Bài thơ cuộc sống

Thứ Ba, 03/04/2018, 08:11
Trung úy Trung cho hay: "Mũi Sa Vĩ hay Tràng Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Người địa phương gọi là mũi Gót (bãi Gót). Bãi vươn ra ngoài biển, dài hàng cây số, ấy là khi nước thủy triều rút và lộ ra một dải đất dài xa vút, bãi lúp xúp những cây sú vẹt và lệt sệt bùn đất"...


Nắng bắt đầu lên. Mặt biển nhuốm màu óng ánh. Ngày mới đang tỏ rõ sức thu hút diệu kỳ của mình. Trung úy Trung, cán bộ Trạm Biên phòng Sa Vĩ, người được Đồn Biên phòng Trà Cổ phân công hướng dẫn chúng tôi tham quan khu vực địa đầu của Tổ quốc, chỉ tay về hướng Bắc. Trong ánh ngày mờ tỏ, chúng tôi đã nhìn thấy cột mốc chủ quyền. Cột mốc 1378, một cột mốc gây nên sự lạ kỳ bởi chính từ vị trí đặt giữa sông Bắc Luân. Qua dòng nước đang ồn ào đổ ra cửa biển cuộn sóng dập duềnh, tôi có cảm tưởng như chính cột mốc ấy cũng đang bập bềnh lên xuống kiên trung với "hoàn cảnh" của mình.

Trung úy Trung cho hay: "Mũi Sa Vĩ hay Tràng Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Người địa phương gọi là mũi Gót (bãi Gót). Bãi vươn ra ngoài biển, dài hàng cây số, ấy là khi nước thủy triều rút và lộ ra một dải đất dài xa vút, bãi lúp xúp những cây sú vẹt và lệt sệt bùn đất".

Bãi Gót dài ra như chẳng chịu muốn chấm dứt "cuộc vươn" về phía biển của mình. Chẳng cần đâu xa, chúng tôi đã thấy những người đàn bà người địa phương với những bộ quần áo cùng mặt mày lấm lem bùn cát, họ mới từ ngoài bãi trở vào bờ và đang túm tụm thành nhóm. Trung úy Trung cho biết, những người đàn bà này đã thức suốt đêm qua ngoài bãi. Tôi khá bất ngờ khi biết dù đã thức suốt cả đêm qua nhưng như họ không hề có biểu hiện mệt mỏi, trái lại nét mặt ai đó cũng rạng ngời?

Những người đàn bà đi cào ngao từ lúc nửa đêm
những người đàn bà thức với canh khuya
những mặt người lầm lũi.

"Đêm qua họ đã "trúng" mẻ ngao kha khá? Cuộc mưu sinh dù qua vất vả nhưng có thành quả thì mệt cũng thành hứng khởi" - Trung úy Trung nhanh nhạy đoán định và nói với chúng tôi như vậy. Nhìn vào nét mặt hồ hởi của những người đàn bà địa phương, tôi cũng đã nhận ra họ đang rất vui. Nắng mới hanh hao trên những gương mặt lam lũ.

Những người đàn bà
không viết "hành động" của mình lên "dòng thời gian" (status)
không một ai chia sẻ
những người đàn bà cần cù
lặng lẽ
Ở đây không có "câu viu" (view)
không màng nhấn "thích" (like)
những người đàn bà giấu mặt xuống bùn xuống cát
mong manh
thân phận mưu sinh

Những người dân đang cào ngao ngoài bãi Gót - Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh.

Tôi lại chỗ những người đàn bà đang túm tụm, họ đều quấn khăn che kín mặt nên rất khó đoán tuổi để xưng hô. Lân la hỏi chuyện làm thân và cuối cùng tôi cũng bắt chuyện được với một người đàn bà đang đứng thẳng người, bà này vừa tháo khăn và ngửa cổ như để cố hít không khí ban mai. Một người đàn bà chừng sáu mươi tuổi, dáng gầy gầy, da mặt sạm tái và có giọng nói "đặc sệt" người Trà Cổ, giọng nói với âm sắc "tr" không lẫn được. Bà cất tiếng đáp lại câu chào của tôi, nghe khan và nằng nặng nhưng ánh mắt cho thấy bà đã bộc lộ vẻ đón chuyện.

Tôi được thể tìm hiểu đời sống và công việc mưu sinh của ngững người đàn bà nơi địa đầu của Tổ quốc: "Cào ngao là nghề của các chị à?". Bà Hiên, tên người đàn bà, quay lại nhìn tôi một lát. Chắc bà đã quen với những câu hỏi "lạ lùng" như thế của khách thập phương mỗi khi đến đây. Bà thong thả trả lời: "Người Trà Cổ chúng tôi sinh sống bằng nhiều nghề, nghề biển cũng lắm dạng. Cào ngao hay nạo vạn là nghề lâu đời nhất". Tôi lại nhíu mắt hỏi thêm: "Nghề này làm như thế nào ạ?".

Bà Hiên phẩy tay định thôi không nói nhưng thấy vẻ mặt đang ngẩn ra của tôi nên đành trả lời: "Thường thì khoảng từ 6 giờ tối cho tới 12 giờ đêm, đó là giờ chúng tôi rời nhà để đi cào ngao. Vấn đề còn là theo thủy triều lên xuống. Trước khi thủy triều rút chúng tôi đi bè máy kết bằng tre để ra mãi ngoài đầu bãi. Chờ nước ròng tức là nước rút, xum xúp thì chúng tôi xuống biển với cái cào, đầu cán cào dài được tì vào vai và đỡ bằng đầu. Cào ngao là phải đi giật lùi cào chạm vào ngao.

Ngao biển sinh sống tự nhiên. Nước thủy triều lên thì chúng nổi lên bơi kiếm ăn. Nước bắt đầu rút thì chúng ngậm miệng lại rồi chìm lặn xuống bùn. Cào chạm vào ngao thì dừng lại vớt lên. Đơn giản thế thôi". Tôi lại hỏi thêm: "Cào ngao sao còn gọi là nạo vạn". Bà Hiên cười ngặt nghẽo: "Hiểu nôm na là thế này. Vạn là vạn đò vạn chài vạn lưới ấy. Còn nạo là nạo vét ấy. Có thế mà cứ hỏi". Tôi cười vui lây với tiếng cười của bà Hiên, người đàn bà làm nghề cào ngao nơi biển Trà Cổ.

Đám đông tụ tập ngay đầu bãi Gót lại càng thêm đông đúc. Giờ thì đã có thêm những gã đàn ông mặt mày bộc lộ vẻ vội vã. Họ phóng xe máy từ trong thành phố tới. Họ là những người chuyên chở ngao về chợ sau khi những người thu gom đã ngã giá xong xuôi.

Thực ra chuyện ngã giá cũng chỉ là thứ thủ tục mà thôi, bởi giá ngao những người đàn bà lam lũ kia cào được ngao nhưng họ đâu có quyền quyết định. Giá ngao biển tự nhiên bao giờ cũng do "nhà mối" định ra. Hôm biển  động ít ngao thì giá cao. Bữa ngọt trời, ngao nhiều thì giá hạ. Hơn nữa còn phải chịu "tác động" của bên mua là phía Trung Quốc. Tôi buồn buồn nhìn những thúng những mẹt ngao ăm ắp, tươi rói phải hôm rớt giá mà tiếc vu vơ.

Tôi hỏi mua ngao bãi Gót. Những con ngao to gần bằng ba ngón tay, thân vỏ có màu đen chũi, mới nhìn thôi đã như cảm thấy cái vị ngầy ngậy lìm lịm trong họng. "Ngao bãi Gót khi hấp xong cậy vỏ ra thịt vẫn đầy chứ không hao như ngao nuôi". Bà Hiên giải thích cho tôi hay sau khi chính bà vì nể tình mà phải cất lời nói khó với người thu gom "Các chú ấy ở mãi Hà Nội tới lại chưa được ăn ngao bãi Gót mình bao giờ. Cho các chú ấy thưởng thức tí chút".

Những người đàn bà giấu tuổi mình vào đêm tối
nguyện thân với đất với trời
những người đàn bà cặm cụi
cào ngao
dúi chân vào cát
họ bình dị dúi tâm hồn vào đất
bền bỉ
dẻo dai
nhẫn nại như những hàng cây sú vẹt
những hàng cây bám vào chân song
vươn lòng ra với khơi xa

Bãi Gót nằm ở vị trí khá đặc biệt với một bên cửa sông Bắc Luân có vùng biển giáp ranh với Trung Quốc và một bên tiếp nối với bãi biển Trà Cổ nổi tiếng với bờ cát trắng dài hơn 10km mang hình cánh cung. Trung úy Trung cho biết địa bàn mưu sinh của những người đàn bà cào ngao cũng chính là địa bàn thuộc "khu vực vành đai biên giới". Đó là địa bàn quan trọng, nhạy cảm và cần được tôn trọng những quy định biên phòng.

Tuy nhiên cuộc mưu sinh đó đã biến những người dân bình thường tình cờ trở thành những người Việt Nam luôn có mặt ở nơi địa đầu sóng gió. "Họ trở thành những người giữ đất ngay từ thuở khai thiên lập địa". Trung úy Trung nói thêm vào rồi chỉ tay khoát một vòng rộng. Ý chừng như muốn nói công tác tuần tra đường biên, bảo vệ chủ quyền và đấu tranh giữ vững chủ quyền nếu như không dựa vào những người dân địa phương thì các anh cũng khó hoàn thành nổi.

Hơn sáu trăm năm trước, những người vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng ngược biển lên biên ải. Ban đầu họ chỉ có mười hai gia đình của mười hai trai đinh dũng cảm. Cuộc sống nơi biên viễn xa xôi lại đúng thuở đầu gây dựng nên có nhiều khó khăn. Sáu gia đình trụ lại và sáu gia đình quay thuyền trở về quê cũ. Những người trụ lại đã tận tâm, tận tụy dựng nên tên làng tên bãi, dựng nên nghiệp sống.

Những người đàn bà thôn Sa Vĩ, Tràng Sa
cào ngao ngoài bãi Gót
những người đàn bà nguyện hằng đêm thao thức
miệt mài canh đất
những người đàn bà
tự thân thành người lính gác
âm thầm canh biển đêm đêm

Tôi khép lại những vần thơ của mình. Những vần thơ không phải để ngợi ca cuộc mưu sinh của những người đàn bà tần tảo mà đó là những ghi chép chân thực về cuộc sống hằng ngày nơi biên viễn địa đầu Tổ quốc bằng thơ trong chuyến đi thực tế ở nơi này.

Miền biên cương Móng Cái đã và đang có những con người bình dị. Họ nhập thân vào "công cuộc giữ nước vẻ vang" và  “nguyện thân làm cột mốc sống" mà không hề biết rằng mình đã và mãi đang làm một việc đầy ý nghĩa. Sự dung dị đến quên cả chính mình của những người đàn bà ấy đã tự nhiên mà vượt qua thời gian.

Nguyễn Trọng Văn
.
.