Bán đời tư trên sóng truyền hình: Nghệ sĩ và lòng tự trọng
Đã có nhiều diễn đàn báo chí bày tỏ quan điểm phê phán và đả kích mạnh các chương trình truyền hình thực tế của các nhà đài hiện nay chuyên khai thác đời tư nghệ sỹ nổi tiếng để câu view, thu hút sự tò mò. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu không có sự tương tác của người chơi, người tham gia, hay nói cách khác là không có sự đồng thuận hợp tác của nghệ sĩ, của những nhân vật trong chương trình truyền hình thực tế, bất chấp dư luận, bất chấp những hệ lụy phía sau, vẫn sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện đời tư của mình thì các nhà đài lấy đâu mà sản xuất được.
Những phiên bản gây bão
Chương trình truyền hình thực tế và những phiên bản games show trò chuyện với người nổi tiếng, nghệ sĩ lớn, hay các cuộc thi tìm kiếm tài năng trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình ở Việt Nam.
Trên thế giới, những talkshow kiểu như thế rất phổ biến và thu hút được đông đảo lượng khán giả theo dõi. Các nhà sản xuất nhận ra, với “miếng bánh béo bở” này, truyền thông tự khắc sẽ tìm đến và là một lựa chọn rất khả thi của nhà đầu tư sản xuất. Chương trình sản xuất xong có đầu ra, các nhà đài phát sóng các chương trình này cũng sẽ bán được quảng cáo rất dễ dàng, có được những hợp đồng khủng, thu lợi nhuận lớn.
Chính vì thế, chưa bao giờ “cơn bão” truyền hình thực tế chiếm lĩnh phần lớn thời lượng sóng trên TV như bây giờ. Liên tục các chương trình cũ - mới chen nhau xuất hiện. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình này được mua bản quyền từ nước ngoài hoặc là bản Việt hóa từ các chương trình vốn đã nổi tiếng trên khắp thế giới.
Tất tật chương trình nào thì chuyện khai thác đời tư câu like, khơi gợi trí tò mò, lấy nước mắt khán giả cũng được áp dụng triệt để trong kịch bản. Điểm qua các chương trình truyền hình thực tế, như tìm kiếm ngôi sao ca nhạc, tìm kiếm người mẫu, các chương trình hài, trò chuyện với ngôi sao, chát với người nổi tiếng, hay phía sau góc khuất của người nghệ sĩ v.v... đang phát sóng nhan nhản trên các kênh truyền hình Việt đều ưu tiên khai thác khía cạnh đời tư của người chơi, người tham gia.
Một số chương trình dành toàn bộ thời lượng và nội dung để khai thác những câu chuyện đổ vỡ, những chuyện bất hạnh, những nỗi đau giấu kín trong quá khứ của nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình càng có nhiều người xem, nhà đài càng bán được nhiều quảng cáo, lợi nhuận thu về cũng theo đó mà tăng theo cấp số nhân, nhà sản xuất lại tiếp tục tìm những phiên bản chương trình mới đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của thị trường.
Nghệ sỹ Lê Giang ''vạch tội'' chồng cũ - danh hài Duy Phương - trên sóng truyền hình. |
Thuận mua vừa bán
Những mặt trái, những khía cạnh tiêu cực, thiếu tính nhân văn của các chương trình truyền hình thực tế chú trọng khai thác đời tư nghệ sĩ đã rõ. Khán giả xem truyền hình cũng đã có những phản ứng không đồng tình với các dạng chương trình truyền hình mang đời tư nghệ sĩ ra để mổ xẻ, để tâm sự.
MC khai thác triệt để những góc khuất số phận của họ rồi phơi bày trên sóng truyền hình, hay các kênh thông tin đại chúng khác. Mà đời tư ở đây mới chỉ được khai thác từ một phía, nghe nói nghe kể từ một phía, chưa có sự kiểm định thông tin từ hai chiều của những người trong cuộc nên khi phát sóng để lại nhiều hệ lụy khó lường.
Song phải nói thẳng rằng, thực tế đang cho thấy, có cung thì mới có cầu. Chương trình khai thác đời tư nghệ sĩ mà nghệ sĩ từ chối thì làm sao nhà sản xuất có cơ hội để sản xuất. Hay nói cách khác, nếu không có sự đồng thuận của những ngôi sao nổi tiếng, những nghệ sĩ, thậm chí những thí sinh, những nhân vật chính của chương trình truyền hình thực tế đồng ý cho phép nhà đài khai thác câu chuyện đời tư của họ lên sóng, và họ cũng sẵn sàng lên sóng "khóc cười' với quá khứ của mình thì lại đi một nhẽ. Thế nên trách nhà đài, trách nhà sản xuất, phê phán MC, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn lại nguyên nhân không nằm ở phía nhà đài.
Ở đây có câu chuyện thuận “mua” vừa “bán” của cả hai bên, nhân vật chính và ê kíp sản xuất chương trình. Trong "cuộc chơi" này, rõ ràng cả bên “mua” và bên “bán” đều hiểu chuyện, và cả hai chắc chắn cân nhắc họ được gì, mất gì khi chấp nhận lên sóng kể chuyện đời tư. Vấn đề đặt ra ở đây, rất có thể người nghệ sĩ khi chấp nhận lên sóng kể chuyện đời tư, một phần họ để được nổi tiếng, những người nổi tiếng rồi thì lại muốn nhân dịp này được hâm nóng tên tuổi.
Những nghệ sỹ chuẩn bị ra sản phẩm mới, đây cũng là một cách PR cho bản thân, cho sản phẩm sắp ra mắt của mình. Cũng có thể nghệ sĩ khi chuẩn bị cho một show diễn mới, hay ra mắt dự án nghệ thuật mới, thì cú hâm nóng tên tuổi này sẽ tạo đà cho dự án của họ được tung ra. Hoặc giả, có thể xét đến khía cạnh các nhà đài lợi dụng sự dễ dãi của nghệ sĩ, lợi dụng hào quang danh vọng của sự nổi tiếng để "dụ dỗ", "mời chào" nghệ sĩ nhẹ dạ tham gia các talkshow bí mật đời tư.
Trong showbiz, hào quang danh vọng luôn như một cái bẫy hút người nghệ sĩ và cuốn họ vào guồng quay ma lực. Nếu người nghệ sỹ không có bản lĩnh, hoặc họ không đủ sức, không đủ tỉnh táo và năng lực để biết từ chối đúng lúc, thì hệ quả mang đến sẽ khôn lường. Bởi xét cho cùng, người nghệ sĩ không cần phải đào xới lại quá khứ, kể về những đau khổ đã qua để thêm nổi tiếng, khi mà danh tiếng họ đã được định danh từ chính tài năng, sức lao động của họ. Câu chuyện mà người viết bài này muốn đề cập đến chính là phông văn hóa, lòng tự trọng, sự tỉnh táo của nghệ sĩ trước mọi cái bẫy đầy cám dỗ của truyền thông.
Lòng tự trọng của nghệ sĩ
Câu chuyện hậu "Sau ánh hào quang" của nghệ sĩ, ca sĩ Thanh Hà, ca sĩ Phương Thanh hay người mẫu Xuân Lan, nghệ sĩ Lê Giang đã đủ khiến cho khán giả "nhức đầu" với những nỗi đau trong đời riêng của họ. Không chỉ thế, những lùm xùm của nghệ sĩ Lê Giang với danh hài Duy Phương lên báo vạch tội nhau, dọa kiện cáo nhau, làm tổn thương biết bao nhiêu người trong cuộc.
Hay như câu chuyện gặp lại mẹ của danh ca hải ngoại Thanh Hà, nhẽ ra là rất nhân văn, thì cuối cùng lại mang hiệu ứng ngược. Không thể hiểu vì sao nữ ca sĩ Thanh Hà lại lựa chọn tham gia chương trình này, cô có bị đột ngột khi người mẹ ruột xuất hiện không mà phải trốn sau ghế của MC, khóc không dám đối diện với mẹ. Giá trị nhân văn của chương trình đã hình như là vô giá trị, khi mà khán giả phải một phen bẽ bàng xót xa thay cho cuộc gặp gỡ nhạt nhòa khó mà hàn gắn nổi những đứt đoạn mẫu tử sâu nặng giữa Thanh Hà và người mẹ ruột kia.
Việc các nghệ sĩ, những người nổi tiếng lên sóng truyền hình nhắc lại những chuyện cũ, khiến cho khán giả bội thực với mệt mỏi kép. Như câu chuyện về người mẹ nợ nần và những giọt nước mắt đổ xuống vì mẹ hết lần này đến lượt khác làm khổ con trai phải còng lưng trả nợ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trước mỗi liveshow của anh khiến cho khán giả từ chỗ thông cảm, ái ngại đến “ngán ngẩm” với nỗi đau đời ca sĩ. Nghệ sĩ khi chia sẻ những chuyện rắc rối của gia đình, liệu có nhớ câu ca "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại" của cha ông ta đã từng truyền đời dạy nhau không.
Các nhà sản xuất chương trình thực tế có lẽ nên quan tâm tới yếu tố giải trí, tính phát hiện nhân tố, phát hiện vấn đề, phê phán những mặt trái đời sống trên các chương trình truyền hình thực tế, chia sẻ những tài năng, những cá tính sáng tạo, những chương trình vinh danh nghệ sỹ, khoa học thường thức hơn là khai quật đời tư của nghệ sĩ và nhai đi nhai lại những câu chuyện riêng tư đã cũ mèm, làm ảnh hưởng đến khán giả.
Bản thân người nghệ sĩ phải hết sức cân nhắc và thận trọng khi xem fomat các chương trình truyền hình thực tế và các talkshow mà họ được mời tham gia để học nguyên tắc chối từ. Người nghệ sĩ nên nhìn lại ứng xử của mình, coi trọng trách nhiệm, lòng tự trọng của bản thân khi tham gia các chương trình truyền hình trực tiếp chia sẻ đời tư.
Lâu nay, nhiều câu hỏi đặt ra và thậm chí có nhiều chuyên đề báo chí bàn về lòng tự trọng của nghệ sĩ, phông văn hóa tối thiểu của người nghệ sĩ trong mọi ứng xử hằng ngày với công việc và với đời sống riêng tư. Nghệ sĩ phải có nền tảng văn hóa vững chắc, những hiểu biết về giá trị tinh thần tốt đẹp, để có sự sáng suốt, đủ năng lực nói lời từ chối và biết bảo vệ mình trước cơn lốc truyền thông luôn đói khát thông tin.
Showbiz quá nhiều cám dỗ, truyền thông như con dao hai lưỡi. Nghệ sĩ phải biết từ chối. Biết từ chối cũng chính là đẳng cấp văn hóa của người nghệ sĩ. Chỉ có lòng tự trọng, sức lao động chân chính, tài năng thực sự được rèn dũa trong lao động mới làm nên tên tuổi bền lâu của người nghệ sĩ.