiếp tục trở lại vấn đề này. Như ở số ra ngày 19-3-2016, Báo cho đăng bài "Nhiều biến tướng bán hàng đa cấp ở Tây Nguyên"; ở số ra ngày 20-3-2016, Báo cho đăng bài "Cảnh giác trước biến tướng của kinh doanh đa cấp". Tinh thần của Báo là với những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiền của người dân trên một phạm vi rộng lớn, có tính bao trùm cả nước như vậy thì cần phải dành dung lượng tương thích để phản ánh và góp tiếng nói cảnh báo.

Thời gian gần đây, trong dư luận nổi cộm vấn đề tận thu cát sỏi và cuộc chiến chống "cát tặc". Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Với Báo CAND, ngay từ những ngày đầu năm 2016 (và cả những năm về trước), Báo đã có nhiều bài viết đề cập trực diện vấn nạn trên.

Trên số báo ra ngày 8-1-2016, Báo cho đăng vệt bài "Mối nguy từ khai thác cát tràn lan" với lời cảnh báo: "Nguồn cát cần sử dụng tăng mạnh, cung không đủ cầu sẽ còn khiến hoạt động khai thác cát hợp pháp lẫn trái phép sẽ còn tiếp tục là vấn đề nóng". Đến nay, như chúng ta biết, vấn đề đã trở nên "nóng" thực sự và cuộc chiến chống "cát tặc" thì gặp muôn vàn khó khăn. 

Bằng vào những dẫn chứng sống động, qua vệt bài trên, Báo CAND cho thấy các đối tượng khai thác cát (cả hợp pháp lẫn trái phép) đã không từ một hành vi nào để thúc đẩy công việc của mình. Họ sẵn sàng dùng vũ khí nóng, trong đó phần nhiều là súng tự chế bắn thẳng vào người dân địa phương khi những người này tham gia ngăn trở hành vi khai thác cát sỏi của họ. Điều này giúp ta hiểu được vì sao đến như Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phải kêu cứu trên công luận, rằng bản thân ông đang bị một số đối tượng đe dọa sau khi tỉnh cho ngưng dự án khai thác cát sỏi trên sông Cầu!

Chống buôn lậu và ngăn chặn thực phẩm bẩn cũng là vấn đề được Báo CAND đặc biệt quan tâm. Hầu như số nào Báo CAND cũng có tin, bài liên quan tới "mối lo thường trực" này. Đặc biệt, xung quanh vấn đề rượu giả, Báo đã có những bài điều tra công phu, như trong bài viết "Hé lộ công nghệ làm rượu giả từ vựa ve chai lớn nhất Hà thành" đăng trên số báo ra ngày 30-1-2016, tác giả cho biết một sự thật rất đáng lưu ý: "Chỉ cần thu gom vỏ chai tại các vựa ve chai, đặt làm giả nhãn mác, tem nhập khẩu, nút, màng co chống giả, sau đó lấy ruột của loại rượu Black Lào có màu và vị khá giống rượu Chivas có giá khoảng 20 nghìn đồng đổ vào; giá thành một chai khoảng 50 nghìn đồng, trong khi đưa ra thị trường, nó được bán với giá trên 1 triệu đồng. Và các tỉnh là điểm lý tưởng tiêu thụ".

Là cơ quan báo chí chủ chốt của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm, Báo CAND luôn xác định vấn đề "phòng" phải đi đôi với "chống", thậm chí vấn đề "phòng" phải đi trước một bước. Chính bởi lẽ ấy mà những bài viết có tính nhắc nhở, cảnh báo về một vấn nạn nào đó mà người dân dễ "dính" phải đã được Báo CAND hết sức chú trọng.

Trong năm qua, Báo đã có nhiều bài viết cảnh tỉnh giới trẻ không sa vào bẫy tội phạm từ những thú ăn chơi sa đọa. Trên số báo ra ngày 13-1-2016, Báo có bài "Nhận dạng các loại ma túy đầu độc giới trẻ", điểm danh các loại ma túy mới núp dưới những tên gọi nghe có vẻ mỹ miều như "nước biển", "cỏ Mỹ" - những loại ma túy có thể gây rối loạn thần kinh; giảm nhịp đập của tim; hệ hô hấp; gây buồn nôn, chóng mặt, giảm trí nhớ…

Điều đáng nói, mặc dù đến ngày 1-2-2016, theo Nghị định bổ sung của Chính phủ thì "cỏ Mỹ" (XLR-11) mới được chính thức xác định là chất ma túy, song ngay trong bài viết tác giả đã nêu hiện trạng: "Do mới xâm nhập vào Việt Nam nên thành phần XLR-11 có trong "cỏ Mỹ" không nằm trong danh mục các chất ma túy. Điều này đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự về tội ma túy, làm giảm hiệu quả răn đe và phòng ngừa chung".

Và khi Nghị định bổ sung của Chính phủ có hiệu lực thì từ bấy tới nay, Báo CAND vẫn tiếp tục trở lại vấn đề này. Gần đây nhất, trên số báo ra ngày 27-3-2017, Báo cho đăng vệt bài "Nhận diện ma túy mới - hệ lụy báo trước", ngoài việc cảnh báo tác hại của một số loại ma túy mới, tác giả không quên nhắc lại việc sai lầm khi nhận diện "cỏ Mỹ", để đến khi "cỏ Mỹ" được đưa vào danh mục các chất ma túy thì "nó đã tung hoành được vài năm, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội".

Trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, cuộc đấu tranh về tư tưởng, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" và những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cũng được Báo CAND xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trước khi mở chuyên mục "Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vào số báo ra ngày thứ hai hằng tuần, trong nhiều năm trước, Báo CAND đã duy trì đều đặn chuyên mục Phòng chống "diễn biến hòa bình", thu hút nhiều chuyên gia, nhiều nhà báo giỏi về thể tài chính luận trong cả nước.

Ngay trước thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trên số báo  ra ngày 11-1-2016, trong bài "Đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", PGS-TS Trần Nam Chuân đã nêu một nhận định rất đúng với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật" của Đảng ta: "Tự diễn biến, tự chuyển hóa trên lĩnh vực tư tưởng chính trị diễn ra rất phức tạp, đa dạng, nhiều cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trên các vấn đề như: phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thiếu niềm tin, hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xa rời các nguyên lý về xây dựng Đảng kiểu mới; đòi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và cổ súy cho tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phê phán lịch sử thiếu khách quan, toàn diện…".

Cùng với nhiều bài viết khác in đều kỳ vào ngày thứ hai hằng tuần trong suốt năm qua, có thể nói, bài báo trên đã có những ý kiến rất sát thực tế, đúng với những gì mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra sau này. Một điều rất đáng chia sẻ là, trong những năm gần đây, bên cạnh mảng phóng sự điều tra (vốn là thế mạnh của phóng viên Báo CAND) thì chính luận cũng là một thể loại được nhiều đồng nghiệp ghi nhận là có bước tiến đáng kể. Việc trong 3 năm 2015, 2016, 2017, Báo CAND đều có tác phẩm được nhận giải Báo chí quốc gia ở thể loại này đã ít nhiều chứng minh cho nhận định trên.

Báo CAND là tờ báo của Bộ Công an; của cơ quan bảo vệ pháp luật. Khác với nhiều cơ quan báo chí khác, khi một vụ việc được đưa lên Báo CAND để phê phán thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Người có hành vi tiêu cực bị "bêu" lên báo là có thể nghĩ mình "bị bắt tới nơi". Bởi vậy, trước mỗi vụ việc, nếu phóng viên không có bằng chứng chắc chắn thì rất dễ đối mặt với kiện tụng (các đối tượng không dễ bỏ qua như trường hợp bị "bêu" ở báo khác).

Chính vì điều đó mà anh chị em làm Báo CAND luôn xác định việc làm báo khó như đi trên dây. Cầu toàn quá không nên mà mạo hiểm quá cũng không được. Phương châm làm báo được lãnh đạo Báo CAND đặt ra từ nhiều năm nay luôn là "Nhân văn - Tin cậy - Kịp thời". Cả ba yếu tố này đều quan trọng như nhau nhưng Báo CAND luôn lấy yếu tố "nhân văn" lên hàng đầu; trong đó, tránh viết bài gây "oan", "sai" cho ai đó cũng được Báo xem là một việc làm mang tính nhân văn.

Tới thăm và chúc mừng Báo CAND nhân kỷ niệm 92 Năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành lưu ý những người làm báo Công an phải chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những thách thức, đe dọa của "an ninh phi truyền thống".

Phạm Thành Chung
.
.