Bằng hữu lưu ngụ phố phường

Chủ Nhật, 29/01/2017, 08:03
Ngó qua ngó lại bằng hữu chỉ bấy nhiêu người, anh em chỉ bấy nhiêu mặt. Một năm trôi qua rêu xanh phủ mờ tâm tưởng, sáng soi gương thấy tóc bạc, khuya trở mình con mắt ngó thao láo không biết ngủ lại làm sao...


Thoáng chốc mà già rồi, thời gian không trở lại được nữa. Ngay khi gõ ký tự này thì ký tự kia cũng đã lui vào miền quá vãng rồi, có phải vậy không?

Suy cho cùng một kiếp người thì được mấy tri âm, thì được mấy hôm vui.

1. Nửa khuya, Trần Hoàng Nhân gọi, "Chuyện đó anh nghĩ là không được đâu, nhắc lại là không được". Giọng cũng say rồi, thái độ cũng say rồi. Có chuyện gì lớn lao đâu, chỉ là một vài dự tính cá nhân. Không biết là may hay rủi, chuyện liên quan đến mình anh em đều biết, ai cũng lo, cũng khuyên.

Chơi với Nhân mười mấy năm rồi, hồi sinh viên. Hồi đó tờ Tài Hoa Trẻ còn thịnh, Nhân giới thiệu người này viết, người kia viết. Bài gửi qua Nhân, Nhân lại thêm lần gửi cho Ban Biên tập. Bài in được mấy trăm ngàn, cà phê cóc ba nghìn một ly, cơm bụi hai món năm nghìn, xài cũng ấm êm mươi bữa. Bia quán cóc uống say nhòa đèn phố cũng chỉ hơn trăm nghìn.

Nhà báo Trần Hoàng Nhân.

Nhân lấy vợ, hai ông con trai, ông nào ông nấy to ngăm, sệt dân miền biển. Ngộ ghê, ở phố mà sệt dân miền biển. Nhân làm thơ rất hay, tài hoa nhưng lười quá. Rượu bia uống như đúng rồi, lúc nào cũng thấy tụ tập. Uống xong về khuya viết, chẳng biết thế nào mắt cứ trố ra, đi đâu cũng mang kính đen nhìn hệt ông Bùi Chí Vinh lần đầu mình gặp.

Anh em nhiều người quý Nhân, ngồi đâu cũng gọi. Cái gã dân Phú Yên này cũng ham vui, gọi đều có mặt. Anh em gọi, không có mặt thì buồn. Anh em buồn mà mình cũng buồn, chắc là vậy.

Hồi Nhân say, nằm phòng y tế. Mặt mũi trầy trụa, mình xuống thăm, miệng thều thào: "Anh đang chạy xe, tự nhiên con đường nó dựng đứng lên rồi đập thẳng vào mặt. Mình đâu có né được, mở mắt dậy là thấy trọng thương rồi".

Mình biết Trần Hoàng Nhân trước, thông qua Nhân mới thân với anh Lê Thiếu Nhơn. Nhơn thì sống không sợ trời, không sợ đất hẳn. Bây giờ lấy vợ sinh con trai, không biết đã hiểu thế nào là sợ chưa. Phòng làm việc của Nhơn mù mịt khói thuốc, mù mịt những câu chuyện. Nhơn hoạt ngôn, cực kỳ thông minh, luôn là trung tâm của những lần ngồi.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Khen Nhơn thì không biết lúc nào cho hết lời, mà chê Nhơn thì không biết khi nào cho đủ chữ. Nhơn là một kiểu nghệ sĩ mà ghét yêu đều minh bạch, sống khoái hoạt vô cùng. Nhơn như một kẻ độc hành, đến đi mặc lòng, yêu ghét mặc lòng, chữ nghĩa mặc lòng. Âu không phải chỉ trong làng văn chương, mà giá như trong đời sống này có nhiều người minh bạch, sòng phẳng như Nhơn là điều cần thiết.

Cái hồi Nhơn tẩn luôn cả mình, nghĩ thì cáu, bảo anh em chơi với nhau bao nhiêu năm, ai đời lại vậy. Đúng sai khoan bàn, nhưng cái kiểu này là không được. Nhưng càng già tuổi, càng thấy thật sự cũng không có gì là nghiêm trọng. Lại già hơn chút, càng thấy Nhơn làm đúng.

Bằng hữu trong đời thường là một chuyện, quan điểm cá nhân lại là một chuyện khác. Có quá nhiều bằng hữu vì quan điểm cá nhân mà trở nên thù địch, cũng có quá nhiều gìn giữ cho bằng hữu mà im lặng trước những điều không đúng, những chuyện cần phải lên tiếng.

Kỷ niệm với Nhơn có nhiều, tuy nhiên không nhất thiết phải kể. Cuối năm bùi ngùi, như một thói quen nhắc nhớ bằng hữu mà thôi. Kiểu như có lần chú Nguyễn Đông Thức nói: "Chắc mỗi cháu mới thúc được Trần Hoàng Nhân viết bài đúng hẹn, chứ bây giờ chữ rẻ quá rồi".

2. Anh Giản Thanh Sơn gọi, giọng như trách: "Từ hồi anh về hưu rồi không nhớ anh nữa nha". Nói vậy tội nghiệp mình quá, anh Sơn cả đời cầm máy tháp tùng nguyên thủ, mối quan hệ rộng khắp, ngồi một bữa điện thoại vạn cuộc, nhiều lúc nhớ nhau cũng muốn gọi mà gọi làm sao. Đành thôi.

Đang ngồi cơ quan lọ mọ viết thì anh Sơn ghé qua đón đi, xe của hãng grab. Ngồi trên xe cứ khen hoài dạo này dịch vụ tiện quá, cái này hay quá hay luôn. Mình nghe xong cười cười, anh Sơn vẫn vậy, lúc nào cũng vậy. Anh em ghé cà phê, ăn lặt vặt rồi Sơn lại chạy đi. Mình lười gọi xe, đi bộ về tòa soạn.

Mình có thói quen đi bộ, rất thích đi bộ. Từ hồi chuyển từ trụ sở 373D Nguyễn Trãi sang số 6 Phạm Ngọc Thạch, ngay khu trung tâm càng đi bộ nhiều hơn. Có lần đi bộ ăn miến lươn với Hà Quang Minh, Minh đi được một vòng thì đã gọi taxi, mình muốn cản mà Minh đã gọi, nên thôi.

Mỗi lần đi bộ, nhất là khi nắng lâm râm trên đầu, nghĩ được nhiều thứ lắm. Nghĩ về ngày đã qua, nghĩ về ngày sắp tới. Nghĩ cả về những gương mặt đã khuất hay gương mặt vẫn còn. Lẩn thẩn thế nào, lại nhớ chú Đoàn Thạch Hãn.

Độ những năm hai nghìn không trăm mười, mình làm báo ngoài, cầm hơn một tờ. Cầm nghĩa là làm nội dung. Mình mở chuyên mục đại khái kiểu chuyện xưa kể lại, một dạng dài kỳ rất hút độc giả, chuyện của giới tỷ phú, chuyện của dân đại gia, chuyện của đàn anh giang hồ… Chú Đoàn Thạch Hãn viết giúp mình nhiều loạt bài, chú cháu biết nhau từ đó vì mình là người tìm đến. Về sau thì những mục này không ăn khách nữa, nhưng mình cứ cố duy trì. Thật lòng tính mình hay nghĩ ngợi lung tung, nên mình muốn các chú tham gia cho vui, trước là viết giải trí sau có thêm chút tiền nhuận bút.

Chú Hãn biết mình thích thơ của thi sĩ Du Tử Lê, nên khi thi sĩ Du Tử Lê từ Hoa Kỳ về thăm Việt Nam, chú gọi mình ra ngồi chuyện phiếm. Hôm thi sĩ Du Tử Lê ra mắt tập thơ ở quán cà phê cuối đường Phạm Ngọc Thạch, chú Hãn mừng bạn chạy tới chạy lui, mời khách chỗ này mời khách chỗ khác. Có lẽ, đó là lần duy nhất mình thấy chú Hãn trẻ trung đến vậy.

Mấy lúc hai chú cháu ngồi cà phê, chú Hãn kể nhiều chuyện, chuyện xưa thời ông Chu Tử (nhạc phụ của chú Hãn) đến ông Vũ Hoàng Chương, rồi chuyện văn nghệ sĩ, chuyện nhà báo. Chuyện cả Trung tướng, nhà văn Hữu Ước thuở lập tờ Văn hóa Văn nghệ Công an mượn cái phòng bé xíu tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh rồi ngại ngần nói với chú Đoàn Thạch Hãn: "Tắt máy lạnh chứ không tốn tiền điện của báo, em ngại".

Nhà thơ Thanh Tùng và nhà thơ Đinh Thu Hiền.

Vậy mà, thoắt cái đã không còn thấy nữa rồi, đã không còn nghe nói nữa rồi. Trưa ấy, cùng anh Lê Minh Quốc sang Bệnh viện Ung bướu. Đêm ấy, ngồi với những đàn anh trong nghề viết ở khu tang lễ chùa Xá Lợi, ngẫm đời hệt một chuyến xe qua. Buồn hiu.

Mỗi lần lang thang, lại nhớ hết chuyện này đến chuyện khác, chuyện nọ xọ chuyện kia vậy. Vẫn nhớ lời chú Hãn nói: "Nếu chú có từ giã cõi đời này không phải là chú bỏ rơi bạn bè đâu, mà là vì chú không thể nào tiếp nối cuộc vui với bè bạn". Thi sĩ Thanh Tùng năm nào cũng vỗ vai mình nói một câu tựa tựa vậy, xong chốt luôn "Tuổi trẻ là đáng quý nhất". Thi sĩ Thanh Tùng ở trong căn nhà gỗ, ngõ vào có hoa trúc, giữa phố thị. Chai vang để sẵn, bình trà để sẵn, căn nhà sạch bong. Qua thưa chuyện vài câu bùi ngùi lại khóc, đọc bài thơ nhớ mẹ cũng khóc mà đọc bài thơ đầu tiên viết thuở đi học cũng lau nước mắt. Mình diện kiến nhà thơ Thanh Tùng hôm còn sinh viên, ngồi trước mặt ông cứ run lập cà lập cập. Vậy mà, xíu xiu thôi đã gần hai mươi năm trôi qua rồi.

3. Tuần nào cũng gặp anh Lê Minh Quốc, Quốc là người anh em của mình. Sài Gòn thênh thang, hai anh em hay rủ rỉ cùng nhau, lúc là một cuốn sách, khi là một sự kiện. Có chuyện gì cũng hỏi ý kiến, sớm trưa chiều tối.

Nhà thơ Lê Minh Quốc.

Mấy bữa trước Quốc ở với mẹ, mẹ già chăm con quá tuổi trung niên, một tay vun vén từ miếng cơm chén canh. Mẹ về lại Đà Nẵng, Quốc ở một mình ênh. Đi ăn gì cũng tranh thủ mang về chút cho con mèo. Mình đùa, "Sẩy mẹ ra bụi đời ngay". Thấy ngồi buồn buồn lại có nét nghĩ nghĩ, thôi cũng không đùa nữa.

Thi thoảng, Quốc soạn cho một mớ sách cổ, nhà Quốc cơ man nào là sách, từa tựa một cái thư viện. Hôm khoe mình, anh sắp sửa nhà. Mình bàn, nhớ để khoảng không nuôi con gà, trưa chiều nào đó nghe tiếng gáy cho vui. Quốc bảo, cái ý tưởng này hay ha.

Rồi tối đó rủ uống rượu, có đủ cả chú Đoàn Thạch Biền, anh Cao Xuân Sơn, anh Phan Hoàng... mình uống giữa chừng thì lén về trước. Say không quá say, mà tại cơn gió tháng Chạp lìu ríu thổi nỗi nhớ ký ức chịu không đặng, đành lòng tìm chỗ vắng ngồi tương tư những hôm vắng xa một chút.

Ngô Nguyệt Hữu-Xuân 2017
.
.