Bài toán nào cho xiếc Việt?

Thứ Sáu, 26/03/2021, 14:21
Có một môn nghệ thuật đòi hỏi lòng dũng cảm đến tuyệt đối, nhưng tuổi nghề ngắn và thu nhập thì vô cùng eo hẹp. Đó là nghệ thuật xiếc, một trong những bộ môn nghệ thuật sân khấu nhưng dường như bị hắt hủi coi như: "con rơi, con vãi", trong khi các chương trình truyền hình thực tế liên tiếp cho ra nhiều loại hình nghệ thuật giải trí vào các khung giờ vàng thì xiếc gần như chưa bao giờ được dành sự quan tâm, ưu ái nào.


Đời sống của người nghệ sĩ xiếc giống hệt như tên nghề "xiếc", thật bấp bênh, lên bổng xuống trầm. Nhưng không vì thế mà họ từ bỏ nghề, nhiều câu chuyện cảm động của người nghệ sĩ xiếc. Họ vẫn đau đáu gắn bó với nghề cho dù nhiều nghệ sỹ sau tai nạn nghề nghiệp vĩnh viễn phải ngồi xe lăn, và có đôi khi phải trả bằng cả tính mạng. Những lớp đàn anh đi trước vẫn đang ngày đêm oằn mình tìm ra hướng đi mới cho xiếc trong đời sống văn hoá quá sôi động cạnh tranh như hiện nay.

Tiết mục "Cánh chim Việt” của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đạt giải Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba 2017. Ảnh: TTXVN

Bấy lâu nay người ta vẫn thường đóng đinh trong quan niệm xiếc chỉ để dành cho con trẻ. Và quả thật, so với các loại hình giải trí nghe nhìn khác thì xiếc dường như bị "lép vế", nằm ngoài lề, hay bị coi như "đứa con ngoại lai". 

Nếu như một chương trình ca nhạc có sự xuất hiện của một, hai ngôi sao đang lên, giá vé có thể lên đến từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng/ buổi biểu diễn. Một đêm biểu diễn có mặt một hay hai danh hài người ta cũng đổ xô đi mua vé, không ngần ngại bỏ tiền với giá cắt cổ và khán giả hôm đấy có thể kín rạp. 

Vậy còn xiếc thì sao?! Đến bây giờ người ta vẫn thấy quen thuộc một chiếc xe máy phóng các hang cùng ngõ hẻm cài cái loa nối với bình ắc quy đi rao: "Tối ngày tại địa điểm... có chương trình xiếc, mời các cô chú anh chị đi xem..." và giá vé cao nhất là 200.000 - 300.000 đồng/buổi.

Người ta có thể bắt gặp một chàng hay nàng vecđơ của làng mẫu dưỡn dẹo ở tại một khu biệt thự trong khu resort 5 sao với giá vài chục triệu/ đêm. Còn thì diễn viên xiếc họ ngồi lặng lẽ một góc ngơ ngác, ăn uống rất đạm bạc, cơm hộp với giá cực kì bình dân. 

NSND Ngọc Trúc từng than: "Bao nhiêu năm qua, các nghệ sĩ trẻ ngoài tiền biểu diễn rất ít ỏi vì không có khán giả, chỉ được hưởng lương hơn 2 triệu đồng/ tháng. Đến công nhân cũng còn được 6-7 triệu đồng/tháng". Thực tế, lương của nghệ sĩ trẻ học được đào tạo 6 năm ra trường cống hiến cho nghề xiếc bằng một nửa lương cô osin giúp việc nhà.

Nếu như diễn viên sân khấu từ kịch nói, chèo, cải lương may mắn được gọi đi đóng seri phim truyền hình, tiền catse có thể không quá cao, nhưng bộ phim đấy nổi lên gây được ấn tượng với khán giả, thì ngay lập tức giá catse của diễn viên cũng leo thang vòn vọt. Những nghệ sĩ diễn viên đấy sau đó sẽ được mời đi đóng quảng cáo, dự sự kiện... thu nhập khủng. Còn nghệ xiếc cả đời cống hiến cho nghề vẫn thường sống trong ngôi nhà hai mươi mét vuông, trông như một chuồng chim câu. Họ đã sống như vậy suốt bao nhiêu năm nay trong khu tập thể cạnh Liên đoàn Xiếc Việt Nam...

Vài ba năm trở lại đây nghệ thuật xiếc mới bắt đầu thực sự có sự đổi mới khi người ta mạnh dạn phá bỏ rào cản xiếc độc lập mà bắt tay liên kết với các loại hình nghệ thuật khác như cải lương, vũ đạo, múa rối để cho ra một chương trình nghệ thuật đặc sắc có hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, trang phục. 

Xiếc giờ đây không đơn thuần chỉ là tiết mục nhỏ lẻ mà là cả một câu chuyện dài được kể bằng ngôn ngữ xiếc nhưng có thông điệp và ý nghĩa. Những chương trình "Làng tôi"; "À ố Show"; "Sông Trăng"; "Lọ nước Thần"; "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh"; "Alibaba và 40 tên cướp"… đã bắt đầu có những hiệu ứng mạnh, ghi điểm trong lòng khán giả.

Giảm dần sử dụng động vật hoang dã

NSND Tạ Duy Ánh (Giám đốc Liên đoàn Nghệ thuật xiếc Trung ương)

- PV: Khi nói đến xiếc, người nghe thường nghĩ đến những con thú hoang dã, được con người thuần dưỡng và biểu diễn, ông có thể cho người đọc biết những khó khăn trong huấn luyện thú hoang?

+ NSND Tạ Duy Ánh: Nhiều lắm, cụ thể là câu chuyện của cha tôi. Ngày nhỏ, kể cả vào những đêm đông rét mướt hay mùa hè oi bức, bố tôi vẫn thường ra khỏi nhà lúc nửa đêm. Sau đó tôi mới biếtcứ 2 - 3h sáng ông đến chỗ làm và lôi con thú ra tập. Tôi ngạc nhiên lắm bảo: "Ơ sao bố không dạy nó vào ban ngày mà nửa đêm phải dạy như thế này cho vất vả?". Bố tôi thủng thẳng nói: "Ông nội con dạy bố - Nghệ nhân Tạ Duy Hiển người sáng lập ra ngành Xiếc Việt Nam: Những con thú mà là động vật hoang dã thì đồng hồ sinh học của nó khác. Nó ngủ ngày, và có khả năng săn mồi vào ban đêm. Ban đêm là lúc nó tỉnh táo nhất. Lúc đấy mình truyền dạy cho nó thì nó mới tiếp thu nhanh, chứ ban ngày mình lôi nó ra tập mà nó đang buồn ngủ, không cẩn thận thú tính nổi lên thì nó tát mình".

Phải có kinh nghiệm và yêu nghề lắm mới kiên trì dạy động vật hằng đêm như thế được. Lúc đấy bố tôi đang dạy tiết mục sư tử, hổ, báo. Theo quy định là khi một người vào dạy con thú thì ở ngoài lồng sắt cũng phải có 3, 4 người nữa phụ giúp, hỗ trợ, để có vấn đề gì thì vào can thiệp. Nhưng đêm tối, sợ mất giấc ngủ của mọi người nên ông không muốn phiền đến ai.

Đêm hôm đấy, bố tôi lôi con báo ra tập một mình. Con báo bản tính hoang dã, tốc độ còn hơn cả hổ và sư tử. Lẽ ra nó nhảy qua vòng lửa 1 đến 2 lần thì ông phải thưởng miếng thịt, để động viên nó. Ngày đấy khó khăn, kinh tế eo hẹp, ông tiếc miếng mồi, bắt nó làm nhiều quá, nó nhảy đến 10 lần vẫn chưa được ăn, thú tính nổ lên, nó tát, may ông đưa tay ra đỡ kịp. Ông không nhanh là nó bập vào gáy. Bốn cái móng của nó hằn sâu ở bắp tay, máu phun ra xối xả. Con thú hoang càng thấy máu càng trở nên khát máu. Nó tấn công liên tiếp. Ông khoẻ nên chui được vào gầm ghế. Cả một đêm ở yên trong đấy, máu me đầm đìa. Mãi đến sáng mới có người biết. Lấy cái chăn Nam Định bó bố lại đưa đi cấp cứu. Kỉ niệm đấy chính là tấm gương làm nghề, yêu nghề cháy bỏng.

- PV: Vâng, dạy thú, nhất là những động vật hoang dã như hổ, báo, sư tử… quả là rất nguy hiểm. Và gần đây người ta đang tranh cãi về vấn đề này, liệu tới đây xiếc thú (động vật hoang dã) có còn?

+ NSND Tạ Duy Ánh: Về vấn đề xiếc động vật hoang dã có 2 luồng ý kiến, như ở Mỹ người ta phản đối hoàn toàn xiếc thú dữ, hoặc Mexico cũng phản đối mạnh. Nhưng ở Nga có quan niệm: "Tôi có đối xử tệ bạc với nó đâu, tôi còn yêu nó hơn cả con người. Nó là "người bạn đồng hành" với tôi. Nó là "nghệ sĩ" chứ tôi không coi nó là một con thú. Mà nó rất thông minh. Thậm chí chúng tôi biểu diễn cho các bạn để các bạn yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu con thú hơn".

Ở Việt Nam, trước đây Cộng hoà Dân chủ Đức tặng mình mấy con sư tử để dạy. Cuộc thi gần đây nhất của Nga, Ý, Pháp vẫn thi các loại thú hoang dã như sư tử, hổ, báo. Nhưng gần đây thì Hiệp hội Bảo vệ động vật Châu Á cũng có kêu gọi không sử dụng thú hoang dã cho nghệ thuật xiếc. Tất nhiên mình chưa bị người ta thổi còi hay gì cả đâu, nhưng bản thân Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang giảm dần về động vật hoang dã để chuyển sang động vật nuôi như trâu, ngựa, dê, lợn, vẹt, chó, mèo. Cũng dần dần có những chuyển đổi như thế là có ý nghĩa tích cực.

- PV: Xiếc lợn ư, nghe cũng thú vị nhỉ!

+ NSND Tạ Duy Ánh: Lợn dạy biểu diễn tiết mục rất tốt. Mèo tưởng nó nhút nhát nhưng vẫn dạy thành tiết mục, vẹt cũng học được. Người nghệ sĩ họ phải dày công hơn vì có con thú rất nhanh nhẹn, nhưng có những con thú phải mất rất nhiều công thì mới dạy dỗ được nó. Nhưng nghệ sĩ yêu nghề vẫn dạy được. Bây giờ cố gắng động viên nhau để cùng giữ nghề, phục vụ công chúng khán giả.

- PV: Xiếc Việt có vị thế nào trên bản đồ thế giới, thưa ông?

+ NSND Tạ Duy Ánh: Từ khi bắt đầu hội nhập cũng đã có những điều rất tốt cho ngành Xiếc của Việt Nam. Vì chúng ta bắt đầu có những chương trình mang đi biểu diễn và tham gia các cuộc thi ở nhiều nước là cường quốc của xiếc như Nga, Trung Quốc, Cuba, Ý, Pháp, Đức... Các nước bạn lại rất ngỡ ngàng là Việt Nam có nền nghệ thuật xiếc tốt như thế.

- PV: Nhưng có một thực tế, nghệ sĩ xiếc cống hiến rất nhiều, thậm chí phải dùng từ hi sinh vì đây là là một nghề nguy hiểm nhưng đời sống rất bếp bênh và thu nhập eo hẹp.

+ NSND Tạ Duy Ánh: Xiếc là bộ môn cần sự kết hợp tập thể vậy nên tập thể đấy phải gắn kết với nhau, sự chia sẻ với nhau thì mới làm nghề được. Có rất nhiều đôi vợ chồng từ tình yêu nghề thành tình yêu lứa đôi, rồi thành gia đình, đấy là việc rất tốt. Thực ra có ở trong nghề thì mới chia sẻ, thông cảm với nhau được, không thì cũng rất khó. Có những bạn lấy chồng, vợ bên ngoài nhưng nhiều gia đình có điều kiện, rồi một thời gian người ta cũng không muốn theo nghề  này nữa, vì vất vả. Họ nghĩ rằng có một sự chuyển đổi tích cực thì họ có điều kiện để làm. Đại đa số những người đã theo nghề thì họ không bỏ giữa chừng, họ vẫn cố gắng theo nghề đến cùng. Trong bối cảnh như hiện nay đấy là điều rất đáng trân trọng. 

Đổi mới hay là chết?

Bà Nguyễn Ngọc Anh (Phó Trưởng khoa Đoàn nghệ thuật xiếc dân gian - Liên đoàn Xiếc Việt Nam)

Gần đây, để quảng bá giới thiệu, xiếc Việt Nam đã lồng ghép vào bản sắc văn hoá dân tộc và dàn dựng được rất nhiều vở diễn, gần đây vở: "Làng tôi" đi biểu diễn 4 năm liền ở khắp châu Âu. Khi "Làng tôi" về Việt Nam, không ít nghệ sĩ chuyển ra làm ở công ty bên ngoài thì Liên đoàn xiếc lại tiếp tục dàn dựng vở diễn mới "Sông Trăng". 

"Sông Trăng" là những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ xiếc và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Một vở diễn trong 90 phút thưởng thức ngôn ngữ xiếc là chủ đạo nhưng có cả múa đương đại và nghệ thuật sắp đặt cùng với trang phục mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam... 

"Sông Trăng" đã đi biểu diễn liên tục ở 7 thành phố Tây Đức đến 16 tháng. Và khán giả nước bạn rất ngỡ ngàng và nói rằng: "Sao lại có chương trình ăn khách như thế". Đấy là câu chuyện mà xiếc Việt Nam có những bước tiến lớn và hoà nhập rất tốt.

Tuỳ vào những cuộc thi hay các kì liên hoan để xây dựng chương trình phù hơp với cuộc thi đó. Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 thì xây dựng chương trình có chủ đề, lồng ghép bằng những câu chuyện ngụ ngôn hay cổ tích xây dựng thành vở diễn để phục vụ các cháu thiếu nhi như "Sơn Tinh, Thủy Tinh", "Alibaba và 40 tên cướp". 

Chúng tôi làm những câu chuyện có ý nghĩa về tính nhân văn, dịp 27/ 7 Ngày Thương binh - Liệt sĩ thì cho đến năm nay là năm thứ ba chuẩn bị xây dựng chủ đề là "Đi cùng năm tháng". Chủ đề đầu tiên là "Điện Biên Phủ", tiếp tục nói về "Trường Sơn", năm vừa qua là nói về biển đảo. Mỗi một năm chúng tôi làm về một chủ đề. Chủ đề này muốn kêu gọi, giáo dục thế hệ trẻ biết uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. 

Những ai tham gia trong chương trình đấy kể cả người dàn dựng, sáng tạo, diễn viên đều không nhận catse, đều là cống hiến. Và chúng tôi lan toả, dần kêu gọi đến các tổ chức xã hội, các Hội Cựu chiến binh. Các doanh nghiệp có sự đồng lòng, có nguồn thu chúng tôi ủng hộ cho Cảnh sát biển hoặc ủng hộ cho các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. 

Tiếc rằng, hiện nay rất ít người biết đến chúng tôi, để hiểu một cách thật sâu, thật rõ về xiếc không phải ai cũng có thể hiểu được. Như chúng tôi đã từng làm câu chuyện về ngày 27/7 rất ý nghĩa nhưng không mấy người biết. Đấy là một cái rất thiệt thòi.

Không có chế độ chính sách tốt, khó giữ chân nhân tài

Ông Ngô Lê Thắng (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kĩ Việt Nam)

- PV: Ở cương vị là một người đứng đầu đào tạo ra những nghệ sĩ xiếc tương lai cho Việt Nam, ông thấy những năm gần đây có những thay đổi gì?

+ Ông Ngô Lê Thắng: Chuyên ngành xiếc tuyển thí sinh gái từ 11 đến 13 tuổi. Còn nếu chuyên ngành tạp kĩ thì tuyển từ 11 đến 15, thí sinh trai thì từ 11 đến 18 tuổi. Số tuổi chênh nhau nên em 11 tuổi và em 18 tuổi lại học cùng một khoá. Có ba hình thức để tuyển sinh, và qua ba vòng. Vòng thứ nhất: sơ tuyển, giáo viên đi tuyển trực tiếp, hoặc tuyển tại trường. Từ năm ngoái thêm hình thức tuyển online, tuyển qua phần mềm kĩ thuật số, mạng xã hội.

Vòng thứ nhất là chỉ tuyển hình thể, chưa tuyển gì đến năng khiếu. Làm xiếc tay phải thẳng, người phải cân đối, khuôn mặt phải ưa nhìn. Khi trúng tuyển vòng 1 rồi thì lại phải hẹn tất cả về tập trung tại trường để tuyển vòng chung tuyển. Vòng chung tuyển mới xem kĩ hơn về tỉ lệ. Tỷ lệ giữa lưng và chân, chân có dài không hay chân ngắn quá. Hoặc là xem những cái cụ thể là vai cháu có cứng không? Cột sống có vẹo không? Thậm chí có những cháu người chả làm sao cả. Lúc sơ tuyển thì làm sao mà mình xem hết, đến vòng chung tuyển xem kĩ thì đến lúc cởi quần áo ra mới thấy cháu bị mổ ruột thừa có sẹo. 

Những năm gần đây, nhất là tuyển những cháu lớn nhiều khi mặt rất đẹp, nhưng cháu lại xăm một hình to tướng ở trong người. Xăm thì bây giờ không bị đánh giá là tệ nạn xã hội, đầu gấu, nhưng mà có hình xăm thì không thể tuyển được. Và còn nhiều khuyết tật khác. 

Ví như mình tuyển ở trên online thì không biết vì em nó che tóc, đến khi tuyển vòng chung khảo thì thấy em bị vết bớt, khuyết tật, dị tật.  Khi tuyển online, thầy bảo: "Con giơ tay lên, con đi đi lại lại xem nào". Nhiều cháu mặt rất xinh nhưng lúc đi thì lại tập tễnh. Trực tuyến thì chỉ ở vòng sơ tuyển thôi. Đến khi bắt đầu vào vòng trong chung tuyển rồi thì phải đến trường. Sang đến vòng phúc tuyển thì xem năng khiếu, phản xạ của các cháu có tốt không. 

- PV: Vậy xong hình thể và năng khiếu là trúng tuyển ạ?

+ Ông Ngô Lê Thắng: Không, đã xong đâu. Còn một cái cuối cùng là sau khi trúng tuyển xong, hết lấy từ cao xuống thấp rồi, thì lúc đấy nhà trường phải mời bác sĩ trực tiếp về trường để khám sức khoẻ tổng thể. Xảy ra một tình trạng trong mấy năm trở lại đây thành một hiện tượng, do xã hội phát triển nên rất nhiều cháu đến khi khám sức khoẻ lại trượt vì mắt có 3/10 với 5/10. Mắt cận, mắt viễn, loạn thị… những bệnh mà gần đây rất hay bị. Ngày xưa thời của chúng tôi, ngày đấy thường xuyên đèn dầu tù mù, có học sinh nào bị trượt về mắt đâu. Cậu nào kém thì 10/10 chứ không thì cũng 12/10. Nhưng bây giờ đèn điện sáng trưng, trẻ con bị bệnh về mắt cực kì nhiều.

- PV: Mỗi năm có bao nhiêu cháu đăng kí tuyển sinh và nhà trường lấy chỉ tiêu bao nhiêu học sinh, và học 6 năm đến khi tốt nghiệp một khoá ra trường có bao nhiêu học sinh, thưa ông?

+ Ông Ngô Lê Thắng: Vòng sơ tuyển có đến 6.000 cháu tham gia, sang vòng chung tuyển lấy còn 400 cháu. Qua các khâu đỗ vào trường còn 50 cháu mỗi khoá. Và khoá học đấy đến khi học xong ra trường giảm xuống còn một nửa.

- PV: Ồ, thật đáng ngạc nhiên, điều gì đã xảy ra với những em học sinh vậy?

+ Ông Ngô Lê Thắng: Có rất nhiều nguyên nhân. Có những trường hợp do tập luyện bị tai nạn tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ quá nhưng để tiếp tục lao động nặng thì lại không được nữa, hoặc là không an toàn. Một cháu đang học xiếc bị đau ruột thừa, với người bình thường thì không sao, nhưng ở xiếc mà mổ ruột thừa như thế thì gia đình phải cho về rồi. Vì cháu mổ ruột thừa xong bác sĩ ghi vào y bạ: "Tránh vận động 6 tháng". Xiếc thì làm sao mà đúp được, vì đang tập 1 tiết mục 7 người với nhau, mà 1 bạn lại nghỉ 6 tháng, thì các bạn kia tập đến chỗ nào rồi. 

Hoặc là vào trường học vài năm đến tuổi phát triển sinh lý mới bị cận thị, loạn thị, nhưng số đấy ít thôi. Chủ yếu các cháu đang học phải về là do vào học rồi mới phát hiện ra các cháu học sinh đấy không phát huy được năng khiếu. Nhà trường phải gọi bố mẹ lên đón về. Xảy ra tình trạng con không thích học, mà bố mẹ cứ ép con học, sợ con về thì mang tiếng với hàng xóm, láng giềng. 

Có học sinh thì rất có năng khiếu, ham học, nhưng bố mẹ lên lại ép về không cho đi học nữa. Hỏi làm sao thì hoá ra người ta bảo: "Không chịu được áp lực từ hàng xóm láng giềng, họ hàng cô dì chú bác nói ra nói vào bảo: "Nhà mày nghèo khổ không nuôi được nổi nó hay sao mà phải đẩy nó đi học xa nhà khi mới 11 tuổi...?". Cha mẹ bắt về, con khóc tức tưởi xin ở lại. Nhà trường cũng không can thiệp được, vì ở độ tuổi đấy, vẫn phải chịu sự quản lý của bố mẹ.

- PV: Đây là cái nôi đào tạo ra những nghệ sĩ xiếc tương lai, mà đầu ra lại bị giảm đi hơn nửa học viên so với lúc mới tuyển đầu vào, điều đấy có ảnh hưởng gì thưa ông?.

Ông Ngô Lê Thắng: Ảnh hưởng quá đi chứ. Những năm gần đây trường xiếc đào tạo ra cung không đủ cầu. Thậm chí có trường hợp năm ngoái và năm kia, học sinh thi tốt nghiệp ra trường đến 10h sáng là xong, các đơn vị nghệ thuật xã hội hoá đã mua vé cho đi bay luôn lúc 13h vào trong miền Nam để về đoàn của người ta rồi. 

Nếu không có chế độ ưu đãi đặc biệt, đặc thù thì những đoàn nghệ thuật Trung ương như Liên đoàn xiếc Việt Nam không có người để mà nối tiếp. Những công ty nghệ thuật tư nhân làm chương trình nghệ thuật của các khu vui chơi, giải trí này nhận học sinh vừa mới ra trường là người ta nuôi ăn, cho chỗ ở, và có lương cứng. Học sinh vừa mới tốt nghiệp ra trường, họ trả 16 triệu. Vậy thì đoàn Trung ương lấy đâu ra mà giả.

Tâm lý trẻ con thích bay nhảy, làm nghệ sĩ ở trong khu resort chế độ thì sướng, lương cao... Mấy năm gần đây để giữ người lại là khó. Mà các công ty tư nhân họ tự liên hệ với học viên. 

- PV: Thực trạng này liệu có cách nào cứu vãn...?

+ Ông Ngô Lê Thắng: Nhiệm vụ của trường là đào tạo ra diễn viên xiếc, nhưng không phải là đào tạo cho một đơn vị cụ thể nào như Liên đoàn xiếc Trung ương, hay xiếc TP. Hồ Chí Minh mà đào tạo cho xã hội. Còn ra trường học viên về đâu là việc của cá nhân học viên đó. Nếu như không có chế độ chính sách tốt, nếu nói là chảy máu nhân tài thì hơi quá, nhưng những em có khả năng là sẽ ra ngoài làm hết. Ở cơ quan Nhà nước giờ có quy định mới là không được kí hợp đồng lao động dài hạn, không được trả bảo hiểm. Luật này mới ra từ năm ngoái. Bây giờ chỉ kí được hợp đồng ngắn hạn mà lại không được đóng bảo hiểm. Thật quá thiệt thòi. Mà lương có 3 triệu, 5 triệu thì làm sao sống được?! Chỉ đủ ăn mì tôm gói... 

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.