Bài ca năm cũ

Chủ Nhật, 18/02/2018, 08:26
Không khí tưng bừng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2017), 40 năm ngày ký hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1997 – 18/7/2017); chào mừng năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào đã gợi cho tác giả bài viết này một số kỷ niệm với các bạn An ninh Lào cách đây trên 20 năm, trong dịp được tham gia Đoàn cán bộ An ninh Việt Nam do Phó Tổng Cục trưởng Lê Tiền dẫn đầu sang trao đổi công tác nghiệp vụ với lực lượng An ninh Lào.


Đó là chuyến đi công khai đầu tiên tôi được “cưỡi máy bay” tới Thủ đô nước bạn. Thực ra, tôi đã từng đi trên đất Lào, đó là những ngày hành quân vào chiến trường miền Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Cả tháng trời bám theo sườn Đông dãy Trường Sơn. Cứ tạt qua tạt lại dọc theo biên giới giữa ta và bạn. Có những cung đường giao liên cả mấy ngày đi trên đất bạn. Trận sốt rét đầu tiên tôi phải nằm lại 3 ngày tại trạm y tế tiền phương cũng đặt ngay trên đất bạn.

Những ngày ấy, tôi đã thầm mơ tới ngày giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất, toàn cõi Đông Dương thanh bình, được đặt chân tới Thủ đô nước bạn. Giấc mơ ấy tới mấy chục năm sau mới trở thành hiện thực.

*

Sau những ngày hội đàm, rồi làm việc trực tiếp với các đơn vị chức năng, bạn bố trí cho đoàn đi tham quan nhiều danh thắng tại Thủ đô Viên Chăn. Thật quá chu đáo, trọng thị - ngoài cán bộ đối ngoại của bạn hướng dẫn đoàn chúng tôi, Phó Tổng cục trưởng An ninh Pết Xem Mỏm cũng tháp tùng luôn. Buổi tối, anh còn trực tiếp đưa chúng tôi tới một số trung tâm văn hóa – văn nghệ! Điều bất ngờ đối với tôi ấy là nhiều điểm hoạt động văn nghệ có cả những nhạc phẩm của Việt Nam, đặc biệt là những sáng tác của Trịnh Công Sơn, Trần Tiến…

Theo chương trình, chúng tôi còn được tham quan một số tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia – tới cánh đồng Chum, tới một số địa danh đã tạo nên chiến công từ sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng An ninh của ta và bạn tiêu diệt nhiều nhóm vũ trang của một số tổ chức phản động trong Cộng đồng người Việt hải ngoại xâm nhập về Việt Nam. Tới đâu cũng được lực lượng Công an địa phương đón tiếp chu đáo, đầy nghĩa tình đồng chí anh em.

Cái lý thú nhất đối với tôi trong 2 ngày ở Nam Lào và được luyện lại điệu múa Nam Vông, điệu múa đặc trưng của xứ sở triệu voi mà tôi đã mê từ mấy chục năm trước, thời còn là học sinh Trường Hạ sĩ quan pháo binh Quân khu Tây bắc, nhờ bữa liên hoan chia tay, Công an địa phương tổ chức văn nghệ thật “hoành tráng” – tất cả mọi người đều tham gia múa.

*

Chúng tôi trở tại Viên Chăn bằng chuyến máy bay chiều cho kịp cuộc gặp đồng chí Chiêng Sổm – Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Lãnh đạo cấp cao của bạn gặp đoàn vừa mang ý nghĩa thăm thân, vừa là để liên hoan chia tay, vì hôm sau chúng tôi đã bay về nước.

Tác giả (bìa phải) trong điệu múa Lăm Vông với các bạn Lào.

Một điều ngỡ ngàng đối với tôi, ấy là khi Thứ trưởng Chiêng Sổm đi bắt tay từng thành viên trong đoàn, tới chỗ tôi, ông khẽ reo lên: “A! đồng chí đây rồi! Tôi nghe anh em báo cáo, về phía Nam, đồng chí múa Nam Vông rất đẹp và hát được cả tiếng Lào nữa. Vì vậy, hôm nay chúng tôi mời cơm các đồng chí tại Nhà hàng Nam Vông để được thưởng thức văn nghệ của các đồng chí”.

Tôi liếc nhìn vào căn phòng rộng phía trong nơi có mấy cô gái Lào tập trung bên dàn nhạc cụ thật hoành tráng – những organ, guita điện, trống, chiêng… chỉ trông đã “lạnh toát mồ hôi”. Đành rằng về phía Nam tôi có tham gia múa cùng mọi người và hát một bài tiếng Lào (lời 2 là tiếng Việt), nhưng là hát tự do, tùy hứng. Giờ có cả đống nhạc cụ thế kia thì gay. Đàn hát dễ gì mà khớp với nhau!

Hình như phong tục của bạn cũng như bên ta, gọi là “Tiền chủ, hậu khách”. Sau 2 tiết mục của các bạn Lào, người dẫn chương trình giới thiệu đích danh tôi. Bị “bỏ bom” bất ngờ, biết là không thể từ chối, tôi vui vẻ nhận micro từ MC và cố trấn tĩnh mình bằng mấy lời phi lô: “Tôi hát không hay, nhưng đáp lại thịnh tình của các đồng chí, tôi “liều” trình bày một nhạc phẩm của Lào, không nhớ của tác giả nào. Cũng không rõ ai là người dịch sang tiếng Việt. Chỉ biết rằng, căn cứ lời Việt của bài hát thì đây là một bản tình ca tuyệt vời, thể hiện nỗi lòng của một người trai Lào với một cô gái mà anh đắm đuối mê say. Bài hát có tên gọi CÔ GÁI XINH ĐẸP”.

Thật không ngờ, tôi mới hát sang câu thứ hai của phần tiếng Lào thì tất cả mọi người đứng lên và múa theo nhịp điệu của bài hát. Dứt 2 phần lời rồi mà không khí vẫn tưng bừng khích lệ khiến tôi phải điệp khúc thêm một lần nữa. Bài hát với lời Lào như sau: “Ê noọng ơi xầng má ngam the no/ Ngam the no chầng méng kho com boong/ boòng méng phi keng nhoong/ Cò á ngam y lì/ Ngam ý ni thế noọng ơi”. Lời Việt: “Ơi cô nàng ơi nàng chúa hoa sao mà xinh/ Đôi hàng mi nàng uốn cong nụ cười xinh/ Đẹp lắm thay cô nàng ơi/ nào phải đâu anh khen nhiều/ Xinh lắm thay cô nàng ơi/ Xinh lắm thay cô nàng ơi”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa trút xong một gánh nặng thì sự bất ngờ thử hai dội tới qua lời MC “nhiều khán giả khen đồng chí hát tiếng Lào chuẩn lắm, hay lắm, muốn được nghe đồng chí hát một bài nữa về Lào”. Pháo tay nổ như bắp rang, không thể từ chối, tôi trấn tĩnh mình, sẽ trình bày nhạc phẩm “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Song, một thoáng nghĩ suy, hôm trước được Phó Tổng cục trưởng Pét Xem Mỏm dẫn đi mấy trung tâm văn nghệ, đã được nghe một ca sĩ Lào thể hiện bài này rất hay, hẳn sẽ có nhiều bạn Lào biết. Với giọng “ca sĩ xóm” của mình, e rằng không ổn.

Ký ức xa thẳm vụt trở về… Lại đôi lời phi lộ về một bài hát của Lào mà tôi đã thuộc từ hơn 30 năm trước khi học ở Trường Pháo binh quân khu Tây Bắc, được thầy Nguyễn Chanh, phụ trách lớp tôi dạy cho. Tôi mới học thuộc được lời Lào, chờ thầy dịch sang lời Việt, đúng dịp bế giảng khóa học, tôi phải xa thầy, bởi thích tiết tấu của bài ca xứ bạn, nên những lúc một mình tôi vẫn thầm hát dẫu rằng không hiểu hết ngữ nghĩa của bài.

Bài hát có tên gọi “Tò tan” với nội dung: “Tò tan nhựt nhựa nhao nam/ Toóng phàn khom thó la man/ Thốn than lắm bạc nhạc khen/ Mần xén lắm khan háu bo thò thoi chày/ Pò Xu Pầy đua Chầy Kềng Ca/ Xây xá là toòng đay nề non/ Xây xá là toòng đay nề non/ Áu! Xây xá là toòng đay nề non”.

Tác giả nhận hoa từ cô gái Lào sau khi trình bày bài "Cô gái xinh đep".

Thứ trưởng Chiêng Xổm đứng dậy bắt tay tôi, đợt dứt tiếng pháo tay, ông hỏi lớn: “Các đồng chí Lào có mặt hôm nay, những ai biết bài hát này?”. Lặng yên giây lát, chỉ duy nhất một cánh tay giơ lên, tôi nhìn về phía đó, một bạn Lào tuổi bậc đàn anh của tôi, gương mặt xương xương với mái tóc “muối nhiều hơn tiêu”, thủ trưởng Chiêng Xổm khẽ reo lên: “A! Vậy là có một đồng chí biết bài hát này. Cũng đúng thôi! Đây là một bài ca năm cũ (tôi mượn lời Thứ trưởng Chiêng Xổm đặt tên cho bài viết của mình là vậy) từ thời kháng chiến chống Pháp. Lớp trẻ các đồng chí không biết đâu”.

Ông chỉ về phía người bạn vong niên của tôi: “Đồng chí cho các bạn Việt Nam biết ý nghĩa của bài hát” – “Bài này cũng như bài Kết đoàn của Việt Nam vậy”. Thứ trưởng Chiêng Xổm quay về phía tôi, hỏi nhỏ: “Tôi nghĩ thời kháng chiến chống Pháp đồng chí còn nhỏ tuổi, sao lại biết bài hát này” - “Thời đóng quân và học ở Tây Bắc tôi rất mong có ngày được sang chiến đấu bên Lào.

Tôi vốn là lính pháo binh (lựu pháo 105) thuộc Tiểu đoàn 10 – Lữ đoàn 335 đóng quân tại Thảo nguyên Châu Mộc. Tôi nhận quyết định đi học trong lúc nhiều đồng chí trong đơn vị được chọn đi chiến đấu trong chiến dịch Nậm Thà. Tiếc quá! Là lính trẻ, chả dám đề nghị cấp trên thay đổi quyết định. Tuổi trẻ chúng tôi thời đó là vậy. Nếu không xung trận thì chưa trọn vẹn đời lính! Đành an ủi mình, học xong sẽ nhanh chóng trở về đơn vị chiến đấu. Vì vậy, tranh thủ tạo ít vốn liếng tiếng Lào và một số bài hát Lào để thuận tiện khi tiếp xúc, giao lưu với các đồng chí và nhân dân Lào anh em”. Ông siết chặt tay tôi với cái nhìn trìu mến.

Chuyến đi đã trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với tôi bởi được chiêm ngưỡng nhiều danh thắng của đất nước Lào tươi đẹp; được đón nhận tình cảm nồng ấm thể hiện sự gắn bó keo sơn của lực lượng Công an hai nước Việt – Lào, để niềm mơ ước của tôi trên ba mươi năm mới trở thành hiện thực.

Hà Nội, Xuân Mậu Tuất 2018

Khổng Minh Dụ - Xuân 2018
.
.