Chuyện làng văn nghệ

Bám được vào đời nhờ... chín móng

Thứ Hai, 19/08/2013, 08:00

Công bằng mà nói, trong sự nghiệp thơ ca đồ sộ, tới gần hai mươi tập của Xuân Diệu, thì bài thơ "Hư vô" có phần hơi "lép vế". Thảng hoặc nó mới được nhắc tới một đôi câu để minh họa cho tấm lòng quấn quít của thi sĩ với cuộc đời. Kể từ khi Xuân Diệu mất đi, rất ít khi thấy các nhà phê bình động bút nhắc tới bài thơ này...

"Hư vô" là tên một bài thơ của Xuân Diệu viết trước Cách mạng Tháng Tám. Bài thơ có đoạn:    

Nhưng mà tôi sẽ chết, than ôi
Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời 
Kẻ đựng trái tim trìu máu đất
Hai tay chín móng bám vào đời
  

Công bằng mà nói, trong sự nghiệp thơ ca đồ sộ, tới gần hai mươi tập của Xuân Diệu, thì bài thơ trên có phần hơi "lép vế". Thảng hoặc nó mới được nhắc tới một đôi câu để minh họa cho tấm lòng quấn quít của thi sĩ với cuộc đời. Kể từ khi Xuân Diệu mất đi, rất ít khi thấy các nhà phê bình động bút nhắc tới bài thơ này.

Nhưng rồi cách dây ít năm, bài thơ cũng có một câu làm bạn đọc phải nảy sinh thắc mắc. Đó là câu: “Hai tay chín móng bám vào đời”. Lẽ thường, tay người phải mười móng, sao Xuân Diệu lại viết là chín. Vô lý quá! Và Báo Văn nghệ là nơI đầu tiên cho in thắc mắc này. Theo tác giả của bài góp ý, thì câu thơ đó bị người ta in nhầm. Đúng ra phải là: "Hai tay chín nóng bám vào đời".

Cái ý "tay chín nóng" đã khiến nhiều người… ngỡ ngàng. Một nhà thơ đã lên tiếng phê phán cách gán ghép này. Theo anh, nói vậy thì tay Xuân Diệu có khác gì… tay luộc. Và nhà thơ nọ cho rằng, có lẽ chữ "chín móng" là do in sai từ chữ "chíu móng".

Mặc dù bài trao đổi được thể hiện rất hấp dẫn, song chữ "chíu" mà nhà thơ nọ đưa ra vẫn làm bạn đọc thấy có gì khiên cưỡng. Bởi vậy, sau ý kiến tranh luận của anh, Báo Văn nghệ cho in một loạt ý kiến nữa.

Trong đó đáng chú ý là ý kiến của một nhà thơ cao niên và ý kiến của một nhà thơ trẻ.

Theo nhà thơ cao niên thì chữ "chín" không nên hiểu theo số đếm. Đặt trong câu, nó có nghĩa là "nóng quá đến mức chín cả móng". Và ông cho rằng, chữ "chín móng" là đúng của Xuân Diệu.

Nhà thơ trẻ cũng cho rằng, nguyên văn của câu thơ là vậy, chẳng có gì là bị in sai cả (anh còn lấy dẫn chứng từ tập thơ "Gửi hương cho gió", bản in lần đầu), duy cách hiểu của anh thì khác. Bằng bài phân tích khá dài, có đối chiếu với tổng thể bài thơ, nhà thơ trẻ này đi đến kết luận, đại để: "Hai tay chín móng bám vào đời", nghĩa là Xuân Diệu có cố đến mấy cũng chỉ bám được vào đời có chín móng, còn một móng "định mệnh" khuất lấp đâu đó.

Liền ba số báo, các ý kiến trao đổi, tranh luận xem ra vẫn chưa làm người đọc thoả mãn.

Trong tâm trạng như vậy, tôi tìm gặp một anh bạn nhà thơ hiện đang công tác tại một nhà xuất bản nọ.

- Theo anh thì nên hiểu câu thơ ấy như thế nào?

- Hiểu thế nào tùy thuộc cách cảm, cách nghĩ của mỗi người - Bạn tôi trả lời - Nhưng qua cuộc tranh luận, tôi có thể nói vui với cậu thế này: Ông Xuân Diệu viết "Hai tay chín móng bám vào đời" là rất sáng suốt.

- ??.

- Thế này nhé: Vì viết "chín móng", người ta thấy lạ, mới đâm thắc mắc, bởi thế mới có cuộc tranh luận, bài thơ mới có dịp được thiên hạ ôn lại. Còn nếu viết "mười móng" thì có gì nữa để mà bàn? Hẳn bài thơ cũng theo đó mà lặng lẽ "buông tay" khỏi cuộc đời. Như vậy, không phải vì nhờ chín móng mà bài thơ bám được vào đời đó sao?

Nghe ra, đối chiếu với thực tế trước - nay, thấy "ý kiến" của nhà thơ bạn tôi không phải không… có lý

Hồng lê
.
.