Bản quyền văn học: "Cuộc chiến" còn dài!
"Đòi quyền được tôn trọng"
Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC, hoặc gọi tắt là Trung tâm) đã thành lập 10 năm có lẻ (từ tháng 8/2004). Nhưng trong suốt một thập kỷ ấy, với các thành viên lãnh đạo phần lớn đều kiêm nhiệm, hoạt động của Trung tâm chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng của nhiều người, nhất là khi họ so sánh với Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng đầu (đã thu được 47 tỉ tiền bản quyền). Nhìn vào số tiền chênh lệch quá lớn, ai dám bảo ở ta, việc xâm phạm bản quyền văn học ít hơn nhiều so với âm nhạc!
Tuy nhiên, với "phát súng khơi lại phong trào"gần đây, có vẻ như VLCC đang muốn "lột xác" bằng những động thái tích cực hơn.
Trao đổi với chúng tôi, nhà văn Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm VLCC cho biết, tới thời điểm này (11-2014), có gần 1.000 tác giả đã đăng ký ủy quyền cho Trung tâm đòi tiền tác quyền cho họ. Với từng tác giả, Trung tâm đều có hợp đồng ký kết, theo đó, về quyền lợi, tác giả hưởng 80%, trung tâm hưởng 20% trong tổng số tiền bản quyền đòi được trên mỗi hợp đồng.
Trước mắt, Trung tâm sẽ làm việc với các đơn vị có tần suất sử dụng tác phẩm văn học cao nhất như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các Nhà xuất bản và các trang báo mạng… Còn sau đó sẽ là các hoạt động liên quan tới việc sử dụng tác phẩm văn học trong biểu diễn, điện ảnh, các sự kiện văn hóa tại nơi công cộng,…v.v…
Cũng theo ông Đỗ Hàn, trong quy chế làm việc, ông cũng như Ban lãnh đạo Trung tâm đều thống nhất quan điểm, không đặt nặng vấn đề tiền bạc nhiều hay ít, mà từng bước xây dựng một nề nếp ứng xử ở các đơn vị sử dụng tác phẩm văn học với chủ thể tác phẩm. Theo đó, vấn đề trọng tâm không phải "đòi tiền" mà là "đòi quyền được tôn trọng".
Những cuốn sách bị in lậu tràn lan của Công ty Sáng tạo truyền thông Trí Việt - First News. Ảnh: First News. |
Và dĩ nhiên, khi nhận thức xã hội cũng như các đơn vị, cá nhân liên quan tới việc sử dụng tác phẩm văn học thay đổi, việc thực hiện trách nhiệm bản quyền được cải thiện, nguồn lợi tài chính khi ấy, dù không mong, cũng sẽ đổ về một cách đều đặn và chính đáng vào túi các tác giả.
Ông Đỗ Hàn cho biết, mới đây, đại diện VLCC đã có cuộc gặp với ban lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục để bàn bạc thêm về các phương án giải quyết quyền lợi bản quyền cho các tác giả. Cũng theo ông Hàn, mặc dù trên tinh thần rất hợp tác, thiện chí, nhưng tới thời điểm này giữa hai bên vẫn chưa đưa ra được các văn bản thống nhất rõ ràng về nguyên tắc chi trả tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in trong SGK các cấp. Theo ông Hàn, vấn đề còn lại chỉ là khâu tính toán kỹ thuật, còn thì hai bên đã thỏa thuận xong xuôi về trách nhiệm bản quyền.
Nhiều đơn vị bắt đầu… lo lắng
Nhắc tới vấn đề bản quyền ở ta, dù là bản quyền ở lĩnh vực nào, vẫn là câu chuyện làm nhiều người liên quan "bực bõ", lắc đầu ngán ngẩm. Luật chưa đủ sức răn đe, việc áp dụng những phương thức quản lý cũng như áp dụng công nghệ chống xâm phạm bản quyền vẫn là chuyện nan giải ở nước ta.
Xem trên Internet, chỉ cần điểm một số trang mạng có tần suất và dung lượng sử dụng tác phẩm văn học rất lớn như thivien.net, quancoconline.com, vnthuquan.net… có thể thấy, tình trạng sử dụng tùy tiện tác phẩm văn học đã ngang nhiên tới mức trở thành hiển nhiên, không còn ai thắc mắc.
Tâm lý "xài của chùa" đối với các tác phẩm văn học nói riêng và nhiều sản phẩm văn hóa khác nói chung đã ngấm quá lâu và quá sâu trong nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc một doanh nhân nào đó bỏ cả trăm triệu mua đứt bản quyền bài thơ của một tác giả vẫn luôn là hiện tượng "hiếm gặp" trong xã hội ta.
Phóng sự gần đây của Đài Truyền hình Việt Nam và một số bài báo "tát nước theo mưa" mới chỉ chĩa mũi dùi vào phía NXB Giáo dục. Trên thực tế, số đơn vị tổ chức vi phạm bản quyền tác phẩm văn học còn rất đông đảo. Và nay, được cho là "nối gót đàn anh" Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, sự vào cuộc sôi nổi và có phần quyết liệt của VLCC đang khiến nhiều đơn vị truyền thông lo lắng.
Cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy" trong ảnh được cho là in lậu. Ảnh: Petrotimes. |
Một ví dụ tiêu biểu nhất là các chương trình phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoại trừ những tác phẩm lần đầu gửi tới Đài và được phát sóng, tác giả sẽ nhận một khoản thù lao nhuận bút theo mức quy định, còn với những tác phẩm đã được in báo (giấy, điện tử), "nhà Đài" được quyền khai thác với lý do "phục vụ nhân dân".
Tuy nhiên, ngay cả trong sứ mệnh phục vụ nhân dân thì nhà Đài cũng không thể lãng quên trách nhiệm với các văn nghệ sĩ. Những người mà phần đông có thu nhập còn eo hẹp, một phần quan trọng để mưu sinh của họ chính là nhuận bút. Trong dự kiến, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ là một trong những đơn vị tiếp theo mà Trung tâm do nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ phụ trách (nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm VLCC) sẽ tới gặp ban lãnh đạo để bàn thảo công tác chi trả bản quyền.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, nếu quả thực việc này được thực hiện, với số lượng hàng chục tiểu thuyết mỗi năm, vài chục truyện ngắn, vài trăm bài thơ và hàng chục bút ký, ghi chép văn học,… được sử dụng trên làn sóng Quốc gia, số tiền Trung tâm VLCC và các tác giả được thu về không hề nhỏ. Thậm chí, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, dưới áp lực buộc phải thanh toán phí bản quyền, chưa biết chừng nhiều chương trình văn học nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phải thu hẹp thời lượng hoặc phát lại để tiết kiệm chi phí.
Bài học gần 70 năm trước
Đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội hay những người mê sách vở xưa nay, nhắc tới cuốn "Hán Việt Từ điển" của học giả Đào Duy Anh, ai cũng biết. Nhưng có một câu chuyện về thái độ hành xử giữa các cụ ngày xưa với nhau liên quan tới tác quyền của công trình nổi tiếng này thì không phải ai cũng để ý.
Theo phần Đề từ của cụ Hãn Mạn Tử trong cuốn "Hán Việt Từ điển", chúng ta biết cuốn sách được cụ Đào Duy Anh hoàn thành năm 1931 với mong muốn có một công cụ tra cứu phục vụ giới nghiên cứu đương thời.
Mười tám năm sau, năm 1949, ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc NXB Minh Tân thấy cuốn "Hán Việt Từ điển" của cụ Đào Duy Anh đã trở nên đặc biệt thông dụng, là công cụ hữu ích với nhiều người nên muốn tái bản. Tuy nhiên, do điều kiện liên lạc thời đó khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Bích chưa thể liên hệ được cụ Đào để xin phép.
Vì tình thế cần kíp, ông chọn cách viết thư xin phép (và cũng nhằm để liên lạc với tác giả) rồi cho in công khai trên từng bản in "Hán Việt Từ điển" trong đợt tái bản của NXB Minh Tân. Trong thư của ông Bích có đoạn: "Như anh (Đào Duy Anh) đã nhiều lần ngỏ ý, bộ sách nầy còn có thể sửa chữa nhiều để được hợp thời hơn. Nhưng vắng anh, chúng tôi không dám tự tiện chữa một dấu, một chữ, và khi cho in ra, chúng tôi dùng lối chụp hình cho được trung thành với bản in đầu tiên".
Kết luận bức thư công khai, ông Bích viết: "Tuy nhiên, bản quyền của anh, trong công việc tái bản nầy, sẽ được hoàn toàn đảm bảo. Ý anh muốn dùng nó cách nào, tôi cũng chìu theo. Tôi viết bức thơ công khai nầy in trên mỗi quyển, là hy vọng rằng thế nào cũng có một quyển đến tay anh được. Và cũng là trịnh trọng lãnh trách nhiệm của tôi đối với anh vậy" ("Hán Việt từ điển giản yếu" - Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin).
Viết tới đây, lại nhớ tới một câu nói cửa miệng của dân gian, nghe thật vô lý mà ngẫm ra hình như đúng thật: "Bao giờ cho tới ngày xưa?". Chỉ cần những cá nhân, tổ chức học được chút gì đó trong cách hành xử với chủ nhân của những sáng tạo chữ nghĩa như trong câu chuyện tái bản cuốn "Hán Việt từ điển", chắc hẳn lời giải cho bài toán tác quyền sẽ không quá khó khăn. Bởi ở đâu không biết, chứ ở nước mình, trong đặc trưng văn hóa "lời chào cao hơn mâm cỗ", các nhà văn bao giờ cũng đặt nặng "quyền được tôn trọng" hơn quyền lợi vật chất