Bản quyền văn học mạng: Vạn sự khởi đầu nan

Thứ Ba, 19/01/2010, 16:00
Dạo một vòng trên Internet, những người yêu văn học không khó khăn gì khi muốn tìm đọc tác phẩm của một số nhà văn mà mình yêu thích. Nếu làm một bảng thống kê thì có đến hàng trăm trang web đang vi phạm vấn đề bản quyền trong lĩnh vực văn học.

Sách "chùa" trên mạng

Cụ thể là một số trang bán sách qua mạng, các trang kinh doanh sách văn học điện tử (ebook) thông qua việc cho phép đọc, truy cập, lưu trữ, sao chép cá nhân bằng các kỹ thuật hiện đại... Chỉ cần một cú click chuột vào các trang như thuvienebook.com, vnthuquan.com, songhuong.com.vn, ebook4u.vn, sahara.com.vn... là ta có thể đọc tác phẩm của các nhà văn tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Chu Lai, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Nhật Ánh, Võ Thị Xuân Hà... Với những cuốn sách dịch ăn khách thì gần như cuốn nào cũng có thể tìm thấy, ví dụ trọn bộ "Hary Potter", hay các tác phẩm của Dan Brown - nhà văn có nhiều bạn đọc hiện nay.

Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị bị vi phạm bản quyền nhiều nhất, khi phần lớn các tác phẩm của họ sau khi được phát hành đã gần như ngay lập tức có mặt trên các trang web mà không hề có lời xin phép nào. Bà Quách Thu Nguyệt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ nhiều lần "kêu trời" trước cơ quan truyền thông vì nạn sử dụng sách "chùa" trên mạng.

Bạn đọc hẳn chưa quên sự việc nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin gửi công văn tới Công ty Tân Trí Tuấn, chủ trang web bán hàng trực tuyến sahara.com.vn đề nghị phải tháo dỡ những cuốn sách của nhà xuất bản mà họ đã "hồn nhiên" đăng tải. Có thể nói không quá rằng các nhà xuất bản hiện nay đều đang phải "sống chung với lũ", có nghĩa là họ đành chấp nhận việc sách bán chạy của mình bị "thuổng" lên mạng Internet mà không hề có hợp đồng bản quyền nào.

Với các nhà văn thì việc chấp nhận sách của mình bị "luộc" trên các trang web càng là chuyện thường ngày.

Một trang web nọ khi post truyện "Người còn sót lại của rừng cười" của Võ Thị Hảo lại nhầm tên tác giả là Nguyễn Phan Hách. Nhà văn Võ Thị Hảo bất bình còn nhà thơ Nguyễn Phan Hách lên tiếng: "Tôi chỉ là nạn nhân".

Nhà văn Y Ban tỏ ý không hài lòng khi không những truyện ngắn mà cả tiểu thuyết của chị bị một số trang web đưa lên mạng mà không hề đếm xỉa đến sự cho phép của tác giả.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đành cười trừ khi được phong danh hiệu là nhà văn có nhiều tác phẩm bị "luộc" trên mạng nhất. Có thể đọc các tác phẩm nổi tiếng của ông như trọn bộ "Kính vạn hoa", "Chuyện xứ Langbiang" ở hàng chục trang web khác nhau.

Rất nhiều nhà văn, nhà thơ khác có tác phẩm "bị" đưa lên mạng khi được hỏi cũng đều lắc đầu ngao ngán cho rằng, họ chẳng biết phải làm gì với việc mình bị vi phạm bản quyền trắng trợn như thế. Lên tiếng thì ai bảo vệ, và họ sẽ phải đến đâu. Vả lại có biết đến đâu đi chăng nữa thì họ cũng không có đủ thời gian.

Kẻ tùy tiện, người chủ quan

Ngày càng có nhiều độc giả tìm đọc sách trên mạng (Ảnh chỉ có tính minh họa).

Rất nhiều độc giả có thói quen đọc sách không mất tiền. Họ truy cập vào các trang web có đăng tải các tác phẩm văn học rồi vô tư đọc và tải về các phương tiện cá nhân của mình mà chẳng cần đếm xỉa đến công sức của người viết hay khó khăn của các nhà xuất bản.

Lợi dụng sự kém ý thức về bản quyền của không ít bạn đọc, các trang web trực tuyến thu hút khách hàng bằng cách có hẳn một đội ngũ tình nguyện viên chuyển tải các tác phẩm ăn khách lên mạng ngay sau khi sách vừa được nhà xuất bản phát hành vài ngày.

Với sự trợ giúp của các thiết bị kỹ thuật hiện đại thì việc đọc sách điện tử càng ngày càng dễ dàng hơn khiến cho việc coppy các ấn phẩm một cách bất hợp pháp càng tăng lên.

Tình hình vi phạm bản quyền nhan nhản khắp nơi, lại thiếu chế tài xử phạt hợp lý khiến cho các cá nhân đứng sau các trang web để đạt được lợi ích cụ thể nào đấy đã chẳng ngần ngại đưa lên trang của mình bất cứ tác phẩm văn học nào mà họ muốn.

Tùy tiện đến mức "râu ông nọ cắm cằm bà kia"- tác phẩm này lại biến thành con đẻ của nhà văn khác, hoặc tự do cắt tỉa, cắt cúp mà không cần đoái hoài đến sự cho phép của người viết. Khi bị các tác giả lên tiếng phản đối và các cơ quan chức năng vào cuộc thì ông chủ các trang web lại bao biện, rằng chính là họ đã có công trong việc giúp cho nhiều độc giả biết đến tên tuổi nhà văn, thậm chí là họ đã góp phần làm phát triển văn hóa đọc nữa...

Trong lúc đó thì thái độ của những người có tác phẩm bị “thuổng” lên mạng lại có nhiều vấn đề cần phải bàn. Không ít nhà văn trẻ lấy việc tác phẩm của mình được đưa lên các trang web là một niềm... sung sướng. Họ tin rằng các ấn bản trên Internet sẽ giúp cho mình có thêm nhiều độc giả và họ sẽ trở nên nổi tiếng hơn.

Sự thật là đang có nhiều cây bút trẻ dùng Internet như một phương tiện lăng-xê tên tuổi mình. Họ sẵn sàng để cho bất kỳ trang web nào coppy lại tác phẩm của mình mà chẳng cần một điều kiện gì. Không hào hứng với việc tận dụng Internet để nổi tiếng hơn, song nhiều nhà văn đã thành danh lại giữ thái độ "dĩ hòa vi quý" trong việc này.

Thái độ phản ứng quyết liệt và tích cực như các nhà văn Võ Thị Hảo, Y Ban là chưa nhiều. Một số nhà văn biết việc các trang web tùy tiện đăng tải lại các tác phẩm của mình là sai, là vi phạm bản quyền nhưng họ mặc kệ, vì "hơi đâu mà đi kiện, mất thời gian lại chuốc thêm bực mình".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự rằng, thời gian của nhà văn là để tìm ý tưởng mới và sáng tạo, chứ chạy theo những kiện tụng thì mệt mỏi lắm. Ông ngỏ ý muốn nhờ các nhà xuất bản, nơi ông đã ký hợp đồng in sách giúp ông việc này.

Mặc dù biết rằng việc bảo vệ bản quyền cho các nhà văn cũng chính là bảo vệ lợi ích của mình nhưng các nhà xuất bản cũng chưa thể làm được gì nhiều, ngoài việc lên tiếng trên các phương tiện truyền thông. Nguyên nhân là họ chưa có đủ nhân lực pháp lý để kiểm tra, giám sát xem website nào đã vi phạm bản quyền sách của mình. Mặt khác, các chế tài xử lý chưa đủ tính chất răn đe nên rất khó để hạn chế những hành vi vi phạm bản quyền văn học trên mạng.

Thu phí bản quyền văn học trên mạng - có khả thi?

Từ tháng 7/2009, nghị định số 47/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó mức phạt nặng nhất đã được nâng lên 500 triệu thay vì 70 triệu như trước đây. Quyết định này xem ra bắt đầu có tác dụng tích cực đối đời sống văn học trên mạng.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền và Cơ quan Công an đã vào cuộc nhằm kiểm tra, giám sát một loạt các trang web có biểu hiện vi phạm bản quyền tác giả, quyết tâm chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn về bản quyền trên mạng, đặc biệt trong lĩnh vực văn học.

Ban Vận động Hiệp hội Bản quyền sao chép Việt Nam do ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản đã ra mắt nhằm tiến tới kiện toàn tổ chức mang tính quốc gia về bảo vệ bản quyền tác giả trong việc sao chép, in ấn các tác phẩm thuộc nhiều ngành nghệ thuật khác nhau.

Riêng trong lĩnh vực văn học, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam cho biết: "Việc thu phí bản quyền văn học trên mạng, theo tôi là hoàn toàn khả thi. Trong năm 2009, Trung tâm đã ký hợp đồng được với một số đơn vị, trong đó có đơn vị sẵn sàng hợp tác trả phí bản quyền cho 500 cuốn sách mà trung tâm đã được ủy quyền để kinh doanh trực tuyến trên mạng. Đó là những tín hiệu đáng mừng".

Ngay từ khi bắt tay vào thực thi vấn đề bản quyền văn học trên mạng, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam đã gửi công văn đến tất cả các website mà họ thống kê là đang sử dụng các tác phẩm văn học nhưng không trả tiền để mời đàm phán. Và một biểu giá đã được thông qua, theo đó, khi bạn đọc muốn tìm hiểu thông tin về nhà văn nào đó, họ sẽ được nhà cung cấp dịch vụ cho mật khẩu để truy cập. Mỗi lần truy cập bạn đọc sẽ phải trả tối thiểu 2.000 đồng và tối đa 10.000 đồng. Số tiền thu được từ các lần truy cập như vậy sẽ dùng để trả "nhuận bút" cho nhà văn. Tác phẩm càng hay, càng nhiều độc giả thì nhuận bút của nhà văn càng cao. Ngoài việc đọc tác phẩm, nếu người có nhu cầu muốn sao chụp, coppy tác phẩm của các nhà văn cũng sẽ phải trả tiền theo quy định.

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho rằng khó khăn lớn nhất của việc thu phí bản quyền văn học trên mạng chính là ý thức của người kinh doanh, cũng như người sử dụng tác phẩm văn học. Với chế tài xử phạt mới, cộng với sự lên tiếng của các cơ quan quản lý nhà nước, thái độ quyết liệt của nhà văn khi bị vi phạm bản quyền trên mạng sẽ là những động lực để giúp cho công việc của Trung tâm thêm "thuận buồm xuôi gió" trong thời gian tới

Vũ Quỳnh Trang
.
.